Bài tập file word Khoa học tự nhiên 8 cánh diều Bài 33: Môi trường trong cơ thể và hệ bài tiết ở người

Bộ câu hỏi tự luận Khoa học tự nhiên 8 cánh diều. Câu hỏi và bài tập tự luậnBài 33. Môi trường trong cơ thể và hệ bài tiết ở người. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Khoa học tự nhiên 8 cánh diều.

Xem: => Giáo án khoa học tự nhiên 8 cánh diều

BÀI 33. MÔI TRƯỜNG TRONG CƠ THỂ VÀ HỆ BÀI TIẾT Ở NGƯỜI (20 CÂU)

1. Nhận biết (7 câu)

Câu 1. Thế nào là cân bằng môi trường trong cơ thể. Nêu vai trò của sự duy trì ổn định môi trường trong cơ thể?

Trả lời:

- Những điều kiện vật lí, hóa học của môi trường trong như nhiệt độ, huyết áp, pH, thành phần chất tan…dao động quanh một giá trị nhất định gọi là cân bằng môi trường trong cơ thể.

- Vai trò: Sự duy trì ổn định môi trường trong cơ thể sẽ đảm bảo cho tế bào hoạt động bình thường. Từ đó, các cơ quan, hệ cơ quan và cơ thể hoạt động bình thường.

Câu 2: Nêu chức năng của hệ bài tiết? Trình bày các cơ quan bài tiết và sản phẩm bài tiết chủ yếu?

Trả lời:

- Chức năng của hệ bài tiết là lọc và thải các chất dư thừa, chất độc hại sinh ra do quá trình trao đổi chất của cơ thể.

- Cơ quan bài tiết và sản phẩm bài tiết:

+ Da: mồ hôi (nước, urea, muối,…)

+ Gan: Sản phẩm khử các chất độc và bilirubin (sản phẩm phân giải của hồng cầu)

+ Phổi: Khí CO2, hơi nước

+ Thận: nước tiểu (nước, urea, chất thừa, chất thải,…)

Câu 3: Kể tên các cơ quan của hệ bài tiết nước tiểu và các bộ phận chủ yếu của thận?

Trả lời:

- Các cơ quan của hệ bài tiết nước tiểu gồm: thận, ống dẫn nước tiểu, bóng đái và ống đái.

- Thận gồm miền vỏ, miền tủy và bể thận.

Câu 4: Trình bày một số bệnh về hệ bài tiết và cách phòng chống các bệnh đó?

Trả lời:

- Một số bệnh về hệ bài tiết gồm: viêm thận, viêm đường tiết niệu, sỏi thận, sỏi đường tiết niệu, đái tháo đường, cao huyết áp…

- Cách phòng chống các bệnh là cần thực hiện chế độ dinh dưỡng, lối sống lành mạnh:

+ Uống đủ nước, hạn chế uống nước giải khát có gas.

+ Hạn chế ăn thức ăn chế biến sẵn.

+ Vận động cơ thể phù hợp

+ Không tự ý uống thuốc, không nhịn tiểu.

+ Đảm bảo môi trường sống sạch sẽ, tránh tiếp xúc với mầm bệnh.

Câu 5: Trình bày cấu tạo của hệ bài tiết nước tiểu?

Trả lời:

- Gồm thận, ống dẫn nước tiểu, ống đái và bóng đái.

- Thận là cơ quan quan trọng nhất trong hệ bài tiết nước tiểu, gồm 2 quả thận. Mỗi quả chứa khoảng 1 triệu đơn vị chức  năng để lọc máu và hình thành nước tiểu.

- Mỗi đơn vị chức năng của thận gồm: cầu thận, nang cầu thận, ống thận.

Câu 6: Bài tiết là gì? Vai trò của bài tiết đối với cơ thể sống như thế nào?

Trả lời:

- Bài tiết là quá trình không ngừng lọc và thải ra môi trường chất cặn bã do hoạt động trao đổi chất của tế bào sinh ra, một số chất thừa, chất độc được đưa vào cơ thể cũng sẽ được bài tiết ra ngoài.

- Bài tiết đóng vai trò cực kì quan trọng đối với cơ thể sống, thể hiện ở các mặt sau:

  • Loại bỏ các chất cặn bã, chất độc, chất thừa ra khỏi cơ thể.
  • Giúp cơ thể tránh sự đầu độc của các chất độc.
  • Làm cho môi trường trong cơ thể luôn được ổn định (độ pH, nồng độ các ion, áp suất thẩm thấu…).
  • Tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động trao đổi chất diễn ra bình thường.

Câu 7. Điền từ còn thiếu vào chỗ trống để được nội dung đúng:

Cân bằng môi trường trong của cơ thể là duy trì sự (1)... của môi trường trong cơ thể, đảm bảo cho các hoạt động sống trong (2)... diễn ra bình thường. Khi môi trường trong của cơ thể không duy trì được sự (3)... sẽ gây ra sự (4)... hoặc (5)... hoạt động của tế bào, cơ quan và cơ thể.

Trả lời:

(1) ổn định,

(2) cơ thể.

(3) ổn định,

(4) biến đổi

(5) rối loạn.

2. Thông hiểu (6 câu)

Câu 1. So sánh sự khác nhau giữa thành phần của nước tiểu đầu và nước tiểu chính thức?

Trả lời:

*Nước tiểu đầu:

+ Các chất dinh dưỡng nhiều

+ Nộng độ các chất hòa tan loãng hơn

+ Chứa ít các chất cặn bã, chất độc hơn.

*Nước tiểu chính thức:

+ Gần như không còn các chất dinh dưỡng

+ Nồng độ các chất hòa tan đậm đặc

+ Chứa nhiều các chất cặn bã, chất độc.

Câu 2: Theo em, thực chất của quá trình tạo thành nước tiểu là gì?

Trả lời:

Thực chất của quá trình tạo thành nước tiểu là lọc máu, thải bỏ các chất cặn bã, chất thừa, các chất độc ra khỏi cơ thể để duy trì tính ổn định của môi trường trong cơ thể.

Câu 3: Khi các cầu thận bị viêm và suy thoái có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng như thế nào về sức khỏe?

Trả lời:

Khi các cầu thận bị viêm và suy thoái có thể dẫn đến những hiệu quả nghiêm trọng đến sức khỏe. Đó là quá trình lọc máu bị ngừng trệ -> các chất cặn bã và chất độc bị tích tụ trong máu -> biểu hiện sớm nhất là cơ thể bị phù nề, tiếp theo là suy thận toàn bộ dẫn đến hôn mê và chết.

Câu 4: Khi các tế bào ống thận làm việc kém hiệu quả hay bị tổn thương có thể dẫn đến hậu quả như thế nào về sức khỏe?

Trả lời:

Khi các tế bào ống thận làm việc kém hiệu quả dẫn đến quá trình hấp thụ lại các chất cần thiết và bài tiết tiếp các cặn bã độc hại bị giảm -> môi trường trong thay đổi và biến đổi dẫn đến những rối loạn trong cơ thể ảnh hưởng bất lợi đến sức khỏe.

Khi các tế bào ống thận bị tổn thương có thể làm tắc ống thận hay nước tiểu hòa thẳng vào máu -> Gây đầu độc cơ thể với những biểu hiện tương tự trường hợp suy thận.

Câu 5: Trình bày nguyên nhân dẫn đến bệnh sỏi thận và sỏi bóng đái? Cách phòng tránh các bệnh đó?

Trả lời:

- Nguyên nhân: Một số chất trong nước tiểu như axit uric, muối canxi, muối photphat, Oxalat,… có thể bị kết tinh ở nồng độ cao và pH thích hợp hoặc gặp những điều kiện đặc biệt khác => sỏi thận.

- Cách phòng tránh: Không ăn quá nhiều các thức ăn có nguồn gốc tạo sỏi: protein từ thịt, các loại muối có khả năng kết tinh. Nên uống đủ nước, các chất lợi tiểu, không nên nhịn tiểu lâu.

Câu 6: Tại sao sự tạo thành nước tiểu diễn ra liên tục nhưng sự thải nước tiểu ra khỏi cơ thể lại không liên tục?

Trả lời:

- Sự tạo thành nước tiểu diễn ra liên tục nhưng sự thải nước tiểu ra khỏi cơ thể lại không liên tục (chỉ thải ra ngoài vào những lúc nhất định) là vì:

- Máu luôn tuần hoàn qua cầu thận, quá trình hình thành nước tiểu diễn ra liên tục → nên nước tiểu được hình thành liên tục.

- Nước tiểu chỉ được thải ra ngoài vào những lúc nhất định là vì, khi lượng nước tiểu trong bóng đái lên tới khoảng 200ml, đủ áp lực gây cảm giác buồn đi tiểu, khi đó cơ vòng ống đái mở ra phối hợp với sự co của cơ vòng bóng đái và cơ bụng giúp thải nước tiểu ra ngoài (ở người trưởng thành, nước tiểu được thải ra ngoài theo ý muốn).

3. Vận dụng và vận dụng cao ( 7 câu)

Câu 1: Thế nào là bệnh sỏi thận? Nguyên nhân và biểu hiện của bệnh sỏi thận?

Trả lời:

- Bệnh sỏi thận là hiện tượng lắng đọng những chất có thể được hòa tan trong nước tiểu, nhưng vì nguyên nhân nào đó mà nó kết tinh lại với nhau để tạo thành sỏi trong thận.

- Nguyên nhân:

  • Do uống không đủ nước → dẫn tới hiện tượng các chất kết tinh tạo thành sỏi.
  • Do đường dẫn tiểu có vấn đề làm cho nước tiểu không thoát được hết ra ngoài, lâu ngày lắng đọng tạo sỏi.
  • Do bị u xơ tiền liệt tuyến, khiến cho nước tiểu đọng lại ở các khe.
  • Do chế độ ăn uống không hợp lí.
  • Do bị nhiễm trùng ở bộ phận sinh dục…

- Biểu hiện:

  • Thường bị đái dắt, đau buốt, đái mủ tái phát nhiều lần và có thể đi tiểu ra sỏi.
  • Đi tiểu ra máu (trường hợp biến chứng của sỏi thận)
  • Xuất hiện đau từng cơn: Đau ở thắt lưng, bụng dưới, trướng bụng…

Câu 2: Em hãy giải thích tại sao có thể nói: “Giữ vệ sinh tai, mũi, họng là góp phần bảo vệ cầu thận khỏi bị hư hại về cấu trúc”.

Trả lời:

Giữ vệ sinh tai, mũi, họng là góp phần bảo vệ cầu thận khỏi bị hư hại về cấu trúc vì:

- Nếu giữ vệ sinh tai, mũi, họng sẽ đỡ viêm nhiễm do vi khuẩn gây nên.

- Các vi khuẩn gây viêm tai, mũi, họng thường gián tiếp gây viêm cầu thận là do kháng thể của cơ thể sinh ra khi tấn công các vi khuẩn này (theo đường máu đang kẹt ở cầu thận) đã tấn công nhầm và làm hư hại cấu trúc của cầu thận.

Câu 3. Nêu đặc điểm khác nhau giữa nước tiểu ở nang cầu thận với nước tiểu ở bể thận? Nguyên nhân dẫn đến bệnh sỏi thận và sỏi bóng đái? Cách phòng tránh các bệnh đó.

Trả lời:

Sự khác nhau:

*Nước tiểu ở nang cầu thận:

  • Nồng độ các chất hòa tan loãng hơn
  • Còn chứa nhiều chất dinh dưỡng
  • Chứa các chất căn bã và chất độc hơn.

*Nước tiểu ở bể thận:

  • Nồng độ các chất hòa tan đậm đặc hơn
  • Gần như không còn các chất dinh dưỡng
  • Chứa nhiều chất cặn bã và chất độc.

- Nguyên nhân: Một số chất trong nước tiểu như axit uric, muối canxi, muối photphat, oxalat…có thể bị kết tinh ở nồng độ cao và pH thích hợp hoặc gặp những điều kiện đặc biệt -> Sỏi thận.

- Cách phòng tránh: Không ăn các thức ăn có nguồn gốc tạo sỏi: protein từ thịt, các loại muối có khả năng kết tinh. Nên uống đủ nước, các chất lợi tiểu, không nên nhịn tiểu lâu.

Câu 4: Em hãy đưa ra các biện pháp để phòng tránh các bệnh về hệ bài tiết như: sỏi thận, viêm cầu thận, suy thận.

Trả lời:

- Các biện pháp phòng bệnh

+ Sỏi thận: uống đủ nước, chế độ ăn uống hợp lý, không nên nhịn tiểu lâu.

+ Viêm cầu thận: tránh nhiếm khuẩn đường mũi, họng và ngoài da, điều trị các ổ viêm amidan, sâu răng.

Câu 5. Giải thích vì sao nhịn tiểu lại là thói quen gây hại cho hệ bài tiết?

Trả lời:

Thói quen nhịn tiểu xảy ra trong nhiều năm sẽ làm bệnh nhân mất khả năng kiểm soát các cơ vòng ngoài bàng quang khiến nước tiểu rò rỉ tạo thành nguyên nhân khởi nguồn cho một chuỗi các bệnh lý tại thận và ngoài thận như nhiễm khuẩn niệu đạo, bàng quang, thận.’

Câu 6: Điều gì sẽ xảy ra với cơ thể nếu cả hai quả thận đều không thực hiện được chức năng bài tiết? Hãy nêu những phương pháp y học có thể giúp người bệnh.

Trả lời:

- Nếu cả hai quả thận đều không thực hiện được chức năng bài tiết, cơ thể sẽ không lọc được máu, có thể gây nên sự nhiễm độc.

- Một số phương pháp y học có thể giúp người bệnh không bị nhiễm độc như chạy thận nhân tạo, ghép thận.

Câu 7: Vì sao người lớn có thể bài xuất nước tiểu theo ý muốn? Vì sao ở trẻ nhỏ có hiện tượng tiểu đêm trong giấc ngủ (tè dầm)?

Trả lời:

Bóng đái là cơ quan chứa nước tiểu trước khi bài xuất ra ngoài qua ống đái. Chỗ bóng đái thông với ống đái có cơ vòng thuộc loại cơ trơn đóng chặt, cơ trơn hoạt động theo cơ chế phản xạ thần kinh (không theo ý muốn), khi lượng nước tiểu trong bóng đái tăng lên khoảng 200ml sẽ làm căng bóng đái, tăng áp suất trong bóng đái và cảm giác buồn đi tiểu xuất hiện, lúc này có luồng xung thần kinh làm mở cơ vòng để nước tiểu thoát ra ngoài.

Ở người lớn phía dưới cơ trơn của ống đái còn có vòng cơ vân đã phát triển hoàn thiện, cơ này có khả năng co rút tự ý. Vì vậy, khi ý thức hình thành, cơ thể có thể bài xuất nước tiểu theo ý muốn.

Ở trẻ nhỏ, do cơ vân thắt bóng đái phát triển chưa hoàn chỉnh nên khi lượng nước tiểu nhiều gây căng bóng đái, sẽ có luồng xung thân kinh gây co bóng đái và mở cơ trơn ống đại để thải nước tiểu, điều này thường xảy ra ở trẻ nhỏ, đặc biệt là giai đoạn sơ sinh.

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Bài tập file word Khoa học tự nhiên 8 cánh diều - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu mới cập nhật

Tài liệu môn khác

Chat hỗ trợ
Chat ngay