Bài tập file word Sinh học 10 cánh diều Ôn tập Chủ đề 1: Giới thiệu khái quát Chương trình môn Sinh học; 2: Các cấp độ tổ chức của thế giới sống; 3: Giới thiệu chung về tế bào (P1)

Bộ câu hỏi tự luận Sinh học 10 cánh diều. Câu hỏi và bài tập tự luận Ôn tập Chủ đề 1: Giới thiệu khái quát Chương trình môn Sinh học; 2: Các cấp độ tổ chức của thế giới sống; 3: Giới thiệu chung về tế bào (P1). Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Sinh học 10 cánh diều.

ÔN TẬP CHỦ ĐỀ 1+2+3: GIỚI THIỆU KHÁI QUÁT CHƯƠNG TRÌNH MÔN SINH HỌC+CÁC CẤP ĐỘ TỔ CHỨC THẾ GIỚI SỐNG+GIỚI THIỆU CHUNG VỀ TẾ BÀO

(PHẦN 1 - 20 CÂU)

Câu 1: Sinh học nghiên cứu về đối tượng nào?

Trả lời:

Đối tượng nghiên cứu của sinh học: Sinh học là môn khoa học về sự sống → Đối tượng nghiên cứu của sinh học là thế giới sinh vật gồm thực vật, động vật, vi khuẩn, nấm,… và con người.

Câu 2: Em hiểu như thế nào về phương pháp thực nghiệm khoa học? Trình bày các bước thực hiện phương pháp thực nghiệm khoa học.

Trả lời:

- Thực nghiệm khoa học là phương pháp thu thập thông tin trên đối tượng nghiên cứu trong những điều kiện được tác động có chủ đích.

- Các bước thực nghiệm khoa học:

+ Bước 1: Thiết kế mô hình thực nghiệm, chuẩn bị các điều kiện: Thiết kế mô hình thực nghiệm; chuẩn bị dụng cụ, mẫu vật, nguyên liệu; thiết bị an toàn.

+ Bước 2: Tiến hành và thu thập dữ liệu thực nghiệm: Tiến hành thí nghiệm; thu dữ liệu thực nghiệm; tuân thủ quy định an toàn.

+ Bước 3: Xử lý số liệu thực nghiệm và báo cáo: Phân tích kết quả và đưa ra kết luận; nhận xét, đánh giá.

Câu 3: Các cấp độ tổ chức sống là gì? Các cấp độ tổ chức sống bao gồm những gì?

Trả lời:

- Khái niệm cấp độ tổ chức sống: Cấp độ tổ chức sống là vị trí của một tổ chức sống trong thế giới sống được xác định bằng số lượng và chức năng nhất định các yếu tố cấu thành tổ chức đó.

- Cấp độ tổ chức sống bao gồm: phân tử, bào quan, tế bào, mô, cơ quan, hệ cơ quan, cơ thể, quần thể, quần xã – hệ sinh thái.

Câu 4: Dựa vào số lượng tế bào trong cơ thể, sinh vật được chia thành mấy nhóm?

Trả lời:

Dựa vào số lượng tế bào trong cơ thể, sinh vật được chia thành 2 nhóm: sinh vật đơn bào và sinh vật đa bào.

- Sinh vật đơn bào là những sinh vật chỉ được cấu tạo từ một tế bào.

- Sinh vật đa bào là những sinh vật chỉ được cấu tạo từ nhiều tế bào. Ở sinh vật đa bào, có sự phối hợp của nhiều loại tế bào chuyên hóa hình thành các cấp độ tổ chức cao hơn như mô hay cơ quan, hệ cơ quan thực hiện cho các hoạt động sống khác nhau của cơ thể.

Câu 5: Sinh học có vai trò như thế nào trong cuộc sống?

Trả lời:

Sinh học có vai trò trong chăm sóc sức khỏe và điều trị bệnh cho con người; cung cấp lương thực, thực phẩm; bảo vệ môi trường; tạo không gian sống → Sinh học góp phần phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống của con người.

Câu 6: Nêu khái niệm, đặc điểm, vai trò của tin sinh học.

Trả lời:

- Khái niệm: Phương pháp tin sinh học là phương pháp thu thập, xử lý và phân tích các thông tin và dữ liệu sinh học bằng phần mềm máy tính, từ đó xây dựng cơ sở dữ liệu và cho phép thực hiện các liên kết giữa chúng.

- Đặc điểm: Tin sinh học (Bioinformatics) là một lĩnh vực nghiên cứu liên ngành, kết hợp dữ liệu sinh học với khoa học máy tính và thống kê.

- Vai trò: Tin sinh học được sử dụng như một công cụ phân tích dữ liệu để đưa ra các mô hình dự đoán, dự báo về các quá trình sinh học.

Câu 7: Cấp độ tổ chức sống đều có đặc điểm chung nào?

Trả lời:

- Tổ chức theo nguyên tắc thứ bậc.

- Hệ thống mở và tự điều chỉnh.

- Thế giới sống liên tục tiến hóa.

Câu 8: Tế bào thực hiện những hoạt động sống nào?

Trả lời:

Tế bào thực hiện những hoạt động sống cơ bản gồm: trao đổi vật chất và chuyển hóa năng lượng, sinh trưởng và phát triển, sinh sản, cảm ứng,vận động, tự điều chỉnh và thích nghi.

Câu 9: Sinh học có vai trò như thế nào trong phát triển kinh tế?

Trả lời:

Sinh học giúp thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững:

- Sinh học cung cấp kiến thức vận dụng vào việc khai thác hợp lí tài nguyên  thiên nhiên phục vụ phát triển kinh tế.

- Sinh học tạo ra những giống cây trồng và vật nuôi có năng suất và chất lượng cao; các sản phẩm, chế phẩm sinh học có giá trị.

Câu 10: Tủ cấy vi sinh được dùng để làm gì?

Trả lời:

Tủ cấy vi sinh (tủ an toàn sinh học hay tủ nuôi cấy mô..) là tên gọi của một hệ thống làm việc được thiết kế để ngăn ngừa các tác nhân ô nhiễm đối với các thao tác trên mẫu sinh học, vật liệu nhạy cảm với các hạt bụi... Không khí được hút thông qua một bộ lọc HEPA và được đưa vào trong buồng thao tác.

Câu 11: Cấp độ tổ chức sống được tổ chức theo nguyên tắc thứ bậc. Lấy ví dụ minh họa điều đó.

Trả lời:

Ví dụ: Quần thể là một cấp độ tổ chức gồm nhiều cá thể cùng loài, có cấu trúc ổn định về số lượng, phân bố trong không gian và mối quan hệ giữa các cá thể trong quần thể mà ở cấp độ cơ thể không có.

Câu 12: Em đã được học về những loại tế bào nào?

Trả lời:

Các loại tế bào mà em đã học:

- Tế bào nhân sơ (tế bào vi khuẩn).

- Tế bào nhân thực (tế bào thực vật và tế bào động vật).

Câu 13: Nêu một số thành tựu của nghiên cứu sinh học trong tương lai gần.

Trả lời:

- Tạo ra nhiều giống vật nuôi, cây trồng mới thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh lương thực.

- Là cơ sở của các phương pháp điều trị bệnh trong y học, tạo ra các loại thuốc mới trong điều trị bệnh.

- Là cơ sở của các công nghệ ứng dụng trong sản xuất.

- Là cơ sở của các biện pháp bảo vệ môi trường…

Câu 14: Chúng ta thường sử dụng dụng cụ nào để quan sát được hình dạng, kích thước của các tế bào động vật? Để quan sát được nhiễm sắc thể, cần phải dùng kĩ thuật gì?

Trả lời:

- Để quan sát được hình dạng kích thước của các tế bào động vật, chúng ta cần sử dụng kính hiển vi quang học.

- Để quan sát được nhiễm sắc thể chúng ta cần nắm vững: kỹ thuật làm tiêu bản quan sát; kỹ thuật sử dụng, điều chỉnh kính hiển vi.

Câu 15: Sinh vật khác với vật không sống ở những điểm nào?

Trả lời:

Sinh vật có các đặc trưng sống mà vật không sống không có:

- Trao đổi chất và năng lượng (lấy các chất cần thiết và loại bỏ các chất thải ra ngoài).

- Cảm ứng (nhận biết môi trường, phản xạ).

- Sinh trưởng và phát triển (lớn lên, gia tăng về kích thước).

- Sinh sản (tạo ra các cá thể mới).

- Tự điều chỉnh.

Câu 16: Hình dạng và kích thước tế bào thay đổi sẽ ảnh hưởng như thế nào đến cơ thể và các cơ quan?

Trả lời:

Sự thay đổi trong hình dạng và kích thước tế bào có thể ảnh hưởng đến chức năng sinh lý của cơ thể và các cơ quan bằng cách ảnh hưởng đến khả năng di chuyển, tương tác với môi trường xung quanh, và khả năng thực hiện các chức năng cần thiết.

Câu 17: Vì sao phương pháp đặc trưng cho nghiên cứu sinh học là quan sát và thực nghiệm? Giữa các phương pháp nghiên cứu sinh học có mối quan hệ như thế nào? Vì sao thí nghiệm cần lặp lại nhiều lần mặc dù dữ liệu thu được đã phù hợp với giả thuyết?

Trả lời:

- Vì để phân tích rõ vấn đề cần nghiên cứu, đưa ra các nhận định khách quan, chính xác, cần phải quan sát đối tượng một cách kỹ lưỡng hoặc làm các thí nghiệm thực tế để thu thập những thông tin chính xác về đối tượng.

- Mối quan hệ: Các phương pháp có sự bổ sung, hỗ trợ cho nhau để làm rõ các giải thuyết nghiên cứu đặt ra ban đầu.

- Vì để tránh đưa ra kết luận vội vàng, tăng độ tin cậy của thử nghiệm, từ đó, có thể khẳng định, bác bỏ giả thuyết hoặc đưa ra một giả thuyết mới.

Câu 18: Hầu hết tất cả tế bào đều có kích thước rất nhỏ. Giải thích.

Trả lời:

- Kích thước tế bào bị hạn chế bởi mối quan hệ giữa diện tích bề mặt (S) và thể tích (V) của nó (tỉ lệ S/V). Khi tế bào lớn lên, thể tích tăng nhanh hơn nhiều so với diện tích bề mặt.

- Vì nguyên liệu cần cho sự sống của tế bào (như oxygen, chất dinh dưỡng) và chất thải được bài tiết (như khí carbon dioxide) phải đi vào và đi ra tế bào qua bề mặt của nó nên nếu tế bào quá lớn, các chất đi vào và đi ra không đủ nhanh theo yêu cầu của các quá trình sống. Vì vậy, hầu hết tế bào có kích thước rất nhỏ.  

Câu 19: Việc xác định được có khoảng 30 000 gene trong DNA của con người có sự hỗ trợ của

Trả lời:

Việc xác định được có khoảng 30 000 gene trong DNA của con người có sự hỗ trợ của tin sinh học. Tin sinh học là một lĩnh vực nghiên cứu liên ngành, kết hợp dữ liệu sinh học với khoa học máy tính và thống kê; đây chính là phương pháp thu thập, xử lý và phân tích các thông tin và dữ liệu sinh học bằng phần mềm máy tính, từ đó xây dựng cơ sở dữ liệu cho phép thực hiện các liên kết giữa chúng.

Câu 20: Tại sao kính hiển vi lại quan trọng đối với nghiên cứu sinh học?

Trả lời:

Kính hiển vi có thể có độ phóng đại hàng nghìn lần. Trong nghiên cứu sinh học, kính hiển vi có vai trò quan trọng vì muốn nghiên cứu được những cấu trúc, sinh vật có kích thước nhỏ bé và hoạt động của chúng thì cần phải có sự phóng đại của kính hiển vi, đặc biệt là trong nghiên cứu cấu trúc, hoạt động của tế bào và các cấu trúc nhỏ hơn tế bào.

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Bài tập file word sinh học 10 cánh diều - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu môn khác

Tài liệu mới cập nhật

Chat hỗ trợ
Chat ngay