Đáp án Lịch sử 10 cánh diều Bài 15: Một số thành tựu của văn mình Đại Việt phần 1
File Đáp án Lịch sử 10 cánh diều Bài 15: Một số thành tựu của văn mình Đại Việt. Toàn bộ câu hỏi, bài tập ở trong bài học đều có đáp án. Tài liệu dạng file word, tải về dễ dàng. File đáp án này giúp kiểm tra nhanh kết quả. Chỉ có đáp án nên giúp học sinh tư duy, tránh học vẹt
Xem: => Giáo án lịch sử 10 cánh diều (bản word)
BÀI 15. MỘT SỐ THÀNH TỰU CỦA VĂN MINH ĐẠI VIỆT (P1)
1. Chính trị
1.1. Tổ chức bộ máy nhà nước
Câu 1: Đọc thông tin và quan sát Sơ đồ 15, hãy nêu những thành tựu tiêu biểu về chính sách của nền văn minh Đại Việt.
Trả lời:
Những thành tựu tiêu biểu về chính sách của nền văn minh Đại Việt:
- Trải qua các triều đại, tổ chức bộ máy nhà nước của Đại Việt không ngừng được củng cố hoàn thiện từ trung ương đến địa phương.
- Trung ương: Vua đứng đầu đất nước. Giúp việc cho vua là Quan đại thần (Thái sư, Thái úy,...); Các cơ quan văn phòng, hành chính, giám sát, chuyên môn.
- Địa phương: Đạo/thừa tuyên; phủ; huyện/châu; xã, phường, sách.
- Việc thành lập cơ quan hành chính, pháp lí, chuyên môn, giám sát,....thể hiện vai trò, tổ chức, quản lí của nhà nước ngày càng chặt chẽ, tiêu biểu là tổ chức bộ máy nhà nước thời Lê sơ (đặc biệt là dưới triều vua Lê Thánh Tông).
1.2. Luật pháp
Câu 1: Đọc thông tin, tư liệu, hãy nêu và phân tích vai trò của luật pháp đối với sự phát triển của nền văn minh Đại Việt.
Trả lời:
Vai trò của luật pháp đối với sự phát triển của nền văn minh Đại Việt:
- Nhà nước tăng cường quản lí xã hội thông qua luật pháp. Năm 1002, nhà Tiền Lê định luật lệ. Năm 1042, vua Lý Thái Tông ban hành bộ Hình thư. Đây là bộ luật thành văn đầu tiên của Đại Việt, đánh dấu mốc quan trọng trong lịch sử pháp quyền Việt Nam, là bước tiến của văn minh Đại Việt.
- Năm 1230, vua Trần Thái Tông cho soạn bộ Hình luật. Năm 1483, với sự ra đời của bộ Quốc triều hình luật dưới thời Lê sơ, luật pháp trở thành hệ thống chuẩn mực nhằm duy trì và bảo vệ quyền lợi của tầng lớp thống trị cũng như trật tự xã hội. Năm 1811, vua Gia Long cho biên soạn bộ Hoàng triều luật lệ, ban hành năm 1815, được thi hành trong suốt các triều vua nhà Nguyễn.
- Nội dung chủ yếu của luật pháp qua các triều đại phong kiến Đại Việt là đề cao tính dân tộc và chủ quyền quốc gia; bảo vệ quyền lực của vua, quý tộc, quan lại; bảo vệ sức kéo trong nông nghiệp. Ngoài ra, còn bảo vệ quyền lợi của nhân dân, trong đó có quyền lợi của phụ nữ.
2. Kinh tế
2.1. Nông nghiệp
Câu 1: Đọc thông tin và tư liệu hãy:
- Nêu những thành tựu tiêu biểu về nông nghiệp của nền văn minh Đại Việt.
- Phân tích tác động của những thành tựu trong lĩnh vực nông nghiệp đối với sự phát triển của nền văn minh Đại Việt.
Trả lời:
- Những thành tựu tiêu biểu về nông nghiệp của nền văn minh Đại Việt:
- Nhà nước thực hiện chính sách quan tâm, chăm lo phát triển sản xuất nông nghiệp như đắp đê, tổ chức khai hoang, quân điền, "ngụ binh ư nông",...Trong triều đình cũng hình thành những chức quan quản lí, giám sát và khuyến khích sản xuất nông nghiệp. Những chính sách của nhà nước tạo điều kiện cho nông dân có ruộng đất canh tác.
- Nông nghiệp là ngành kinh tế chủ đạo với cây trồng chính là lúa nước. Người dân còn trồng nhiều cây lương thực như ngô, khoai, sắn,... Phương thức và kĩ thuật canh tác có những bước tiến mới. Việc sử dụng công cụ lao động bằng sắt, sức kéo của trâu bò và thâm canh hai, ba vụ lúa trong một năm trở nên phổ biến, góp phần tăng năng suất lao động, đảm bảo đời sống người dân.
- Công cuộc khai hoang, phục hóa, lấn biển làm tăng diện tích trồng trọt, lập thêm nhiều làng mới, góp phần mở rộng lãnh thổ, tăng cường khả năng phòng thủ đất nước.
- Nhà nước tăng cường vận động nhân dân tham gia đắp đê phòng lụt trên quy mô lớn, hình thành hệ thống đê điều, thủy lợi hoàn chỉnh trong cả nước.
- Tác động của những thành tựu trong lĩnh vực nông nghiệp đối với sự phát triển của nền văn minh Đại Việt: Tiếp tục phát triển văn minh nông nghiệp trồng lúa nước.
2.2. Thủ công nghiệp
Câu 1: Đọc thông tin và quan sát Hình 15.2, hãy nêu những thành tựu tiêu biểu của thủ công nghiệp Đại Việt. Phân tích tác động của thủ công nghiệp với nền văn minh Đại Việt.
Trả lời:
- Những thành tựu tiêu biểu của thủ công nghiệp Đại Việt:
- Thủ công nghiệp truyền thống tiếp tục được duy trì và phát triển ở các địa phương với nhiều ngành nghề (dệt lụa, làm đồ gốm, đồ trang sức, rèn sắt, đúc đồng,...). Nhiều nghề khác xuất hiện như làm tranh sơn mài, làm giấy, khắc bản in,...
- Thế kỉ XVI-XVII, có nhiều làng nghề thủ công nổi tiếng cả nước như dệt La Khê, gốm Bát Tràng,...với sản phẩm phong phú, đa dạng, tinh xảo.
- Thủ công nghiệp nhà nước do triều đình quản lí trực tiếp. Các hoạt động sản xuất chủ yếu là đúc tiền kim loại, đóng thuyền lớn, sản xuất vũ khí cho quân đội,...
- Sự phát triển của thủ công nghiệp vừa đáp ứng nhu cầu của nhân dân trong nước, vừa tạo ra được những mặt hàng quan trọng để trao đổi với thương nhân nước ngoài.
- Tác động của thủ công nghiệp với nền văn minh Đại Việt: Thúc đẩy văn minh Đại Việt phát triển dựa trên sự kế thừa văn minh Văn Lang - Âu Lạc, vừa có sự trao đổi, giao lưu với nước ngoài.
2.3. Thương nghiệp
Câu 1: Đọc thông tin và quan sát Hình 15.3, hãy:
- Nêu những thành tựu tiêu biểu của thương nghiệp Đại Việt.
- Nêu vai trò của đô thị đối với sự phát triển của nền văn minh Đại Việt.
Trả lời:
- Những thành tựu tiêu biểu của thương nghiệp Đại Việt:
- Chợ làng, chợ huyện được hình thành và phát triển mạnh, hoạt động buôn bán giữa các làng, các vùng trong nước diễn ra nhộn nhịp. Kinh đô Thăng Long với 36 phố phường trở thành trung tâm buôn bán sầm uất dưới thời Lý, Trần, Lê sơ.
- Hoạt động trao đổi, buôn bán với nước ngoài bước đầu phát triển với nhiều mặt hàng phong phú. Dưới thời Lý, Trần, Lê sơ các địa điểm trao đổi hàng hóa với nước ngoài được hình thành ở vùng biên giới.
- Việc thông thương với nước ngoài góp phần mở rộng thị trường trong nước và thúc đẩy sự hưng thịnh của các đô thị và cảng thị, tiêu biểu là Thăng Long, Phố Hiến,...
- Vai trò của đô thị đối với sự phát triển của nền văn minh Đại Việt: thúc đẩy buốn bán, mở rộng thị trường trong nước.
3. Văn hóa
3.1. Tư tưởng, tôn giáo, tín ngưỡng
Câu 1: Đọc thông tin và quan sát Hình 15.4, hãy nêu những thành tựu tiêu biểu về tư tưởng, tôn giáo của văn minh Đại Việt.
Trả lời:
Những thành tựu tiêu biểu về tư tưởng, tôn giáo của văn minh Đại Việt:
- Tư tưởng:
- Tư tưởng yêu nước, thương dân được xem là tiêu chuẩn đạo đức cao nhất để đánh giá con người và các hoạt động xã hội, được biểu hiện thông qua các chính sách của nhà nước trong việc quan tâm đến sản xuất và đời sống nhân dân. Đó là cội nguồn của tư tưởng "lấy dân làm gốc".
- Nho giáo phát triển gắn liền với hoạt động học tập, thi cử từ thời Lý, Trần. Đến thời Lê sơ, Nho giáo được nâng lên địa vị độc tôn, trở thành hệ tư tưởng chính thống của nhà nước quân chủ, góp phần vào quan trọng vào việc đào tạo đội ngũ trí thức, quan lại và bồi dưỡng những người hiền tài. Nho sĩ trở thành một lực lượng quan trọng trong triều đình.
- Tôn giáo:
- Phật giáo du nhập từ thời kì Bắc thuộc, phát triển mạnh mẽ trong buổi đầu độc lập và trở thành quốc giáo thời Lý, Trần. Các vua kế tiếp nhau dựng chùa, đúc chuông. Ở các làng, chùa trở thành trung tâm sinh hoạt văn hóa, vừa là nơi dạy chữ, vừa là nơi tổ chức hội hè.
- Đạo giáo được duy trì, phát triển trong dân gian và được các triều đại phong kiến coi trọng, đặc biệt là thời Đinh, Tiền Lê, Lý.
- Trong các thế kỉ XIII-XVI, Hồi giáo, Công giáo du nhập vào Đại Việt.
- Tín ngưỡng:
- Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt tiếp tục được duy trì.
- Tín ngưỡng thờ thành hoàng ngày càng phổ biến ở các làng, xã.
- Ngoài ra, tín ngưỡng thờ Mẫu, thờ các anh hùng, tổ nghề,... cũng phát triển, tạo nên truyền thống văn hóa tốt đẹp trong cuộc sống.
3.2. Giáo dục
Câu 1: Đọc thông tin, tư liệu và quan sát Hình 15.5, hãy:
- Trình bày những thành tựu tiêu biểu về giáo dục của Đại Việt.
- Nêu vai trò của Văn Miếu - Quốc Tử Giám đối với sự phát triển văn minh Đại Việt.
Trả lời:
- Những thành tựu tiêu biểu về giáo dục của Đại Việt:
- Hệ thống giáo dục được mở rộng, chủ yếu nhằm đào tạo đội ngũ quan lại cho bộ máy chính quyền. Năm, 1070, nhà Lý cho dựng Văn Miếu. Năm 1075, triều đình mở khoa thi đầu tiên để tuyển chọn nhân tài. Năm 1076, vua Lý cho mở Quốc Tử Giám để dạy học cho hoàng tử, công chúa. Từ thời Trần, triều đình lập Quốc học viện cho con em quan lại học tập. Từ thời Lê sơ, con em bình dân học giỏi cũng được đi học, đi thi; hệ thống trường học mở rộng trên cả nước.
- Về phương thức thi cử, tuyển chọn quan lại, nhà nước chính quy hóa việc thi cử để tuyển chọn người tài, thể lệ thi cử được quy định chặt chẽ, các kì thi được tổ chúc chính quy.
- Vai trò của Văn Miếu - Quốc Tử Giám đối với sự phát triển văn minh Đại Việt: Văn Miếu – Quốc Tử Giám là trung tâm giáo dục và đào tạo thời trung đại. Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã thực sự trở thành Trung tâm giáo dục cao nhất của nước Đại Việt. Ở đây không chỉ là nơi học tập của các nhà quản lý, lãnh đạo đất nước trong tương lai mà việc giáo dục đã được mở rộng. Trường đã được nâng cấp thành Viện, đứng đầu là quan Thượng thư. Tài liệu dùng trong trường là các kinh điển cao cấp của Nho giáo như: Tứ thư, Ngũ kinh. Nho sinh đến đây học tập để chuẩn bị tham gia các kỳ thi đại khoa giành học vị tiến sĩ – học vị học thuật cao nhất lúc bấy giờ. Vai trò là trung tâm giáo dục lớn nhất cả nước của Văn Miếu – Quốc Tử Giám được xác lập và khẳng định từ thời Trần, tuy nhiên việc giáo dục và học tập được mở rộng, quy mô nhất vào thời Hậu Lê. Song song với việc mở rộng đối tượng Nho sinh, nâng cao trình độ học tập tại Quốc Tử Giám, triều đình còn áp dụng nhiều chính sách nhằm đề cao việc học tập, biểu dương thành tích của người học và dạy học tại đó. Ngoài việc đào tạo, Quốc Tử Giám còn có nhiệm vụ Bảo cử Giám sinh với triều đình để bổ dụng làm quan. Hàng năm, 4 tháng trọng, các quan ở Quốc Tử Giám tiến hành khảo hạch Giám sinh, đề cử những người trúng cách đề Bộ lại tuyển dụng khi cần. Văn Miếu – Quốc Tử Giám thời Lê Thánh Tông, có thể nói là một trung tâm giáo dục lớn, xứng tầm một trung tâm đào tạo cao cấp của đất nước. Về mặt kiến trúc, trường có đầy đủ cơ sở vật chất của một trường hiện đại thời đó: có giảng đường, hội trường lớn, ký túc xá cho 300 Giám sinh, nhà kho, thư viện. Về giảng dạy, học tập là những giảng viên, các nhà nho đạo đức trong sáng, học vấn uyên thâm; sinh viên là những người “nghiên cứu sinh” đã đỗ thi hương hoặc trúng từ 1 đến 3 kỳ thi hội (tạm coi tương đương tốt nghiệp đại học bây giờ) đến nhà Giám học tập, rèn luyện để tham gia thi hội và thi đình để trở thành tiến sĩ.
3.3. Chữ viết và văn học
Câu 1: Đọc thông tin, hãy nêu những thành tiêu biểu về văn học và chữ viết của nền văn minh Đại Việt.
Trả lời:
Những thành tiêu biểu về văn học và chữ viết của nền văn minh Đại Việt:
- Về chữ viết:
- Trên cơ sở tiếp thu chữ Hán của người Trung Quốc, người Việt đã sáng tạo ra chữ Nôm để ghi lại tiếng nói của dân tộc.
- Một số triều đại có những chính sách khuyến khích và đề cao chữ Nôm.
- Đến thế kỉ XVIII, chữ Quốc ngữ được hình thành từ việc sử dụng, cải biến chữ La-tinh để ghi âm tiếng Việt và từng bước phát triển, trở thành chữ viết chính thức của người Việt ngày nay.
- Về văn học:
- Văn học chữ Hán phát triển mạnh, đạt nhiều thành tựu rực rỡ, với nhiều tác phẩm như Chiếu dời đô, Nam quốc sơn hà, Hịch tướng sĩ,...
- Văn học chữ Nôm xuất hiện từ khoảng thế kỉ XIII và phát triển mạnh từ thế kỉ XV. Nội dung chủ yếu là ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, con người, phê phán một bộ phận quan lại, cường hào và phản ánh những bất công trong xã hội, đề cao vẻ đẹp con người.
- Văn học dân gian tiếp tục duy trì và phát triển mạnh mẽ trong các thế kỉ XVI-XVIII. Nội dung chủ yếu là phản ánh tâm tư, tình cảm con người, tình yêu quê hương,...