Bài tập file word Sinh học 10 cánh diều Ôn tập Chủ đề 6: Trao đổi chất và chuyển hoá năng lượng ở tế bào (P2)

Bộ câu hỏi tự luận Sinh học 10 cánh diều. Câu hỏi và bài tập tự luận Ôn tập Chủ đề 6: Trao đổi chất và chuyển hoá năng lượng ở tế bào (P2). Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Sinh học 10 cánh diều.

ÔN TẬP CHỦ ĐỀ 6: TRAO ĐỔI CHẤT VÀ CHUYỂN HÓA NĂNG LƯỢNG Ở TẾ BÀO

(PHẦN 2 - 20 CÂU)

Câu 1: Sự khuếch tán diễn ra như thế nào?

Trả lời:

- Sự khuếch tán diễn ra theo chiều gradient nồng độ (từ nơi có nồng độ cao sang nơi có nồng độ thấp).

- Sự khuếch tán diễn ra trong môi trường lỏng và khí.

- Khi các phân tử phân bố đồng đều trong môi trường, sự khuếch tán đạt đến cân bằng. Ở trạng thái cân bằng, sự khuếch tán vẫn diễn ra nhưng theo hai chiều (cân bằng động).

Câu 2: Kể tên một số dạng năng lượng trong tế bào.

Trả lời:

- Một số dạng năng lượng trong tế bào: năng lượng hóa học, năng lượng cơ học, năng lượng điện, năng lượng nhiệt.

+ Năng lượng hóa học là năng lượng dự trữ trong các liên kết hóa học.

+ Năng lượng cơ học, năng lượng điện, năng lượng nhiệt là các dạng năng lượng liên quan đến sự chuyển động của các phần tử vật chất.

- Dạng năng lượng tồn tại chủ yếu trong tế bào là năng lượng hóa học.

Câu 3: Trình bày khái niệm, vai trò, cơ chế của quá trình quang tổng hợp.

Trả lời:

- Quang tổng hợp (quang hợp) là quá trình tế bào sử dụng năng lượng ánh sáng (NLAS) để tổng hợp chất hữu cơ từ vô cơ.

- Quang tổng hợp có vai trò quan trọng đối với sự sống trên Trái Đất:

+ Chuyển năng lượng ánh sáng thành năng lượng hoá học tích lũy trong các hợp chất hữu cơ (C6H12O6) → Cung cấp nguồn năng lượng cho sự sống của sinh vật.

+ Sản phẩm của quá trình quang tổng hợp là nguyên liệu cho quá trình tổng hợp khác → Cung cấp vật chất cho sự sống của sinh vật.

+ Giải phóng O2 vào khí quyển → Cung cấp dưỡng khó cho sự sống của sinh vật.

- Cơ chế: Quá trình quang tổng hợp ở thực vật và tảo diễn ra ở lục lạp và được chia thành hai pha: pha phụ thuộc vào ánh sáng (pha sáng) và pha không phụ thuộc ánh sáng (Chu trình Calvin).

Câu 4: Thẩm thấu là gì? Trình bày cơ chế thẩm thấu.

Trả lời:

- Sự thẩm thấu chỉ sự di chuyển của các phân tử nước qua màng bán thấm (màng có tính thấm với nước nhưng không thấm với một số phân tử chất tan nhất định) ngăn cách giữa hai vùng có nồng độ chất tan khác nhau.

- Cơ chế thẩm thấu: Nước di chuyển từ vùng có nhiều phân tử nước (còn gọi là vùng có nồng độ chất tan thấp hoặc vùng có thế nước cao) sang vùng có ít phân tử nước hơn (còn gọi là vùng có nồng độ chất tan cao hoặc vùng có thế nước thấp).

Câu 5: Nêu khái niệm, đặc điểm của enzyme.

Trả lời:

- Enzyme là chất xúc tác sinh học đặc hiệu làm tăng tốc độ phản ứng, không bị biến đổi khi kết thúc phản ứng.

- Đặc điểm của enzyme:

+ Enzyme có thể làm tăng tốc độ phản ứng lên hàng trăm nghìn đến hàng triệu tỷ lần so với phản ứng không có enzyme xúc tác.

+ Enzyme có tính đặc hiệu với phản ứng và cơ chất (mỗi enzyme thường chỉ xúc tác cho 1 phản ứng với 1 cơ chất nhất định).

+ Các phản ứng do enzyme xúc tác thường diễn ra trong điều kiện phù hợp với sự sống về nhiệt độ, độ pH, áp suất.

+ Trong tế bào, các phản ứng thường diễn ra theo chuỗi với nhiều loại enzyme cùng phối hợp tham gia và các phản ứng được điều hòa nghiêm ngặt.

Câu 6: Trình bày khái niệm, vai trò của quá trình phân giải các chất.

Trả lời:

- Khái niệm: Phân giải các chất trong tế bào là quá trình chuyển hóa các chất phức tạp thành các chất đơn giản diễn ra trong tế bào nhờ sự xúc tác của enzyme.

- Vai trò: Quá trình phân giải sẽ giải phóng ra năng lượng cung cấp cho các hoạt động sống của tế bào đồng thời tạo ra các phân tử nhỏ là nguyên liệu của quá trình tổng hợp.

Câu 7: Tại sao khi mang mì tôm vào phòng kín ăn thì một lúc sau phòng sẽ có mùi mì tôm?

Trả lời:

Vì khi mang mì tôm vào phòng kín, các phân tử mùi của mì tôm đã khuếch tán trong môi trường từ nơi có nồng độ cao đến nơi có nồng độ thấp dẫn đến sự lan tỏa ra mùi khắp phòng.

Câu 8: Khi tăng nhiệt độ thì tốc độ phản ứng sẽ thay đổi như thế nào?

Trả lời:

Khi tăng nhiệt độ, tốc độ phản ứng sẽ tăng và đạt cao nhất ở nhiệt độ tối ưu. Nếu nhiệt độ tăng quá cao vượt qua nhiệt độ tối ưu thì tốc độ phản ứng sẽ giảm do enzyme sẽ bị thay đổi cấu trúc không gian và có thể dẫn đến mất hoạt tính hoàn toàn.

Câu 9: Lấy ví dụ về quá trình tổng hợp.

Trả lời:

Ví dụ: tổng hợp protein từ các amino acid.

Câu 10: Cây xanh có thay đổi như thế nào sau khi được tưới nước? Giải thích.

Trả lời:

- Khi được tưới nước, cây đang héo trở nên tươi hơn và ổn định hình dạng.

- Giải thích: Nước là thành phần quan trọng của tế bào và cơ thể, nên khi cây hấp thụ đủ nước sẽ giúp ổn định cấu trúc và hình dạng của tế bào

Câu 11: Khi tăng nồng độ cơ chất, điều gì sẽ xảy ra?

Trả lời:

Khi tăng nồng độ cơ chất, tốc độ phản ứng sẽ tăng nhưng khi đạt đến trạng thái bão hòa cơ chất (khi tất cả các enzyme đều đã liên kết với cơ chất) thì tăng nồng độ cơ chất cũng không làm tăng tốc độ phản ứng.

Câu 12: So sánh quang tổng hợp và quang khử.

Trả lời:

So sánh

Quang tổng hợp

Quang khử

Giống nhau

- Đều là quá trình tổng hợp chất hữu cơ đặc trưng cho cơ thể từ các chất vô cơ.

- Đều diễn ra trong điều kiện có ánh sáng.

Khác nhau

Diễn ra ở thực vật, tảo và một số vi khuẩn có khả năng quang tổng hợp.

Diễn ra ở một số vi khuẩn.

Có thể diễn ra khi môi trường có O2.

Chỉ diễn ra khi môi trường không có O2.

Sử dụng H2O là nguyên liệu.

H2O là sản phẩm của quá trình, nguyên liệu H2X không phải là H2O.

Có giải phóng khí O2.

Không giải phóng khí O2.

Câu 13: Lấy ví dụ về vận chuyển chủ động qua màng sinh chất.

Trả lời:

Ví dụ: Sự vận chuyển Ca2+ vào lưới nội chất trơn; sự vận chuyển H+ vào lysosome, không bào; sự hấp thu các chất dinh dưỡng như glucose, amino acid vào tế bào biểu mô ruột; hấp thu khoáng vào tế bào lông hút rễ,…

Câu 14: Vì sao khi nhai kỹ cơm thì ta thấy có vị ngọt?

Trả lời:

Khi ta nhai cơm lâu trong miệng thấy có cảm giác ngọt vì tinh bột trong cơm đã chịu tác dụng của enzyme amylase trong nước bọt và biến đổi một thành phần thành đường mantose, đường này đã tác động vào các gai vị giác trên lưỡi cho ta cảm giác ngọt.

Câu 15: Lấy ví dụ cụ thể về quá trình hóa tổng hợp.

Trả lời:

Ví dụ: Quá trình tổng hợp ở vi khuẩn oxi hóa hydrogen diễn ra theo hai giai đoạn như sau:

- Giai đoạn tích lũy năng lượng:

H2 + O2 + ADP + Pi + NAD+ → H2O + NADH + ATP

- Giai đoạn khử CO2:

CO+ NADH + ATP → C6H12O6 +  ADP + Pi + NAD+

→ Phương trình tổng quát: 24 H+ 6 O+ 6 CO→ C6H12O+ 18 H2O

Câu 16: Khi đưa tế bào hồng cầu và tế bào lá vào ba môi trường ưu trương, nhược trương, đẳng trương thì điều gì sẽ xảy ra?

Trả lời:

- Khi ngâm tế bào hồng cầu, tế bào lá vào môi trường đẳng trương (nồng độ chất tan bên ngoài bằng nồng độ chất tan bên trong tế bào) thì các phân tử nước đi ra và đi vào bằng nhau, hình dạng màng tế bào hồng cầu và màng tế bào lá không thay đổi.

- Khi ngâm tế bào hồng cầu, tế bào lá vào môi trường ưu trương (nồng độ chất tan bên ngoài cao hơn nồng độ chất tan bên trong tế bào) thì các phân tử nước sẽ di chuyển từ tế bào ra môi trường, hình dạng màng tế bào hồng cầu và màng tế bào lá đều co lại.

- Khi ngâm tế bào hồng cầu, tế bào lá vào môi trường nhược trương (nồng độ chất tan bên ngoài thấp hơn nồng độ chất tan bên trong tế bào) thì các phân tử nước sẽ di chuyển từ môi trường vào tế bào, hình dạng màng tế bào hồng cầu căng ra và có thể bị vỡ còn hình dạng màng tế bào lá gần như không có sự thay đổi.

Câu 17: Vì sao trong quá trình chuyển hóa glucose, sự có mặt của cyanide có thể làm tế bào chết? Vì sao ở nồng độ thấp hơn nó dẫn đến chuyển hóa glucose thành lactate?

Trả lời:

- Cyanide là chất ức chế không cạnh tranh đối với cytochrome trên chuỗi vận chuyển điện tử hô hấp, do vậy nó ức chế quá trình vận chuyển điện tử và khi hàm lượng vượt quá mức cho phép khiến nhiều tế bào không đủ cung cấp năng lượng cho hoạt động của mình sẽ chết

Ở nồng độ thấp hơn, chúng ức chế chuỗi vận chuyển điện tử, không tiêu thụ được NADH và FADH,, tế bảo chỉ có một lượng NAD, chất này cạn kiệt sẽ ức chế chu trình Crebs

- Quá trình đường phân vẫn có thể xảy ra vì NADH mà nó tạo ra được dùng để chuyển hóa pyruvate thành lactate, thay vì tạo ra CO.

Câu 18: Rối loạn chuyển hóa lipid là tình trạng như thế nào? Những người gặp phải tình trạng này nên sử dụng loại thực phẩm nào?

Trả lời:

- Rối loạn chuyển hóa lipid là tình trạng gia tăng cholesterol máu có kèm theo hay không có kèm theo gia tăng triglycerid hay thấp HDL góp phần vào tình trạng xơ vữa động mạch.

- Rối loạn chuyển hóa lipid máu có thể trực tiếp gây nên một số bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, như xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành, viêm tụy, đột quỵ não...

Trên thực tế, có nhiều loại thực phẩm khi ăn vào còn có tác dụng giảm lipid máu, đôi khi không cần sử dụng tới thuốc nếu bị rối loạn lipid máu nhẹ như: tỏi, quả cà, hành tây, đậu tương, dưa leo, rong biển, ớt, súp lơ, mướp đắng, cần tây, mầm đậu xanh, cà rốt, sơn tra, táo, chuối, kiwi

Câu 19:  Khi theo dõi quá trình phân giải glucose của hai loài vi khuẩn X và Y, người ta nhận thấy rằng loài X luôn tạo ra carbon dioxide và nước, còn loài Y luôn tạo ra carbon dioxide và ethanol.

Từ các kết quả này, hãy rút ra kết luận hợp lí về:

  1. a) Hình thức phân giải glucose trong hai loài vi khuẩn.
  2. b) Điều kiện môi trường sống của hai loài này.

Trả lời:

  1. a) Hình thức phân giải glucose của loài vi khuẩn X là hô hấp tế bào (hô hấp hiếu khí), của loài vi khuẩn Y là lên men (lên men ethanol).
  2. b) Điều kiện môi trường sống của loài vi khuẩn X là có oxygen còn của loài Y là không có oxygen.

Câu 20: Đồ thị sau đây biểu diễn sự thay đổi tỉ lệ tinh bột bị phân giải bởi amylase theo thời gian ở nhiệt độ 30°C.

  1. a) Sản phẩm của phản ứng phân giải tinh bột là gì?
  2. b) Có bao nhiêu phần trăm tinh bột được phân giải sau 5 phút?
  3. c) Tại sao đường biểu diễn nằm ngang từ sau 10 phút?
  4. d) Đường biểu diễn sẽ thay đổi như thế nào nếu phản ứng được tiến hành ở 20°C? Giải thích.
  5. e) Đường biểu diễn sẽ thay đổi như thế nào nếu phản ứng được tiến hành ở 37°C? Giải thích.

Trả lời:

  1. a) Sản phẩm của phản ứng phân giải tinh bột là glucose.
  2. b) Có khoảng 65% tinh bột được phân giải sau 5 phút.
  3. c) Đường biểu diễn nằm ngang từ sau 10 phút vì tinh bột đã bị phân giải hoàn toàn.
  4. d) Đường biểu diễn sẽ ít dốc hơn nếu phản ứng được tiến hành ở 20°C vì nhiệt độ thấp làm giảm hoạt tính của enzyme.
  5. e) Đường biểu diễn sẽ dốc nhiều hơn nếu phản ứng được tiến hành ở 37°C vì nhiệt độ này làm tăng hoạt tính của enzyme.

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Bài tập file word sinh học 10 cánh diều - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu môn khác

Tài liệu mới cập nhật

Chat hỗ trợ
Chat ngay