Câu hỏi tự luận Công nghệ 8 Chân trời sáng tạo bài 6: Truyền và biến đổi chuyển động
Bộ câu hỏi tự luận Công nghệ 8 Chân trời sáng tạo. Câu hỏi và bài tập tự luận bài 6: Truyền và biến đổi chuyển động. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Công nghệ 8 Chân trời sáng tạo.
Xem: => Giáo án công nghệ 8 chân trời sáng tạo
BÀI 6: TRUYỀN VÀ BIẾN ĐỔI CHUYỂN ĐỘNG
(19 câu)
1. NHẬN BIẾT (6 câu)
Câu 1: Trong các cơ cấu truyền chuyển động của máy móc, thiết bị có những loại truyền động nào?
Trả lời:
Trong các cơ cấu truyền chuyển động của máy móc, thiết bị có những loại truyền động: truyền động xích, truyền động đai, truyền động bánh răng, truyền động trục vít, bánh vít...
Câu 2: Trong các cơ cấu biến đổi chuyển động của máy móc, thiết bị có những loại biến đổi chuyển động nào?
Trả lời:
Trong các cơ cấu biến đổi chuyển động của máy móc, thiết bị có những loại biến đổi chuyển động sau: cơ cấu quay tay - con trượt; cơ cấu trục vít me - đai ốc; cơ cấu tay quay - thanh lắc.
Câu 3: Mô tả cấu tạo của truyền động ăn khớp.
Trả lời:
Bộ truyền động ăn khớp gồm một cặp bánh răng (truyền động bánh răng) hoặc đĩa xích (truyền động xích) ăn khớp với nhau và truyền chuyển động cho nhau.
Câu 4: Mô tả cấu tạo của truyền động đai.
Trả lời:
- Bộ truyền động bánh đai gồm một cặp bánh đai truyền chuyển động cho nhau thông qua dây đai.
- Bộ truyền động đai giúp truyền chuyển động nhờ ma sát giữa dây đai và bánh đai, cho phép nới rộng khoảng cách giữa các trục.
Câu 5: Mô tả cấu tạo của cơ cấu quay thanh lắc.
Trả lời:
Cơ cấu quay thanh lắc có cấu tạo gồm: tay quay 1, thanh truyền 2, thanh lắc 3 và giá đỡ 4.
Câu 6: Biến đổi chuyển động được phân chia làm mấy loại?
Trả lời:
Biến đổi chuyển động được phân chia làm hai loại:
- Cơ cấu biến đổi chuyển động quay thành chuyển động tịnh tiến hoặc ngược lại.
- Cơ cấu biến đổi chuyển động quay thành chuyển động lắc hoặc ngược lại.
2. THÔNG HIỂU (4 câu)
Câu 1: Khi động cơ điện hoạt động, chuyển động quay của trục động cơ sẽ truyền đến các bộ phận khác của máy móc và biến đổi dạng chuyển động như thế nào?
Trả lời:
- Khi động cơ điện hoạt động, chuyển động quay của trục động cơ sẽ truyền đến làm bánh đai quay, thông qua dây đai, bánh còn lại sẽ quay theo.
- Biến đổi dạng chuyển động quay.
Câu 2: Mô tả quá trình truyền chuyển động đạp xe của con người đến các bộ phận giúp xe chạy được.
Trả lời:
Quá trình truyền chuyển động đạp xe của con người đến các bộ phận giúp xe chạy được: con người tác động lên bàn đạp, truyền đến đĩa xích, thông qua dây xích, truyền đến líp làm quay bánh xe sau.
Câu 3: Nêu nguyên lí hoạt động của cơ cấu tay quay con trượt.
Trả lời:
Khi tay quay 1 quay quanh trục A, đầu B của thanh truyền 2 chuyển động tròn làm cho con trượt 3 chuyển động tịnh tiến qua lại hoặc lên xuống trong giá đỡ 4. Tùy vào bộ phận nào đang dẫn động, cơ cấu này sẽ biến đổi chuyển động quay thành chuyển động tịnh tiến hoặc ngược lại.
Câu 4: Nêu nguyên lí hoạt động của cơ cấu tay quay thanh lắc.
Trả lời:
Khi tay quay 1 quay xung quanh trục A, thông qua thanh truyền 2 làm thanh lắc 3 lắc qua lại quanh trục D một góc xác định.
3. VẬN DỤNG (5 câu)
Câu 1: Tại sao trong các loại xe đạp thể thao, líp (số 4) thường gồm nhiều đĩa xích lớn nhỏ khác nhau?
Trả lời:
Xe đạp thể thao có nhiều líp để khi chuyển líp sẽ thay đổi tốc độ quay của bánh xe giúp đạt được tốc độ mong muốn.
Câu 2: Hãy nêu sự giống và khác nhau giữa truyền động xích với truyền động bánh răng?
Trả lời:
- Giống nhau:
+ Bánh dẫn 1 có số răng là Z1, tốc độ quay n1, làm cho bánh bị dẫn 2 có số răng là Z2, tốc độ quay n2 thì tỉ số truyền i: i = nd/nbd = n1/n2 = Z2/Z1
+ Bánh răng hoặc đĩa xích nào có số răng ít hơn thì sẽ quay nhanh hơn.
+ Khi i = 1 bộ truyền giữ nguyên tốc độ, i < 1 bộ truyền giúp tăng tốc độ và khi i > 1 bộ truyền làm giảm tốc.
- Khác nhau:
+ Bộ truyền chuyển động bánh răng dùng để truyền chuyển động quay giữa các trục song song hoặc vuông góc với nhau.
+ Bộ truyền động xích dùng để truyền chuyển động quay giữa hai trục xa nhau.
Câu 3: Nêu một sản phẩm có ứng dụng một trong các cơ cấu biến đổi chuyển động. Xác định loại cơ cấu biến đổi chuyển động và mô tả nguyên lí làm việc của sản phẩm mà em đã chọn.
Trả lời:
- Trong quạt máy (có tuốc năng) ứng dụng cơ cấu tay quay thanh lắc.
- Khi tay quay (màu vàng) quay xung quanh trục, thông qua thanh truyền (xanh lá) làm thanh lắc (màu đỏ) qua lại quanh trục một góc xác định.
Câu 4: Tại sao trong máy móc, thiết bị cần phải có cơ cấu truyền chuyển động?
Trả lời:
Trong máy móc, thiết bị, cần phải có cơ cấu truyền chuyển động vì các bộ phận của máy thường đặt xa nhau và có tốc độ không giống nhau, song đều được dẫn động từ một chuyển động ban đầu. Do đó, cơ cấu truyền chuyển động có nhiệm vụ truyền và biến đổi tốc độ cho phù hợp với tốc độ của các bộ phận trong máy.
Câu 5: Tại sao trong máy móc, thiết bị cần phải có cơ cấu biến đổi chuyển động?
Trả lời:
Trong máy móc, thiết bị, cần phải có cơ cấu biến đổi chuyển động vì các bộ phận trong máy có nhiều dạng chuyển động rất khác nhau. Vậy, từ một dạng chuyển động ban đầu, muốn biến thành các dạng chuyển động khác cần phải có cơ cấu biến đổi chuyển động.
4. VẬN DỤNG CAO (4 câu)
Câu 1: Bánh răng chủ động của bộ truyền động xích có 70 răng, bánh răng bị động quay với tốc độ 120 vòng/phút. Tỉ số truyền là 2,5. Hỏi bánh răng bị động có bao nhiêu răng? Bánh răng chủ động quay với tốc độ bao nhiêu?
Trả lời:
Số răng của bánh răng bị động là: 70:2,5=28 (răng).
Tốc độ của bánh răng chủ động là: 120:2,5=48 (vòng/phút).
Câu 2: Đĩa xích của xe đạp có 50 răng, đĩa líp có 20 răng. Tính tỉ số truyền i và chi biết chi tiết nào quay nhanh hơn?
Trả lời:
Tỉ số truyền i là: 50:20=2,5.
Đĩa líp quay nhanh hơn vì có số răng ít hơn.
Câu 3: Hệ thống truyền động trên xe máy loại xe tay ga có tốc độ quay của bánh phía động cơ là 1200 vòng/phút, tỉ số truyền là 0,25. Hỏi bánh phía bánh xe quay với tốc độ bao nhiêu?
Trả lời:
Bánh phía bánh xe quay với tốc độ là: 0,25×1200=300 vòng/phút.
Câu 4: Cho thông tin sau: Dùng chân đạp lên bàn đạp để bàn đạp bập bênh để thanh truyền chuyển động lên xuống tác động lực lên vô lăng dẫn chuyển động quay tròn. Thông qua dây đai mà lực từ vô lăng dẫn truyền lên vô lăng bị dẫn. Tuy vô lăng bị dẫn chuyển động quay tròn nhưng nhờ hệ thống truyền động trong thân máy làm cho kim máy chuyển động lên xuống thực hiện công việc may vải. Hãy cho biết:
Máy khâu đạp chân có những loại chuyển động nào?
Máy khâu đạp chân có những cơ cấu biến đổi chuyển động nào?
Trả lời:
- Máy khâu đạp chân có những loại chuyển động: chuyển động lắc (bập bênh), chuyển động tịnh tiến, chuyển động quay tròn.
Máy khâu đạp chân có những cơ cấu biến đổi chuyển động:
+ Biến đổi chuyển động lắc thành chuyển động tịnh tiến.
+ Biến đổi chuyển động lắc thành chuyển động quay tròn.
+ Biến đổi chuyển động quay tròn thành chuyển động tịnh tiến.
=> Giáo án Công nghệ 8 chân trời Bài 6: Truyền và biến đổi chuyển động