Bài tập file word sinh học 10 chân trời Bài 26: Công nghệ vi sinh vật
Bộ câu hỏi tự luận sinh học 10 chân trời sáng tạo. Câu hỏi và bài tập tự luận Bài 26: Công nghệ vi sinh vật. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học sinh học 10 chân trời sáng tạo.
Xem: => Giáo án sinh học 10 chân trời sáng tạo (bản word)
CHƯƠNG V: VI SINH VẬT VÀ ỨNG DỤNG
BÀI 26 - CÔNG NGHỆ VI SINH VẬT
I. NHẬN BIẾT (6 câu)
Câu 1: Công nghệ vi sinh vật là gì?
Trả lời:
Công nghệ vi sinh vật là một lĩnh vực quan trọng của công nghệ sinh học, sử dụng vi sinh vật hoặc các dẫn xuất của chúng để tạo ra sản phẩm phục vụ cho đời sống của con người.
Câu 2: Trình bày cơ sở khoa học của công nghệ vi sinh vật.
Trả lời:
Cơ sở khoa học của việc ứng dụng công nghệ vi sinh vật dựa trên các đặc điểm của vi sinh vật:
- Vi sinh vật có kích thước hiển vi, tốc độ trao đổi chất với môi trường nhanh, sinh trưởng và sinh sản nhanh, có hình thức dinh dưỡng đa dạng.
- Một số loài vi sinh vật có thể sống ở những môi trường cực đoan.
- Quá trình tổng hợp và phân giải các chất ở vi sinh vật tạo ra nguồn sản phẩm giá trị cho con người.
Câu 3: Trình bày một số thành tựu hiện đại của công nghệ vi sinh vật trong nông nghiệp.
Trả lời:
- Công nghệ vi sinh sản xuất phân bón:
+ Các chế phẩm vi sinh vật có thể chứa một hoặc nhiều chủng vi sinh vật khác nhau được phối trộn với chất mang hoặc chất hữu cơ để tạo phân bón.
+ Hiện nay, các nhà khoa học đã sử dụng công nghệ gene để tạo ra các chủng vi sinh vật có nhiều đặc điểm tốt, có khả năng ức chế hoặc tiêu diệt các loài vi sinh vật gây hại trong đất nhằm cải thiện đất, tăng năng suất cây trồng.
- Công nghệ vi sinh sản xuất thuốc trừ sâu:
+ Sử dụng các chế phẩm vi khuẩn có khả năng tiết ra chất độc diệt sâu bệnh hoặc nấm kí sinh trên côn trùng để sản xuất thuốc trừ sâu vi sinh.
+ Hiện nay, các nhà khoa học đã sử dụng vi khuẩn làm vector chuyển gene để tạo giống thực vật kháng sâu bệnh.
Câu 4: Trình bày một số thành tựu hiện đại của công nghệ vi sinh vật trong công nghệp thực phẩm.
Trả lời:
- Sử dụng các vi sinh vật có khả năng sản xuất sinh khối nhanh để tạo ra các nguyên liệu trong công nghiệp và đời sống.
- Sử dụng các vi sinh vật lên men để sản xuất các loại rượu, bia, nước giải khát, thực phẩm.
Câu 5: Trình bày một số thành tựu hiện đại của công nghệ vi sinh vật trong y học.
Trả lời:
- Sử dụng công nghệ vi sinh vật để sản xuất thuốc kháng sinh chữa bệnh cho người và động vật. Khoảng 90 % kháng sinh tự nhiên đều được sản xuất từ xạ khuẩn và nấm.
- Sử dụng công nghệ vi sinh vật để sản xuất hormone hoặc vaccine.
Câu 6: Trình bày một số thành tựu hiện đại của công nghệ vi sinh vật trong xử lí ô nhiễm môi trường.
Trả lời:
- Sử dụng công nghệ vi sinh vật để xử lí rác thải hữu cơ giúp bảo vệ môi trường, đồng thời làm phân bón cho cây trồng.
- Sử dụng công nghệ vi sinh vật thể xử lí nước thải bằng cách phân hủy các chất hữu cơ có trong môi trường nước, làm sạch nước, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
II. THÔNG HIỂU (4 câu)
Câu 1: Sản phẩm từ công nghệ vi sinh vật thường có đặc điểm gì?
Trả lời:
Sản phẩm từ công nghệ vi sinh vật thường có đặc điểm là an toàn, thân thiện với môi trường, giá thành rẻ, hiệu quả lâu dài.
Câu 2: Vì sao vi sinh vật sinh trưởng nhanh, phát triển mạnh?
Trả lời:
Sinh trưởng nhanh, phát triển mạnh: Do kích thước nhỏ nên tỉ lệ diện tích/thể tích (S/V) cơ thể ở sinh vật lớn, làm tăng tốc độ trao đổi chất và sinh trưởng. Kích thước nhỏ còn có lợi trong việc nuôi cấy, lưu trữ và nghiên cứu vi sinh vật (một số lượng rất lớn tế bào có thể được nuôi cấy chỉ trong một khoảng không gian nhỏ).
Câu 3: Công nghệ vi sinh vật có thể được ứng dụng trong các lĩnh vực nào?
Trả lời:
- Công nghệ vi sinh vật có thể được ứng dụng trong nông nghiệp, chế biến thực phẩm, y dược, xử lí chất thải.
- Ngoài ra, công nghệ vi sinh vật cũng mở ra cuộc cách mạng trong ngành sản xuất bột giặt và các ngành công nghiệp thuộc da.
Câu 4: Kể tên một số vi sinh vật và các thực phẩm được tạo ra từ hoạt động của chúng.
Trả lời:
- Nấm men bia (Saccharomyces cerevisiae): bia, rượu, bánh mì.
- Vi khuẩn lactic (Lactobacillius casei): sữa chua, pho mát.
- Nấm mốc tương (Aspegillius oryzae): tương.
III. VẬN DỤNG (4 câu)
Câu 1: Nêu một số ứng dụng của vi sinh vật trong nông nghiệp.
Trả lời:
- Các chế phẩm vi sinh vật: phân vi sinh cố định đạm, phân vi sinh phân giải lân, phân vi sinh phân giải cellulose,…
- Sản xuất thuốc trừ sâu: thuốc trừ sâu Bacillus thuringiensis Bio-B diệt sâu tơ, sâu cuốn lá, sâu xanh, sâu khoang,…; sử dụng chế phẩm nấm Nomuraea rileyi để sản xuất thuốc trừ sâu diệt các loại sâu hại rau;…
Câu 2: Nêu một số ứng dụng của vi sinh vật trong chế biến thực phẩm.
Trả lời:
- Sử dụng nấm men Saccharomyces cerevisiae để sản xuất ethanol dùng làm nhiên liệu sinh học và sản xuất protein đơn bào làm thức ăn bổ sung cho vật nuôi,…
- Sử dụng vi khuẩn Lactococcus lactis để sản xuất phomat,…
Câu 3: Nêu một số ứng dụng của vi sinh vật trong y học.
Trả lời:
- Sử dụng nấm Penicillium chrysogenum để sản xuất kháng sinh penicillin để điều trị vết thương nhiễm khuẩn,...
- Sử dụng E.coli để sản xuất insulin điều trị bệnh tiểu đường,…
Câu 4: Nêu một số ứng dụng của vi sinh vật trong xử lí ô nhiễm môi trường.
Trả lời:
- Sử dụng chế phẩm EM để xử lí các bãi rác chôn lấp bằng phương pháp kị khí,…
- Sử dụng chế phẩm Bio-EM giúp phân hủy các chất hữu cơ có trong môi trường nước,…
IV. VẬN DỤNG CAO (2 câu)
Câu 1: Tìm hiểu và kể tên một số ngành nghề cùng với vị trí làm việc liên quan đến công nghệ vi sinh vật.
Trả lời:
- Công nghệ vi sinh vật đã mở ra nhiều lĩnh vực ngành nghề khác nhau, góp phần giải quyết việc làm, thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội.
- Một số ngành nghề liên quan đến công nghệ vi sinh vật: sản xuất (chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất thực phẩm,…); chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh (y, dược); xử lí ô nhiễm môi trường; nghiên cứu, quản lí các vấn đề liên quan đến công nghệ vi sinh vật;…
- Vị trí việc làm liên quan đến công nghệ vi sinh vật: kĩ sư (thiết kế phần mềm, thiết kế và vận hành máy móc, quản lí dự án có liên quan đến ứng dụng vi sinh vật), kĩ thuật viên (làm việc tại các cơ sở y tế, nhà máy sản xuất,…), chuyên viên tư vấn các vấn đề liên quan đến vi sinh vật, nhà dịch tễ học,…
Câu 2: Công nghệ vi sinh vật có triển vọng như thế nào trong tương lai?
Trả lời:
- Công nghệ vi sinh vật đang ngày càng phát triển và có nhiều triển vọng trong tương lai nhằm tạo ra các sản phẩm sạch, an toàn, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững:
+ Sản xuất pin nhiên liệu vi sinh vật để làm chỉ thị đánh giá nhanh nước thải.
+ Sử dụng công nghệ Nano Bioreactor để xử lí nước thải.
+ Tạo giống vi sinh vật bằng công nghệ DNA tái tổ hợp, tạo đột biến định hướng, chỉnh sửa gene, phân lập gene.
+ Sử dụng công nghệ chuyển gene để sản xuất các chế phẩm sinh học, nhờ vào khả năng sinh trưởng nhanh, chuyển hóa mạnh của vi sinh vật.
+ Bảo quản giống vi sinh vật bằng công nghệ làm lạnh sâu.
+ Lên men quy mô lớn, thu hồi sản phẩm bằng cách tăng tính đồng bộ hóa, ứng dụng công nghệ 4.0 trong kiểm soát, điều khiển quá trình lên men, tự động hóa trong các khâu.
+ Thu hồi và tạo sản phẩm bằng công nghệ lọc tiếp tuyến; li tâm liên tục, siêu li tâm, công nghệ sấy phun, công nghệ tạo vi nang,...
+ Sử dụng công nghệ vi sinh vật Microbiome trong sản xuất mĩ phẩm bảo vệ da.
- Công nghệ vi sinh vật trong tương lai hướng đến việc tạo các nguồn gene vi sinh vật mới thông qua các phương pháp gây đột biến, chuyển gene; khai thác nguồn gene của các vi sinh vật sống ở điều kiện môi trường cực đoan; xây dựng các hệ thống tự động hóa trong quy trình sản xuất;…
- Sự phát triển của công nghệ vi sinh vật sẽ dẫn đến sự phát triển của nhiều ngành nghề có liên quan và mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp mới trong tương lai.
=> Giáo án sinh học 10 chân trời bài 26: Công nghệ vi sinh vật (2 tiết)