Câu hỏi tự luận Giáo dục công dân 8 chân trời sáng tạo bài 1: Tự hào về truyền thống dân tộc Việt Nam
Bộ câu hỏi tự luận Giáo dục công dân 8 Chân trời sáng tạo. Câu hỏi và bài tập tự luận bài 1: Tự hào về truyền thống dân tộc Việt Nam. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Giáo dục công dân 8 Chân trời sáng tạo.
Xem: => Giáo án công dân 8 chân trời sáng tạo
BÀI 1 : TỰ HÀO VỀ TRUYỀN THỐNG DÂN TỘC VIỆT NAM
(17 câu)
- NHẬN BIẾT (4 câu)
Câu 1. Theo em, truyền thống tốt đẹp của dân tộc có nghĩa là gì?
Trả lời
- Là tổng hợp những giá trị tinh thần (hệ tư tưởng, tính cách, lối sống, cách ứng xử tốt đẹp …) được hình thành trong quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước và được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác.
- Là tài sản tinh hoa của thế hệ trước chuyển giao cho thế hệ sau và thế hệ sau có trách nhiệm gìn giữ và phát huy những truyền thống tốt đẹp ấy.
Câu 2. Em hãy kể tên một số tuyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam ta.
Trả lời
* Truyền thống yêu nước: nhân dân ta có một lòng yêu nước mãnh liệt, truyền thống ấy được truyền lại cho thế hệ sau bằng những câu hát, lời ru; nuôi nấng tình yêu nước trong mỗi người dân Việt Nam. Truyền thống yêu nước của Việt Nam lại bùng nổ mãnh liệt khi đất nước rơi vào tình trạng chiến tranh, lòng yêu nước tập hợp thành sức mạnh của toàn thể đánh bại hết bè lũ xâm lược.
* Truyền thống bất khuất, kiên chung đánh thắng giặc ngoại xâm: người Việt Nam nhỏ bé mà kiên chung là thế, những anh hùng dám hy sinh thân mình vì cách mạng khi tuổi đời còn rất nhỏ, trong thời bình truyền thống bất khuất này vẫn không hề bị phai nhạt khi hằng năm rất nhiều chiến sĩ xung phong ra đảo xa, nơi địa đầu tổ quốc để thực hiện nhiệm vụ gìn giữ toàn vẹn chủ quyền, lãnh thổ.
* Truyền thống tôn sư, trọng đạo: đất nước chúng ta có ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 để tôn vinh những “người lái đò” hằng năm. Một người làm thầy dù ở đâu cũng đáng nhận được sự tôn trọng.
* Truyền thống hiếu thảo với ông bà, cha mẹ: Việt Nam ta từ xưa đến nay luôn đặt chữ “hiếu” làm cốt lõi phát triển của một con người. Bố mẹ hiếu thảo với ông bà, con cái nhìn vào đó cũng lấy điều đó làm gương mà trở thành một người sống có tình nghĩa và giàu lòng nhân ái.
* Truyền thống cần cù lao động: người Việt luôn cần cù sáng tạo trong lao động, lao động không quản ngại khó khăn, trong quá khứ sự cần cù lao động của người Việt được thể hiện qua việc vừa tạo ra lương thực nuôi sống gia đình vừa tham gia vào sản xuất để cung ứng cho tiền tuyến đang làm nhiệm vụ. Thời bình, truyền thống cần cù lao động của người Việt được thể hiện qua sự không ngừng nỗ lực tìm ra các cách làm hay, sáng tạo để nâng cao năng suất lao động, tạo được ra nhiều thành quả xây dựng một cuộc sống tốt đẹp và đóng góp cho cộng đồng.
* Truyền thống hiếu học: Truyền thống này thể hiện một cách rõ ràng nhất ở những nơi vùng sâu, vùng xa, khi điều kiện cơ sở vật chất còn vô cùng khó khăn. Những đứa trẻ phải đi xa hàng cây số, vượt qua mấy con suối, con mương mới có thể tới trường học chữ.
* Truyền thống đoàn kết: Đoàn kết là một giá trị văn hóa truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc ta, được hình thành và phát triển trong lịch sử đấu tranh lâu dài dựng nước và giữ nước.
Câu 3. Em hãy cho biết những biểu hiện của truyền thống hiếu học.
Trả lời
Những biểu hiện của truyền thống hiếu học:
+ Học sinh vùng cao vượt sông, lội suối để đến được điểm trường học.
+ Mượn vở của bạn chép bài học khi vô tình phải nghỉ buổi học ngày hôm đó.
+ Học sinh vùng cao phải cắm trại trên đỉnh đồi bắt được sóng để học online trong đợt dịch bệnh Covid.
+ Học sinh Việt Nam giành được nhiều huy chương, giấy khen trên trong các cuộc thi quốc tế.
+ Cùng giúp đỡ nhau trong học tập.
Câu 4. Em hãy cho biết biểu hiện của lòng tự hào về các truyền thống dân tộc được thể hiện qua điều gì?
Trả lời
Biểu hiện của lòng tự hào của các truyền thống của dân tộc được thể hiện thông qua thái độ, lời nói, việc làm,… giữ gìn và phát huy truyền thống của dân tộc.
- THÔNG HIỂU (5 câu)
Câu 1. Vì sao chúng ta cần giữ gìn các truyền thống tốt đẹp của dân tộc?
Trả lời
Việc gìn giữ những truyền thống tốt đẹp của dân tộc là vô cùng quan trọng, nó giúp chúng ta phát triển hoàn thiện cả về thể xác và tinh thần, giúp phát triển đất nước để sánh vai với các cường quốc năm châu.
Câu 2. Em hãy nêu một vài việc làm để góp phần vào giữ gìn và phát huy truyền thốgn của dân tộc.
Trả lời
Góp phần giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc là trách nhiệm của mỗi người trong đó có thế hệ học sinh. Mặc dù còn ngồi trên ghế nhà trường, nhưng các em học sinh cũng có thể có những hành động, việc làm giúp giữ gìn và phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc cụ thể như:
– Hiếu thảo, nghe lời ông bà cha mẹ, kính trọng thầy cô,…
– Cố gắng chăm ngoan, học giỏi để trở thành người có ích cho xã hội.
– Thể hiện tình đoàn kết giúp đỡ nhau cùng học tập.
– Tham gia các hoạt động thăm và tưởng niệm các anh hùng đã hi sinh vì độc lập dân tộc, tặng quà và thăm hỏi các thương bệnh binh ở địa phương….
– Tìm tòi, học hỏi những nét văn hoá, truyền thống của địa phương mình, cũng như các địa phương khác.
– Tìm hiểu lịch sử, về truyền thống tốt đẹp của dân tộc, luôn tự hào, bảo vệ truyền thống tốt đẹp của dân tộc…
– Lên án, ngăn chặn các hành vi làm ảnh hưởng đến truyền thống dân tộc.
Câu 3. Những hành động và hành vi nào sau đây thể hiện sự tự hào về truyền thống của dân tộc? Vì sao?
- Tìm hiểu và giới thiệu với bạn bè quốc tế về nghệ thuật truyền thống của dân tộc như: chèo, tuồng, hát xẩm, đờn ca tài tử,…
- Kính trọng và biết ơn thầy, cô giáo.
- Lấn chiếm, xâm phạm các khu di tích lịch sử, khu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ.
- Tích cực tham gia các lễ hội truyền thống của dân tộc.
Trả lời
- Hành động thể hiện sự tự hào về truyền thống dân tộc, vì việc giới thiệu cho bạn bè quốc tế về các làn điệu nghệ thuật truyền thống của dân tộc là một cách quảng bá rộng rãi cho nhiều người biết đến, tìm hiểu về nét đẹp đặc trưng của dân tộc Việt Nam.
- Hành động thể hiện sự tự hào về truyền thống dân tộc, vì từ xa xưa người Việt ta vẫn luôn có truyền thống quý trọng người đã dạy dỗ, truyền đạt tri thức cho chúng ta.
- Hành động không thể hiện sự tự hào về truyền thống dân tộc, vì các anh hùng liệt sĩ đã không tiếc thân mình hy sinh cho sự độc lập tự do của dân tộc vậy mà người đời sau không nghi nhớ công ơn còn làm ra các hành động thể hiện sự thiếu tôn trọng đến người đã khuất.
- Hành động thể hiện sự tự hào về truyền thống của dân tộc, vì việc tham gia các lễ hội truyền thống của dân tộc giúp chúng ta có thêm cơ hội tìm hiểu về nhưng nét đẹp truyền thống mà ông cha đã hết lòng gây dựng, phát triển.
Câu 4. Em hãy nêu một số việc làm không nên làm để bảo vệ truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Trả lời
Những việc không nên làm:
+ Ham mê đọc truyện nước ngoài, không ngó ngàng gì tới kho tàng các truyện cổ của Việt Nam.
+ Không tham gia các lễ hội truyền thống của dân tộc.
+ Đặt điều nói những điều không hay về các truyền thống của đất nước.
+ Có thái độ không tích cực trong việc giới thiệu các nét đặc trưng về văn hóa cho người nước ngoài đến Việt Nam du lịch, làm việc.
+ Không tôn trọng thầy, cô giáo.
+ Đối xử tệ bạc với mọi người trong gia đình, những người xung quanh chúng ta.
+ Cảm thấy xấu hổ vì đất nước của mình có những loại hình ca nhạc không được bắt tai, không hiện đại như các quốc gia khác.
Câu 5: Em hãy cho biết là học sinh còn đang ngồi trên ghế nhà trường, em có thể làm những gì để thể hiện niềm tự hào về các truyền thống của dân tộc?
Trả lời:
Là học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường em có thể làm các việc như sau để thể hiện niềm tự hào về các truyền thống của dân tộc:
- Chăm chỉ học hành, giúp đỡ bạn bè cùng vươn lên trong học tập.
- Vâng lời ông bà, cha mẹ, thầy cô giáo.
- Giúp đỡ bạn bè trong khả năng của mình khi các bạn gặp khó khăn.
- Giới thiệu nền văn hóa của người Việt cho các bạn bè thế giới.
- Tham gia tích cực các lễ hội truyền thống của dân tộc.
- VẬN DỤNG (4 câu)
Câu 1. Em hãy cho biết ý nghĩa của việc phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Trả lời:
- Truyền thống tốt đẹp của dân tộc là vô cùng giá trị, góp phần tích cực vào quá trình phát triển của dân tộc và của mỗi cá nhân.
+ Đối với mỗi cá nhân, việc kế thừa và phát huy truyền thống dân tộc giúp ta dễ dàng hoà nhập vào cộng đồng dân tộc, phát triển nhân cách của mình trên cơ sở tiếp thu các giá trị truyền thống và giá trị hiện đại.
+ Đối với dân tộc, muốn phát triển phải có sự giao lưu với các dân tộc khác, với các nền văn hoá khác. Trong quá trình giao lưu đó, dân tộc nào cũng cần tiếp thu được tinh hoa văn hoá của các dân tộc khác nhưng vẫn giữ được bản sắc riêng của mình. Đó chính là yếu tố làm nên cái riêng, cái bản sắc của dân tộc. Nếu không biết thừa kế, giữ gìn và phát huy truyền thông đó, mỗi dân tộc có thể sẽ đánh mất bản sắc riêng của mình và bị đồng hoá bởi các dân tộc khác, các nền văn hoá khác.
Câu 2. Bà M mong con gái có thể biết được nghề truyền thống của cha ông nên cuối tuần thường chỉ bảo con cách thực hiện các thao tác để tạo ra được một sản phẩm, con gái bà M lại cho các việc làm của mẹ làm mất đi ngày nghỉ được vui chơi thoải mái của mình. Theo em, bà M nên làm như thế nào để cho con có thể hiểu được giá trị của việc lưu giữ nghề truyền thống của dân tộc.
Trả lời
Bà M có thể làm như sau để con có thể hiểu được giá trị của việc lưu giữ nghề truyền thống dân tộc của ông cha:
+ Giải thích cho con hiểu được tầm quan trọng của nghề truyền thống trong xã hội ngày càng phát triển nhanh, mọi thứ có thể bị mai một nếu lớp trẻ không còn mặn mà níu giữ và phát triển.
+ Nghề truyền thống mang nét đẹp lao động của ông cha ta, gìn giữ và phát huy nghề truyền thống đúng cách không chỉ giúp làm sống lại nét đẹp của cha ông ta mà còn tạo cơ hội cho thế hệ sau có được nền tảng ngành nghề để phát triển.
+ Việc vui chơi sau những giờ học tập là quan trọng nhưng nếu vừa chơi vừa tìm hiểu thêm về nghề truyền thống thì còn đem lại giá trị sâu rộng hơn việc chỉ vui chơi không có ý nghĩa.
Câu 3. Em đang tham gia một khóa trao đổi học sinh tại một trường quốc tế, tại đây tổ chức buổi giới thiệu về quê hương đất nước của mình. Em sẽ giới thiệu đến mọi người truyền thống tốt đẹp nào của dân tộc Việt Nam.
Trả lời
Em có thể lựa chọn một trong những truyền thống sau đây để giới thiệu.
- Truyền thống yêu nước: sự kiên cường của ông cha ta trong các cuộc đấu tranh chống lại kẻ thù xâm lược, tinh thần quật khởi của nhân dân Việt Nam trước tình cảnh đất nước đang gặp các tình huống lâm nguy, những trận đánh làm nên tên tuổi của Việt Nam.
- Truyền thống tôn sư trọng đạo: sự kính mến những người thầy cô đã mang đến tri thức cho mình, ngày 20/11 ngày để tôn vinh các thầy cô giáo, các việc làm thể hiện được sự kính trọng của học sinh Việt Nam đối với thầy cô giáo.
- Truyền thống đoàn kết: tình đoàn kết giữa anh em trong một gia đình, cùng giúp đỡ, san sẻ công việc nhà, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ trong học tập; tình đoàn kết giữa xóm giềng, chia sẻ những khi chúng ta gặp khó khăn; sự đoàn kết của một khối tập thể khi tham gia vào chống lại các thế lực thù địch làm ảnh hưởng đến hòa bình của tập thể.
Câu 4. Em chứng kiến bạn thân của mình có thái độ không được tốt khi tham gia các hoạt động truyền thống của dân tộc. Em sẽ làm gì để khuyên bạn mình trong trường hợp này.
Trả lời
Em chứng kiến bạn thân của mình có thái độ không được tốt khi tham gia các hoạt động truyền thống của dân tộc em sẽ:
- Nói cho bạn nghe về tầm quan trọng khi tham gia vào các hoạt động truyền thống của dân tộc.
- Khuyên bạn nên có thái độ tích cực khi tham gia vào các hoạt động truyền thống, nên tìm hiểu thêm về các hoạt động truyền thống để hiểu thêm về quá trình hình thành và phát triển của dân tộc.
- VẬN DỤNG CAO (4 câu)
Câu 1. Em hãy giải thích sự khác nhau giữa truyền thống tốt đẹp của dân tộc với những hủ tục, tập quán lạc hậu.
Trả lời
- Truyền thống tốt đẹp của dân tộc: Là những giá trị tinh thần (tư tưởng, đạo đức,…) được hình thành trong quá trình lịch sử lâu dài, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, phù hợp với xã hội hiện đại.
+ Ví dụ: Truyền thống yêu nước; bất khuất chống giặc ngoại xâm; truyền thống đoàn kết, nhân nghĩa, hiếu học,….
- Hủ tục: Là những phong tục đã lỗi thời, không còn phù hợp với quan niệm về văn hóa, văn minh, đạo đức và nếp sống hiện đại.
+ Ví dụ: Hủ tục bắt vợ, phơi xác chết nhiều ngày rồi mới đem chôn,…
Câu 2. Trong cuộc thi tìm hiểu về các nền văn hóa của các quốc gia, bạn K không muốn tìm hiểu về văn hóa của Việt Nam thay vào đó bạn tìm hiểu về văn hóa của một đất nước phương Tây vì cho rằng văn hóa của Việt Nam không có gì nhiều đặc sắc đáng để tìm hiểu. Theo em, việc làm của bạn K đã thể hiện sự tự hào về truyền thống của dân tộc hay chưa, em hãy đưa ra lời khuyên cho bạn K.
Trả lời
- Việc làm của bạn K chưa thể hiện được sự tự hào về truyền thống của dân tộc Việt Nam. Việc tìm hiểu đa dạng về các nền văn hóa là tốt nhưng trước hết bạn nên tìm hiểu sâu rộng về văn hóa nền tảng là nền văn hóa của Việt Nam. Bạn không nên có thái độ chê bai về nền văn hóa của Việt Nam vì mỗi một quốc gia, dân tộc đều mang trong mình những nét đặc sắc về văn hóa đáng để cho chúng ta tìm hiểu.
Câu 3. T xin phép mẹ cho em được tham gia các hoạt động tìm hiểu về các cuộc chiến tranh của Việt Nam. Mẹ T không đồng ý trước lời ngỏ ý của T nên đã bảo con không nên tham gia vì các hoạt động đó không giúp ích gì cho con trong việc học hành ở trên lớp. T cảm thấy buồn nhưng không biết giải thích cho mẹ hiểu như thế nào. Em hãy giúp T giải thích cho mẹ hiểu được giá trị của việc tìm hiểu về các cuộc chiến đấu của Việt Nam chống lại kẻ thù xâm lược.
Trả lời
T có thể giải thích cho mẹ hiểu như sau:
- Việc tìm hiểu về các cuộc chiến tranh không hề vô ích, giúp chúng ta ghi nhớ được công lao của thể hệ cha anh đi trước đã không tiếc máu xương để đổi lại nền hòa bình độc lập như bây giờ.
- Am hiểu thêm về kiến thức lịch sử, giúp ích cho việc học môn lịch sử trên trường lớp.
- Học hỏi được những bài học lịch sử đắt giá, nhạy bén trước các âm mưu của kẻ thù xâm lược ngay cả trong thời bình.
Câu 4: Là một học sinh, em có thể làm những gì để thể hiện sự tôn trọng, biết ơn của mình đối với những vị anh hùng, chiến sĩ đã không tiếc thân mình, hy sinh cho độc lập tự do của Tổ quốc.
Trả lời:
Ngày nay trong thời bình, việc chúng em có thể làm được để thể hiện sự tôn trọng, lòng biết ơn đến thế hệ cha anh bảo vệ Tổ quốc bằng những cách sau đây:
- Học tập thật tốt, tìm hiểu rõ về lịch sử, những chiến công hào hùng chống lại kẻ thù xâm lược.
- Thăm quan, tưởng niệm tượng đài các anh hùng liệt sĩ; lao động công ích nhằm dọn dẹp cảnh quan xung quanh các khu nghĩa trang liệt sĩ.
- Hỏi thăm sức khỏe, động viên thân nhân của các anh hùng, liệt sĩ.
=> Giáo án Công dân 8 chân trời bài 1: Tự hào về truyền thống dân tộc Việt Nam