Nội dung chính Ngữ văn 12 cánh diều Bài 4: Việt Bắc (Tố Hữu)
Hệ thống kiến thức trọng tâm Bài 4: Việt Bắc (Tố Hữu) sách Ngữ văn 12 cánh diều. Với các ý rõ ràng, nội dung mạch lạc, đi thẳng vào vấn đề, hi vọng người đọc sẽ nắm trọn kiến thức trong thời gian rất ngắn. Nội dung chính được tóm tắt ngắn gọn sẽ giúp thầy cô ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh. Bộ tài liệu có file tải về. Mời thầy cô kéo xuống tham khảo.
Xem: => Giáo án ngữ văn 12 cánh diều
VĂN BẢN VIỆT BẮC
I. TÌM HIỂU CHUNG
1. Tác giả
a. Tiểu sử
- Tố Hữu: Tên khai sinh là Nguyễn Kim Thành.
- Năm sinh: 1920 – 2002.
- Quê quán: làng Phù Lai, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
- Năm 13 tuổi, ông vào trường Quốc học Huế. Tại đây, Nguyễn Kim Thành sớm tiếp cận với lý tưởng cộng sản.
- Đến năm 1945, khi Cách mạng tháng Tám bùng nổ, ông được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa Thừa Thiên - Huế.
- Năm 1996, ông được Nhà nước phong tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật (đợt 1).
b. Sự nghiệp và tác phẩm chính
- Tác phẩm của ông bao gồm có: Từ ấy (1946), Việt Bắc (1954), Gió lộng (1961), Ra trận (1962-1971), Máu và Hoa (1977), Một tiếng đờn (1992), Ta với ta (1999)…
Ngoài ra, Tố Hữu còn là dịch giả, tác giả của nhiều tác phẩm chính luận, tiểu luận khác chắng hạn như: Xây dựng một nền văn nghệ lớn xứng đáng với nhân dân ta, thời đại ta (tiểu luận, 1973); Cuộc sống cách mạng và văn học nghệ thuật (tiểu luận, 1981).
2. Văn bản “Việt Bắc”
a. Thể loại: Thơ lục bát
b. Hoàn cảnh sáng tác
+ Sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi (tháng 5-1954), Hiệp định Giơ-ne-vơ được kí kết (tháng 7-1954), hoà bình được lập lại ở miền Bắc. Tháng 10-1954, cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ và những người kháng chiến tạm biệt đồng bào vùng chiến khu Việt Bắc để trở về tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Nhân sự kiện có ý nghĩa lịch sử này, Tố Hữu đã viết bài thơ Việt Bắc. Tác phẩm gồm 150 câu thơ lục bát.
c. Bố cục: Gồm có 4 phần:
+ Phần đầu (8 câu đầu) – cảm xúc cuộc chia tay.
+ Phần hai ( 12 câu tiếp) – lời người Việt Bắc.
+ Phần ba (Ta với mình….đèo De, núi Hồng) – lời người cách mạng.
+ Phần cuối ( còn lại) : Lời tâm tình của người ra đi và người ở lại.
d. Nhan đề: Việt Bắc vốn là một địa danh, nơi đó gắn liền với cuộc chiến đấu chống giặc ngoại xâm ở đất nước ta, cũng là vị trí chiến lược quan trọng. Nhan đề như một sự hội tụ khắc sâu tình cảm thuỷ chung, son sắc của nhà thơ đối với con người và cảnh sắc nơi đây.
II. KHÁM PHÁ VĂN BẢN
1. Kết cấu
Xác định kết cấu của tác phẩm
- Kết cấu của văn bản: kết cấu theo lối đối đáp, thể hiện qua sự thay đổi luân phiên các đại từ xưng hô “mình” - “ta”. Thông qua hình thức trình bày văn bản, chữ nghiên là lời của người ra đi – người cán bộ, người lính.
- Bài thơ kết cấu theo lối đối đáp quen thuộc của ca dao, dân ca.
b. Tính dân gian thể hiện qua bài thơ Việt Bắc
- Tính dân gian thể hiện qua:
+ Kết cấu: Bài thơ được kết cấu theo lối đối đáp thường thấy trong dân ca, ca dao.
+ Hình thức: Bài thơ được trình bày dưới hình thức câu lục bát – hình thức quen thuộc của ca dao.
+ Sử dụng từ ngữ: Đại từ nhân xưng “mình” - “ta” thường thấy trong ca dao.
- Tính hiện đại thể hiện qua:
+ Lời thơ: đọc Việt Bắc ta không chỉ nhận thấy lời thơ bình lặng, da diết của ca dao, mà Việt Bắc là sự kết hợp giữa cái diết da của nỗi nhớ, cùng với sự hối hả, rộn ràng, thể hiện qua những câu hỏi dồn dập, nặng nghĩa, nặng tình.
+ Giọng điệu: giọng hùng ca, tình ca được khởi phát lên từ âm vang chiến thắng của dân tộc nên nhuốm hơi thở thời sự, mang không khí sử thi làm nên chất hiện đại cho bài thơ.
+ Ngắt nhịp: Ở một số câu thơ 8 chữ, Tố Hữu đã biến tấu cách ngắt nhịp của thể lục bát là 2/2/2/2 thành ngắt nhịp đôi 4/4. Chính điều đó làm cho nhịp thơ trở nên nhanh, khỏe, rộn ràng, xao động hơn.
2. Phân tích tâm trạng cảm xúc của nhân vật trữ tình
- Tâm trạng bao trùm là nỗi nhớ về những kỉ niệm một thời gắn bó sắt son, mặn nồng. Tâm trạng quyến luyến, không nỡ rời xa, trân trọng những kỉ niệm đẹp đẽ.
- Những kỉ niệm ùa về:
+ Kỉ niệm về thiên nhiên, núi rừng Việt Bắc.
+ Kỉ niệm về cuộc sống của con người Việt Bắc.
+ Kỉ niệm cùng nhau sẻ chia gian khó.
- Hình tượng thiên nhiên, con người và cuộc sống kháng chiến ở Việt Bắc đã được nhà thơ khắc hoạ qua:
+ Từ ngữ: Các động từ mạnh: rầm rập, rung, bật thể hiện sức mạnh vô địch của đoàn quân, tạo không khí chiến trận. Kết hợp từ láy: điệp điệp, trùng trùng tạo khí thế mạnh mẽ không thể ngăn cản của đoàn quân.
+ Hình ảnh: Thiên nhiên: rừng nứa bờ tre; Ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê, rừng xanh hoa chuối, ve kêu rừng phách. Con người: người mẹ địu con lễ rẫy bẻ từng bắp ngô; lớp học i tờ; dao gài thắt lưng, nhớ người đan nón, cô em gái hái măng…
+ Biện pháp tu từ: So sánh, điệp từ, điệp cú pháp, liệt kê, nhân hóa.
- Nét đặc sắc của biện pháp điệp từ kết hợp điệp cú pháp:
- Điệp cấu trúc: “mình đi, có nhớ…”; “Mình về, có nhớ…”. Tạo âm hưởng ngân vang, như một lời khắc khoải da diết, nhấn mạnh vào nỗi nhớ son sắt của người ra đi và người ở lại.
- Phép điệp từ: “nhớ” nhấn mạnh nỗi nhớ, cảm xúc của người ra đi vẫn luôn hướng về những năm tháng vất vả, gian lao ở quá khứ.
- Điệp từ “vui” thể hiện niềm vui to lớn, không khí chiến thắng vang rộn toàn dân, cả đất nước hân hoan hạnh phúc trước chiến thắng của dân tộc.
III. TỔNG KẾT
1. Nội dung
+ Bài thơ là những lời tâm tình, trò chuyện cùng ôn lại những kỉ niệm đẹp đẽ một thời đã qua giữa người dân Việt Bắc và những người chiến sĩ cách mạng, họ đã từng cùng nhau vượt qua bao gian khổ, khó khăn.
+ Bài thơ là sự gắn bó mật thiết quân dân cá nước, đồng thời cũng là sự thương nhớ núi rừng Việt Bắc.
Nghệ thuật
+ Kết hợp nhuần nhuyễn chất trữ tình và dân gian.
+ Sử dụng nghệ thuật đối đáp “mình – ta”.
+ Sử dụng nhiều biện pháp tu từ như: so sánh, điệp ngữ, lặp cấu trúc…. Qua đó nhấn mạnh tình cảm mà người viết muốn gửi gắm.
=> Giáo án Ngữ văn 12 Cánh diều bài 4: Việt Bắc (Tố Hữu)