Bài tập file word sinh học 10 cánh diều Bài 14: Giảm phân

Bộ câu hỏi tự luận sinh học 10 cánh diều. Câu hỏi và bài tập tự luận Bài 14: Giảm phân. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học sinh học 10 cánh diều.

CHỦ ĐỀ 7: THÔNG TIN GIỮA CÁC TẾ BÀO, CHU KÌ TẾ BÀO VÀ PHÂN BÀO

BÀI 14 - GIẢM PHÂN

I. NHẬN BIẾT (5 câu)

Câu 1: Trình bày diễn biến của quá trình giảm phân I.

Trả lời:

Giảm phân I: Giai đoạn phân chia thứ nhất của giảm phân làm giảm số lượng nhiễm sắc thể đi một nửa và tạo ra các tổ hợp nhiễm sắc thể mới. Đây là giai đoạn diễn ra sự phân li của các cặp nhiễm sắc thể tương đồng khác nhau và tổ hợp các nhiễm sắc thể không tương đồng.

 - Kì đầu I: Các nhiễm sắc thể kép bắt đôi với nhau và có thể tiến hành trao đổi các đoạn chromatid theo từng cặp tương đồng, sau đó xoắn lại. Màng nhân và nhân con tiêu biến. Thoi phân bào được hình thành.

 - Kì giữa I: Các cặp nhiễm sắc thể kép tương đồng sau khi bắt đôi và co xoắn cực đại di chuyển về mặt phẳng xích đạo của tế bào và xếp thành hai hàng. Thoi phân bào đính vào tâm động ở một nhiễm sắc thể kép của cặp nhiễm sắc thể tương đồng.

 - Kì sau I: Mỗi nhiễm sắc thể kép trong cặp nhiễm sắc thể kép tương đồng được thoi phân bào kéo về mỗi cực của tế bào.

 - Kì cuối I: Ở mỗi cực của tế bào, các nhiễm sắc thể kép dần dãn xoắn, màng nhân và nhân con xuất hiện, thoi phân bào tiêu biến và tế bào chất phân chia tạo thành hai tế bào con có bộ nhiễm sắc thể đơn  bội kép (n nhiễm sắc thể kép).

Câu 2: Trình bày diễn biến của quá trình giảm phân II.

Trả lời:

Giảm phân II: Kết thúc quá trình giảm phân I, các tế bào bước vào giảm phân II mà không nhân đôi nhiễm sắc thể. Giảm phân II diễn ra tương tự như nguyên phân dẫn đến sự phân tách các chromatid và hoàn thành quá trình giảm phân.

 - Kì đầu II: Các nhiễm sắc thể dần co xoắn lại. Màng nhân và nhân con tiêu biến. Thoi phân bào được hình thành.

 - Kì giữa II: Các nhiễm sắc thể kép tập trung thành một hàng ở mặt phẳng xích đạo của thoi phân bào.

 - Kì sau II: Các chromatid tách nhau ở tâm động và được thoi phân bào kéo về hai cực của tế bào.

 - Kì cuối II: Màng nhân và nhân con xuất hiện. Tế bào chất phân chia. Sau giảm phân II, các tế bào con sẽ biến đổi thành các giao tử.

Câu 3: Giao tử là gì? Trình bày sự hình thành giao tử đực và cái.

Trả lời:

 - Giao tử là tế bào có bộ nhiễm sắc thể đơn bội (n), có thể trực tiếp tham gia thụ tinh tạo thành hợp tử ở sinh vật đa bào.

 - Các tế bào con được sinh ra từ quá trình giảm phân sẽ trải qua quá trình phát sinh giao tử hình thành giao tử đực và giao tử cái:

 + Sự hình thành giao tử đực: Tế bào mầm sinh tinh phát triển thành tinh bào bậc một → Tinh bào bậc một tiến hành giảm phân tạo ra tinh tử (tiền tinh trùng) → Các tinh tử hình thành nên giao tử đực (tinh trùng). Từ một tế bào mầm sinh tinh tạo ra 4 tinh trùng.

 + Sự hình thành giao tử cái: Tế bào mầm sinh trứng phát triển thành noãn bào bậc một → Noãn bào bậc một tiến hành giảm phân tạo ra 1 tế bào trứng và 3 thể cực → Tế bào trứng hình thành nên giao tử cái, các thể cực tiêu biến. Từ một tế bào mầm sinh trứng chỉ tạo ra 1 trứng.

 

Câu 4: Thụ tinh là gì? Trình bày kết quả của quá trình thụ tinh.

Trả lời:

 - Thụ tinh là quá trình kết hợp giữa giao tử đực với giao tử cái.

 - Kết quả của quá trình thụ tinh là sự dung hợp giữa giao tử đực với giao tử cái, từ đó tạo ra hợp tử, phát triển thành phôi rồi có thể phát sinh ra cơ thể mới (thế hệ con).

 

Câu 5: Các yếu tố nào ảnh hưởng đến quá trình giảm phân?

Trả lời:

 - Một số nhân tố bên trong ảnh hưởng đến quá trình giảm phân: di truyền, các hormone sinh dục, tuổi thành thục sinh dục,…

 - Một số nhân tố bên ngoài ảnh hưởng đến quá trình giảm phân: Nhiệt độ, các hóa chất, các bức xạ, các chất dinh dưỡng, căng thẳng.

II. THÔNG HIỂU (4 câu)

Câu 1: Quá trình giảm phân và thụ tinh có ý nghĩa như thế nào đối với sinh giới?

Trả lời:

Nhờ có quá trình giảm phân và thụ tinh, bộ nhiễm sắc thể của loài được duy trì ổn định qua các thế hệ:

 - Giảm phân tạo ra các giao tử có bộ NST giảm đi một nửa (n). Sau đó, sự kết hợp của 2 giao tử (n) trong thụ tinh tạo thành hợp tử (2n), khôi phục lại bộ NST 2n đặc trưng của loài.

 - Tế bào hợp tử 2n trải qua nhiều lần nguyên phân và biệt hóa tế bào phát triển thành cơ thể đa bào trưởng thành.

Câu 2: Nhân tố bên ngoài ảnh hưởng đến quá trình giảm phân như thế nào?

Trả lời:

 - Nhiệt độ, các hóa chất, các bức xạ,…: tác động trực tiếp hoặc gián tiếp lên sự phân bào như tái bản DNA, ức chế sự hình thành thoi phân bào, tác động đến nhiễm sắc thể hoặc sự phân chia tế bào chất.

 - Các chất dinh dưỡng: một số chất dinh dưỡng như vitamin, khoáng chất và chất chống oxi hóa có thể vô hiệu hóa một số chất gây đột biến.

 - Căng thẳng: tác động như một yếu tố ngoại sinh dẫn đến phân bào giảm phân sớm hơn.

Câu 3: Nhân tố bên trong ảnh hưởng đến quá trình giảm phân như thế nào?

Trả lời:

 - Nhân tố di truyền: quy định thời điểm bắt đầu giảm phân và số lần giảm phân, thời gian của một lần giảm phân rất khác nhau ở các loài sinh vật khác nhau.

 - Các hormone sinh dục: Ở động vật, một số hormone sinh dục kích thích giảm phân hình thành giao tử. Sự phối hợp hoạt động giữa các loại hormone sinh dục ảnh hưởng tới tốc độ của quá trình giảm phân hình thành giao tử.

 

Câu 4: So sánh nguyên phân và giảm phân.

Trả lời:

Nội dung so sánhNguyên phânGiảm phân 
Khác nhau

Kết quả

Từ 1 tế bào mẹ ban đầu tạo ra 2 tế bào con mang bộ nhiễm sắc thể giống tế bào mẹ.Từ 1 tế bào ban đầu tạo ra 4 tế bào con mang bộ nhiễm sắc thể giảm đi một nửa so với tế bào mẹ.
Diễn ra ở loại tế bàoTất cả các tế bào trừ tế bào sinh dục chín.Tế bào sinh dục chín. 
Các giai đoạnKì trung gian, phân chia nhân (gồm 4 kì là kì đầu, kì giữa, kì sau, kì cuối) và phân chia tế bào chất.Kì trung gian, giảm phân I (kì đầu I, kì giữa I, kì sau I, kì cuối I), giảm phân II (kì đầu II, kì giữa II, kì sau II, kì cuối II). 
Hiện tượng tiếp hợp và trao đổi chéoKhông có hiện tượng tiếp hợp và trao đổi chéo.Có hiện tượng tiếp hợp và có thể trao đổi chéo giữa các chromatid của các nhiễm sắc thể tương đồng ở kì đầu I. 
Sắp xếp nhiễm sắc thể trên thoi phân bàoỞ kì giữa, các NST kép tập trung thành 1 hàng trên mặt phẳng xích đạo của thoi phân bào. - Ở kì giữa I, các nhiễm sắc thể kép trong cặp nhiễm sắc thể tương đồng tập trung thành hai hàng trên mặt phẳng xích đạo của thoi phân bào.  - Ở kì sau II, các NST kép tập trung thành 1 hàng trên mặt phẳng xích đạo của thoi phân bào. 
Các nhiễm sắc thể tách nhau ở tâm độngXảy ra ở kì sau.Không xảy ra ở kì sau I nhưng xảy ra ở kì sau II. 
Số lần phân bào1 lần.2 lần. 
Đặc điểm của tế bào sinh ra so với tế bào ban đầuTế bào sinh ra có bộ nhiễm sắc thể 2n đơn giống nhau và giống hệt tế bào mẹ ban đầu.Tế bào sinh ra có bộ nhiễm sắc thể n đơn giảm đi một nửa so với tế bào mẹ ban đầu. 
Giống nhau - Đều là hình thức phân bào có sự tham gia của thoi phân bào.  - Đều có một lần nhân đôi DNA ở kì trung gian trước khi phân bào.  - Sự phân chia nhân đều diễn ra theo các kì: kì đầu, kì giữa, kì sau, kì cuối.  - Nhiễm sắc thể đều trải qua những biến đổi tương tự như: tự nhân đôi, đóng xoắn, phân li, tháo xoắn. Màng nhân và nhân con đều tiêu biến vào kì đầu và xuất hiện vào kì cuối, thoi phân bào đều tiêu biến vào kì cuối và xuất hiện vào kì đầu.  - Diễn biến các kì của giảm phân II giống với nguyên phân.  

Câu 5: So sánh sự phát sinh giao tử đực và sự phát sinh giao tử cái.

Trả lời:

 - Giống nhau:

 + Đều xảy ra với các tế bào mầm sinh dục.

 + Đều trải qua các giai đoạn: phát triển, giảm phân, hình thành giao tử.

 - Khác nhau:

Giai đoạn

Sự phát sinh giao tử đực

Sự phát sinh giao tử cái
Phát triểnTế bào mầm sinh tinh → tinh bào bậc 1.Tế bào mầm sinh trứng → noãn bào bậc 1.
Giảm phân ITạo 2 tinh bào bậc 2 có kích thước bằng nhau.Tạo 1 noãn bào bậc 2 có kích thước lớn và 1 thể cực có kích thước nhỏ.
Giảm phân IITạo 2 tinh tử có kích thước bằng nhau.Tạo 1 tế bào trứng có kích thước lớn và 1 thể cực có kích thước nhỏ.
Hình thành giao tửTừ một tế bào mầm sinh tinh tạo ra 4 tinh tử → 4 tinh trùng.Từ một tế bào mầm sinh trứng chỉ tạo ra 1 trứng còn 3 thể cực tiêu biến

III. VẬN DỤNG (4 câu)

Câu 1: Em hãy giải thích nguồn gốc của các nhiễm sắc thể trong mỗi cặp nhiễm sắc thể tương đồng trong tế bào của cơ thể sinh vật lưỡng bội.

Trả lời:

Giao tử đực chứa bộ nhiễm sắc thể đơn bội có nguồn gốc từ bố, giao tử cái chứa bộ nhiễm sắc đơn bội có nguồn gốc từ mẹ. Thụ tinh là quá trình giao tử đực đơn bội (n) kết hợp giao tử cái đơn bội (n) → hợp tử lưỡng bội (2n) → phôi → cơ thể mới. Như vậy, trong mỗi cặp nhiễm sắc thể tương đồng trong tế bào của cơ thể sinh vật lưỡng bội, 1 chiếc có nguồn gốc từ bố và 1 chiếc có nguồn gốc từ mẹ.

Câu 2: Ở sinh vật sinh sản hữu tính, vì sao bộ nhiễm sắc thể 2n đặc trưng của loài được duy trì ổn định qua các thế hệ?

Trả lời:

Bộ nhiễm sắc thể 2n đặc trưng của loài được duy trì ổn định qua các thế hệ cơ thể ở sinh vật sinh sản hữu tính nhờ 3 quá trình nguyên phân, giảm phân và thụ tinh:

 - Giảm phân tạo ra các giao tử có bộ NST giảm đi một nửa (n). Sau đó quá trình thụ tinh khôi phục lại bộ NST 2n đặc trưng của loài.

 - Tế bào hợp tử 2n trải qua nhiều lần nguyên phân và biệt hóa tế bào phát triển thành cơ thể đa bào trưởng thành.

 

Câu 3: Kể tên một số cây trồng, vật nuôi được điều khiển sinh sản bằng hormone sinh dục mà em biết.

Trả lời:

 - Cá mè, cá trắm cỏ không đẻ trong ao nuôi. Tiêm dịch chiết từ tuyến dưới não của các loài cá khác làm trứng chín hàng loạt, sau đó nặn trứng ra và cho thụ tinh nhân tạo bên ngoài cơ thể rồi đem ấp nở ra cá con.

 - Trong trồng trọt, người ta dùng GA3B (Gibberelline) trong công nghệ lúa lai, phun lên bông của cây mẹ, để bông lúa vươn dài ra, dễ tiếp nhận phấn hoa,…

Câu 4: Cá thể có bộ NST 2n = 4 và có kiểu gen là AaBb có thể tạo ra mấy loại giao tử?

Trả lời:

Nếu một cá thể sinh vật sinh sản hữu tính có bộ nhiễm sắc thể 2n = 4 được kí hiệu AaBb thì có thể tạo ra 4 loại giao tử là AB, Ab, aB, ab.

IV. VẬN DỤNG CAO (2 câu)

Câu 1: Con lai giữa ngựa cái và lừa đực là con la có bao nhiêu nhiễm sắc thể? Biệt ngựa có bộ nhiễm sắc thể 2n = 64 và lừa có bộ nhiễm sắc thể 2n = 62. Vì sao con la không có khả năng sinh sản?

Trả lời:

 - Con la phát triển từ hợp tử được hình thành do sự kết hợp giao tử của ngựa (mang n = 64 : 2 = 32 nhiễm sắc thể) và giao tử của lừa (mang n = 62 : 2 = 31 nhiễm sắc thể) → Con la sẽ có 32 + 31 = 63 nhiễm sắc thể.

 - Con la không có khả năng sinh sản vì bộ NST trong tế bào của con la không gồm các cặp nhiễm sắc thể tương đồng nên không thể tiến hành tiếp hợp trong kì đầu I của giảm phân dẫn đến quá trình giảm phân bị rối loạn và không thể tạo ra được giao tử.

Câu 2: Sinh con trai hay con gái phụ thuộc vào ai?

Trả lời:

 - Y học đã xác định việc sinh con trai hay gái phụ thuộc vào tinh trùng mang nhiễm sắc thể X hay Y của người chồng; trứng của người vợ chỉ mang một loại nhiễm sắc thể giới tính X.

 - Nếu tinh trùng của người chồng mang nhiễm sắc thể X thụ tinh với trứng của người vợ sẽ tạo ra con gái; khi tinh trùng của người chồng mang nhiễm sắc thể Y thụ tinh với trứng của người vợ sẽ tạo ra con trai.

 - Như vậy vấn đề sinh con trai hay gái phụ thuộc nhiều vào người chồng, không phải do người vợ nhưng có một số người dân thiếu hiểu biết, đặc biệt là ông bà lớn tuổi thường cho rằng nguyên nhân con cháu không sinh được con trai để nối dõi họ tộc là do người vợ không có khả năng này.

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Bài tập file word sinh học 10 cánh diều - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu mới cập nhật

Tài liệu môn khác

Chat hỗ trợ
Chat ngay