Câu hỏi tự luận tiếng việt 4 chân trời sáng tạo chủ đề 2 bài 3: Lập dàn ý cho bài văn thuật lại một sự việc

Bộ câu hỏi tự luận tiếng việt 4 chân trời sáng tạo. Câu hỏi và bài tập tự luận chủ đề 3 bài 3: Lập dàn ý cho bài văn thuật lại một sự việc. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học tiếng việt 4 chân trời sáng tạo

CHỦ ĐỀ: MẢNH GHÉP YÊU THƯƠNG

BÀI 3: QUẢ NGỌT CUỐI MÙA

VIẾT: LẬP DÀN Ý CHO BÀI VĂN THUẬT LẠI MỘT SỰ VIỆC

(11 câu)

I. NHẬN BIẾT (01 CÂU)

Câu 1: Bài văn thuật lại một sự việc thường gồm mấy phần? Đó là những phần nào?

Trả lời:

Bài văn thuật lại một sự việc thường gồm 3 phần:

- Mở bài: Giới thiệu sự việc được chứng kiến hoặc tham gia.

- Thân bài: Thuật lại các hoạt động, việc làm chính theo trình tự thời gian hoặc phạm vi không gian bằng một hoặc nhiều đoạn văn.

- Kết bài: Nêu suy nghĩ, cảm xúc về sự việc được chứng kiến hoặc tham gia.

 

II. THÔNG HIỂU (05 CÂU)

Đọc bài văn sau và trả lời câu hỏi.

          Hôm đó, cô trả vở Toán cho cả lớp. Đó là môn yêu thích nhất của Linh. Nhưng không hiểu sao nhìn vẻ mặt của Linh rất lo lắng, và tôi còn thấy Linh cứ quay bên này, quay bên kia mãi.

Cô vừa trả vở xong cho các bạn thì đến giờ ra chơi. Tôi liền đến bên Linh. Linh nói:

- Hôm nay, bố mẹ tớ đi làm sớm, tớ không kịp xin mẹ 9.000đ để mua bút nét hoa viết vào vở Toán.

Nói rồi, Linh sực nhớ ra và reo lên:

- A! Đúng rồi! Cậu có hai cái bút nét hoa, cậu có thể cho tớ mượn một chiếc được không?

Tôi đứng ngẫm nghĩ một lúc rồi tự đặt câu hỏi cho chính mình: Có nên cho Linh mượn bút không nhỉ? Tôi hơi băn khoăn. Tiếng trống đã vang lên. Tôi liền về chỗ của mình. Cuối cùng, tôi cũng quyết định được và gọi nhỏ:

- Linh ơi! Tớ cho cậu mượn bút này.

Chiếc bút đó do mẹ tặng tôi nhân ngày sinh nhật. Màu mực của chiếc bút rất đẹp. Linh nhận được, vẻ mặt phấn khởi lắm. Mỗi khi viết xong mấy chữ, tôi lại ngẩng lên và cảm thấy mực cứ vơi dần đi theo dòng chữ, con số ngay ngắn, thẳng hàng nằm trên trang giấy của bạn. Hết giờ Toán, Linh trả cho tôi chiếc bút và nói:

- Cảm ơn cậu vì đã cho tớ mượn chiếc bút nhé!

Hôm sau, cô trả vở Toán, cả tôi và Linh đều được điểm 10. Tôi mừng lắm vì đã làm được một việc giúp bạn.

Khi về đến nhà tôi kể lại cho mẹ nghe. Mẹ nói: Con hãy cố gắng giúp bạn nhiều hơn khi gặp khó khăn nhé! Tôi như thấm thía câu nói đấy của mẹ và tôi không bao giờ quên được câu chuyện xảy ra ngày hôm đó.

Câu 1: Bài văn trên có mấy phần? Đó là những phần nào?

Trả lời:

Bài văn trên có 3 phần. Đó là:

- Mở bài: “Hôm đó”… “quay bên kia mãi”.

- Thân bài: Từ “Cô vừa trả vở”… “một việc giúp bạn”.

- Kết bài: Từ “Khi về đến nhà”… “ngày hôm đó”.

Câu 2: Phần mở bài giới thiệu những gì?

Trả lời:

Phần mở bài giới thiệu tình huống xảy ra.

Câu 3: Nội dung của phần thân bài là gì?

Trả lời:

Phần thân bài kể lại quá trình xảy ra câu chuyện.

Câu 4: Phần kết bài người viết chia sẻ điều gì?

Trả lời:

Phần kết bài người viết chia sẻ lời dạy của mẹ và suy nghĩ của người viết về câu chuyện xảy ra ngày hôm đó.

Câu 5: Nội dung chính của bài văn trên là gì?

Trả lời:

Nội dung của bài văn là: Thuật lại một việc tốt mà người viết đã làm.

III. VẬN DỤNG (03 CÂU)

Cho đề bài sau: Viết bài văn thuật lại một việc tốt mà em hoặc bạn bè, người thân đã làm

Câu 1: Em cần làm gì ở bước chuẩn bị?

Trả lời:

Ở bước chuẩn bị:

- Nhớ lại một việc làm tốt mà em hoặc bạn bè, người thân đã làm (ví dụ: Giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, giúp đỡ người già, nhặt được của rơi trả lại người đánh mất…).

- Liệt kê các việc đã làm, sắp xếp các việc theo trình tự hợp lí.

Câu 2: Dựa vào nội dung đã chuẩn bị, lập dàn ý cho đề bài trên?

Trả lời:

Mở bài: Giới thiệu việc tốt mà em đã làm (thời gian, địa điểm diễn ra sự việc, các nhân vật…).

Thân bài:

- Thuật lại sự việc theo trình tự thời gian hoặc thuật lại sự việc gắn với những địa điểm hoặc tình huống khác nhau.

- Ghi lại vắn tắt diễn biến của sự việc gắn với từng khoảng thời gian, địa điểm hoặc tình huống: người tham gia, hoạt động, cảm xúc,…

- Ghi chép cụ thể việc làm thể hiện lòng tốt của nhân vật.

Kết bài: Nêu kết thúc của sự việc; bày tỏ suy nghĩ, cảm xúc về sự việc.

Câu 3: Cần chú ý những gì khi lập xong dàn ý?

Trả lời:

- Các hoạt động được sắp xếp theo trình tự hợp lí.

- Nêu rõ kết quả của các hoạt động, việc làm.

- Chú ý thể hiện suy nghĩ, cảm xúc khi trải qua sự việc.

IV. VẬN DỤNG CAO (02 CÂU)

Câu 1: Cần lưu ý gì về cách sử dụng từ ngữ khi viết văn?

Trả lời:

- Từ ngữ phải ngắn gọn, dễ hiểu, không viết sai chính tả.

- Từ ngữ phải thể hiện chính xác nội dung cần truyền đạt, không làm phát sinh nhiều cách hiểu.

Câu 2: Những từ thể hiện cảm xúc có thể dùng trong bài văn thuật lại một sự việc là gì?

Trả lời:

Tìm các từ phù hợp.

Ví dụ: vui, thích thú, phấn khởi, thoải mái, chán, tuyệt vời, choáng ngợp…

=> Giáo án dạy thêm Tiếng Việt 4 chân trời Chủ đề 2 - Ôn tập bài 3

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận tiếng việt 4 chân trời sáng tạo - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu môn khác

Tài liệu mới cập nhật

Chat hỗ trợ
Chat ngay