Câu hỏi tự luận Địa lí 7 kết nối tri thức Ôn tập Chương 5: Châu Đại Dương và châu Nam Cực

Bộ câu hỏi tự luận Địa lí 7 kết nối tri thức. Câu hỏi và bài tập tự luận Ôn tập Chương 5: Châu Đại Dương và châu Nam Cực. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Địa lí 7 kết nối tri thức.

ÔN TẬP CHƯƠNG 5

CHÂU ĐẠI DƯƠNG VÀ CHÂU NAM CỰC

Câu 1: Trình bày vị trí địa lí, phạm vi lãnh thổ châu Đại Dương?

Trả lời:

Châu Đại Dương gồm hai bộ phận:

- Lục địa Ô-xtrây-li-a nằm ở phía tây nam Thái Bình Dương, thuộc bán cầu Nam.

- Vùng đảo châu Đại Dương nằm ở trung tâm Thái Bình Dương, bao gồm bốn khu vực (Mê-la-nê-di, Mi-crô-nê-di, Pô-li-nê-di, Niu Di-len) trải trên một không gian rất rộng trên đại dương và có số lượng đảo rất lớn nhưng hầu hết là các đảo nhỏ.

Câu 2: Trình bày hình dạng, kích thước của châu Đại Dương?

Trả lời:

- Lục địa Ô-xtrây-li-a tuy có diện tích nhỏ (chỉ gần 7,7 triệu km²) nhưng do bờ biển ít bị chia cắt nền lục địa Ô-xtrây-li-a có dạng hình khối rõ rệt, từ bắc xuống nam dài hơn 3.000 km và từ tây sang đông, nơi rộng nhất khoảng 4000km.

- Vùng đảo châu Đại Dương có tổng diện tích chỉ khoảng 1 triệu km².

Câu 3: Trình bày đặc điểm địa hình và khoáng sản của lục địa châu Đại Dương?

Trả lời:

Các đảo, quần đảo nằm gần lục địa Ô-xtrây-li-a hầu hết là các đảo núi cao. Trên các đảo có nhiều loại khoáng sản: vàng, sắt, than đá, dầu mỏ,... Các đảo và quần đảo nằm xa bờ đều là các đảo nhỏ, thấp, cấu tạo chủ yếu bởi các đá núi lửa hoặc đá vôi san hô, rất nghèo khoáng sản.

Câu 4: Phân tích đặc điểm khí hậu của Ô – xtrây – li – a?

Trả lời:

Hầu hết diện tích lục địa Ô-xtrây-li-a thuộc đới nóng. Tuy nhiên, khí hậu có sự thay đổi từ bắc xuống nam và từ đông sang tây.

- Dải bờ biển hẹp phía bắc lục địa có khí hậu cận xích đạo, nhìn chung nóng, ẩm và mưa nhiều. Lượng mưa từ 1.000 – 1500 mm/năm.

- Khí hậu nhiệt đới chiếm phần lớn diện tích lục địa, nhưng có sự khác biệt từ đồng sang tây.

+ Sườn đông dãy Trường Sơn Ô-xtrây-li-a có khí hậu nhiệt đới ẩm, mưa nhiều. Thời tiết mát mẻ. Lượng mưa từ 1.000 – 1500 mm/năm.

+ Từ sườn tây của dãy Trường Sơn Ô-xtrây-li-a đến bờ tây lục địa là một vùng rộng lớn, có khí hậu nhiệt đới lục địa khắc nghiệt. Độ ẩm rất thấp, ít mưa (ở trung tâm, lượng mưa dưới 250mm/năm). Mùa hạ nóng, mùa đông tương đối lạnh.

- Dải đất hẹp phía nam lục địa có khí hậu cận nhiệt đới. Nhìn chung, mùa hạ nóng, mùa đông ấm áp. Lượng mưa dưới 1000 mm/năm.

- Phía nam của đảo Ta-xam-ni-a có khí hậu ôn đới.

Câu 5: Phân tích đặc điểm sinh vật ở Ô – xtrây – li – a?

Trả lời:

Nằm tách biệt với các lục địa khác từ cách đây hàng chục triệu năm, Ô-xtrây-li-a có giới sinh vật tuy nghèo về thành phần loài nhưng lại có nhiều nét đặc sắc và mang tính địa phương cao. Các loài thực vật bản địa nổi bật là keo và bạch đàn. Riêng bạch đàn có tới 600 loài khác nhau.

Giới động vật vô cùng độc đáo, đặc sắc nhất là hơn 100 loài thú có túi. Các loài động vật mang tính biểu tượng quốc gia là gấu túi, đà điểu Ô-xtrây-li-a, thú mỏ vịt, chuột túi (Căng-gu-ru).

Câu 6: Lịch sử và văn hóa của Ô – xtrây – li – a có gì độc đáo?

Trả lời:

Người bản địa đã sinh sống trên lục địa Ô-xtrây-li-a từ cách đây khoảng 10.000 năm. Cuối thế kỉ XVIII, thực dân Anh xâm chiếm Ô-xtrây-li-a. Từ năm 1901, Ô-xtrây-li-a trở thành nhà nước liên bang, độc lập trong khối Liên hiệp Anh.

Ô-xtrây-li-a là quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo, đa văn hoá. Đây là đất nước có nền văn hoá độc đáo, đa dạng nhờ tồn tại cộng đồng dân cư đa sắc tộc (hơn 150 sắc tộc cùng sinh sống). Ở đây có sự dung hòa giữa nhiều nét văn hoá khác nhau trên thế giới với văn hoá bản địa. Bên cạnh tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức, còn có hơn 300 loại ngôn ngữ khác được sử dụng trong giao tiếp (tiêu biểu là tiếng Hoa, tiếng I-ta-li-a, tiếng A-rập, tiếng Hy Lạp, các ngôn ngữ bản địa,...).

Câu 7: Những mối đe dọa nào ảnh hưởng tới cuộc sống của dân cư trên nhiều đảo thuộc châu Đại Dương?

Trả lời:

Những mối đe dọa ảnh hưởng tới cuộc sống của dân cư trên nhiều đảo thuộc châu Đại Dương:

- Bão nhiệt đới

- Nạn ô nhiễm biển

- Mực nước biển dâng cao do Trái Đất nóng lên

Câu 8: Ô – xtrây – li – a đã bảo tồn được những động vật độc đáo duy nhất trên thế giới. Giải thích tại sao

Trả lời:

Ô-xtrây-li-a nguyên là một phần của lục địa Nam Cực, được tách ra và trôi dạt về phía Xích đạo cách đây từ 55 triệu năm đến 10 triệu năm nên đã bảo tồn được những động vật độc đáo duy nhất trên thế giới như các loài thú có túi, cáo mỏ vịt,...

Câu 9: Chứng minh rằng các đảo và quần đảo của châu Đại Dương được gọi là “thiên đường xanh” của Thái Bình Dương?

Trả lời:

Phần lớn các đảo và quần đảo của châu Đại Dương có khí hậu nóng ẩm và điều hoà. Mưa nhiều, rừng xích đạo xanh quanh năm hoặc rừng mưa nhiệt đới phát triển xanh tốt đặc biệt là các rừng dừa ven biển đã khiến cho các đảo và quần đảo châu Đại Dương được gọi là “thiên đường xanh” của Thái Bình Dương.

Câu 10: Người bản địa và người nhập cư ở châu Đại Dương sinh sống ở những địa bàn nào?

Trả lời:

- Người bản địa:chiếm khoảng 20% dân số, bao gồm:

+ Người Ô-xtrây-li-a sống ở Ô-xtrây-li-a và các đảo chung quanh. + Người Mê-la-nê-diêng sống trên các đảo Tây Thái Bình Dương.

+ Người Pô-li-nê-diêng sống trên các đảo Đông Thái Bình Dương.

- Người nhập cư: chiếm khoảng 80% dân số.

+ Phần lớn là con cháu người châu  u đến xâm chiếm và khai phá thuộc địa từ thế kỉ XVIII, nhiều nhất là ở các nước Ô-xtrây-li-a và Niu Di-len.

+ Gần đây còn có thêm người nhập cư gốc Á.

Câu 11: Trình bày vị trí địa lí của châu Nam Cực?

Trả lời:

Châu Nam Cực gồm lục địa Nam Cực và các đảo ven lục địa, tổng diện tích hơn 14 triệu km² (đứng thứ tư trong các châu lục trên thế giới).

Đại bộ phận diện tích của lục địa Nam Cực nằm trong phạm vi phía nam của vòng cực Nam. Châu Nam Cực được bao bọc bởi đại dương và nằm cách xa với các châu lục khác.

Câu 12: Nêu các nguồn tài nguyên thiên nhiên của châu Nam Cực?

Trả lời:

Châu Nam Cực là nơi dự trữ nước ngọt lớn nhất Trái Đất, chiếm khoảng 60% lượng nước ngọt trên Trái Đất.

Những nghiên cứu sơ bộ cho thấy lục địa Nam Cực giàu các loại khoáng sản như than đá, sắt, đồng. Vùng thềm lục địa có tiềm năng về dầu mỏ, khi tự nhiên.

Câu 13: Trình bày ảnh hưởng của vị trí địa lý tới khí hậu của châu Nam Cực?

Trả lời:

Châu Nam Cực nằm hoàn toàn ở đới khí hậu cực và cận cực.

Do nằm ở vùng cực, nên về mùa đông đêm địa cực kéo dài, còn mùa hạ tuy có ngày kéo dài, song cường độ bức xạ rất yếu và tia sáng bị mặt tuyết khuếch tán mạnh, lượng nhiệt sưởi ấm không khí không đáng kể. Do vậy, châu Nam Cực có khí hậu lạnh gay gắt.

Câu 14: Trình bày đặc điểm địa hình của châu Nam Cực?

Trả lời:

Đặc điểm về địa hình của châu Nam Cực:

Toàn châu Nam Cực được coi là một cao nguyên băng khổng lồ, 98% bề mặt bị phủ bởi lớp băng dày trung bình trên 1720 m, khiến cho độ cao trung bình lên tới hơn 2 040 m, cao nhất trong các châu lục. Lớp phủ băng làm cho bề mặt châu lục tương đối bằng phẳng.

Câu 15: Trình bày đặc điểm khí hậu của châu Nam Cực?

Trả lời:

Đặc điểm về khí hậu của châu Nam Cực:

Nam Cực là châu lục lạnh và khô nhất thế giới. Nhiệt độ trên lục địa Nam Cực không bao giờ vượt quá 0°C. Nhiệt độ thấp nhất đo được trong năm 1967 là -94,5°C. Lượng mưa, tuyết rơi rất thấp, ở vùng ven biển chỉ dưới 200 mm/năm; vào sâu trong lục địa, lượng mưa, tuyết rơi còn thấp hơn nhiều.

Nam Cực là vùng khí áp cao, gió từ trung tâm lục địa thổi ra với vận tốc thường trên 60 km/giờ, đây là nơi có gió bão nhiều nhất thế giới.

Câu 16: Trình bày đặc điểm sinh vật của châu Nam Cực?

Trả lời:

Đặc điểm về sinh vật của châu Nam Cực:

Do điều kiện sống khắc nghiệt nên giới sinh vật ở châu Nam Cực hết sức nghèo nàn. Gần như toàn bộ lục địa Nam Cực là một hoang mạc lạnh, hoàn toàn không có thực vật và động vật sinh sống; chỉ ở ven lục địa mới có một số loài thực vật bậc thấp (rêu, địa y, tảo, nấm) và một vài loài động vật chịu được lạnh (chim cánh cụt, chim biển, hải cầu,...). Giới động vật ở vùng biển phong phú hơn trên lục địa do khí hậu ấm áp hơn và nguồn thức ăn cũng phong phú hơn. Động vật biển nổi bật là cá voi xanh.

Câu 17: Băng tan ở châu Nam Cực do biến đổi khí hậu có tác động như thế nào tới thiên nhiên hoặc con người trên Trái Đất?

Trả lời:

Tác động của băng tan tới thiên nhiên và con người trên Trái Đất:

- Biến đổi khí hậu trầm trọng

- Nắng nóng kéo dài

- Mực nước biển dâng cao

- Tác động đối với tàu thuyền đi trên biển

- Đe dọa sự sống trên Trái Đất

- Thay đổi môi trường sống của nhiều loài động vật

Câu 18: Trình bày đặc điểm của lớp băng ở châu Nam Cực?

Trả lời:

Lớp băng phủ gần như toàn bộ lục địa Nam Cực, tạo thành các cao nguyên băng khổng lồ. Thể tích băng ở đây lên tới trên 35 triệu km².

- Lớp băng phủ ở lục địa Nam Cực thường xuyên di chuyển từ vùng trung tâm ra các biển xung quanh. Khi đến bờ, băng bị vỡ ra, tạo thành các băng sơn (núi băng) trôi trên biển.

Lớp băng ở Nam Cực ngày càng tan chảy nhiều hơn, do tác động của hiệu ứng nhà kính.

Câu 19: Châu Nam Cực là hoang mạc lạnh nhưng vùng ven bờ và trên các đảo vẫn có nhiều chim và động vật sinh sống. Giải thích tại sao?

Trả lời:

Chim cánh cụt, hải cẩu, hải báo và các loài chim biển sống ở ven lục địa và trên các đảo dựa vào nguồn cá, tôm và phù du sinh vật dồi dào trong các biển bao quanh.

Câu 20: Ở vùng biển Nam Cực, cá voi xanh hiện nay cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Giải thích tại sao?

Trả lời:

Cá voi xanh ở vùng biển Nam Cực cần được bảo vệ nghiêm ngặt bởi vì chúng đang có nguy cơ tuyệt chủng do con người đánh bắt quá mức.

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận địa lí 7 kết nối tri thức - Tại đây

Tài liệu khác

Chat hỗ trợ
Chat ngay