Câu hỏi tự luận ngữ văn 7 chân trời Bài 1: Văn bản đọc Mẹ
Bộ câu hỏi tự luận ngữ văn 7 chân trời sáng tạo. Câu hỏi và bài tập tự luận Bài 1: Văn bản đọc Mẹ. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học ngữ văn 7 chân trời sáng tạo.
Xem: => Giáo án ngữ văn 7 chân trời sáng tạo (bản word)
VĂN BẢN. MẸ (17 câu)1. NHẬN BIẾT (6 câu)
1. NHẬN BIẾT (6 câu)
Câu 1: Em hãy giới thiệu vài nét về tác giả.
Trả lời:
- Đỗ Trung Lai (7/4/1950-) tại xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây. Hiện ở Hà Nội. Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1991.
- Tốt nghiệp khoa Vật lý, Trường Đại học quốc gia Hà Nội, nhà thơ Đỗ Trung Lai từng làm giáo viên trường Văn hoá quân đội, phóng viên rồi Phó trưởng phòng báo Quân đội Nhân dân cuối tuần. Ngoài làm thơ, làm báo, Đỗ Trung Lai còn vẽ tranh, có phòng thơ, làm báo, Đỗ Trung Lai còn vẽ tranh, có phòng tranh riêng đã được Hội nghệ sĩ tạo hình Việt Nam trưng bày.
- Tác phẩm đã xuất bản:
+ Đêm sông Cầu (thơ, 1990)
+ Anh em và những người khác (thơ, 1990)
Câu 2: Văn bản được viết theo thể loại nào?
Trả lời:
Thơ bốn chữ
Câu 3: Xuất xứ của bài thơ là gì?
Trả lời:
In trong tập thơ Đêm sông Cầu, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2003)
Câu 4: Phương thức biểu đạt chính của bài thơ?
Trả lời:
Biểu cảm
Câu 5: Em hãy tóm tắt bài thơ bằng vài câu văn ngắn.
Trả lời:
Bài thơ là cảm xúc yêu thương, tiếc nuối của tác giả khi thấy mẹ ngày một già đi. Từ đó thấy được sự hiếu thảo, tình cảm biết ơn chân thành của người con đối với mẹ của mình.
Câu 6: Bố cục bài thơ?
Trả lời:
Chia bài thơ 2 đoạn:
- Đoạn 1: 3 khổ thơ đầu: Hình ảnh đối lập giữa mẹ và cây cau
- Đoạn 2: 2 khổ thơ cuối: Cảm xúc, tâm trạng của con khi nghĩ về mẹ.
2. THÔNG HIỂU (4 câu)
Câu 1: Hình ảnh nhân vật mẹ già xuất hiện như thế nào?
Trả lời:
- Hình ảnh người mẹ được đối chiếu với hình ảnh cây cau.
+ Hình ảnh quen thuộc, người mẹ Việt Nam xưa thường được ví von so sánh với cây + Hình ảnh mẹ và cây cau được đặt cạnh nhanh cho thấy sự đối lập tương phản và nỗi xót xa của người con khi mẹ ngày càng già yếu.
+ Khi con còn bé: bổ cau làm tư.
+ Hiện tại: Cau bổ tám mẹ còn ngại to.
Câu 2: Tác giả mượn hình ảnh gì để khắc họa người mẹ.
Trả lời:
Tác giả mượn hình ảnh nhai trầu quen thuộc để khắc họa người mẹ. Miếng trầu bổ nhỏ gợi ra tuổi già móm mém của mẹ.
Câu 3: Tìm và phân tích tình cảm của người con dành cho người mẹ
Trả lời:
- Nỗi buồn, xót xa của người con trước tuổi già của mẹ.
→ Vào tuổi xế chiếu, bao lo toan vất vả của cuộc đời đã rút cạn sức lực của mẹ.
- Tình cảm của người con:
+ Nâng: sự trân trọng, nâng niu miếng trầu - hình ảnh tượng trưng cho mẹ.
+ Cầm: tình cảm dồn nén, chứa đựng bao xót xa, tình cảm của con dành cho mẹ
→ Qua hình ảnh miếng cau khô, ta cảm nhận được nỗi niềm của con dành cho mẹ. Con thấu hiểu những khó nhọc, cay đắng của đời mẹ, trân trọng những hi sinh mẹ đã dành cho con nhưng không khỏi đau đớn trước những vất vả của mẹ.
Câu 4: Câu hỏi nghi vấn “Sao mẹ ta già?” có tác dụng gì?
Trả lời:
Sự xót xa, con tự vấn trời đất cũng là tự vấn bản thân mình: Sao mẹ ta già?
→ Câu hỏi tu từ thể hiện sự vô vọng, sự bất lực của người con không thể níu kéo thời gian chậm lại, níu kéo mẹ ở lại mãi mãi bên con. "Mây bay về xa" như mái tóc mẹ hòa vào mây trắng. Lời thơ mở ra dư âm nghẹn ngào, nỗi xúc động dưng dưng.
3. VẬN DỤNG CAO (4 câu)
Câu 1: Trong số những hình ảnh được tác giả dùng để khắc họa hình tượng người mẹ, em thích nhất hình ảnh nào? Tại sao?
Trả lời:
Trong số những hình ảnh được tác giả dùng để khắc họa hình tượng người mẹ, em thích nhất hình ảnh "Mẹ - đầu bạc trắng". Tại vì nó gợi cho em nhớ đến hình ảnh những bà tiên hiền lành trong các câu chuyện cổ tích luôn luôn giúp đỡ những người yếu thế. Mẹ - cũng chính là bà tiên đáng quý, đáng yêu trong chuyện cổ tích.
Câu 2: Đọc khổ thơ:
"Ngày con còn bé
Cau mẹ bổ tư
Giờ cau bổ tám
Mẹ còn ngại to!"
Em hiểu khổ thơ này như thế nào? Ý nghĩa hàm ẩn mà tác giả muốn nói tới ở đây là gì?
Trả lời:
Khổ thơ nói lên nỗi vất vả nhọc nhằn của mẹ. Mẹ luôn dành những điều tốt đẹp nhất cho đứa con của mình.
Đoạn thơ sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh giản dị mà cô đọng cảm xúc. Bài thơ đã thể hiện những tình cảm yêu quý dành cho mẹ và tâm trạng buồn, day dứt của người con khi mẹ ngày càng già và đến gần hơn với sự chia lìa cõi sống.
Câu 3: Nêu giá trị nội dung của tác phẩm.
Trả lời:
Bài thơ Mẹ đã thể hiện tình cảm, cảm xúc yêu quý, kính trọng mẹ của người con. Bài thơ bộc lộ nhiều cung bậc cảm xúc: Yêu thương, xót xa, ngậm ngùi trước tuổi già của mẹ; trách giận thời gian. Hình ảnh mẹ trong bài thơ hiện lên hật gần gũi, thân thương. Qua bài thơ tác giả đã gửi gắm thông điệp rằng mỗi chúng ta hãy trân trọng giây phút bên cạnh mẹ của mình, thể hiện tình cảm yêu thương thông qua các hành động và lời nói với mẹ mình.
Câu 4: Nêu giá trị nghệ thuật đặc sắc của tác phẩm
Trả lời:
- Bài thơ có những từ ngữ đặc sắc như: Câu gần với giời - Mẹ thì gần đất, một miếng cau khô - Khô gầy như mẹ, Mây bay về xa...
- Các biện pháp nghệ thuật đặc sắc được sử dụng trong bài thơ là: So sánh, hoán dụ, nói giảm nói tránh, câu hỏi tu từ.
- Tác dụng của chúng là: Nhằm tăng sức gợi cảm, gợi hình cho diễn đạt, tạo ấn tượng với người đọc về cảm xúc, hình ảnh trong tác phẩm.
4. VẬN DỤNG CAO (3 câu)
Câu 1: Em hãy chỉ ra những cặp từ đối lập xuất hiện trong bài thơ. Việc sử dụng các hình ảnh đối lập có tác dụng như thế nào trong việc khắc họa hình ảnh người mẹ.
Trả lời:
Những hình ảnh đối lập như “Lưng mẹ còng rồi – Cau thì vẫn thẳng”, “Cau – Ngọn xanh rờn, Mẹ - đầu bạc trắng”: gợi ra sự liên tưởng về tuổi già khiến lòng người con quặn thắt khi “Cau gần với trời – Mẹ thì gần đất”.
Câu 2: Em hãy phân tích mạch cảm xúc xuyên suốt bài thơ của tác giả khi nói về người mẹ của mình.
Trả lời:
“Mẹ” của Đỗ Trung Lai là một tác phẩm đem đến nhiều cảm xúc cho người đọc. Bài thơ là lời của người con bộc lộ nỗi xót xa, thương cảm khi thấy mẹ ngày một già đi. Cuộc đời của mẹ từng trải qua biết bao nỗi vất vả, nhọc nhằn. Tác giả đã mượn hình ảnh cây cau để nói về mẹ. Sự đối lập giữa mẹ và cau: “Lưng mẹ còng rồi - Cau thì vẫn thẳng” và “Cau - ngọn xanh rờn, Mẹ - đầu bạc trắng”, “Cau gần với giời - Mẹ thì gần đất” đã tạo ra một ám ảnh cho tiếng thơ tiếng lòng quặn bao nỗi thắt. Đặc biệt, hình ảnh “Một miếng cau khô - Khô gầy như mẹ” càng làm nổi bật sự giàu nua, héo hon của người mẹ. Điều đó khiến cho “Con nâng trên tay - Không cầm được lệ”. Hai chữ “nâng” và “cầm” đều chỉ động thái của tình cảm. Nếu “nâng” trang trọng kính trọng biết bao thì “cầm” lại nén bao đắng cay bấy nhiêu. Từng cặp biểu cảm được song hành tạo ra bao chất chứa, lời ít mà vọng xa. Chính đây cũng là sự vận động cảm xúc để cuối bài nhân vật trữ tình đã tự hỏi: “Ngẩng hỏi giời vậy - Sao mẹ ta già?”. Câu hỏi tu từ không nhận được lời đáp, để lại sự cô đơn, trống vắng. Không ai trả lời được vì sao mẹ già, cũng không ai ngăn được guồng quay của thời gian tàn nhẫn. Hình ảnh “mây bay về xa” cũng giống như mái tóc mẹ bạc hòa cùng với mây trắng trên cao thể hiện một niềm xót xa, tiếc nuối. Bài thơ thật cảm động, bộc lộ nỗi xót xa thưởng cảm của người con trước hình ảnh già nua của mẹ theo năm tháng.
Câu 3: Phân tích tác phẩm Mẹ
Trả lời:
“Mẹ ơi con đã già rồi con ngồi nhớ mẹ khóc như trẻ con
Mẹ ơi con đã già rồi con ngồi ngớ ngẩn nhớ ngôi nhà xưa
...
Mẹ ơi thế giới mênh mông, mênh mông không bằng nhà mình
Dù cho phú quý vinh quang, vinh quang không bằng có mẹ.”
Đây là những câu hát trong bài hát Mẹ tôi của nhạc sĩ Trần Tiến mà trong số chúng ta chắc hẳn có nhiều người đã từng được nghe. Chủ đề về Mẹ luôn là nguồn cảm hứng sáng tác bất tận cho thơ ca như vậy. Bởi vì mẹ là người sinh ra chúng ta, cho chúng ta được cảm nhận thế giới và yêu chúng ta vô điều kiện. Có rất nhiều bài thơ viết về mẹ, trong số đó không thể không nhắc đến bài thơ “Mẹ” của tác giả Đỗ Trung Lai được in trong tập Đêm sông Cầu, nhà xuất bản Quân đội nhân dân năm 2003. Bài thơ là niềm đau xót khôn nguôi của một người con khi tận mắt chứng kiến mẹ mình ngày một già yếu và không còn khỏe mạnh như trước.
Tác giả Đỗ Trung Lai không chọn một tên thật hoa mỹ để đặt cho bài thơ, mà chỉ dùng một từ “Mẹ”, có lẽ bởi vì khi viết về mẹ, từ ngữ dù hay như thế nào cũng không thể diễn tả được hết vẻ đẹp của người, chỉ một từ mẹ linh thiêng cũng đã đủ để nói lên tất cả những khó nhọc và tình yêu thương không bao giờ cạn của người phụ nữ đã sinh ra và nuôi lớn chúng ta. Hình ảnh về mẹ đã được tái hiện chân thật nhất qua hai khổ đầu của bài thơ:
“ Lưng mẹ còng rồi
Cau thì vẫn thẳng
Cau-ngọn xanh rờn
Mẹ-đầu bạc trắng
Cau ngày càng cao
Mẹ ngày một thấp
Cau gần với giời
Mẹ thì gần đất!”
Từ xa xưa đến nay, trong truyền thống văn hóa của người Việt, hình ảnh cây cau luôn giữ một vị trí đặc biệt quan trọng, mọi ngày lễ trọng đại đều không thể nào thiếu miếng trầu, quả cau như ngày cưới, ngày giỗ, ngày tết. Nhà thơ Đỗ Trung Lai đã chọn loại cây có ý nghĩa đặc biệt nhưng cũng không kém phần thân thuộc với làng quê Việt Nam như vậy để so sánh với mẹ, bởi vì mẹ cũng như cây cau, có vị trí đặc biệt không gì có thể thay đổi trong lòng con và không ai có thể thân thiết với con hơn mẹ. Tuy có bản chất giống nhau là vậy, nhưng theo thời gian, dường như cây cau và mẹ lại trở nên khác biệt với nhau. Vì lưng mẹ do tuổi già mà ngày một còng đi, còn cau lại “vẫn thẳng”, cau có ngọn “xanh rờn”, như đang ngày một phát triển hơn, mẹ lại “đầu bạc trắng”, biểu hiện của sự lão hóa. Nếu như cau ngày một cao, tràn trề nhựa sống mẹ ngược lại, “ngày một thấp”. Cau cao lớn đến nỗi “gần với trời”, mẹ thì “gần đất”, ở đây, tác giả đã dùng biện pháp nói giảm, nói tránh để chỉ việc mẹ sắp rời xa thế giới này, nghe thật chua xót. Bằng cách sử dụng biện pháp tương phản đối lập cho hai khổ thơ đầu, nhà thơ Đỗ Trung Lai đã mang tới cho người đọc bức tranh về hình ảnh người mẹ chân thật nhất, mẹ tuy vĩ đại đối với con, nhưng suy cho cùng cũng không ai thắng nổi thời gian, người con phải chấp nhận sự thật cay đắng rằng mẹ đang ngày một già yếu, gần đất, xa trời.
Sau khi tận mắt chứng kiến người mẹ yêu quý của mình đang ngày một rời xa mình, người con đã có những cảm xúc thật đau lòng:
“Ngày con còn bé
Cau mẹ bổ tư
Giờ cau bổ tám
Mẹ còn ngại to!
Một miếng cau khô
Khô gầy như mẹ
Con nâng trên tay
Không cầm được lệ
Ngẩng hỏi giời vậy
-Sao mẹ ta già?
Không một lời đáp
Mây bay về xa.”
Tại sao lúc nhân vật con nhỏ cau mẹ chỉ cần “bổ tư”, còn giờ “cau bổ tám” mẹ vẫn ngại to? Câu trả lời thật buồn thay, đó là vì giờ mẹ đã già, trở nên móm mém nên không thể dùng những miếng to nữa mà chỉ có thể ăn những miếng bé, cau hay thậm chí thức ăn cũng như vậy. Rồi tác giả lại ví miếng cau khô, “khô gầy như mẹ”, làm nổi bật lên thật rõ nét dáng người khi về già của mẹ, trở thành một người gầy gò, héo mòn vì cả cuộc đời vất vả vì con cái. Có lẽ chính vì vậy mà tác giả đã nâng miếng cau trên tay, không cầm nổi nước mắt vì nhớ tới mẹ mình. Ở đây, nhà thơ Đỗ Trung Lai không dùng từ cầm hay nắm... cho hành động của người con với miếng cau mà lại dùng từ nâng, có ý nghĩa trân trọng, nâng niu và nhẹ nhàng, bởi nhìn miếng cau, người con thấy được hình ảnh mẹ mình ở đó. Khổ thơ cuối cùng, với câu hỏi tu từ “Ngẩng hỏi giời vậy – Sao mẹ ta già?” cho thấy được sự bất lực của người con, muốn giữ mẹ lại ở bên mình, nhưng không thể nên đành hỏi trời cao dù biết trời cao luôn luôn “Không một lời đáp”. Kết lại bài thơ là hình ảnh “Mây bay về xa”, cũng giống như mây, một ngày nào đó , dù không muốn người con cũng phải chứng kiến mẹ mình hòa vào những áng mây trên trời, bay về xa mãi, không còn bên cạnh mình nữa.
- Bài thơ “Mẹ” của tác giả Đỗ Trung Lai với câu từ thật đơn giản nhưng đã chạm được tới trái tim người đọc. Bài thơ đã mang tới những hình ảnh chân thật nhất về người mẹ khi già, cũng như khắc họa thành công tâm trạng đau buồn, bất lực của người con khi chứng kiến người mẹ yêu dấu đang ngày một xa rời mình. Qua bài thơ, tác giả như muốn nhắn nhủ tới người đọc phải biết yêu thương, kính trọng với mẹ của mình khi còn có thể, như câu hát “Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc, đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không?”.
=> Giáo án ngữ văn 7 chân trời tiết: Văn bản 4. Mẹ