Câu hỏi tự luận ngữ văn 7 chân trời Bài 1: Văn bản đọc Người đàn ông cô độc giữa rừng

Bộ câu hỏi tự luận ngữ văn 7 chân trời sáng tạo. Câu hỏi và bài tập tự luận Bài 1: Văn bản đọc Người đàn ông cô độc giữa rừng. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học ngữ văn 7 chân trời sáng tạo.

VĂN BẢN. NGƯỜI ĐÀN ÔNG CÔ ĐỘC GIỮA RỪNG

(18 câu)

1.     NHẬN BIẾT (7 câu)

Câu 1: Em hãy giới thiệu vài nét về tác giả Đoàn Giỏi.

Trả lời:

- Đoàn Giỏi (17 tháng 5 năm 1925 - 2 tháng 4 năm 1989), là một nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1957. Ông có những bút danh khác như: Nguyễn Hoài, Nguyễn Phú Lễ, Huyền Tư.

- Đoàn Giỏi sinh ở quê tại xã Tân Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (ngày nay là thị trấn Tân Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang).

- Tác phẩm tiêu biểu:

+ Truyện dài

Đường về gia hương (1948)

Cá bống mú (1956)

Đất rừng phương Nam (1957)

Cuộc truy tầm kho vũ khí (1962)

+ Truyện ngắn

Hoa hướng dương (1960)

+ Truyện ký

Ngọn tầm vông (1956)

Câu 2: Tác phẩm thuộc thể loại gì?

Trả lời:

Tiểu thuyết

Câu 3: Nêu xuất xứ, hoàn cảnh sáng tác của tác phẩm.

Trả lời:

- Đất rừng phương Nam là tiểu thuyết của nhà văn Đoàn Giỏi viết về cuộc đời phiêu bạt của cậu bé tên An. Bối cảnh của tiểu thuyết là miền Tây Nam Bộ, Việt Nam vào những năm 1945, sau khi thực dân Pháp quay trở lại xâm chiếm Nam Bộ.

- Cuốn tiểu thuyết gồm 20 chương

- Năm 1997 Tiểu thuyết Đất rừng phương Nam được chuyển thể thành phim Đất phương Nam do Hãng phim Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh sản xuất

- Đoạn trích thuộc chương 10: Trong lều người đàn ông cô độc giữa rừng. Kể về chuyến đi thăm chú Võ Tòng của An và tía nuôi.

Câu 4: Văn bản được viết theo phương thức biểu nào?

Trả lời:

Tự sự, miêu tả

Câu 5: Ngôi kể của tác phẩm?

Trả lời:

Kết hợp ngôi thứ nhất và ngôi thứ 3

Câu 6: Em hãy  tóm tắt tác phẩm bằng một vài câu văn.

Trả lời:

Câu chuyện kể lại chuyến đi thăm chú Võ Tòng của cậu bé An và tía nuôi. Tại đây An đã được gặp chú Võ Tòng, hiểu được phần nào về con người lương thiện, chất phác và mạnh mẽ của chú.

Câu 7: Văn bản được chia làm mấy phần và nội dung chính mỗi phần là gì?
Trả lời:

+ Phần 1: Từ đầu đến “thời kì loài người mới tìm ra lửa vậy” : An và tía nuôi đến thăm chú Võ Tòng tại căn lều nhỏ giữa rừng U Minh.

+ Phần 2: Tiếp theo đến “nói một cách chắc chắn như vậy”: Câu chuyện về cuộc đời bất hạnh và phẩm chất đáng quý của chú Võ Tòng

+ Phần 3: Tiếp theo đến “ít khi đau mồm và đau dạ dày lắm!”: Chú Võ Tòng làm mũi tên tẩm thuốc cho tía nuôi của An.

+ Phần 4: Còn lại: Hai cha con tạm biệt chú Võ Tòng và hẹn ngày gặp lại.

2.     THÔNG HIỂU (4 câu)

Câu 1:  Nội dung chính của văn bản Người đàn ông cô độc giữa rừng?

Trả lời:

Câu chuyện kể về chuyến đi thăm chú Võ Tòng của cậu bé An và tía nuôi. Qua cuộc gặp gỡ ngắn ngủi đó, người đọc hiểu được phần nào về con người lương thiện, chất phác và mạnh mẽ của chú. Qua đó thấy được tính cách, tinh thần kiên cường dũng cảm của những con người trong thời kì đất nước bị xâm chiếm.

Câu 2: Tiếng "cười lớn" của Võ Tòng xuất hiện mấy lần trong văn bản? Tiếng cười đó gợi cho em những suy nghĩ gì?

Trả lời:

- Tiếng “cười lớn” của Võ Tòng xuất hiện một lần:  “Chú nuôi đầy rừng, muốn con cỡ nào chú bắt cho đúng con cỡ ấy!”, Chú Võ Tòng vẫy vẫy tay, cười lớn một thôi dài.

=> Đó là tiếng cười vui vẻ xuất phát từ đáy lòng người đàn ông số khổ.

Câu 3: Hình ảnh và tiếng kêu của con vượn bạc má xuất hiện nhiều lần trong văn bản có ý nghĩa như thế nào?

Trả lời:

  • Tiếng kêu của con vượn bạc má: "ché...ét, ché...ét"
  • Hình ảnh của con vượn bạc má: Con vượn bạc má ngồi vắt vẻo trên một thanh xà ngang, nhe răng dọa tôi.

=> Tiếng kêu và hình ảnh của vượn bạc má tạo nên cảm giác về một bối cảnh hoang vắng rợn ngợp.

Câu 4: Ngoại hình nhân vật Tòng hiện lên như thế nào?

Trả lời:

  Cởi trần, mặc chiếc quần kaki còn mới nhưng coi bộ đã lâu không giặt (chiếc quần lính Pháp có những sáu túi. Bên hông chú đeo lủng lẳng một lưỡi lê, nằm gọn trong vỏ sắt.

→ Ngoại hình mạnh mẽ, phóng khoáng,...

3.     VẬN DỤNG (4 câu)

Câu 1: Tìm chi tiết gọi lên màu sắc Nam Bộ được hiện lên trong văn bản

Trả lời:

* Ngôn ngữ

- Sử dụng các từ ngữ địa phương đặc trưng của miền đất Nam Bộ

“Nhai bậy, chú em, anh Hai, khám, nong, bả”

* Tính cách con người

- Tía nuôi An (ông Hai): Gan dạ, dũng cảm, đi xin nỏ tẩm thuốc để chiến đấu với giặc.

- Má nuôi An: tính cách được thể hiện qua lời kể của tía “Đàn bà nhà tôi còn mê tín, tin có Trời, có Phật. Nhưng về cái gan dạ thì... chú cứ tin lời tôi, bả không thua anh em ta một bước nào đâu”

→ Những con người với phẩm chất gan dạ, phóng khoảng, giản dị đại diện cho những người dân Nam Bộ.

Câu 2: Chi tiết "bếp lửa cháy riu riu" trở đi trở lại trong văn bản có ý nghĩa gì?

(1) Tôi bước qua mấy bậc gỗ trơn tuột và dừng lại chỗ cửa. Con vượn bạc má ngồi vắt bẻo trên một thanh xà ngang, nhe nanh dọa tôi. Tía nuôi tôi và chú Võ Tòng ngồi trên hai gộc cây. Trước mặt hai người, chỗ giữa lều có đặt một cái bếp cà ràng lửa cháy riu riu, trên cà ràng bắc một chiếc nồi đất đậy vung kín mít.

(2) Trong giọng nói bỡn cợt của chú Võ Tòng có pha đượm một nỗi buồn chua chát, khiến tôi vừa ngồi nghe vừa nhìn bếp lửa cháy riu riu mà không khỏi bùi ngùi.

Trả lời:

- Tái hiện chân thực hoàn cảnh sống của Võ Tòng khi ở trong rừng nói riêng và nét sinh hoạt của người dân Nam Bộ thời bất giờ nói chung.

- Gợi lên không gian ấm cúng của cuộc gặp gỡ.

- Thể hiện sự gần gũi, thân mật giữa các nhân vật trong truyện.

- Là sợi dây kết nối với các sự việc trong câu chuyện: Cuộc trò chuyện bên bếp lửa -> Võ Tòng đun nồi thuốc độc tẩm vào các mũi tên -> Võ Tòng trao mũi tên cho tía nuôi của chú bé An.

Câu 3: Trong văn bản "Người đàn ông cô độc giữa rừng", cách cư xử của Võ Tòng với chú bé An, tía nuôi của An hé mở nét đẹp gì ở con người Nam Bộ

Trả lời:

Trong văn bản "Người đàn ông cô độc giữa rừng", cách cư xử của Võ Tòng với chú bé An, tía nuôi của An hé mở nét đẹp hiếu khách, bộc trực, thẳng thắn, giàu nghĩa khí của con người Nam Bộ.

Câu 4: Giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của văn bản Người đàn ông cô độc giữa rừng?

Trả lời:

Giá trị nội dung:

Câu chuyện kể về cuộc gặp gỡ của tía con An với chú Võ Tòng, một người đàn ông cô độc giữa rừng. Tuy cuộc gặp gỡ ngắn ngủi nhưng người đọc vẫn thấy được tính cách, tinh thần kiên cường dũng cảm của những con người trong thời kì đất nước bị xâm chiếm.

Giá trị nghệ thuật:

- Truyện có sự chuyển đổi ngôi kể linh hoạt.

- Ngôn ngữ, phong cảnh, tính cách con người... mang đậm màu sắc Nam Bộ.

4.     VẬN DỤNG CAO (3 câu)

Câu 1: Em hãy lí giải vì sao Võ Tòng cho rằng những mũi tên độc mà lọt vào tay một người hèn nhát thì "nó sẽ gây nhiều tác hại?"

Khi trao chiếc nỏ và ống tên tẩm thuốc cho tía nuôi An, Võ Tòng đã nói: "Cứ tình hình này  thì chúng nó sẽ mò tới đây thôi. Tôi quý anh Hai là bậc can trường, nên mới dám chọn mặt gửi vàng. Chứ những mũi tên độc này mà lọt vào tay một người hèn nhát, thì nó sẽ gây nhiều tác tại đấy."

Trả lời:

Theo em, Võ Tòng cho rằng những mũi tên độc mà lọt vào tay một người hèn nhát thì "nó sẽ gây nhiều tác hại" vì "người hèn nhát" mà Võ Tòng muốn nói tới ở đây là những người cậy quyền thế mà áp bức người dân lương thiện (địa chủ, cường hào....) hay chỉ những tên lính Pháp. Bởi họ không có tình thương đồng loại nên sẵn sàng dùng vũ khí để đàn áp nhân dân.

Câu 2: Phân tích tác phẩm Người đàn ông cô độc giữa rừng

Trả lời:

Đoàn Giỏi là một nhà văn thường viết về thiên nhiên, con người Nam Bộ. Một trong những tác phẩm tiêu biểu của ông phải kể đến tiểu thuyết Đất rừng phương Nam. Văn bản “Người đàn ông cô độc giữa rừng” trích trong cuốn tiểu thuyết này.

Đất rừng phương Nam là tiểu thuyết của nhà văn Đoàn Giỏi viết về cuộc đời của cậu bé An. Bối cảnh của tiểu thuyết là miền Tây Nam Bộ, Việt Nam vào những năm 1945, sau khi thực dân Pháp quay trở lại xâm chiếm Nam Bộ. Đoạn trích “Người đàn ông cô độc giữa rừng” kể về việc cậu bé An theo tía nuôi đến thăm Võ Tòng. Không ai biết tên tuổi, lai lịch của Võ Tòng. Chỉ biết rằng mười mấy năm về trước, một mình chú bơi xuồng đến che lều ở nơi rừng hoang nhiều thú này và từng đánh bại một con hổ. Một lần, Võ Tòng bị tên địa chủ vu oan cho tội ăn trộm. Chú một mực cãi lại, bị tên địa chủ đánh. Chú vô tình chém bị thương tên địa chú, nhưng không trốn chạy mà đường hoàng đến chịu tội. Khi trở về thì nghe tin vợ đã lấy tên địa chủ kia, còn đứa con trai độc nhất thì đã chết, Võ Tòng liền bỏ làng đi. Ở cuối đoạn trích, Võ Tòng đã đưa cho tía nuôi An những mũi tên tẩm độc để phòng thân cũng là để giết chết kẻ thù.

Về nội dung, “Người đàn ông cô độc giữa rừng” đã khắc họa vô cùng chân thực khung cảnh núi rừng rộng lớn, hoang sơ. Cùng với đó, nhân vật Võ Tòng là nhân vật trung tâm đã đại diện cho tính cách tiêu biểu của con người Nam Bộ hồn hậu, chất phác và trọng nghĩa tình. Về nghệ thuật, nhà văn đã miêu tả thành công nhân vật Võ Tòng bằng cách sử dụng sử dụng ngôi kể một cách linh hoạt (ngôi kể thứ nhất - cậu bé an, ngôi kể thứ ba). Cách kể này cho người đọc một cái nhìn đa chiều về Võ Tòng. Trong mắt cậu bé An, chú Võ Tòng là người cởi mở, phóng khoáng, vui tính. Trong mắt người kể chuyện và người dân, Võ Tòng là một người gan dạ, có phần ngang tàng, liều lĩnh nhưng vô cùng tốt bụng và đáng quý. Tác giả sử dụng ngôn ngữ mộc mạc, giản dị và mang đậm màu sắc Nam Bộ.

Với đoạn trích “Người đàn ông cô độc giữa rừng”, tác giả đã ca ngợi nhân vật Võ Tòng với phẩm chất hiền lành, chất phác nhưng vô cùng mạnh mẽ - đại diện cho phẩm chất của con người Nam Bộ, cùng với đó là vẻ đẹp của thiên nhiên núi rừng Nam Bộ hiện lên đầy chân thực, sống động.

Câu 3: Viết một đoạn văn (khoảng 6-8 câu) nêu lên những nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của văn bản Người đàn ông cô độc giữa rừng

Trả lời:

Người đàn ông cô độc giữa rừng là một đoạn trích tiêu biểu cho màu sắc thiên nhiên và con người Nam Bộ. Chỉ bằng một cuộc chuyện trò nho nhỏ và qua hình ảnh nhân vật tiêu biểu là chú Võ Tòng, nhà văn Đoàn Giỏi đã khắc họa rõ nét hình tượng con người Nam Bộ hồn hậu chất phác, thật thà hồn nhiên. Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật đặc sắc đi với việc sử dụng ngôi kể linh hoạt khiến câu chuyện thêm khách quan, gần gũi với người đọc. Thiên nhiên qua ngòi bút miêu tả chân thực của nhà văn cũng hiện lên xanh tươi đậm chất sông nước miền Nam khiến người đọc không khỏi yêu mến, nhớ nhung.

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận ngữ văn 7 chân trời sáng tạo - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu môn khác

Tài liệu mới cập nhật

Chat hỗ trợ
Chat ngay