Bài tập file word Sinh học 10 cánh diều Ôn tập Chủ đề 10: Virus

Bộ câu hỏi tự luận Sinh học 10 cánh diều. Câu hỏi và bài tập tự luận Ôn tập Chủ đề 10: Virus. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Sinh học 10 cánh diều.

ÔN TẬP CHỦ ĐỀ 10: VIRUS

Câu 1: Nêu khái niệm và đặc điểm của virus.

Trả lời:

- Virus là dạng sống không có cấu tạo tế bào, kích thước rất nhỏ, sống kí sinh bắt buộc trong tế bào của sinh vật.

- Đặc điểm:

+ Kích thước virus rất nhỏ, đường kính thường từ 20 – 300 nm.

+ Virus không có cấu tạo tế bào nên không được gọi là cơ thể mà gọi là hạt virus.

+ Virus sống kí sinh nội bào bắt buộc do không có khả năng trao đổi chất nên phải sử dụng vật chất có sẵn trong tế bào chủ khi nhân lên.

Câu 2: Virus lây truyền như thế nào trên thực vật?

Trả lời:

- Do tế bào thực vật có thành cellulose nên virus chỉ có thể truyền từ cây này sang cây khác thông qua các vết thương: chủ yếu do côn trùng chích hút (bọ trĩ, bọ xít,…), hoặc vết sây sát do nông cụ gây ra trong quá trình chăm sóc và thu hái.

- Sau khi nhân lên trong tế bào, virus lây nhiễm sang tế bào bên cạnh qua cầu sinh chất, hoặc lây nhiễm đến các bộ phận khác trong cây qua hệ thống mạch dẫn.

- Cây bị bệnh có thể lây truyền virus qua cây khác thông qua quá trình thụ phấn, côn trùng, công cụ, hạt nhiễm virus,…

Câu 3: Virus được chia thành mấy loại? Virus được cấu tạo như thế nào?

Trả lời:

Dựa vào đặc điểm có hay không có màng phospholipid kép, virus được chia thành hai loại là virus trần và virus có màng bọc.

Cấu tạo:

- Các loại virus đều có 2 thành phần là lõi nucleic acid và vỏ capsid; virus có màng bọc có thêm thành phần là màng bọc phospholipid kép, nằm bên ngoài vỏ capsid. Trong đó:

+ Lõi nucleic acid chứa DNA hoặc RNA mạch đơn hoặc mạch kép, có chức năng mang thông tin di truyền quy định các đặc điểm của virus.

+ Vỏ capsid được cấu tạo từ protein, có chức năng bao bọc bảo vệ virus.

- Tùy từng loại virus, thụ thể cho virus bám dính lên bề mặt tế bào chủ có thể nằm ở các vị trí khác nhau:

+ Ở virus trần, thụ thể là protein của vỏ capsid.

+ Ở virus có màng bọc, thụ thể là các gai glycoprotein trên lớp màng bọc.

+ Ở virus gây bệnh trên vi khuẩn như phage T4, thụ thể nằm ở đầu tận cùng của lông đuôi.

Câu 4: Virus lây truyền như thế nào trên người và động vật?

Trả lời:

Bệnh do virus có thể lây truyền từ cơ thể này sang cơ thể khác qua hai phương thức: lây truyền dọc và lây truyền ngang.

- Lây truyền dọc: là sự lây truyền của virus từ cơ thể mẹ sang cơ thể con thông qua quá trình mang thai, sinh nở hoặc chăm sóc (bú, mớm.

- Lây truyền ngang: là sự lây truyền virus từ cơ thể này sang cơ thể khác thông qua các con đường chính sau:

+ Qua đường hô hấp: qua không khí có chứa các virus gây bệnh.

+ Qua đường tiêu hóa: chủ yếu qua thức ăn và nước uống bị nhiễm virus.

+ Qua vết trầy xước trên cơ thể.

+ Quan hệ tình dục.

+ Lây truyền do vật trung gian truyền bệnh.

+ Lây truyền qua đường máu.

Câu 5: Trình bày diễn biến chu trình nhân lên của virus.

Trả lời:

Chu trình nhân lên của virus thường trải qua 5 giai đoạn:

- Bám dính (hấp phụ): Virus cố định trên bề mặt tế bào chủ nhờ mối liên kết đặc hiệu giữa thụ thể của virus và thụ thể của tế bào chủ.

- Xâm nhập: Virus trần đưa trực tiếp vật chất di truyền vào trong tế bào chủ, virus có màng bọc thì đưa cấu trúc nucleocapsid hoặc cả virus vào trong tế bào chủ rồi mới phá bỏ các cấu trúc bao quanh (cởi áo) để giải phóng vật chất di truyền.

- Sinh tổng hợp: Virus sử dụng các vật chất có sẵn của tế bào chủ tiến hành tổng hợp protein và nucleic acid nhờ enzyme tổng hợp.

- Lắp ráp: Các thành phần của virus sẽ hợp nhất với nhau để hình thành cấu trúc nucleocapsid.

- Giải phóng: Virus có thể phá hủy tế bào chủ để giải phóng đồng thời các hạt virus hoặc chui từ từ ra ngoài và làm tế bào chủ chết dần. Virus có màng bọc sẽ sử dụng màng của tế bào chủ có gắn các protein đặc trưng của virus làm màng bao xung quanh. Các virus mới được hình thành sẽ xâm nhiễm vào các tế bào khác và bắt đầu một chu trình mới.

Câu 6: Nêu vai trò và phân loại của miễn dịch chống virus. Thuốc chống virus hoạt động theo nguyên tắc nào?

Trả lời:

- Vai trò: Hệ thống miễn dịch là hàng rào bảo vệ giúp cơ thể chống lại virus.

- Phân loại: Hệ thống miễn dịch gồm miễn dịch không đặc hiệu hoặc miễn dịch đặc hiệu.

- Thuốc chống virus hoạt động theo nguyên tắc ức chế sự nhân lên của virus trong tế bào chủ bằng cách ức chế một giai đoạn nào đó trong các giai đoạn nhân lên của virus.

Câu 7: Phân biệt chu trình sinh tan và chu trình tiềm tan..

Trả lời:

Điểm phân biệt

Chu kì sinh tan

Chu kì tiềm tan

Tên gọi loại virus gây ra

Virus độc.

Virus ôn hòa.

Cơ chế

- Vật chất di truyền của virus tồn tại và nhân lên độc lập với vật chất di truyền của tế bào chủ.

- Nhân lên nhiều thế hệ virus mới trong tế bào chủ.

- Vật chất di truyền của virus tích hợp và cùng nhân lên với vật chất di truyền của tế bào chủ.

- Không nhân lên thế hệ virus mới trong tế bào chủ.

Kết quả

Làm tan tế bào chủ.

Không làm tan tế bào chủ.

Mối quan hệ

Không thể chuyển thành chu trình tiềm tan.

Có thể chuyển thành chu trình sinh tan.

Câu 8: Phân biệt miễn dịch đặc hiệu và miễn dịch không đặc hiệu.

Trả lời:

Miễn dịch không đặc hiệu

Miễn dịch đặc hiệu

- Là sự bảo vệ ngay lập tức của hệ thống miễn dịch, không cần tiếp xúc với kháng nguyên trước đó.

- Là sự bảo vệ của hệ thống miễn dịch chỉ hoạt động khi mầm bệnh xâm nhập vào cơ thể.

- Là phản ứng chung với tất cả các mầm bệnh nên không đặc hiệu.

- Thể hiện tính đặc hiệu đối với từng mầm bệnh.

- Ví dụ: Sự bảo vệ của da và niêm mạc, sự tiêu diệt mầm bệnh của đại thực bào,…

- Ví dụ: hình thành kháng thể sau khi đã tiếp xúc với mầm bệnh.

 

Câu 9: Phân biệt virus và vi khuẩn.

Trả lời:

Virus

Vi khuẩn

Có kích thước rất nhỏ

Có kích thước lớn hơn

Không có cấu tạo tế bào

Có cấu tạo tế bào

Sống kí sinh bắt buộc trong tế bào của sinh vật

Sống kí sinh hoặc sống tự do trong môi trường

Chỉ có DNA hoặc RNA

Có cả DNA và RNA

Không có ribosome

Có ribosome

Câu 10: Miễn dịch đặc hiệu và miễn dịch không đặc hiệu có mối quan hệ như thế nào với nhau?

Trả lời:

Mối quan hệ: Miễn dịch không đặc hiệu và đặc hiệu không phải là hai hệ thống tách rời mà chúng phối hợp với nhau để cơ thể tiêu diệt mầm bệnh nhanh và hiệu quả nhất.

Câu 11: Vì sao virus lại không được xem là một vật sống hoàn chỉnh?

Trả lời:

Virus không được xem là một vật sống hoàn chỉnh vì các loại virus có kích thước siêu nhỏ. Virus không có khả năng sinh sản cũng như các hoạt động chuyển hoá khi bên ngoài tế bào.

Câu 12: Nêu cách thức phòng, chống virus gây bệnh trên thực vật.

Trả lời:

- Hiện nay, việc phát triển vaccine và thuốc để phòng, chống virus thực vật còn nhiều hạn chế.

- Biện pháp tốt nhất để phòng, chống bệnh là chọn giống cây sạch bệnh, đồng thời, tiêu diệt vật chủ trung gian truyền bệnh, hoặc tạo giống cây trồng kháng virus.

Câu 13: Đề xuất biện pháp ngăn cản virus xâm nhập vào tế bào.

Trả lời:

Một số cách ngăn cản virus xâm nhập vào tế bào ở người: bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể; vệ sinh sạch sẽ các vật dụng trong nhà; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn; tiêm vaccine hoặc thuốc kháng virus;...

Câu 14: Nêu cách thức phòng bệnh do virus gây ra trên người và động vật.

Trả lời:

Biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh truyền nhiễm nói chung và bệnh do virus nói riêng là:

- Vệ sinh, tập luyện, giữ gìn cho cơ thể sạch sẽ, khỏe mạnh.

- Giữ gìn môi trường sống sạch.

- Ăn uống đủ chất, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

- Phun thuốc khử trùng, tiêu diệt sinh vật trung gian truyền bệnh như muỗi, bọ chét,…

- Không dùng chung đồ dùng cá nhân; ví dụ như bàn chải đánh răng, khăn mặt, dao cạo râu.

- Không dùng chung bơm kim tiêm.

- Không tiếp xúc trực tiếp, tàng trữ, buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã.

- Khoanh vùng, tiêu hủy động vật bị bệnh.

- Đối với các bệnh lây lan qua đường hô hấp, cần có các biện pháp cách li và hạn chế tiếp xúc với người bệnh, khi tiếp xúc với người bệnh phải sử dụng các dụng cụ bảo hộ ví dụ như găng tay, khẩu trang y tế,…

- Tiêm vaccine để phòng bệnh do virus, bên cạnh việc tiêm cho người, chúng ta cần chú ý tiêm vaccine phòng bệnh cho vật nuôi.

Câu 15: Tại sao mỗi loại virus chỉ gây bệnh ở một hoặc một số loài sinh vật nhất định? Lấy ví dụ.

Trả lời:

Muốn xâm nhập được vào tế bào chủ thì virus phải có thụ thể tương thích với thụ thể của tế bào nên mỗi loại virus chỉ gây bệnh ở một hoặc một số loài sinh vật nhất định. Ví dụ: Virus HIV chỉ xâm nhập được vào tế bào lympho T ở người.

Câu 16: Vì sao lại xuất hiện các biến chủng của virus và chúng nguy hiểm như thế nào?

Trả lời:

- Nguyên nhân xuất hiện biến chủng ở virus:

+ Virus nói chung và đặc biệt là những virus có hệ gene là RNA thường có tần số và tốc độ đột biến rất cao bởi vì enzyme polymerase do virus tổng hợp không có cơ chế sửa sai.

+  Bên cạnh đó, các biến chủng cũng được tạo ra do cơ chế tái tổ hợp virus từ nhiều nguồn khác nhau.

- Tác hại: Các biến chủng mới của virus có khả năng lẩn tránh hệ miễn dịch và kháng thuốc rất nhanh. Do đó, virus nào có càng nhiều biến chủng và tốc độ biến chủng nhanh thì càng khó phòng chống.

Câu 17: Để nuôi virus, các nhà khoa học sẽ dùng loại môi trường gì? Vì sao những người bị hội chứng HIV – AIDS thường dễ mắc các bệnh như cảm cúm?

Trả lời:

- Để nuôi virus, các nhà khoa học sẽ dùng loại môi trường có các tế bào chủ thích hợp với virus như vi khuẩn, các loại nấm, động vật, thực vật.

- Vì HIV là virus gây suy giảm miễn dịch ở người. Khi khả năng miễn dịch của cơ thể bị suy giảm, vi sinh vật gây bệnh sẽ dễ dàng tấn công cơ thể nên những người bị hội chứng HIV – AIDS thường dễ mắc các bệnh như cảm cúm kéo dài.

Câu 18: Tại sao lại phải tiêm chủng?

Trả lời:

Vaccine là kháng nguyên được chế từ tác nhân gây bệnh đã bị làm yếu hoặc giết chết nên không còn khả năng gây bệnh. Khi tiêm vaccine, cơ thể sẽ tạo đáp ứng miễn dịch. Nếu sau này có dịp tiếp xúc với chính tác nhân gây bệnh ấy, cơ thể sẽ nhớ lại để tạo đáp ứng miễn dịch nhanh hơn và mạnh hơn.

Câu 19: Thế nào là tiêm chủng mở rộng, lợi ích của nó là gì?

Trả lời:

Tiêm chủng mở rộng là mở rộng tiêm chủng cho trẻ em ở quy mô toàn quốc đối với một số bệnh thường gặp. Nếu có 70% trẻ em được miễn dịch nhờ tiêm chủng thì sẽ không xảy ra dịch bệnh. Nhờ có tiêm chủng mở rộng mà ở Việt Nam nhiều dịch bệnh đã không xảy ra, thậm chí có bệnh được thanh toán hoàn toàn, như bệnh bại liệt.

Câu 20: Bệnh đậu mùa và bệnh bại liệt đều đã được thanh toán ở Việt Nam, nhưng tại sao trong chương trình tiêm chủng mở rộng có có vaccine đậu mùa, nhưng vẫn có vaccine bại liệt?

Trả lời:

Bệnh đậu mùa đã được thanh toán ở quy mô toàn cầu, còn bệnh bại liệt nhiều nước vẫn chưa thanh toán được, vì thế vẫn phải tiêm vaccine bại liệt để tránh trường hợp vị lây từ các nơi khác.

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Bài tập file word sinh học 10 cánh diều - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu môn khác

Tài liệu mới cập nhật

Chat hỗ trợ
Chat ngay