Bài tập file word sinh học 10 cánh diều Bài 5: Các nguyên tố hóa học và nước

Bộ câu hỏi tự luận sinh học 10 cánh diều. Câu hỏi và bài tập tự luận Bài 5: Các nguyên tố hóa học và nước. Sinh học và sự phát triển bền vững. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học sinh học 10 cánh diều.

CHỦ ĐỀ 4: THÀNH PHẦN HÓA HỌC CỦA TẾ BÀO

BÀI 5 - CÁC NGUYÊN TỐ HÓA HỌC VÀ NƯỚC

I. NHẬN BIẾT (5 câu)

Câu 1: Có bao nhiêu nguyên tố hóa học trong tế bào? Các nguyên tố trong cơ thể sinh vật được chia thành mấy nhóm?

Trả lời:

 - Có khoảng 20 – 25% các nguyên tố hóa học tồn tại trong tự nhiên là các nguyên tố cần thiết cho sinh vật.

 - Dựa vào tỉ lệ phần trăm khối lượng cơ thể, các nguyên tố trong cơ thể sinh vật được chia thành hai nhóm: nguyên tố đại lượng (đa lượng) và nguyên tố vi lượng.

Câu 2: Nêu khái niệm và vai trò của nguyên tố đại lượng và nguyên tố vi lượng.

Trả lời:

 - Nguyên tố đại lượng:

 + Khái niệm: Là nguyên tố chiếm lượng lớn trong cơ thể.

 + Vai trò: Là thành phần chủ yếu cấu tạo nên các hợp chất chính trong tế bào.

 - Nguyên tố vi lượng:

 + Khái niệm: Là nguyên tố chiếm lượng rất nhỏ, thường nhỏ hơn 0,01 % khối lượng cơ thể.

 + Vai trò: Là thành phần tham gia cấu tạo và hoạt hóa nhiều hợp chất tham gia các hoạt động sống của cơ thể như  enzyme, hormone, sắc tố,…

Câu 3: Carbon có đặc điểm và vai trò gì?

Trả lời:

 - Đặc điểm: Carbon có bốn electron tự do tham gia liên kết cộng hóa trị với các nguyên tử carbon khác và các nguyên tử khác như O, N, P,…

 - Vai trò: Nhờ cấu tạo đặc biệt, các nguyên tử carbon tạo nên mạch “xương sống” của các hợp chất hữu cơ chính có trong tế bào và tạo nên sự đa dạng về cấu trúc của các hợp chất.

 

Câu 4: Nước có cấu tạo hóa học như thế nào? Trình bày tính chất vật lí, hóa học của nước.

Trả lời:

 - Mỗi phân tử nước có một nguyên tử oxygen liên kết với hai nguyên tử hydrogen bằng hai liên kết cộng hóa trị.

 - Nước có tính phân cực: Trong phân tử nước, nguyên tử O có khả năng hút electron mạnh hơn nên cặp electron dùng chung có xu hướng lệch về phía oxygen. Do đó, đầu oxygen của phân tử nước sẽ mang một phần điện tích âm và nguyên tử H mang một phần điện tích dương.

 - Nhờ tính chất phân cực, các phân tử nước liên kết với nhau và liên kết với nhiều phân tử khác bằng liên kết hydrogen làm cho nước có tính chất độc đáo như có khả năng hòa tan nhiều chất, có nhiệt bay hơi cao, sức căng bề mặt lớn,…

Câu 5: Nước có vai trò như thế nào đối với sự sống của tế bào và cơ thể?

Trả lời:

 - Nước chiếm khoảng 70 – 90 % khối lượng tế bào và còn là thành phần chính của dịch gian bào, huyết tương, dịch khớp,…

 - Nước là dung môi hòa tan nhiều hợp chất như muối, đường, protein,…

 - Nước là môi trường và nguyên liệu cho nhiều phản ứng trong tế bào.

 - Nước là môi trường vận chuyển các chất.

 - Nước giúp điều hòa nhiệt độ cơ thể nhờ sự phá vỡ và hình thành các liên kết hydrogen giữa các phân tử nước.

II. THÔNG HIỂU (4 câu)

Câu 1: Lấy ví dụ về nguyên tố đại lượng.

Trả lời:

Ví dụ: C, H, O, N, Ca, P, K, S,…

Câu 2: Lấy ví dụ về nguyên tố vi lượng.

Trả lời:

Ví dụ: F, Cu, Fe, Zn, I, Na,…

Câu 3: Lấy ví dụ minh họa cho vai trò của nguyên tố đại lượng.

Trả lời:

Ví dụ: Các nguyên tố C, H, O, N là thành phần chủ yếu cấu tạo nên các hợp chất chính trong tế bào như nước, carbohydrate, lipid, protein và nucleic acid.

 

Câu 4: Lấy ví dụ minh họa cho vai trò của nguyên tố vi lượng.

Trả lời:

Ví dụ: Nguyên tố Fe chỉ chiếm 0,005 % khối lượng cơ thể người nhưng là thành phần không thể thiếu của hemoglobin trong hồng cầu với chức năng vận chuyển O2.

III. VẬN DỤNG (4 câu)

Câu 1: Cơ thể thiếu một số nguyên tố đại lượng và vi lượng có thể gây ra ván đề gì? Lấy ví dụ.

Trả lời:

 - Cơ thể thiếu một số nguyên tố đại lượng và vi lượng có thể gây ra một số rối loạn về chuyển hóa và bệnh.

 - Ví dụ: Ở người, nếu thiếu iondine, tuyến giáp sẽ phát triển bất thường và dẫn đến bị bệnh bướu cổ. Ở thực vật, thiếu Fe gây bệnh vàng lá ở lá non.

Câu 2: Nguồn carbon cung cấp cho tế bào trong cơ thể được lấy từ đâu?

Trả lời:

Nguồn carbon cung cấp cho tế bào trong cơ thể chúng ta được lấy từ các chất dinh dưỡng có trong các loại thức ăn. Khi thức ăn được đưa vào trong cơ thể ® phân giải ® chất dinh dưỡng đơn giản ® hấp thụ vào máu đưa đến các tế bào ® diễn ra hàng loạt các phản ứng sinh hóa để tổng hợp nên các chất cần thiết.

Câu 3: Làm thế nào để biết nguồn nước mình uống an toàn?

Trả lời:

Giấy chứng nhận nước sạch của những cơ quan có thẩm quyền chính là cơ sở để bạn xác định được nguồn nước mình sử dụng có an toàn hay không. Ngoài ra, việc quan sát và phát hiện những bất thường cũng là điều nên thực hiện đều đặn.

Câu 4: Nước nhiễm vi sinh có những biểu hiện gì?

Trả lời:

Nếu chỉ dùng mắt nhìn thì khó có thể xác định liệu nước có bị nhiễm vi sinh không. Chúng ta chỉ có thể kiểm chứng điều đó bằng những kiểm nghiệm.

IV. VẬN DỤNG CAO (3 câu)

Câu 1: Độ cứng của nước là gì? Tác hại của nước cứng là gì? Độ cứng có ảnh hưởng gì sức khỏe không?

Trả lời:

 - Độ cứng của nước là tổng hàm lượng Ca2+ và Mg2+ trong nước. Nước cứng làm giảm tuổi thọ của sản phẩm đồng thời làm giảm hương vị món ăn. Đây cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng khô tóc, mẫn ngứa, da nhạy cảm, sỏi thận…

 - Độ cứng không độc hại đối với sức khỏe nhưng khi dùng nước có độ cứng cao phải tiêu hao nhiều xà phòng hơn do các ion canxi và magie phản ứng với axit béo tạo thành các hợp chất khó hòa tan. 

Câu 2: Độ đục của nước là gì? Độ đục ảnh hưởng thế nào đến chất lượng nước? Phải làm gì nếu nước giếng có màu, mùi hoặc vị lạ?

Trả lời:

 - Độ đục được hiểu là độ vẩn đục của nước do những hạt lơ lửng tồn tại trong nước mà mắt thường có thể nhìn thấy được. Hạt lơ lửng đó có thể là đất, nấm, tảo, các chất hữu cơ…

 - Ngoài việc làm giảm khả năng truyền ánh sáng trong nước, độ đục còn ảnh hưởng tới quá trình quang hợp trong môi trường nước, ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm. Độ đục càng cao thì mức độ nguy hại của nó tới đối tượng sử dụng càng cao.

 - Khi phát hiện nước giếng có những bất thường, mang mẫu nước đó tới cơ qua kiểm tra. Để chắc chắn sự thay đổi đó không đe dọa tới sức khỏe người sử dụng, gia đình nên ngưng sử dụng nguồn nước giếng trong thời gian này.

Câu 3: Nêu vai trò của sắt đối với sức khỏe con người.

Trả lời:

 - Hình thành hemoglobin là chức năng chính của sắt, hỗ trợ vận chuyển oxy đến các tế bào cơ thể.

 - Sắt là một yếu tố quan trọng đối với sức khỏe cơ. Sắt trong các mô cơ giúp cung cấp lượng oxy cần thiết cho chức năng cơ.

 - Tăng cường sự phát triển của não.

 - Giảm hội chứng chân không yên.

 - Sắt có vai trò quan trọng trong điều chỉnh nhiệt độ cơ thể, giúp chức năng của enzym và các quá trình trao đổi chất trong cơ thể có thể diễn ra trong môi trường nhiệt độ tối ưu và hiệu quả nhất.

 - Giảm thiếu máu.

 - Chống lại các bệnh mãn tính.

 - Sắc tích cực tham gia vào quá trình tổng hợp một chất dẫn truyền thần kinh như dopamine, norepinephrine và serotonin. Những chất hóa học này đóng vai trò quan trọng đối với chức năng của hệ thần kinh.

 - Sắt có thể giúp loại bỏ chứng mệt mỏi mãn tính hoặc mệt mỏi không rõ nguyên nhân ở cả nam và nữ.

 - Tăng khả năng miễn dịch.

 - Thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng.

 - Sắt có trong các thành phần quan trọng của cơ thể như myoglobin, cytochome và catalase. Vì vậy, việc bổ sung sắt giúp hỗ trợ một số hoạt động chức năng của hệ thống cơ quan.

 - Sắt có lợi ích trong việc giảm các triệu chứng mất ngủ và cải thiện thói quen ngủ bằng cách điều chỉnh nhịp sinh học. Ngoài ra, lượng hồng cầu thích hợp có thể làm cho huyết áp ít dao động hơn, từ đó giúp ngủ ngon hơn.

 - Lượng sắt đủ làm lưu lượng máu đến não tăng lên, từ đó giúp cải thiện sự tập trung và tăng khả năng nhận thức.

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Bài tập file word sinh học 10 cánh diều - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu mới cập nhật

Tài liệu môn khác

Chat hỗ trợ
Chat ngay