Câu hỏi tự luận Lịch sử 10 chân trời sáng tạo Bài 15: Văn minh Văn Lang – Âu Lạc

Bộ câu hỏi tự luận Lịch sử 10 chân trời sáng tạo. Câu hỏi và bài tập tự luậnBài 15: Văn minh Văn Lang – Âu Lạc. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Lịch sử 10 chân trời sáng tạo.

BÀI 15: VĂN MINH văn lang- âu lạc (15 CÂU)

1. NHẬN BIẾT ( 7 CÂU)

Câu 1/Bài 15: Hãy nêu cơ sở điều kiện tự nhiên hình thành nền văn minh Văn Lang - Âu Lạc.

Trả lời:

- Cơ sở về điều kiện tự nhiên hình thành nền văn minh Văn Lang - Âu Lạc:

+ Vị trí địa lí (tiếp giáp với Trung Quốc, giáp biển) => thuận lợi giao lưu với các nền văn minh khác.

+ Sông ngòi: có nhiều sông lớn như sông Hồng, sông Mã, sông Cả,.. => bồi đắp nên những đồng bằng màu mỡ, phì nhiêu thuận lợi cư dân sinh sống thành các làng.

+ Khí hậu: nhiệt đới ẩm gió mùa (nóng, mưa nhiều) => thuận lợi để trồng trọt, chăn nuôi, đảm bảo nguồn thức ăn đa dạng.

+ Tài nguyên khoáng sản phong phú => là cơ sở để dân cư chế tác các loại công cụ sản xuất và đồ dùng sinh hoạt hằng ngày.

Câu 2/Bài 15: Hãy nêu cơ sở xã hội hình thành nền văn minh Văn Lang - Âu Lạc.

Trả lời:

- Cơ sở xã hội hình thành nền văn minh Văn Lang - Âu Lạc:

+ Việc sử dụng đồ kim loại vào sản xuất đã làm tăng năng suất lao động, của cải dư thừa nhiều, xuất hiện tư hữu và đưa đến sự phân hóa trong xã hội thành các tầng lớp: quý tộc, nông dân tự do, nô tì.

+ Sự gắn kết trong chống ngoại xâm, xây dựng công trình thủy lợi, khai hoang mở rộng địa bàn cư trú và quá trình giao lưu trao đổi sản phẩm đã hình thành mối liên kết giữa các cư dân Việt cổ.

Câu 3 /Bài 15: Hãy nêu thành tựu tiêu biểu về đời sống vật chất của cư dân nền văn minh Văn Lang - Âu Lạc.

Trả lời:

* Thành tựu về đời sống vật chất của cư dân nền văn minh Văn Lang - Âu Lạc:

- Lương thực, thực phẩm chủ yếu là: gạo nếp, gạo tẻ, rau củ, gia súc, gia cầm, các loại thủy sản,…

- Trang phục:

+ Ngày thường: nam đóng khố, nữ mặc áo váy, đi chân đất.

+ Lễ hội có thêm các đồ trang sức như vòng, nhẫn, khuyên tai, mũ gắn lông vũ,…

- Nhà ở phổ biến là kiểu nhà sàn (làm bằng tre, nứa, lá, gỗ,…)

- Phương tiện di chuyển trên sông: thuyền,bè.

Câu 4 /Bài 15: Hãy nêu thành tựu tiêu biểu về đời sống tinh thần của cư dân nền văn minh Văn Lang - Âu Lạc.

Trả lời:

* Thành tựu về đời sống tinh thần:

Nghệ thuật điêu khắc, luyện kim, làm gốm đạt trình độ thẩm mĩ và tư duy khá cao, phản ánh sinh động đời sống của người Việt cổ.

Âm nhạc, ca múa có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần cư dân. Có nhiều nhạc cụ: trống đồng, chiêng, cồng,…

- Tín ngưỡng dân gian:

+ Tín ngưỡng sùng bái tự nhiên;

+ Tín ngưỡng thờ tổ tiên, anh hùng thủ lĩnh;…

+ Thực hành lễ nghi nông nghiệp cầu mong mùa màng bội thu.

- Phong tục tập quán: ăn trầu, nhuộm răng, xăm mình,…

- Lễ hội: tổ chức đua thuyền, đấu vật, chọi trâu, lễ hội nông nghiệp,..

Câu 5 /Bài 15: Hãy nêu những thành tựu tiêu biểu về tổ chức xã hội, nhà nước của nền văn minh Văn Lang - Âu Lạc.

Trả lời:

* Tổ chức xã hội:

- Người Việt cổ quần tụ trong xóm làng (chiêng, chạ, mường, bản,...), gồm nhiều gia đình, dòng họ sinh sống trên cùng một khu vực.

- Cư dân đoàn kết đắp đê, trị thuỷ, khai hoang mở rộng địa bàn cư trú và canh tác.

* Tổ chức nhà nước:

- Thời Văn Lang:

+ Kinh đô đặt tại Phong Châu (Phú Thọ).

+ Đứng đầu nhà nước là Vua Hùng, giúp việc có các Lạc Hầu.

+ Cả nước chia làm 15 bộ do Lạc tướng cai quản.

+ Dưới bộ là các chiềng, chạ do Bồ chính phụ trách.

- Thời Âu Lạc:

+ Bộ máy nhà nước cơ bản giống với thời Văn Lang: đứng đầu nhà nước là An Dương Vương, giúp việc có các Lạc Hầu.

+ Các đơn vị hành chính địa phương không có nhiều thay đổi so với nước Văn Lang.

+ Nhà nước Âu Lạc đã có nhiều điểm tiến bộ hơn, như: lãnh thổ mở rộng hơn; có vũ khí tốt, thành Cổ Loa kiên cố.

Câu 6 /Bài 15: Hãy kể tên một số di chỉ, hiện vật khảo cổ tiêu biểu minh chứng cho sự tồn tại của nền văn minh Văn Lang - Âu Lạc.

Trả lời:

- Một số di chỉ minh chứng cho sự tồn tại của nền văn minh Văn Lang - Âu Lạc:

+ Di chỉ khảo cổ Văn hóa Đông Sơn.

+ Khu di tích Cổ Loa.

- Một số hiện vật minh chứng cho sự tồn tại của nền văn minh Văn Lang - Âu Lạc:

+ Trống đồng Ngọc Lũ (Hà Nam); Trống đồng Hoàng Hạ (Hà Nội);..

+ Những công cụ sản xuất - vũ khí: lưỡi cày đồng Đông Sơn; rìu gót vuông Đông Sơn; Mũi tên đồng Cổ Loa; dao găm…

+ Đồ dùng sinh hoạt: Muôi đồng Việt Khê (Hải Phòng); Muôi đồng làng Vạc (Nghệ An); âu đồng Trung Màu (Hà Nội); Thạp đồng Đào Thịnh (Yên Bái);…

Câu 7 /Bài 15: Hãy nêu những biểu hiện về sự kế thừa và phát triển của nước Âu Lạc so với nước Văn Lang.

Trả lời:

- Biểu hiện về sự kế thừa nhà nước Văn Lang: kế thừa về tổ chức bộ máy nhà nước.

+ Tổ chức nhà nước Âu Lạc cơ bản giống với nhà nước Văn Lang

+ Cụ thể: đứng đầu vẫn là An Dương Vương, giúp việc vẫn là các lạc hầu. Còn các đơn vị hành chính địa phương ko có thay đổi nhiều so với nhà nước Văn Lang.

- Về sự phát triển:

+ Lãnh thổ mở rộng hơn so với thời kì Văn Lang

+ Cư dân Âu Lạc biết chế tạo ra nỏ, xây dựng thành Cổ Loa.

2. THÔNG HIỂU ( 5 CÂU)

Câu 8/Bài 15: Hãy cho biết ý nghĩa, giá trị của nền văn minh Âu Lang- Âu Lạc trong lịch sử Việt Nam.

Trả lời:

Ý nghĩa, giá trị của nền văn minh Âu Lang- Âu Lạc trong lịch sử Việt Nam

- Văn minh lúa nước có trình độ phát triển cao.

- Hình thành cộng đồng làng xóm, nhà nước phôi thai.

- Xác lập lối sống mang đặc trưng Việt Nam.

- Đặt cơ sở vững chắc cho toàn bộ sự phát triển của quốc gia- dân tộc.

Câu 9 /Bài 15: Nêu nhận xét chung về đời sống vật chất và tinh thần của văn minh Văn Lang – Âu Lạc.

Trả lời:

+ Đời sống vật chất và tinh thần của cư dân Văn Lang – Âu Lạc phong phú, đặc sắc và phù hợp với điều kiện tự nhiên của nước ta.

+ Đời sống vật chất và tinh thần đó đã hoà quyện với nhau trong con người Lạc Việt, tạo nên tính cộng đồng sâu sắc.

Câu 10 /Bài 15: Các nền văn minh tiền Đông Sơn đã đóng góp như thế nào cho sự ra đời của nền văn minh Văn Lang – Âu Lạc?

Trả lời:

- Cách ngày nay khoảng 2800 năm, trên địa bàn Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ Việt Nam, cư dân Việt cổ đã bước vào thời kì phát triển rực rỡ với nền văn hóa Đông Sơn.

- Nền văn hóa Đông Sơn có vị trí rất quan trọng, là nền tảng vật chất đối với sự hình thành bản sắc văn hóa Việt cổ cùng như văn minh Đại Việt sau này.

- Nền văn hóa Đông Sơn cùng với các văn hóa đồng đại khu vực lân cận tồn tại trong mối quan hệ thống nhất trong sự đa dạng.

- Nền văn minh Văn Lang – Âu Lạc nằm trong giai đoạn văn hóa Đông Sơn đã phát triển trong thời đại kim khí được hình thành trên cơ sở tiếp nối các nền văn hóa tiền Đông Sơn.

Câu 11 /Bài 15: Em hãy nêu những nét đặc trưng về ẩm thực của người Việt cổ.

Trả lời:

- Người Việt cổ nấu nhiều món ăn phù hợp với khí hậu, sử dụng nhiều hương liệu, gia vị trong nấu ăn, biết làm đường, làm mật,…

- Gạo là lương thực chính, được nấu bằng nồi gốm, nồi đồng hoặc ống tre, ống nứa.

- Người Việt cổ còn làm nhiều loại bánh, độc đáo nhất là bánh chưng, bánh giầy nguyên liệu chủ yếu là sản phẩm nông nghiệp, chứa đựng ý nghĩa về thế giới quan, nhân sinh quan và thể hiện đạo lí của người Việt.

- Người Việt có tục uống nước chè, ăn trầu, nhuộm răng, xăm mình,…

Câu 12 /Bài 15: Tục thờ cúng Hùng Vương thể hiện tín ngưỡng gì của cư dân văn minh Văn Lang – Âu Lạc?

Trả lời:

- Tục thờ cúng Hùng Vương là một trong những truyền thống văn hóa của dân tộc vẫn còn lưu giữ đến ngày nay.

- Thực chất nó là tục thờ cúng tổ tiên, thờ cúng những người có công dựng nước và giữ nước. Thể hiện đạo lý truyền thống uống nước nhớ nguồn của cư dân người Việt.

3. VẬN DỤNG ( 2 CÂU)

Câu 13/Bài 15: Hoa văn trên trống đồng, thạp đồng phản ánh điều gì trong đời sống tinh thần của cư dân văn minh Văn Lang – Âu Lạc.

Trả lời:

- Trống đồng Đông Sơn ra đời trong thời kỳ nền nông nghiệp sơ khai, nhưng những nét hoa văn trên trống đồng lại cho thấy trình độ điêu luyện và đức tính cần cù của người Việt.

- Một số cảnh sinh hoạt nông nghiệp trong thời kì này có thể kể đến như nhà sàn, người đánh trống nhảy múa, chim bay, thuyền.

- Ngoài hình ảnh loài chim được xem là vật tổ thì hình tượng mặt trời được khắc chính giữa mặt trống cho thấy người Việt cổ thờ thần mặt trời và sùng bái thiên nhiên.

- Hình vẽ mô phỏng vũ công cho thấy đời sống văn hóa thời điểm này cũng rất sống động, các lễ hội được tổ chức theo chu kì.

Câu 14/Bài 15: Văn minh Văn Lang - Âu Lạc thuộc giai đoạn nào của lịch sử văn minh thế giới? Vì sao?

Trả lời:

Văn minh Âu Lạc được Thục Phán (thủ lĩnh bộ tộc Âu Việt) thành lập vào năm 258 TCN sau khi đánh bại vị vua Hùng cuối Cùng của nước Văn Lang, ông lên ngôi và lấy niên hiệu là An Dương Vương. Văn minh Văn Lang được hình thành vào khoảng năm 2879 TCN và kết thúc vào năm 258 TCN (tức là thế kỷ thứ VII TCN ) bởi An Dương Vương Thục Phán.

Vì nhà nước Văn Lang- nhà nước đầu tiên của Việt Nam ra đời, khi này người Việt cổ đã có xu hướng quần cư ở lưu vực sông lớn, đã biết trồng trọt chăn nuôi, phát triển nền nông nghiệp lúa nước. Với sự ra đời của nhà nước đã tạo nên cơ sở để hình thành nền văn minh của người Việt cổ.

4. VẬN DỤNG ( 1 CÂU)

Câu 15/Bài 15: Sưu tầm tư liệu để giới thiệu với thầy cô và bạn học về lễ hội Đền Hùng.

Trả lời:

Lễ hội Đền Hùng (Phú Thọ)

Hàng ngàn năm nay, Đền Hùng - nơi cội nguồn của dân tộc, của đất nước luôn là biểu tượng tôn kính, linh nghiêm quy tụ và gắn bó với dân tộc Việt Nam. Theo truyền thuyết thì Lạc Long Quân và Âu Cơ được xem như là Thủy Tổ người Việt, cha mẹ của các Vua Hùng.

Lễ hội Đền Hùng còn được gọi là ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương diễn ra vào ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm tại Đền Hùng, Việt Trì, Phú Thọ. Trước đó hàng tuần, lễ hội đã diễn ra với nhiều hoạt động văn hoá dân gian và kết thúc vào ngày 10 tháng 3 âm lịch với Lễ rước kiệu và dâng hương tại Đền Thượng.

Năm 2012, UNESCO công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.

Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng còn là dịp để giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, lòng biết ơn sâu sắc các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân kiên cường chống giặc ngoại xâm giữ nước, đồng thời còn là dịp quan trọng để chúng ta quảng bá ra thế giới về một Di sản vô cùng giá trị, độc đáo, đã tồn tại hàng nghìn năm, ăn sâu vào tâm hồn, tình cảm, trở thành đạo lý truyền thống của đồng bào cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài, là ngày để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta cùng nguyện một lòng mãi mãi khắc ghi lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước - Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

 

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận lịch sử 10 chân trời sáng tạo - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu môn khác

Tài liệu mới cập nhật

Chat hỗ trợ
Chat ngay