Bài tập file word Sinh học 10 cánh diều Ôn tập Chủ đề 6: Trao đổi chất và chuyển hoá năng lượng ở tế bào (P1)

Bộ câu hỏi tự luận Sinh học 10 cánh diều. Câu hỏi và bài tập tự luận Ôn tập Chủ đề 6: Trao đổi chất và chuyển hoá năng lượng ở tế bào (P1). Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Sinh học 10 cánh diều.

ÔN TẬP CHỦ ĐỀ 6: TRAO ĐỔI CHẤT VÀ CHUYỂN HÓA NĂNG LƯỢNG Ở TẾ BÀO

(PHẦN 1 - 20 CÂU)

Câu 1: Trao đổi chất ở tế bào là gì? Có mấy hình thức trao đổi chất qua màng?

Trả lời:

- Khái niệm: Trao đổi chất ở tế bào là tập hợp các phản ứng hóa học diễn ra trong tế bào và sự trao đổi các chất giữa tế bào với môi trường.

- Trong trao đổi chất ở tế bào:

+ Tập hợp các phản ứng hóa học là sự chuyển hóa vật chất.

+ Sự trao đổi chất giữa tế bào với môi trường là trao đổi chất qua màng.

- Có hai hình thức trao đổi chất qua màng: vận chuyển thụ động và vận chuyển chủ động.

Câu 2: Trình bày khái niệm, đặc điểm, vai trò của chuyển hóa năng lượng trong tế bào.

Trả lời:

- Khái niệm: Sự chuyển hóa năng lượng trong tế bào có thể hiểu là quá trình biến đổi năng lượng từ dạng này sang dạng khác, từ năng lượng trong hợp chất này thành năng lượng trong hợp chất khác.

- Đặc điểm: Sự chuyển hóa năng lượng luôn đi kèm với sự chuyển hóa vật chất (toàn bộ các phản ứng đều xảy ra đồng thời với chuyển hóa năng lượng).

- Vai trò: Sự chuyển hóa năng lượng giúp cung cấp các dạng năng lượng cho tế bào sử dụng để thực hiện các hoạt động sống đảm bảo sự tồn tại, sinh trưởng, phát triển và sinh sản.

Câu 3: Trình bày khái niệm, vai trò, cơ chế của hô hấp tế bào.

Trả lời:

- Hô hấp tế bào là chuỗi các phản ứng phân giải hợp chất hữu cơ (glucose) diễn ra trong tế bào. Thông qua các phản ứng này, hợp chất hữu cơ được phân giải thành CO2 và H2O, giải phóng năng lượng tích lũy trong các phân tử ATP.

- Vai trò:

+ Giải phóng năng lượng cung cấp cho các hoạt động sống của tế bào và cơ thể.

+ Tạo ra nhiệt năng giúp duy trì thân nhiệt cho sinh vật.

+ Các sản phẩm trung gian của quá trình phân giải cung cấp nguyên liệu cho quá trình tổng hợp.

- Cơ chế: Ở sinh vật nhân thực, quá trình hô hấp tế bào diễn ra trong bào tương và ti thể, gồm ba giai đoạn: đường phân, oxi hóa pyruvic acid và chu trình Krebs, chuỗi truyền electron.

Câu 4: Trình bày sự vận chuyển thụ động qua màng sinh chất.

Trả lời:

- Vận chuyển thụ động là sự vận chuyển các chất từ nơi có nồng độ cao đến nơi có nồng độ thấp (theo chiều gradient nồng độ), không tiêu tốn năng lượng ATP.

- Vận chuyển thụ động qua màng sinh chất bao gồm: khuếch tán đơn giản, khuếch tán tăng cường, thẩm thấu (sự vận chuyển của các phân tử nước).

Câu 5: Nêu cấu tạo, chức năng, sự tổng hợp và phân giải ATP.

Trả lời:

- Cấu tạo ATP: ATP gồm 3 thành phần cơ bản là phân tử adenine, phân tử đường ribose và 3 gốc phosphate. Trong đó, liên kết giữa các gốc phosphate là liên kết cao năng.

- Sự tổng hợp và phân giải ATP:

+ Sự phân giải ATP: Để giải phóng năng lượng, liên kết giữa hai gốc phosphate của ATP bị phá vỡ tạo thành ADP và Pi. Năng lượng giải phóng ra được chuyển hóa trực tiếp cho các hoạt động cần năng lượng của tế bào.

+ Sự tổng hợp ATP: ATP được tái tổng hợp bằng cách nhóm Pi liên kết trở lại với ADP để hình thành ATP. Năng lượng cung cấp cho quá trình này được lấy từ sự phân giải các hợp chất dự trữ năng lượng trong tế bào.

- Chức năng của ATP: ATP là “đồng tiền” năng lượng trong tế bào vì ATP dễ dàng giải phóng năng lượng cho tất cả các hoạt động sống cần năng lượng của tế bào như tổng hợp các chất hoá học cần thiết cho tế bào, vận chuyển chủ động các chất qua màng, sinh công cơ học.

Câu 6: Trình bày khái niệm của hóa tổng hợp và quang khử.

Trả lời:

- Hóa tổng hợp là quá trình tế bào chuyển hóa năng lượng hóa học trong các chất vô cơ thông qua các phản ứng oxi hóa – khử thành năng lượng tích lũy trong các hợp chất hữu cơ.

- Quang khử là quá trình quang tổng hợp ở vi khuẩn nhờ các sắc tố quang hợp nằm trên màng sinh chất, được thực hiện trong điều kiện không có O2.

Câu 7: Tế bào lông hút ở rễ cây trao đổi những chất nào với môi trường ngoài?

Trả lời:

Các chất mà tế bào lông hút của rễ cây trao đổi với môi trường: nước, các ion khoáng, khí oxygen, khí carbon dioxide,…

Câu 8: Vì sao ATP được coi là “đồng tiền” năng lượng của tế bào?

Trả lời:

Trong tế bào, ATP thường xuyên được sinh ra và ngay lập tức được sử dụng cho mọi hoạt động sống của tế bào, chính vì vậy, ATP được coi là “đồng tiền” năng lượng của tế bào.

Câu 9: Quá trình lên men cho hiệu quả năng lượng như thế nào?

Trả lời:

Quá trình lên men không oxi hóa hoàn toàn hợp chất hữu cơ nên năng lượng tạo ra sẽ ít hơn rất nhiều so với hô hấp, chỉ có 2 ATP được tạo ra từ giai đoạn đường phân.

Câu 10: Khi tế bào động vật ở trong môi trường nhược trương thì điều gì sẽ xảy ra?

Trả lời:

Khi tế bào động vật ở trong môi trường nhược trương (nồng độ chất tan thấp hơn tổng nồng độ chất tan trong tế bào), nước sẽ khuếch tán từ bên ngoài vào trong tế bào tạo nên một áp lực lên màng tế bào khiến tế bào to ra và bị vỡ ra do không có thành tế bào.

Câu 11: Trong điều kiện nào, khi tăng nồng độ enzyme thì tốc độ phản ứng sẽ tăng?

Trả lời:

Trong điều kiện dư thừa cơ chất, khi tăng nồng độ enzyme thì tốc độ phản ứng sẽ tăng.

Câu 12: So sánh quang tổng hợp và hóa tổng hợp.

Trả lời:

So sánh

Quang tổng hợp

Hóa tổng hợp

Giống nhau

- Đều là quá trình tổng hợp chất hữu cơ đặc trưng cho cơ thể từ các chất vô cơ.

- Đều giai đoạn khử CO2 thành glucose.

Khác nhau

Sử dụng nguồn năng lượng ánh sáng nên quá trình này xảy ra khi có ánh sáng.

Sử dụng nguồn năng lượng hóa học trong các chất vô cơ nên quá trình này xảy ra kể cả khi không có ánh sáng.

Có giải phóng O2.

Không giải phóng O2.

Câu 13: Tại sao khi nhỏ một giọt nước bẩn vào trong cốc nước sạch, một lúc sau cốc nước có màu mờ đục?

Trả lời:

Khi nhỏ một giọt nước bẩn vào cốc nước sạch, các phân tử nước bẩn sẽ khuếch tán trong môi trường nước từ nơi có nồng độ cao đến nơi có nồng độ thấp dẫn đến cốc nước sạch ban đầu có màu đục hơn.

Câu 14: Khi nhiệt độ tăng quá cao thì hoạt tính của enzyme bị ảnh hưởng như thế nào? Vì sao?

Trả lời:

- Khi tăng nhiệt độ lên quá cao so với nhiệt độ tối ưu của một enzyme thì hoạt tính của enzyme bị giảm, thậm chí là mất hẳn hoạt tính.

- Vì mỗi enzyme có một nhiệt độ tối ưu, tại đó enzyme có hoạt tính tối đa làm cho tốc độ phản ứng xảy ra nhanh nhất. Ngoài khoảng nhiệt độ đó, hoạt tính enzyme sẽ giảm, thậm chí mất hoàn toàn.

Câu 15: Sự phân giải tinh bột diễn ra như thế nào?

Trả lời:

Sự phân giải tinh bột: Khi phân giải tinh bột sẽ tạo ra các phân tử glucose → Tế bào hấp thu và phân giải glucose, giải phóng năng lượng theo hai con đường là hô hấp và lên men.

Câu 16: Quá trình trao đổi chất qua màng tế bào diễn ra như thế nào?

Trả lời:

Quá trình trao đổi chất diễn ra như sau:

- Vận chuyển thụ động là kiểu khuếch tán của các chất từ nơi có nồng độ chất tan cao đến nơi có nồng độ chất tan thấp, không tiêu tốn năng lượng.

+ Khuếch tán đơn giản là quá trình khuếch tán của các phân tử nhỏ, không phân cực qua màng tế bào.

+ Khuếch tán tăng cường là sự khuếch tán của các phân tử nhỏ tích điện, phân cực qua các kênh protein của màng tế bào.

+ Thẩm thấu là sự khuếch tán của các phân tử nước từ nơi có nồng độ chất tan thấp tới nơi có nồng độ chất tan cao.

- Vận chuyển chủ động là kiểu vận chuyển các chất từ nơi có nồng độ chất tan thấp đến nơi có nồng độ chất tan cao và cần có năng lượng.

- Các phân tử hay vật thể có kích thước lớn được vận chuyển qua màng bằng cách ẩm bào, thực bào và xuất bào nhờ sự biến dạng của màng tế bào và cần sử dụng năng lượng.

Câu 17: Phân biệt coenzyme và cofactor và nêu rõ vai trò của chúng trong phản ứng hóa học?

Trả lời:

- Coenzym là hợp chất hữu cơ chỉ liên kết tạm thời với phần protein của enzym giúp cho enzym có hoạt tính xúc tác. Sau phản ứng nó có thể tách khỏi enzym và liên kết với 1 enzym khác.

- Cofactor là thành phần vô của enzym, luôn liên kết với enzym và không bao giờ tách khỏi enzym.

- Coenzym liên kết với vùng trung tâm hoạt động của enzym như một cơ chất và tham gia như một chất cho và nhận điện tử, H, chuyển các nhóm chức vào cơ chất của enzym giúp phản ứng dễ xảy ra.

- Cofactor tham gia vào phản ứng oxi hóa khử (vi dự Fe-- Fe).

Câu 18: Tại sao tâm trạng thường không tốt vào mùa đông?

Trả lời:

- Mọi người thường có xu hướng ở trong nhà nhiều hơn khi trời trở lạnh. Điều này khiến bạn không thể tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, kết quả là thiếu vitamin D. Đồng thời, hàm lượng serotonin được sản sinh nhờ vào ánh nắng mặt trời sẽ bị suy giảm đáng kể.

- Khi cơ thể thiếu hụt serotonin khiến bạn luôn có cảm giác buồn chán, căng thẳng. Kết hợp với lượng vitamin D không đủ có thể gây nên các triệu chứng trầm cảm hoặc rối loạn tâm lý. Điển hình là tình trạng rối loạn tâm lý theo mùa - SAD.

- Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những người bị SAD có xu hướng thèm ăn carbohydrate vì chúng giúp cơ thể sử dụng tryptophan - một loại axit amin để chuyển đổi thành serotonin tạo nên tâm trạng vui vẻ.

Câu 19: Ở các tế bào động vật có vú, nồng độ Na+ ở bên ngoài cao hơn nhiều so với bên trong tế bào còn nồng độ K+ ở bên trong cao hơn nhiều so với bên ngoài tế bào. Khi các tế bào neuron truyền xung thần kinh, Na+ đi qua protein kênh vào bên trong còn K+ đi ra bên ngoài. Bằng cách nào tế bào thần kinh có thể khôi phục lại chênh lệch nồng độ Na+ và K+ hai bên màng sinh chất như ban đầu?

Trả lời:

Tế bào thần kinh có thể khôi phục lại chênh lệch nồng độ Na+ và K+ hai bên màng sinh chất như ban đầu bằng cách sử dụng bơm vận chuyển chủ động.

Câu 20: Giải thích các hiện tượng sau:

- Dịch quả mơ chảy ra khi ngâm quả với đường trong một thời gian.

- Lá xà lách héo rũ tươi trở lại khi ngâm trong nước một thời gian.

Trả lời:

 Dịch quả mơ chảy ra khi ngâm quả với đường trong một thời gian: Dung dịch đường là ưu trương so với dịch tế bào trong quả mơ. Vì vậy, nước trong tế bào quả mơ đi ra ngoài kéo theo một số chất hòa tan.

- Lá xà lách héo rũ tươi trở lại khi ngâm trong nước một thời gian: Nước là nhược trương so với dịch tế bào lá xà lách. Vì vậy, nước đi vào trong tế bào làm tế bào trương lên.

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Bài tập file word sinh học 10 cánh diều - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu môn khác

Tài liệu mới cập nhật

Chat hỗ trợ
Chat ngay