Nội dung chính Địa lí 12 chân trời Bài 34: Sử dụng hợp lí tự nhiên để phát triển kinh tế ở Đồng bằng sông Cửu Long
Hệ thống kiến thức trọng tâm Bài 34: Sử dụng hợp lí tự nhiên để phát triển kinh tế ở Đồng bằng sông Cửu Long sách Địa lí 12 chân trời sáng tạo. Với các ý rõ ràng, nội dung mạch lạc, đi thẳng vào vấn đề, hi vọng người đọc sẽ nắm trọn kiến thức trong thời gian rất ngắn. Nội dung chính được tóm tắt ngắn gọn sẽ giúp thầy cô ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh. Bộ tài liệu có file tải về. Mời thầy cô kéo xuống tham khảo.
Xem: => Giáo án địa lí 12 chân trời sáng tạo
BÀI 34. SỬ DỤNG HỢP LÍ TỰ NHIÊN ĐỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG
I. KHÁI QUÁT
1. Vị trí địa lí và phạm vi lãnh thổ
- Đồng bằng sông Cửu Long có diện tích hơn 40,9 nghìn km², gồm 13 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
- Trong đó, Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau thuộc Vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
- Đồng bằng sông Cửu Long là vùng dồng bằng châu thổ có diện tích lớn nhất nước ta, nằm ở hạ lưu sông Mê Công. Vùng có vùng biển rộng lớn với nhiều đảo, quần đảo.
- Đồng bằng sông Cửu Long tiếp giáp với nước láng giềng Cam-pu-chia, vùng Đông Nam Bộ, tạo thuận lợi cho việc mở rộng phát triển kinh tế đối ngoại, khai thác các tiềm năng, liên kết với các vùng để phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.
2. Dân số
- Năm 2021, Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 17,4 triệu người, mật độ dân số khá cao.
- Tỉ lệ gia tăng dân số tự nhiên thấp, khoảng 0,55%. Tỉ lệ dân thành thị thấp, khoảng 26,4%.
- Tỉ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên chiếm 53,7% số dân của vùng. Vùng có nhiều thành phần dân tộc.
II. SỬ DỤNG HỢP LÍ TỰ NHIÊN Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG
1. Thế mạnh và hạn chế để phát triển kinh tế
* Thế mạnh
- Địa hình và đất:
+ Đồng bằng sông Cửu Long có địa hình thấp và bằng phẳng.
+ Vùng có 3 nhóm đất chính, bao gồm đất phù sa sông; đất phèn; đất mặn. Ngoài ra, vùng còn có đất xám và các loại đất khác chiếm diện tích nhỏ.
- Khí hậu: Đồng bằng sông Cửu Long thuộc kiểu khí hậu cận xích đạo gió mùa, phân hoá thành mùa mưa và mùa khô rõ rệt.
- Nguồn nước:
+ Vùng có mạng lưới sông ngòi dày đặc; hệ thống các kênh đào quan trọng.
+ Vùng còn có nguồn nước ngầm phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của người dân.
- Sinh vật:
+ Thực vật chủ yếu là rừng ngập mặn; rừng tràm.
+ Đồng bằng sông Cửu Long có hệ động vật phong phú, đặc biệt là cá và chim.
- Khoáng sản: chủ yếu là đá vôi, than bùn, đất sét.
- Biển, đảo:
+ Đồng bằng sông Cửu Long có vùng biển rộng lớn với hàng trăm bãi cá, bãi tôm và hàng nghìn ha mặt nước.
+ Vùng thềm lục địa có trữ lượng dầu mỏ, khí tự nhiên khá lớn.
* Hạn chế
- Địa hình: vùng có địa hình thấp, thường xuyên chịu ảnh hưởng của triều cường xâm nhập sâu vào nội địa, gây trở ngại cho sản xuất và sinh hoạt.
- Khí hậu: khí hậu của vùng có sự phân hoá theo mùa, mùa khô gây thiếu nước ngọt và hiện tượng xâm nhập mặn vào sâu trong đất liền. Ngoài ra, biến đổi khí hậu cũng tác động đến sản xuất và sinh hoạt của người dân.
2. Sử dụng hợp lí tự nhiên
- Đồng bằng sông Cửu Long cần xây dựng hệ thống thuỷ lợi, bảo vệ nguồn nước ngọt phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân.
- Tiến hành lai tạo các giống cây trồng, vật nuôi chịu phèn và chịu mặn để đảm bảo sự phát triển bền vững.
- Cải tạo và sử dụng theo hướng bền vững diện tích đất bị ô nhiễm, thoái hoá nhằm đảm bảo sự phát triển trong sản xuất nông nghiệp.
- Hoạt động khai thác lợi ích kinh tế từ rừng theo hướng bền vững cần được đẩy mạnh với các mô hình nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản kết hợp. Đồng thời, vùng duy trì cân bằng hệ sinh thái, khuyến khích người dân trồng và bảo vệ rừng.
- Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển cây trồng, vật nuôi và nuôi trồng thuỷ sản với công nghiệp chế biến. Đối với vùng biển, vùng tập trung phát triển kinh tế liên hoàn, kết hợp giữa biển với đảo, quần đảo và đất liền. Đối với đời sống, người dân cần chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
III. TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN MỘT SỐ NGÀNH KINH TẾ
1. Sản xuất lương thực và thực phẩm
* Vai trò
- Góp phần khai thác tốt điều kiện tự nhiên trong phát triển kinh tế.
- Đồng bằng sông Cửu Long là vùng trọng điểm trong sản xuất lương thực, thực phẩm, đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm cho vùng, cả nước và xuất khẩu; đảm bảo vấn đề an ninh lương thực cho đất nước.
- Thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển.
- Sản xuất lương thực và thực phẩm của vùng góp phần giải quyết việc làm, tạo nguồn thu nhập, nâng cao mức sống cho người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới.
* Tình hình sản xuất
- Sản xuất lương thực và thực phẩm ở Đồng bằng sông Cửu Long trong những năm qua có sự phát triển nhanh nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học – kĩ thuật trong sản xuất.
2. Du lịch
- Số lượng khách du lịch đến Đồng bằng sông Cửu Long liên tục tăng trong những năm qua.
- Các tuyến du lịch nội vùng kết nối trung tâm du lịch vùng, trung tâm du lịch của các địa phương với các khu du lịch, điểm du lịch trong vùng.
- Các tuyến du lịch liên vùng kết nối đến các tỉnh thuộc Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, Duyên hải Nam Trung Bộ và các tỉnh phía Bắc.
- Vùng phát triển tuyến du lịch quốc gia và quốc tế dựa trên việc mở rộng các tuyến du lịch liên vùng gắn với Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Cà Mau; tuyến hành lang ven biển phía Nam, hệ thống cửa khẩu quốc tế, tuyến đường biển qua các cảng biển và tuyến đường thuỷ nội địa.