Câu hỏi tự luận địa lí 10 chân trời sáng tạo Bài 21: Phân bố dân cư và đô thị hóa

Bộ câu hỏi tự luận Địa lí 10 Chân trời sáng tạo. Câu hỏi và bài tập tự luận Bài 21: Phân bố dân cư và đô thị hóa. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Địa lí 10 Chân trời sáng tạo

Xem: => Giáo án địa lí 10 chân trời sáng tạo (bản word)

BÀI 21. PHÂN BỐ DÂN CƯ VÀ ĐÔ THỊ HÓA 

(17 câu)

1. NHẬN BIẾT (5 câu)

Câu 1: Quan sát hình ảnh dưới đây và trình bày tình hình phân bố dân cư thế giới?

Trả lời:

Sự phân bố dân cư trên thế giới không đều trong không gian và biến động theo thời gian. Con người sống khắp nơi trên bề mặt các lục địa và các đảo, quần đảo giữa đại dương với mật độ dân số trung bình thế giới là 60 người/km2 (năm 2020). Nơi có mật độ dân số cao nhất là quốc gia Mô-na-cô (Monaco), lên đến 26 338 người/km2; nơi có mật độ dân số thấp nhất là đảo Grơn-len (Greenland – Đan Mạch) chi chưa đến 1 người/km2. Trong một lục địa, một khu vực, một quốc gia và thậm chí trong một vùng lãnh thổ của từng quốc gia, phân bố dân cư cũng không đều.

Câu 2: Phân bố dân cư là gì?

Trả lời:

Phân bố dân cư là một hiện tượng xã hội có tính quy luật, chịu tác động tổng hợp của nhiều nhân tố, bao gồm trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, tính chất nền kinh tế, điều kiện tự nhiên, lịch sử khai thác lãnh thổ,...

Câu 3: Trình bày các nhân tố tác động đến phân bố dân cư?

Trả lời:

Các nhân tố tác động đến phân bố dân cư:

* Các nhân tố kinh tế – xã hội

- Trình độ phát triển của lực lượng sản xuất và tính chất của nền kinh tế: có vai trò quyết định trong sự phân bố dân cư.

- Lịch sử khai thác lãnh thổ và chuyển cư những khu vực được khai thác lâu đời có dân cư đông đúc hơn những khu vực mới khai thác. Việc chuyển cư với quy mô lớn có tác động nhiều tới sự phân bố dân cư trên thế giới.

* Các nhân tố tự nhiên

- Vị trí địa lí, các điều kiện tự nhiên (khí hậu, nước, địa hình, đất đai,...) tạo thuận lợi hoặc gây khó khăn đến đời sống con người, qua đó tác động đến sự phân bố dân cư.

Câu 4: Đô thị hóa là gì?

Trả lời:

Đô thị hoá là quá trình kinh tế – xã hội mà biểu hiện của nó là sự tăng nhanh về số lượng và quy mô của các điểm dân cư đô thị, sự tập trung dân cư trong các thành phố, nhất là các thành phố lớn và phổ biến rộng rãi lối sống thành thị.

Câu 5: Trình bày các nhân tố tác động đến đô thị hóa?

Trả lời:

- Các nhân tố tác động: 

+ Vị trí địa lí: Tạo động lực phát triển đô thị, quy định chức năng đô thị. 

+ Tự nhiên (địa hình, đất, khí hậu, nguồn nước, khoáng sản,...): Tác động đến bố trí cơ sở hạ tầng, kiến trúc, cảnh quan đô thị; khả năng mở rộng không gian đô thị, chức năng bản sắc đô thị. 

+ Kinh tế - xã hội (dân cư, trình độ phát triển kinh tế, cơ sở vật chất kĩ thuật, chính sách phát triển kinh tế - xã hội...): Tác động đến mức độ và tốc độ đô thị hoá; cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, lối sống; mô và chức năng đô thị; hình thành hệ thống đô thị toàn cầu. 

2. THÔNG HIỂU (5 câu)

Câu 1: Phân tích các nhân tố tự nhiên ảnh hưởng tới sự phân bố dân cư trên thế giới? 

Trả lời:

Nhân tố tự nhiên:

– Khí hậu: ảnh hưởng rõ nhất đến sự phân bố dân cư. Ở những vùng khí hậu ôn hòa, ấm áp (vùng ôn đới và nhiệt đới) thường có dân cư tập trung đông đúc, còn ở những nơi khí hậu khắc nghiệt (nóng quá như sa mạc, lạnh quá như vùng cực, hay mưa nhiều quá như vùng rừng rậm xích đạo) ít hấp dẫn con người.

- Nước: mọi hoạt động sản xuất và đời sống đều cần đến nước. Do vậy, nguồn nước dồi dào cũng là nơi thu hút dân cư như các châu thổ sông Hồng, sông Mê Kông, Trường Giang, Hoàng Hà, còn ở những vùng khô hạn như hoang mạc Xa–ha–ra vắng bóng người.

- Địa hình và đất đai: Vùng đồng bằng, địa hình bằng phẳng, đất đai màu mỡ là nơi tập trung dân cư đông đúc. Ngược lại, ở các vùng núi cao và những vùng đất khô cằn ở các hoang mạc và thảo nguyên khô, điều kiện phát triển sản xuất và giao thông gặp nhiều khó khăn, nên dân cư thưa thớt.

- Khoáng sản: cũng có ý nghĩa nhất định trong phân bố dân cư. Những mỏ lớn có sức hấp dẫn đặc biệt đối với con người, dù điều kiện sinh hoạt có nhiều khó khăn, dù thiên nhiên có khắc nghiệt.

Câu 2: Công nghiệp hóa và đô thị hóa có mối quan hệ như thế nào?

Trả lời:

Mối quan hệ giữa công nghiệp hóa và đô thị hóa

- Công nghiệp hóa là quá trình một xã hội chuyển dịch từ một nền kinh tế chủ yếu dựa trên cơ sở nông nghiệp sang một nền kinh tế về cơ bản dựa vào sản xuất công nghiệp.

- Đô thị hóa là một quá trình kinh tế – xã hội, mà biểu hiện của nó là sự tăng nhanh về số lượng và quy mô của các điểm dân cư đô thị, sự tập trung dân cư trong các thành phố, nhất là các thành phố lớn, là sự phổ biến rộng rãi lối sống thành thị.

- Công nghiệp hoá tác động đến đô thị hoá:

+ Làm tăng tỉ lệ dân đô thị. Công nghiệp phát triển làm tăng lao động công nghiệp, là lao động phân bố ở các đô thị. Sự mở rộng và phát triển sản xuất công nghiệp kéo theo sự phát triển các ngành dịch vụ, từ đó thu hút lực lượng lao động lớn ở nông thôn vào thành thị.

+ Mở rộng các đô thị và làm xuất hiện đô thị mới. Sự phân bố các điểm, khu công nghiệp dẫn đến yêu cầu mở rộng không gian đô thị làm cho các vùng nông thôn ven đô thị dần trở thành các đô thị vệ tinh.

+ Tăng cường phổ biến lối sống đô thị. Công nghiệp hoá làm tăng tỉ lệ dân đô thị, mở rộng lối sống đô thị. Đồng thời sự mở rộng sản xuất công nghiệp nhiều khi được thực hiện bằng cách xây dựng các xí nghiệp, khu công nghiệp ngay tại vùng nông thôn. Điều này thu hút lao động tại chỗ phát triển sản xuất, đồng thời các hoạt động dịch vụ đi kèm sẽ phát triển theo. Dần dần quá trình đô thị hóa được diễn ra ngay tại vùng nông thôn.

- Đô thị hoá tác động đến công nghiệp hoá:

+ Tạo cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kĩ thuật cho sản xuất công nghiệp.

+ Cung cấp nguồn lao động kĩ thuật và có tay nghề cao.

Câu 3: Các nhân tố kinh tế - xã hội ảnh hưởng như thế nào tới sự phân bố dân cư trên thê giới?

Trả lời:

Nhân tố kinh tế – xã hội: đóng vai trò quan trọng hàng đầu.

– Trình độ phát triển của lực lượng sản xuất: Bức tranh phân bố dân cư thế giới thay đổi cùng sự phát triển của lực lượng sản xuất, chẳng hạn như ngày nay, nhiều điểm dân cư lớn đã mọc lên ở những vùng quanh năm băng giá, vùng núi cao hay hoang mạc nóng bỏng, thậm chí vươn ra biển.

– Tính chất của nền kinh tế: Phân bố dân cư phụ thuộc chặt chẽ vào tính chất của nền kinh tế. Những khu vực dân cư đông đúc thường gắn với hoạt động công nghiệp hơn so với nông nghiệp. Trong các khu vực công nghiệp, mật độ dân cư cao thấp khác nhau cũng tùy theo tính chất của từng ngành sản xuất. Cùng là hoạt động nông nghiệp nhưng vẫn có nơi thưa dân, nơi đông dân. Ví dụ: việc canh tác lúa nước đòi hỏi nhiều lao động.

– Lịch sử khai thác lãnh thổ: Những khu vực khai thác lâu đời như các đồng bằng châu thổ ở Đông Nam Á, Tây Âu hay đồng bằng sông Hồng ở Việt Nam có dân cư đông đúc hơn những khu vực mới khai thác ở Ca–na–đa, Ô-xtrây-li- a hay ở đồng bằng sông Cửu Long.

Các dòng chuyển cư: ít nhiều tác động tới bức tranh phân bố dân cư thế giới. Số dân và mật độ dân số của Bắc Mĩ, Mĩ La-tinh và Ô-xtrây-li-a tăng lên rất nhiều nhờ những cuộc chuyển cư khổng lồ từ châu Âu và châu Phi tới

Câu 4: So sánh sự khác nhau về tỉ lệ dân thành thị giữa các nước phát triển và đang phát triển? 

Trả lời:

 

Các nước phát triển

Các nước đang phát triển

Tỉ lệ dân đô thị

+ Tỉ lệ dân đô thị cao: Tỉ lệ đô thị hoá hiện nay đạt trên 77%, do quá trình công nghiệp hoá diễn ra sớm nên quá trình đô thị hoá cũng bắt đầu sớm.

Tỉ lệ dân đô thị thấp: Do đô thị hoá muộn hơn, công nghiệp hoá còn chậm, trình độ phát triển kinh tế còn thấp.

Tốc độ gia tăng hiện nay

Tốc độ gia tăng hiện nay chậm: Do khả năng kiểm việc làm và tăng thu nhập ở các đô thị không còn hấp dẫn như thời kì bắt đầu công nghiệp hoá.

Tốc độ gia tăng dân số đô thị hiện nay nhanh: Do nhiều nước đang đẩy mạnh quá trình công nghiệp hoả nên nhu cầu về lao động ở các đô thị lớn đã góp phần thu hút lao động từ nông thôn. Đồng thời, điều kiện sống, khả năng kiếm việc làm và thu nhập ở đô thị tốt hơn ở nông thôn nên dân cư nông thôn vào thành phố ngày càng đông.

Câu 5: Trình bày ảnh hưởng của đô thị hóa đến kinh tế - xã hội và môi trường?

Trả lời:

 

Đối với kinh tế - xã hội

Đối với môi trường

Tích cực

Đô thị hoá góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động từ khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản sang khu vực công nghiệp và xây dựng, khu vực dịch vụ; tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống dân cư,...

Đô thị hoá mở rộng không gian đô thị và cải thiện cơ sở hạ tầng, hình thành môi trường đô thị hiện đại, góp phần giúp người dân có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ tiện nghi và ứng xử văn minh, thực hiện quy định về vệ sinh môi trường tại đô thị,...

Tiêu cực

Quá trình đô thị hoá tự phát không gắn với công nghiệp hoá sẽ đẩy nhanh quá trình tập trung dân cư tại các đô thị. Từ đó, gây quá tải cơ sở hạ tầng (giao thông, nhà ở, điện, nước, y tế, giáo dục,..) dẫn đến sự phân hoá giàu nghèo giữa các vùng và tạo sức ép lên vấn đề giải quyết việc làm, quản lí hành chính và trật tự an ninh đô thị. Trong khi đó, ở nông thôn sẽ thiếu hụt nguồn lao động, gây ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế.

Đô thị hoá làm suy giảm đa dạng sinh học, thay đổi địa hình bề mặt, mực nước ngầm... Môi trường bị ô nhiễm từ các chất thải trong sản xuất và sinh hoạt ở các đô thị.

3. VẬN DỤNG (4 câu)

Câu 1: Trong các nhân tố ảnh hưởng đến phân bố dân cư, nhân tố nào là quan trọng nhất? Tại sao?

Trả lời:

Nhân tố kinh tế – xã hội đóng vai trò quan trọng nhất, vì: 

+ Vì khi khoa học kĩ thuật chưa phát triển thì con người phụ thuộc vào các yếu tố tự nhiên, lựa chọn nơi phù hợp để sinh sống.

+ Ngày nay, khi lực lượng sản xuất phát triển, con người có thể khắc phục những trở ngại về mặt tự nhiên để tiến hành sản xuất và phân bố dân cư như ở các vùng sa mạc, hoang mạc,...

+ Dựa vào tính chất của nền kinh tế, con người sẽ lựa chọn nơi cư trú phù hợp.

Câu 2: Tại sao giữa các quốc gia, châu lục, vùng có sự khác nhau về phân bố dân cư?

Trả lời:

Sự phân bố dân cư ở trên thế giới khác nhau giữa các quốc gia, châu lục, vùng, do sự tác động của các nhân tố tự nhiên và kinh tế - xã hội khác nhau ở các lãnh thổ. 

- Do tác động của các nhân tố tự nhiên: 

+ Khí hậu: Dân cư thường tập trung đông ở nơi có khí hậu ôn hoà, ấm áp (vùng ôn đới và nhiệt đới), thưa thớt ở nơi có khí hậu khắc nghiệt (sa mạc, vùng cực, mưa quá nhiều ở vùng rừng rậm xích đạo,...).

+ Nguồn nước: Nguồn nước dồi dào thu hút dân cư (như ở châu thổ các sông lớn).

+ Địa hình, đất đai: Dân cư thường tập trung đông đúc ở nơi có địa hình bằng phẳng, đất đai màu mỡ; ngược lại, các vùng núi cao, điều kiện phát triển sản xuất và giao thông khó khăn, dân cư thưa thớt.

+Tài nguyên khoáng sản cũng có ý nghĩa nhất định trong phân bố dân cư. - Do tác động của nhân tố kinh tế – xã hội (đóng vai trò quan trọng hàng đầu)

+ Trình độ phát triển của lực lượng sản xuất: Trình độ phát triển của lực lượng sản xuất càng cao, cảng chế ngự được nhiều khó khăn của tự nhiên để bố trí dân cư (ngày nay, nhiều điểm dân cư đã mọc lên ở những vùng quanh năm băng giá, vùng núi cao hay hoang mạc...).

+ Tính chất nền kinh tế: Phân bố dân cư phụ thuộc chặt chẽ vào tính chất của nền kinh tế. Những khu dân cư đông đúc thường gắn với hoạt động công nghiệp hơn là với nông nghiệp. Trong các khu vực công nghiệp, mật độ dân cư cao thấp khác nhau tuỳ theo tính chất của từng ngành sản xuất. Trong nông nghiệp cũng tương tự, việc canh tác lúa nước cần nhiều lao động nên dân cư tập trung đông đúc.

+ Lịch sử khai thác lãnh thổ: Những khu vực khai thác lâu đời (các đồng bằng châu thổ ở Đông Nam Á, đồng bằng Tây Âu,...) có dân cư đông đúc hơn những khu vực mới khai thác (ở Ca-na-đa, Ô-xtrây-li-a,..).

+Các dòng chuyển cư: Các dòng chuyển cư ít nhiều tác động đến bức tranh phân bố dân cư thế giới. Số dân và mật độ dân số của Bắc Mĩ, Mĩ La-tinh và Ô-xtrây-li-a tăng lên nhiều nhờ những cuộc chuyển cư khổng lồ từ châu Âu và châu Phi tới.

Câu 3: Tại sao mật độ dân số rất cao và ngày càng tăng nhanh ở các đô thị? 

Trả lời:

- Ở các đô thị có mật độ dân số rất cao, do:

+ Chức năng chủ yếu của dân cư đô thị là hoạt động công nghiệp, giao thông, thương mại, dịch vụ. văn hóa, hành chính – chính trị,... Phần lớn dân cư là những người tham gia vào các hoạt động phi nông nghiệp.

+ Các hoạt động phi nông nghiệp có thể diễn ra với số lượng lớn người trên một lãnh thổ nhất định. Do vậy, mật độ dân cư ở thành thị rất cao.

- Các đô thị có dân số tăng nhanh, do:

+ Đây mạnh công nghiệp hoá: Xu hướng có tính quy luật chung của nền kinh tế toàn cầu hiện nay là chuyên dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Từ đó, có sự chuyển dịch cơ cấu lao động tử khu vực I sang khu vực II và III; số dẫn hoạt động phi nông nghiệp ngày càng tăng, tập trung nhiều vào các đô thị.

+ Đô thị có điều kiện và tiện nghi sinh hoạt thuận lợi hơn ở nông thôn.

+ Đô thị thuận lợi cho tìm kiếm việc làm phù hợp sức lao động và có thu nhập

Câu 4: Tại sao ở các nước phát triển, tỉ lệ dân đô thị ngày càng tăng?

Trả lời:

- Tỉ lệ dân đô thị chịu tác động của các nhân tố: công nghiệp hóa, điều kiện sống và cơ hội tìm kiếm việc làm. 

- Hiện nay các nước đang phát triển đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa; ngoài ra, ở các đô thị có điều kiện sống tốt hơn nông thôn và dễ kiếm việc làm phù hợp với trình độ và có thu nhập nên số dân đô thị tăng.

4. VẬN DỤNG CAO (3 câu)

Câu 1: Tại sao chỉ số mật độ dân số của các địa phương chính xác hơn chỉ số dân số của chính quốc gia đó? 

Trả lời:

Mật độ dân số là đại lượng bình quân, nghĩa là chỉ sự phân bố không đều của dân cư trên một lãnh thổ nào đó. Trên thực tế, trong một quốc gia, có nhiều tỉnh, huyện dân cư rất đông đúc, nhiều tỉnh, huyện khác dân cư lại thưa thớt. Việc tính toán mật độ dân số trên một lãnh thổ càng nhỏ, chỉ số này càng gần với thực tế hơn.

Câu 2: Chứng minh rằng công nghiệp hóa là tiền đề, là cơ sở đảm bảo cho sự phát triển của đô thị hóa?

Trả lời:

- Công nghiệp hóa phát triển, cùng với điều đó là công nghiệp và dịch vụ phát triển, kéo theo sự tập trung dân cư và nguồn lao động rất lớn, làm tăng tỉ lệ dân đô thị, phát triển đô thị hóa.

- Công nghiệp hóa phát triển làm cho lối sống, tác phong công nghiệp phổ biến, đồng thời là sự phổ biến lối sống thành thị. Công nghiệp hóa có tác dụng làm cho nền kinh tế phát triển, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống dân cư đô thị.

- Nếu đô thị hóa không xuất phát từ công nghiệp hóa (đô thị hóa tự phát) sẽ dẫn đến hàng loạt các khó khăn đối với phát triển kinh tế - xã hội ở các đô thị (việc làm, nhà ở, dịch vụ xã hội, tệ nạn, môi trường...).

Câu 3: Tại sao các nước phát triển cần phải điều chỉnh quá trình đô thị hóa? 

Trả lời

Các nước đang phát triển cần phải điều chỉnh quá trình đô thị hoá do:

+ Bùng nổ đô thị hoá, thu hút dân cư nông thôn vào các thành phố lớn. Dân cư nông thôn vào thành phố ngày càng đông, làm quá tải ở thành phố.

+ Quá trình đô thị hoá diễn ra với tốc độ nhanh hơn công nghiệp hoá, số người nhập cư tự phát ngày càng đông từ nông thôn đã gây nên nhiều hậu quả: thất nghiệp, ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội.

+ Ở nhiều nước kém phát triển, sản xuất nông nghiệp vẫn chiếm ưu thế, dân cư và lao động chủ yếu vẫn tập trung ở khu vực nông, lâm, ngư nghiệp, mức độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm. Vì thế trình độ đô thị hoá ở nhiều quốc gia còn rất thấp (cơ sở hạ tầng kém, thiếu điện, nước, rác thải, nước thải. nhà ở lộn xộn...).

=> Giáo án địa lí 10 chân trời sáng tạo bài 21: Phân bố dân cư và đô thị hoá (2 tiết)

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận Địa lí 10 chân trời sáng tạo - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu mới cập nhật

Tài liệu môn khác

Chat hỗ trợ
Chat ngay