Bài tập file word Hoá học 7 kết nối tri thức Ôn tập Chương 1: Nguyên tử; Sơ lược về bảng tuần hoàn các nguyên tố hoá học (P1)
Bộ câu hỏi tự luận Khoa học tự nhiên 7 (Hoá học) kết nối tri thức. Câu hỏi và bài tập tự luận Ôn tập Chương 1: Nguyên tử; Sơ lược về bảng tuần hoàn các nguyên tố hoá học (P1). Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Hoá học 7 kết nối tri thức.
Xem: => Giáo án hóa học 7 kết nối tri thức (bản word)
ÔN TẬP CHƯƠNG 1: NGUYÊN TỬ SƠ LƯỢC VỀ BẢNG TUẦN HOÀN CÁC NGUYÊN TỐ HÓA HỌC
(PHẦN 1 - 20 CÂU)
Câu 1: Nêu mô hình nguyên tử của Rơ – dơ – pho – Bo.
Trả lời:
- Rơ – dơ – pho, nhà vật lý người Niu – di – lân đã đề xuất mô hình nguyên tử. Theo mô hình này, nguyên tử có cấu tạo rỗng. Nguyên tử có hạt nhân ở tâm mang điện tích dương và các electron mang điện tích âm, chuyển động xung quanh hạt nhân như các hành tinh quay xung quanh Mặt Trời (mẫu hành tinh nguyên tử).
- Bo, nhà vật lý người Đan Mạch, đã hoàn thiện mô hình nguyên tử của Rơ – dơ – pho. Theo Bo, các electron chuyển động xung quanh hạt nhân theo từng lớp khác nhau. Lớp electron trong cùng chứa tối đa 2 electron và bị hạt nhân hút mạnh nhất. Các lớp electron khác chứa tối đa 8 electron hoặc nhiều hơn và bị hạt nhân hút yếu hơn.
Câu 2: Nêu vị trí nhóm các nguyên tố khí hiếm trong bảng tuần hoàn.
Trả lời:
- Trong số 118 nguyên tố đã biết có 7 nguyên tố là nguyên tố khí hiếm.
- Nguyên tử của chúng có lớp electron ngoài cùng bền vững nên khó bị biến đổi hóa học.
- Trong bảng tuần hoàn, nguyên tố khí hiếm nằm ở nhóm VIIIA.
Câu 3: Nguyên tố hóa học được ký hiệu như thế nào?
Trả lời:
- Mỗi nguyên tố hóa học có một kí hiệu hóa học riêng. Kí hiệu hóa học được quy định dùng thống nhất trên toàn thế giới.
- Kí hiệu hóa học gồm một hoặc hai chữ cái có trong tên gọi của nguyên tố, trong đó chữ cái đầu được viết ở dạng in hoa và chữ cái sau viết thường.
- Một số nguyên tố có kí hiệu hóa học không xuất phát từ tên gọi theo IUPAC mà xuất phát từ tên Latin của nguyên tố.
Câu 4: Nêu các chú ý về khối lượng nguyên tử.
Trả lời:
- Một proton có khối lượng gần đúng bằng khối lượng của một neutron và xấp xỉ bằng 1 amu. Một electron có khối lượng xấp xỉ bằng 0,00055 amu.
- Electron có khối lượng nhỏ hơn rất nhiều so với khối lượng của proton và neutron
⇒ Một cách gần đúng coi khối lượng hạt nhân nguyên tử là khối lượng của nguyên tử.
Câu 5: Nêu vị trí nhóm các nguyên tố kim loại trong bảng tuần hoàn.
Trả lời:
- Trong số 118 nguyên tố hóa học đã biết có hơn 90 nguyên tố kim loại.
- Các nguyên tố kim loại ở góc dưới, bên trái của bảng tuần hoàn và được thể hiện bằng màu xanh, gồm:
+ Hầu hết các nguyên tố thuộc nhóm IA, IIA, IIIA và một số nguyên tố ở các nhóm IVA, VA, VIA.
+ Các nguyên tố thuộc nhóm IB đến VIIIB, các nguyên tố lanthanide và các nguyên tố actinide được xếp riêng thành hai hàng ở cuối bảng.
- Kim loại có nhiều ứng dụng trong đời sống.
Câu 6: Nêu ví dụ về khối lượng nguyên tử.
Trả lời:
- Ví dụ: Nguyên tử nhôm có 13 proton, 13 electron và 14 neutron.
- Coi khối lượng hạt nhân nguyên tử là khối lượng của nguyên tử.
⇒ Khối lượng của nguyên tử nhôm là 13.1amu + 14.1 amu = 27 amu
Câu 7: Đến nay đã tìm được bao nhiêu nguyên tố hóa học? Mỗi nguyên tố hóa học có tính chất riêng biệt là do đâu?
Trả lời:
Đến nay, con người đã tìm ra 118 nguyên tố hóa học. Mỗi nguyên tố hóa học có tính chất riêng biệt do được tạo thành từ các nguyên tử có số proton xác định.
Câu 8: Hãy cho biết số lớp electron của nguyên tử các nguyên tố thuộc chu kì 2. Giải thích.
Trả lời:
Các nguyên tố thuộc chu kì 2, nguyên tử của nguyên tố có 2 lớp electron. Vì số thứ tự chu kì bằng với số lớp electron của nguyên tử các nguyên tố.
Câu 9: Số đơn vị điện tích hạt nhân của canxi bằng bao nhiêu?
Trả lời:
Số đơn vị điện tích hạt nhân của canxi bằng 20 (bằng tổng số proton trong hạt nhân).
Câu 10: Lấy ví dụ một số nguyên tố có kí hiệu hóa học xuất phát từ tên Latin của nguyên tố.
Trả lời:
Ví dụ: Nguyên tố sodium (tên Latin là natrium) có kí hiệu là Na; nguyên tố potassium (tên Latin là kalium) có kí hiệu hóa học là K.
Câu 11: Lấy ví dụ về số thứ tự của nhóm A bằng số electron ở lớp ngoài cùng của nguyên tử các nguyên tố trong nhóm đó.
Trả lời:
Ví dụ: Oxygen có 6 electron ở lớp ngoài cùng nên thuộc nhóm VIA.
Câu 12: Em hãy cho biết số electron trên từng lớp ở vỏ nguyên tử oxygen.
Trả lời:
Lớp thứ nhất có 2 electron, lớp thứ 2 có 6 electron.
Câu 13: Hãy giải thích tại sao các loại nguyên tử mà trong hạt nhân cùng có một proton nhưng có thế có số neutron khác nhau: không có neutron, có một hoặc hai neutron đều thuộc về một nguyên tố hóa học là hydrogen.
Trả lời:
Theo khái niệm về nguyên tố hóa học: những nguyên tử có cùng số proton trong hạt nhân đều thuộc cùng một nguyên tố hóa học.
⇒ Những nguyên tử có cùng một proton nhưng khác nhau số neutron đều thuộc về một nguyên tố hóa học hydrogen.
Câu 14: Sử dụng bảng tuần hoàn và cho biết kí hiệu hóa học, tên nguyên tố, số hiệu nguyên tử, khối lượng nguyên tử và số electron trong nguyên tử của các nguyên tố ở ô số 8.
Trả lời:
Nguyên tố ở ô thứ 6 là oxygen (O) có số hiệu nguyên tử là 8, khối lượng nguyên tử là 16 amu và số electron trong nguyên tử là 8.
Câu 15: Số hiệu nguyên tử carbon là 6. Số proton trong hạt nhân nguyên tử của nguyên tố carbon là bao nhiêu?
Trả lời:
Số hiệu nguyên tử = số proton trong hạt nhân.
⇒ Số proton trong hạt nhân nguyên tử của nguyên tố oxygen là 6.
Câu 16: Vì sao coi khối lượng hạt nhân là khối lượng nguyên tử?
Trả lời:
Proton và neutron có khối lượng xấp xỉ bằng nhau (gần bằng 1 amu). Electron có khối lượng rất bé (chỉ khoảng bằng 0,00055 amu), nhỏ hơn rất nhiều lần so với khối lượng của proton và neutron. Do đó khối lượng hạt nhân được coi là khối lượng nguyên tử.
Câu 17: Quan sát hình sau, cho biết số proton, electron trong nguyên tử carbon.
Trả lời:
Nguyên tử carbon có số hiệu nguyên tử là 6.
⇒ Trong nguyên tử oxygen: Số electron = số proton = số hiệu nguyên tử = 6.
Câu 18: Ta nên cung cấp đủ các nguyên tố hóa học nào để cây phát triển khỏe mạnh?
Trả lời:
Để cây sinh trưởng và phát triển tốt ta cần cung cấp cho cây các nguyên tố dinh dưỡng được chia thành hai nhóm:
- Nhóm chất dinh dưỡng thiết yếu là chất mà cây trồng nhất thiết phải được cung cấp đầy đủ khi trồng cây, trong giai đoạn nuôi cây và nếu thiếu các dưỡng chất thiết yếu cây trồng sẽ không hoàn thành được chu kỳ sống, hoặc bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây.
- Chất dinh dưỡng thiết yếu bao gồm 16 nguyên tố: carbon (C), hydrogen (H), oxygen (O), nitrogen (N), phosphorus (P), potassium (K), calcium (Ca), magnesium (Mg), sulfur (S), iron (Fe), zinc (Zn), copper (Cu), manganese (Mn), boron (B), molybdenum (Mo), chlorine (Cl).
- Nhóm chất dinh dưỡng có lợi là chất mà nếu không có nó cây vẫn có thể sinh trưởng phát triển một cách bình thường, nhưng nếu được bổ sung thêm sẽ làm cây sinh trưởng phát triển thuận lợi hơn, tốt hơn và đem lại giá trị cao hơn cho từng nhóm nông sản. Thông thường, những chất này cây cần với lượng rất ít và có thể gọi là nhóm siêu vi lượng.
- Chất siêu vi lượng gồm: cobalt (Co), sodium (Na), aluminium (Al), nickel (Ni), vanadium (V) và các nguyên tố đất hiếm (lanthanum, cerium, praseodymium, samarium, europium, gadolinium, terbium, dysprosium, thulium...).
Câu 19: Tại sao khi bơm bóng bay, người ta thường sử dụng khí helium thay vì hydrogen hoặc oxygen?
Trả lời:
- Người ta bơm khí hydrogen hoặc khí helium vào bóng bay vì khí hydrogen và khí helium nhẹ hơn không khí, có thể giúp khinh khí cầu bay lên cao. Khí oxygen nặng hơn không khí nên không thể làm cho khinh khí cầu bay lên cao được.
- Tuy nhiên, sử dụng khí helium bơm vào khinh khí cầu sẽ an toàn hơn khí hydrogen vì khí hydrogen dễ gây nổ.
Câu 20: Cây cối sẽ ra sao nếu thiếu các nguyên tố vi lượng? Nguyên tố vi lượng có vai trò gì đối với cây cối?
Trả lời:
- Cây trồng bị thiếu nguyên tố vi lượng thì cây mắc bệnh và phát triển không bình thường như vàng lá, xoắn lá, rụng hoa, rụng trái non…
- Nếu đất thiếu vi lượng thì cây sẽ thiếu vi lượng. Nếu nông dân bón nhiều vôi, pH tăng làm nhiều nguyên tố vi lượng (Fe, Mn, Cu, Zn) bị cố định lại cây không đồng hóa được.
- Tác dụng phân bón vi lượng: bổ sung vi lượng cần thiết cho cây trồng; ổn định pH và kích thích ra rễ cực mạnh giúp cây sử dụng phân bón hiệu quả; Tăng tốc độ vận chuyển dinh dưỡng, giúp quả lớn nhanh, đồng đều, chống nứt trái; Tăng phẩm chất, hương vị của trái (mỏng vỏ, mọng nước, trái lớn đều, bóng đẹp,…; Hạn chế vàng lá thối rễ, đẩy nhanh tiến trình phục hồi cây vàng lá thối rễ.