Đáp án Công dân 7 kết nối tri thức Bài 4: Giữ chữ tín

File Đáp án câu hỏi và bài tập trong sách Công dân 7 Kết nối tri thức Bài 4: Giữ chữ tín. Phần này giúp kiểm tra nhanh đáp án trong các bài học. Có file word để tải về, rất thuận tiện trong việc dạy và học. Chỉ có đáp án nên giúp học sinh tư duy, ghi nhớ. Tránh trường hợp, học vẹt môn Công dân 7 KNTT

BÀI 4. GIỮ CHỮ TÍN

 

  1. Chữ tín và biểu hiện của giữ chữ tín

Câu 1: Em hãy đọc câu chuyện dưới đây và trả lời câu hỏi: (trang 18, 19 phần 1 SGK)

  1. a) Việc cậu bé cố gắng tìm cách trả lại tiền cho vị đạo diễn đã thể hiện điều gì?
  2. b) Theo em, thế nào là chữ tín?

Trả lời:

  1. a) Việc cậu bé cố gắng tìm cách trả lại tiền cho vị đạo diễn đã thể hiện rằng cậu bé là một người biết giữ lời hứa và rất cố gắng để thực hiện được lời hứa của mình.
  2. b) Chữ tín chính là niềm tin của con người đối với nhau. Giữ chữ tín chính là giữ gìn niềm tin của người khác dành cho mình.

Câu 2: Em hãy quan sát các bức tranh dưới đây và trả lời câu hỏi:

  1. a) Nêu những biểu hiện của việc giữ chữ tín và không giữ chữ tín trong các bức tranh trên.
  2. b) Hãy kể thêm một số biểu hiện của việc giữ chữ tín và không giữ chữ tín.

Trả lời:

  1. a) Nhận xét:
  • Bức tranh 1: Biểu hiện của việc giữ chữ tín là việc bố mẹ đã hứa với con rằng sẽ tặng con một chiếc xe đạp nếu con đạt danh hiệu Học sinh Giỏi, dù bố mẹ cần phải tiết kiệm tiền để sửa nhà nhưng vẫn giữ đúng lời hứa với con.
  • Bức tranh 2: Bạn nam là người biết giữ chữ tín. Mặc dù trời mưa to, nhưng vì bạn nam đã hẹn bạn nữ rằng 8h sẽ đến nên bạn nam đã mặc áo mưa để đến cho kịp thời gian đã hẹn.
  • Bức tranh 3: Việc bạn nam cho rằng cây trồng xuống đất rồi sẽ không có ai biết rằng bạn chưa tháo túi ni lông ra, đã thể hiện bạn nam là một người làm ăn gian dối, vì không muốn tốn thời gian mà mặc kệ hậu quả về sau, là một người không biết giữ chữ tín.
  • Bức tranh 4: Bạn Thành là người biết giữ chữ tín. Bạn đã giữ đúng lời hứa là sẽ làm tròn trách nhiệm của một lớp trưởng, vì vậy bạn Thành nhận được lòng tin của cả lớp và tiếp tục được tín nhiệm làm lớp trưởng.
  1. b) Biểu hiện của giữ chữ tín:
  • Bạn A hứa rằng sẽ tặng cho em gái một chiếc thiệp vào ngày sinh nhật, vì vậy bạn A đã dành ra 3 ngày tự ngồi làm một chiếc thiệp thật xinh để tặng đúng ngày sinh nhật em gái.
  • Bạn H xin nghỉ học 2 hôm để đi chơi với gia đình. Sau đó H đã mượn vở ghi chép của bạn để về ôn tập bài học. H hứa với bạn hôm sau sẽ trả vở cho bạn nên H đã dành cả ngày tập trung ngồi ôn bài để kịp trả vở cho bạn như đã hẹn.

Biểu hiện của không giữ chữ tín:

  • Bạn C hứa với mẹ rằng làm xong bài tập rồi mới đi chơi, nhưng bạn C vẫn trốn sang nhà bạn chơi dù chưa làm xong bài.
  • Bạn M vay của bạn cùng lớp 5.000 đồng để mua kẹo ngoài cổng trường và hứa hôm sau trả. Nhưng sau đó bạn M không trả tiền mà tiếp tục đi vay các bạn khác.
  1. Ý nghĩa của giữ chữ tín

Câu hỏi: Em hãy đọc các trường hợp dưới đây và trả lời câu hỏi:

(Trường hợp 1, 2 trang 21 mục 2 sgk)

  1. a) Việc giữ chữ tín đã đem lại điều gì cho công ty ở Nhật Bản?
  2. b) Hãy nêu hậu quả của việc không giữ chữ tín. Vì sao chúng ta cần giữ chữ tín?

Trả lời:

  1. a) Nhận xét:
  • Việc giữ chữ tín đã giúp cho công ty ở Nhật Bản có được sự tôn trọng và niềm tin của công ty ở Mỹ. Nhờ vậy mà công ty ở Mỹ đã quyết định coi công ty ở Nhật Bản là một đối tác thân thiết và hợp tác với công ty ở Nhật Bản trong thời gian dài.
  • Điều đó đã giúp cho công ty ở Nhật Bản được nhận lại nhiều hơn cả những phần lỗ mà công ty đã bỏ ra.
  1. b) Hậu quả của việc không giữ chữ tín và lý do chúng ta cần giữ chữ tín:
  • Nếu như chúng ta không giữ chữ tín, thì mọi người xung quanh sẽ mất niềm tin vào chúng ta, sẽ không tôn trọng chúng ta.
  • Việc mất chữ tín, mất niềm tin giữa người với người sẽ làm ảnh hưởng xấu tới các mối quan hệ, gây chia rẽ và mất đoàn kết.
  • Không có được niềm tin của mọi người thì chúng ta sẽ không thể thành công, không đạt được những điều bản thân mong muốn..

LUYỆN TẬP

Câu 1: Tìm những câu ca dao, tục ngữ nói về việc giữ chữ tín. Chia sẻ hiểu biết của em về những câu ca dao, tục ngữ đã tìm được.

Trả lời:

Những câu ca dao, tục ngữ nói về việc giữ chữ tín:

  • Nói lời phải giữ lấy lời/ Đừng như con bướm đậu rồi lại bay
  • Nói chín thì phải làm mười/ Nói mười làm chín, kẻ cười người chê

(Ý nghĩa của câu nói trên là nói ít, hứa hẹn ít mà chăm chỉ làm sẽ được mọi người yêu quý; còn nói nhiều, hứa hẹn nhiều mà lại làm ít thì chỉ là kẻ ba hoa, lười biếng, luôn bị người đời cười chê)

  • Chữ tín quý hơn vàng
  • Một lần bất tín vạn lần bất tin

(Nếu một lần dối gian, không giữ chữ tín thì dù bạn có nói thật hay làm gì đi nữa người khác vẫn không tin tưởng bạn)

  • Hứa chắc như đinh đóng cột

(Câu này ý nói không hứa thì thôi, đã hứa thì nhất định phải làm cho bằng được)

  • Bảy lần từ chối còn hơn một lần thất hứa

(Ý nói thà bạn không hứa, từ chối không làm, còn hơn bạn nhận lời mà không thực hiện sẽ mất lòng tin với người khác)

Câu 2: Em đồng tình hay không đồng tình với ý kiến nào dưới đây? Vì sao?

  1. a) Giữ chữ tín là coi trọng niềm tin của tất cả mọi người đối với mình.
  2. b) Làm tốt công việc như đã cam kết chính là giữ chữ tín.
  3. c) Để giữ chữ tín, cần phải thực hiện lời hứa trong bất kì hoàn cảnh nào, với bất kì đối tượng nào.
  4. d) Chỉ người lớn mới cần giữ chữ tín, trẻ con chưa cần phải giữ chữ tín.
  5. e) Người thất tín có thể được lợi trước mắt nhưng chịu thiệt hại lâu dài.

Trả lời:

  1. a) Đồng tình. Bởi vì giữ chữ tín chính là giữ niềm tin của người khác, coi trọng niềm tin của người khác dành cho mình.
  2. b) Đồng tình. Khi bạn hoàn thành tốt phần công việc như đã cam kết, bạn sẽ giữ được niềm tin của mọi người xung quanh, người có trách nhiệm chính là người biết giữ chữ tín.
  3. c) Đồng tình. Bởi vì chữ tín không phân biệt giới tính, độ tuổi, nghề nghiệp... Khi đã hứa điều gì với bất kì ai thì đều phải cố gắng thực hiện bằng được. Vì chỉ cần một lần không thực hiện lời hứa sẽ làm mất niềm tin của người khác, làm mất chữ tín.
  4. d) Không đồng tình. Việc giữ chữ tín phải được luyện tập từ khi còn là trẻ con. Nếu một đứa trẻ hay nói dối, thường xuyên hứa nhưng không thực hiện sẽ làm cho mọi người mất niềm tin, người lớn không yêu quý, bị bạn bè xa lánh.
  5. e) Đồng tình. Đôi khi nói dối sẽ giúp ta đạt được mong muốn trước mắt, nhưng về lâu dài, khi chúng ta nói dối một câu, thì những câu tiếp theo chúng ta lại phải tiếp tục nói dối để che đi câu nói dối phía trước, đến khi bị mọi người phát hiện, sẽ không còn ai tin tưởng chúng ta nữa, dù có làm gì cũng sẽ không thể nào lấy lại được niềm tin.

Câu 3: Trong các trường hợp dưới đây, hành vi nào thể hiện giữ chữ tín, hành vi nào thể hiện không giữ chữ tín? Vì sao?

  1. a) H hẹn đi xem xiếc cùng P nhưng do nhà có việc đột xuất nên không đi được. H gọi điện xin lỗi P và hẹn hôm khác sẽ đi.
  2. b) V hứa sẽ giúp D học tốt môn Tiếng Anh. Tuy bận rộn nhưng V vẫn sắp xếp thời gian để học cùng và hướng dẫn D. Chỉ sau một thời gian ngắn, trình độ Tiếng Anh của D đã tiến bộ.
  3. c) T mượn C quyển truyện và hứa sẽ trả bạn sau một tuần. Nhưng do bận tập văn nghệ để tham gia biểu diễn nên T chưa kịp đọc. T nghĩ "Chắc C đã đọc truyện rồi" nên bạn vẫn giữ lại, bao giờ đọc xong sẽ trả.
  4. d) Bà X mở cửa hàng bán thực phẩm sạch. Mặc dù lợi nhuận thấp nhưng bà vẫn vui vì đã góp phần bảo vệ sức khỏe cho mọi người. Có người khuyên bà nhập thực phẩm không rõ nguồn gốc về bán với danh nghĩa thực phẩm sạch, lợi nhuận sẽ cao hơn rất nhiều nhưng bà nhất quyết không làm theo.

Trả lời:

  1. a) H không giữ chữ tín với P vì đã hẹn đi xem xiếc cùng P nhưng lại không đi được. Tuy nhiên H đã gọi điện xin lỗi P là một hành động rất nên làm, và H nên sắp xếp thời gian cho buổi hẹn sau để không bị lỡ hẹn với P nữa.
  2. b) V là người rất giữ chữ tín. Vì đã hứa sẽ giúp D môn Tiếng Anh nên V dù bận vẫn cố sắp xếp thời gian để học cùng D. V là một người bạn tốt, biết giữ lời hứa, sẽ được bạn bè xung quanh quý mến.
  3. c) T là một người không giữ chữ tín. T đã hứa sẽ trả C quyển truyện sau một tuần nhưng vì T chưa đọc xong nên đã không trả. Trong trường hợp này, nếu T muốn mượn truyện của C thêm vài ngày nữa thì cần phải xin phép C, nếu C đồng ý thì mới được giữ truyện lại.
  4. d) Bà X là người rất giữ chữ tín. Cho dù buôn bán có lợi nhuận thấp nhưng bà vẫn vui vẻ vì bà X muốn mọi người đều được sử dụng thực phẩm sạch.

Câu 4: Em hãy đưa ra lời khuyên cho bạn trong các tình huống sau:

  1. a) Ngày thứ Bảy, Y giúp mẹ bán rau. Có khách đến mua rau, họ đã trả tiền và nhờ Y nhặt rau giúp. Nhưng đã cuối ngày mà không thấy người khách quay lại.
  2. b) Bố mẹ hứa sẽ mua đàn cho M nếu bạn đạt danh hiệu Học sinh Giỏi. M cố gắng học và đã đạt được danh hiệu đó. Nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh, công việc khó khăn, thu nhập giảm nên bố mẹ vẫn chưa mua đàn cho M.

Trả lời:

  1. a) Nếu em là Y, em sẽ cố chờ vị khách đó thêm một chút, vì có thể họ đang bận chút việc chưa quay lại kịp.

Nếu hết ngày hôm đó mà vị khách đó chưa quay lại, thì em sẽ để riêng phần tiền mà họ đã trả ra, để những hôm sau khi gặp lại vị khách đó em sẽ trả lại tiền cho họ.

  1. b) Nếu em là M, em sẽ tâm sự với bố mẹ, để hỏi bố mẹ nguyên nhân vì sao bố mẹ vẫn chưa mua đàn cho mình.

Sau khi biết nguyên nhân là do dịch bệnh khó khăn, kiếm tiền vất vả, em sẽ thông cảm cho bố mẹ và bảo bố mẹ rằng hãy để dành lần khác tặng em đàn sau, còn bây giờ em mong bố mẹ sẽ thật vui vì em đã đạt danh hiệu Học sinh Giỏi.

VẬN DỤNG

Câu 1: Viết một đoạn văn bày tỏ suy nghĩ của em về lời khuyên "Hãy tiết kiệm lời hứa".

Tham khảo:

Bài tham khảo 1:

Trong cuộc sống, mỗi chúng ta đều sẽ có rất nhiều lời hứa dành cho người khác và nhiều lời hứa người khác dành cho mình. Tuy rằng lời hứa vốn dĩ chỉ là một câu nói, và ai cũng có thể dễ dàng nói ra lời hứa. Nhưng lời hứa lại không hề giống những câu nói bình thường khác. Một khi lời hứa được nói ra, nó đã gieo vào lòng người nghe niềm hi vọng và sự tin tưởng. Bởi vậy, khi lời hứa không được thực hiện, mỗi người đều sẽ cảm thấy rất buồn, và niềm tin dành cho nhau sẽ dần dần không còn nữa. Lời hứa tuy không phải tiền, nhưng nó còn quý giá hơn cả tiền, và mỗi chúng ta đều không nên tùy tiện nói ra lời hứa. Vì thế lời hứa cũng cần phải tiết kiệm, mỗi người đều chỉ nên nói ra lời hứa khi bản thân có thể làm được và phải cố gắng hết sức để thực hiện được lời hứa đó.

Bài tham khảo 2:

Lời hứa là một sự xác tín của mình với người khác khi được đề nghị một việc nào đó, hoặc có khi tự mình khơi ra và hứa là sẽ làm một điều gì đó cho người khác. Tiết kiệm là một đức tính tốt, là biết sử dụng đúng mức, hợp lý của cải vật chất, thời gian, sức lực của mình và của người khác. Việc giữ lời hứa không chỉ chứng minh rằng bạn là người đáng tin cậy mà còn chứng minh bạn rất đáng để người khác ủy thác trách nghiệm. Còn nếu không giữ lời hứa, người khác sẽ không những không tin tưởng bạn mà còn xa lánh bạn. Ví dụ như bạn rất tin tưởng và giao một công việc rất quan trọng cho một người bạn nhưng người đó lại không thực hiện mà ngược lại: họ tìm cớ để đùn đẩy trách nghiệm cho việc không giữ lời hứa đó, không thực hiện vì những nguyên nhân này, nguyên nhân khác nghe rất êm tai nhưng sự thật đằng sau lại là người đó lười hoặc quên…. Bạn sẽ cảm thấy mình bị lừa dối và không được tôn trọng. Nếu bạn cũng làm vậy với những người khác, lời hứa của bạn chẳng có chút giá trị nào cả, và uy tín của bạn cũng từ đó mà giảm sút. Vì thế lời hứa cũng cần phải tiết kiệm, mỗi người đều chỉ nên nói ra lời hứa khi bản thân có thể làm được và phải cố gắng hết sức để thực hiện được lời hứa đó.

Câu 2: Cùng các bạn trong nhóm xây dựng và biểu diễn một tiểu phẩm về chủ đề “giữ chữ tín trong học sinh” (ví dụ: giữ lời hứa, trung thực trong thi cử…).

Tham khảo:

Lưu ý: Học sinh trình bày quan điểm của bản thân. Các em có thể tham khảo bài mẫu sau đây – tiểu phẩm “Trung thực”

[Giờ ra chơi tiết 2]

Hà (tổ trưởng): Loan ơi, cho mình kiểm tra vở bài tập về nhà của cậu?

Loan: Thôi chết, tối qua mải dự sinh nhật chị mà tớ quên làm mất rồi? Cậu có thể giúp tớ báo cáo cô là làm rồi được không?

Hà: Không được đâu, nhỡ cô kiểm tra bất ngờ lại cậu thì làm sao, nhiệm vụ của tớ là kiểm tra bài cũ các bạn trong tổ, nếu tớ nói dối cô sẽ trách tớ.

Loan: Không sao đâu, hôm trước cô vừa kiểm tra tớ xong, cậu yên tâm đi. Cậu cứu tớ một lần đi?

Hà: Nhưng.....

[Tiếng trống vào học, cô giáo đi vào lớp]

Cô giáo: Các tổ trưởng kiểm tra bài tập về nhà cho cô chưa, chúng ta bắt đầu báo cáo nhé?

Hà: (Ngoảnh nhìn Loan) Thưa cô, Tổ 1 các bạn làm bài tập.... đầy đủ ạ.

Cô giáo (thấy Hà ấp úng liền hỏi): Em chắc chắn chưa Hà? Sao em có vẻ ấp úng vậy?

Hà: Dạ thưa cô,.......thưa cô..........

[Hà chưa kịp nói thì Loan đứng dậy nói]

Loan: Thưa cô, em chưa làm bài tập ạ, nhưng vì em xin bạn Hà giúp nên bạn mới báo cáo cô như vậy, mong cô đừng trách bạn ấy và tha thứ cho em một lần này, em hứa từ này về sau em sẽ làm bài đầy đủ ạ!

Cô giáo: Hóa ra mọi chuyện là như vậy? Loan đã trung thực tự đứng ra nhận lỗi của mình nên lần này cô bỏ qua, lần sau không được như vậy nữa em nhé. Còn Hà không nên bao che cho bạn việc không tốt như thế em ạ, như thế là em đang làm hại bạn đấy.

Hà: Dạ, thưa cô em xin lỗi cô, em hứa sau này em sẽ làm tốt nhiệm vụ của mình ạ.

Loan: Dạ em xin lỗi cô và bạn Hà ạ.

Cô giáo: Thôi, không sao, bây giờ các tổ khác tiếp tục báo cáo cho cô nào....

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: File word Đáp án Công dân 7 kết nối tri thức - Tại đây

Tài liệu khác

Chat hỗ trợ
Chat ngay