Nội dung chính Lịch sử 9 chân trời Bài 15: Những năm đầu Việt Nam kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1946 - 1950)
Hệ thống kiến thức trọng tâm Bài 15: Những năm đầu Việt Nam kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1946 - 1950) sách Lịch sử và Địa lí 9 chân trời sáng tạo. Với các ý rõ ràng, nội dung mạch lạc, đi thẳng vào vấn đề, hi vọng người đọc sẽ nắm trọn kiến thức trong thời gian rất ngắn. Nội dung chính được tóm tắt ngắn gọn sẽ giúp thầy cô ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh. Bộ tài liệu có file tải về. Mời thầy cô kéo xuống tham khảo.
Xem: => Giáo án lịch sử 9 chân trời sáng tạo
BÀI 15: NHỮNG NĂM ĐẦU VIỆT NAM KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP XÂM LƯỢC
(1946 – 1950)
1. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ năm 1946
+ Trước ngày 19 – 12 – 1946, thực dân Pháp đã có những hành động gây chiến:
Tháng 12 – 1946, quân Pháp liên tục gây ra những vụ xung đột vũ trang ở Hà Nội. Ngày 18 – 12 – 1946, Pháp gửi tối hậu thư yêu cầu Chính phủ Việt Nam phải giải tán lực lượng tự vệ chiến đấu và giao quyền kiểm soát Thủ đô trong vòng 24 giờ. Trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giải thích về lí do nhân dân Việt Nam buộc phải kháng chiến như sau: “Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa! Không! Chúng ta thà hi sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.
+ Nội dung đường lối kháng chiến chống thực dân Pháp của Đảng: toàn dân (cuộc kháng chiến chống xâm lược, vì lợi ích toàn dân và phải do toàn dân tiến hành (mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi làng xã là một pháo đài); toàn diện (có liên hệ mật thiết với kháng chiến toàn dân. Pháp đánh ta về nhiều mặt nên ta phải đánh Pháp trên tất cả các mặt quân sự, chính trị, kinh tế, văn hoá, ngoại giao nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp. Mặt khác, ta vừa kháng chiến vừa kiến quốc, xây dựng chế độ dân chủ nhân dân nên phải kháng chiến toàn diện); trường kì (địch mạnh hơn ta về vật chất, vũ khí, không thể đánh bại một cách nhanh chóng; phải trường kì thì mới phát huy những thuận lợi, khắc phục những hạn chế của ta. Lực ta còn yếu, địch đang rất mạnh nên ta phải đánh lâu dài để tiêu hao sinh lực địch, phát triển dần lực lượng của ta, đến lúc nào ta mạnh hơn sẽ đánh bại kẻ thù); tự lực cánh sinh (vì đấu tranh bảo vệ độc lập của nước Việt Nam là công việc của người Việt Nam, chủ yếu dựa vào sức mạnh nhân dân, đồng thời tranh thủ sự viện trợ của quốc tế).
2. Những thắng lợi quân sự tiêu biểu trong những năm đầu tiên của cuộc kháng chiến (1946 – 1950)
• Cuộc chiến đấu ở các đô thị phía Bắc vĩ tuyến 16: mở đầu là cuộc chiến đấu ở Hà Nội diễn ra từ 20 giờ, ngày 19 – 12 – 1946. Sau hai tháng chiến đấu dũng cảm (với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, tính chính nghĩa và tính nhân dân của cuộc chiến,...), Trung đoàn Thủ đô đã bảo vệ đầu não kháng chiến rút về căn cứ Việt Bắc an toàn (17 – 2 – 1947).
• Chiến dịch Việt Bắc thu – đông năm 1947: tháng 10 – 1947, Cao uỷ Pháp ở Đông Dương là Ê. Bô-la-e (Émile Bollaert) thực hiện cuộc “hành quân kép” tấn công lên Việt Bắc nhằm nhanh chóng kết thúc chiến tranh. Pháp sử dụng quân dù, bộ binh và lính thuỷ đánh bộ bao vây và tấn công Việt Bắc. Sau những khó khăn đầu tiên, Đảng ra chỉ thị “Phải phá cuộc tấn công mùa đông của giặc Pháp”, quân ta phản công và giành thắng lợi lớn ở Đường số 3, Đường số 4 (đèo Bông Lau), sông Lô (Đoan Hùng, Khe Lau). Ngày 19 – 12 – 1946, Pháp phải rút khỏi Việt Bắc.
• Chiến dịch Biên giới thu – đông năm 1950: bước sang năm 1950, cuộc kháng chiến của ta có thêm nhiều thuận lợi nhưng cũng phải đối mặt với những thách thức mới. Trong khi các nước xã hội chủ nghĩa lần lượt công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với Việt Nam (tháng 1 – 1950), cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam nhận được sự ủng hộ của nhân dân thế giới và nhân dân Pháp tiến bộ; lực lượng của Việt Nam đã phát triển về mọi mặt thì từ năm 1949, Mỹ đã can thiệp vào chiến tranh Đông Dương, giúp Pháp thực hiện kế hoạch Rơ-ve, bao vây cô lập Việt Bắc, chuẩn bị tấn công lên Việt Bắc lần thứ hai. Trong tình hình đó, tháng 6 – 1950, Đảng và Chính phủ đã chủ động mở chiến dịch Biên giới thu – đông nhằm tiêu diệt một bộ phận quân Pháp, khai thông biên giới Việt – Trung, củng cố và mở rộng căn cứ Việt Bắc, phát triển kháng chiến. Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp chỉ huy chiến dịch. Sáng 16 – 9 – 1950, quân đội Việt Nam tấn công cụm cứ điểm Đông Khê và giành thắng lợi, các cứ điểm của Pháp trên Đường số 4 rung chuyển: Thất Khê bị cô lập, Cao Bằng bị uy hiếp. Pháp tiến hành cuộc hành quân từ Cao Bằng xuống và từ Thất Khê lên để lấy lại Đông Khê. Mặt khác, quân Pháp đánh lên Thái Nguyên để thu hút quân chủ lực của ta ở biên giới. Quân đội Việt Nam mai phục, chặn đánh giải phóng Đường số 4, cuộc hành quân đánh lên Thái Nguyên của Pháp cũng bị ta đánh bại.
+ Ý nghĩa của những thắng lợi đầu tiên đối với cuộc kháng chiến của nhân dân ta:
• Cuộc chiến ở các đô thị phía Bắc vĩ tuyến 16 đã làm tiêu hao một bộ phận sinh lực địch, giam chân chúng trong thành phố, chặn đứng kế hoạch “đánh nhanh, thắng nhanh”, tạo điều kiện cả nước bước vào cuộc kháng chiến lâu dài.
• Với chiến thắng Việt Bắc thu – đông năm 1947 đã đưa cuộc kháng chiến chuyển sang giai đoạn mới, buộc Pháp phải thay đổi chiến lược ở Đông Dương, chuyển từ
“đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh lâu dài” với Việt Nam.
• Với chiến thắng Biên giới thu – đông năm 1950 đã bảo vệ được căn cứ Việt Bắc,
phá thế bao vây của Pháp, giải phóng tuyến biên giới với 35 vạn dân. Chiến thắng
này đã đánh dấu bước phát triển mới của cuộc kháng chiến, quân đội Việt Nam giành được thế chủ động trên chiến trường chính (Bắc Bộ).