Nội dung chính Lịch sử 12 kết nối Bài 4: Sự ra đời và phát triển của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)
Hệ thống kiến thức trọng tâm Bài 4: Sự ra đời và phát triển của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sách Lịch sử 12 kết nối tri thức. Với các ý rõ ràng, nội dung mạch lạc, đi thẳng vào vấn đề, hi vọng người đọc sẽ nắm trọn kiến thức trong thời gian rất ngắn. Nội dung chính được tóm tắt ngắn gọn sẽ giúp thầy cô ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh. Bộ tài liệu có file tải về. Mời thầy cô kéo xuống tham khảo.
Xem: => Giáo án lịch sử 12 kết nối tri thức
BÀI 4: SỰ RA ĐỜI VÀ PHÁT TRIỂN CỦA HIỆP HỘI QUỐC GIA ĐÔNG NAM Á
1. Quá trình hình thành và mục đích thành lập của tổ chức ASEAN
1.1. Quá trình hình thành tổ chức ASEAN
- Bối cảnh: ASEAN ra đời trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều chuyển biến
quan trọng:
+ Trên thế giới: Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, xu hướng khu vực hoá bắt đầu xuất hiện và ngày càng trở nên phổ biến. Nhiều tổ chức khu vực được hình thành ở các châu lục và đã đạt được những thành công trong hợp tác khu vực như: Tổ chức các nước Trung Mỹ (OCAS, 1951), Khối thị trường chung châu Âu (EEC, 1957), Tổ chức Thống nhất châu Phi (OAU, 1963), ... Những tổ chức đó là nguồn cổ vũ lớn đối với các nước Đông Nam Á.
+ Trong khu vực: Các nước có nhu cầu hợp tác với nhau để cùng phát triển kinh tế, xã hội, đồng thời tạo ra sức mạnh tập thể trong việc ứng phó với sự tranh giành ảnh hưởng giữa các nước lớn đối với khu vực trong bối cảnh Chiến tranh lạnh. Đầu những năm 60 của thế kỉ XX, một số tổ chức khu vực được thành lập nhưng chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, do những bất đồng trong quan hệ song phương giữa một số nước thành viên.
- Các nước Đông Nam Á ngày càng nhận thức rõ về sự cần thiết của việc hợp tác khu vực. Ngày 8 - 8 - 1967, Ngoại trưởng năm nước: In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Phi-líp-pin, Xin-ga-po và Thái Lan đã thông qua Tuyên bố ASEAN (còn gọi là Tuyên bố Băng Cốc), chính thức thành lập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
1.2. Mục đích thành lập
ASEAN được thành lập nhằm mục đích chính là tăng cường hợp tác kinh tế, văn hoá, xã hội, tạo điều kiện cho các nước thành viên phát triển và hội nhập với khu vực, thế giới; phấn đấu để Đông Nam Á trở thành khu vực hoà bình, tự do, thịnh vượng và ASEAN trở thành tổ chức bao gồm tất cả các quốc gia Đông Nam Á.
2. Tìm hiểu về hành trình phát triển ASEAN
2.1. Từ ASEAN 5 đến ASEAN 10
- Năm 1967: gồm 5 thành viên (Thái Lan, Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a, Xin-ga-po, Phi-líp-pin).
- Năm 1984: gồm 6 thành viên, kết nạp thêm Bru-nây.
- Năm 1995: gồm 7 thành viên, kết nạp thêm Việt Nam.
- Năm 1997: gồm 9 thành viên, kết nạp thêm Lào và Mi-an-ma.
- Năm 1999: gồm 10 thành viên, kết nạp thêm Cam-pu-chia.
Quá trình mở rộng ASEAN có sự tham gia của 10 quốc gia với sự đa dạng về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hoá phù hợp với mong muốn, lợi ích của mỗi thành viên, cũng như đảm bảo cho nền hoà bình, ổn định của cả khu vực. ASEAN 10 sẽ tạo cơ sở cho các hoạt động của ASEAN sau này, đồng thời nâng cao vị thế của Hiệp hội trên trường quốc tế.
2.2. Các giai đoạn phát triển chính của ASEAN ( từ năm 1976 đến nay)
- Giai đoạn 1967 - 1976: Giai đoạn khởi đầu, xây dựng nền móng ban đầu, tạo tiền
đề cho sự hợp tác ASEAN, tập trung vào hợp tác chính trị - an ninh “xây dựng lòng tin và học cách hoà giải".
- Giai đoạn 1976 - 1999: Giai đoạn xây dựng quan hệ chính trị ổn định, tạo điều kiện phát triển và hợp tác kinh tế giữa các thành viên; mở rộng ASEAN 5 thành ASEAN 10; từng bước nâng cao uy tín ASEAN trên trường quốc tế, bước đầu mở rộng quan hệ hợp tác, đối thoại với bên ngoài.
- Giai đoạn 1999 - 2015: Giai đoạn hoàn thiện cơ cấu tổ chức, tăng cường hợp tác
nội khối và ngoại khối về chính trị - an ninh, kinh tế - thương mại và các lĩnh vực khác; khẳng định uy tín, vai trò của ASEAN.
- Giai đoạn từ năm 2015 đến nay: Thành lập và xây dựng Cộng đồng ASEAN với ba trụ cột: chính trị - an ninh, kinh tế, văn hoá - xã hội; đẩy mạnh hợp tác bên trong và bên ngoài ASEAN với các đối tác đối thoại, nâng cao uy tín, vai trò của ASEAN ở khu vực và trên thế giới.