Câu hỏi tự luận Địa lí 8 chân trời sáng tạo bài 14: Vị trí địa lí biển Đông, các vùng biển của Việt Nam

Bộ câu hỏi tự luận Địa lí 8 Chân trời sáng tạo. Câu hỏi và bài tập tự luận bài 14: Vị trí địa lí biển Đông, các vùng biển của Việt Nam.  Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Địa lí 8 Chân trời sáng tạo.

BÀI 14: VỊ TRÍ ĐỊA LÍ BIỂN ĐÔNG, CÁC VÙNG BIỂN CỦA VIỆT NAM

(15 câu)

1. NHẬN BIẾT (7 câu)

Câu 1: Kể tên các nước có chung Biển Đông với Việt Nam.

Trả lời:

Các nước có chung Biển Đông với Việt Nam là: Trung Quốc, Phi-lip-pin, In-đô-nê-xia, Bờ-ru-nây, Ma-lay-xia, Xing-ga-po, Thái Lan, Cam-pu-chia.

Câu 2: Kể tên các vùng lãnh thổ có chung Biển Đông với Việt Nam.

Trả lời:

Các vùng lãnh thổ có chung Biển Đông với Việt Nam là: Đài Loan

Câu 3: Dựa vào hình 14.1 hãy xác định phạm vi biển Đông.

Trả lời:

- Biển Đông nằm ở rìa tây Thái Bình Dương, trải rộng từ vĩ độ 3oN đến vĩ độ 26oB và từ kinh độ 100o đến 121oĐ.

- Biển Đông có diện tích khoảng 3447 nghìn km2 (là biển lớn thứ 3 trong các biển trên thế giới).

- Biển Đông có hai vịnh lớn là vịnh Bắc Bộ và vịnh Thái Lan.

Câu 4: Dựa vào hình 14.1 và cho biết diện tích của phần biển Việt Nam trong biển Đông.

Trả lời:

Vùng biển Việt Nam là một phần của Biển Đông, có diện tích khoảng 1 triệu km2

Câu 5: Dựa vào hình 14.1 hãy xác định vị trí các eo biển và các vịnh.

Trả lời:

- Vị trí các eo biển là: Ma-lắc-ta, Gas-pa, Ca-li-man-ta, Ba-la-bắc, Min-đô-rô, Ba-si, Đài Loan, Quỳnh Châu.

- Các vịnh biển, vịnh thái Lan, Vịnh Bắc Bộ.

Câu 6: Kể tên một số đảo và quần đảo của nước ta.

Trả lời:

- Tên một số đảo: đảo Cát Bà (Hải Phòng), đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị), đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), đảo Phú Quốc (Kiên Giang ), đảo Phú Quý (Bình Thuận ),…

- Tên một số quần đảo: quần đảo Hoàng Sa (Đà Nẵng), quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa), quần đảo Thổ Chu (Kiên Giang),…

Câu 7: Dựa vào hình 14.1 hãy xác định đường phân chia vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Trả lời:

Đường phân định vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc được xác định bằng 21 điểm có tọa độ xác định, nối tuần tự với nhau bằng các đoạn thẳng.

 

2. THÔNG HIỂU (3 câu)

Câu 1: Trình bày phạm vi của Biển Đông.

Trả lời:­

- Phạm vi của Biển Đông:

+ Biển Đông thuộc Thái Bình Dương, là biển lớn thứ 3 trong các biển trên thế giới. Biển Đông có hai vịnh lớn là vịnh Bắc Bộ và vịnh Thái Lan.

+ Diện tích Biển Đông khoảng 3447 nghìn km2, trải dài từ khoảng vĩ độ 3oN đến khoảng vĩ độ 26oB, trải rộng từ khoảng kinh độ 100oĐ đến khoảng kinh độ 121oĐ.

- Phạm vi vùng biển của Việt Nam: vùng biển Việt Nam là một phần của Biển Đông, có diện tích khoảng 1 triệu km2, bao gồm: vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

Câu 2: Trình bày các mốc đường cơ sở trên biển dùng để tính chiều rộng lãnh hải của lục địa nước ta.

Trả lời:

- Đường cơ sở trên biển dùng để tính chiều rộng lãnh hải của lục địa nước ta là đường thẳng gãy khúc, nối liền 12 điểm có tọa độ xác định. Cụ thể là:

+ Mốc 0 - nằm trên ranh giới phía Tây Nam của vùng nước lịch sử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa nhân dân Campuchia.

+ Mốc A1 - tại hòn Nhạn, quần đảo Thổ Chu, tỉnh Kiên Giang.

+ Mốc A2 - tại hòn Đá Lẻ ở Đông Nam Hòn Khoai, tỉnh Cà Mau.

+ Mốc A3 - tại hòn Tài Lớn, Côn Đảo.

+ Mốc A4 - tại hòn Bông Lang, Côn Đảo.

+ Mốc A 5 - tại hòn Bảy Cạnh, Côn Đảo.

+ Mốc A6 - hòn Hải (nhóm đảo Phú Quý), tỉnh Bình Thuận.

+ Mốc A7 - hòn Đôi, tỉnh Khánh Hòa.

+ Mốc A8 - mũi Đại Lãnh, tỉnh Phú Yên.

+ Mốc A9 - hòn Ông Căn, tỉnh Bình Định.

+ Mốc A10 - đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

+ Mốc A11 - đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị.

Câu 3: Trình bày khái niệm các vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông.

Trả lời:

- Nội thuỷ là vùng nước tiếp giáp với bờ biển, ở phía trong đường cơ sở và là bộ phận lãnh thổ của Việt Nam.

- Lãnh hải là vùng biển có chiều rộng 12 hải lí tính từ đường cơ sở ra phía biển. Ranh giới ngoài của lãnh hải là biên giới quốc gia trên biển của Việt Nam.

- Vùng tiếp giáp lãnh hải là vùng biển tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, có chiều rộng 12 hải lí tính từ ranh giới ngoài của lãnh hải.

- Vùng đặc quyền kinh tế là vùng biển tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, hợp với lãnh hải thành một vùng biển có chiều rộng 200 hải lí tính từ đường cơ sở.

- Thềm lục địa Việt Nam là đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, trên toàn bộ phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền, các đảo và quần đảo của Việt Nam cho đến mép ngoài của rìa lục địa.

+ Trường hợp mép ngoài của rìa lục địa này cách đường cơ sở chưa đủ 200 hải lí: thì thềm lục địa nơi đó được kéo dài đến 200 hải lí tính từ đường cơ sở.

+ Trường hợp mép ngoài của rìa lục địa này vượt quá 200 hải lí tính từ đường cơ sở: thì thềm lục địa nơi đó được kéo dài không quá 350 hải lí tính từ đường cơ sở hoặc không quá 100 hải lí tính từ đường đẳng sâu 2500 m.

3. VẬN DỤNG (2 câu)

Câu 1: Giải thích vì sao biển Đông là biển tương đối kín?

Trả lời:

- Biển Đông là biển tương đối kín vì:

+ Biển Đông được bao bọc bởi lục địa châu Á (ở phía bắc và phía tây) và các quần đảo Philippin, Malaixia và Inđônêxia (ở phía đông và đông nam)

+ Biển Đông chỉ thông ra Thái Bình Dương và các biển lân cận qua những eo biển hẹp.

Câu 2: Nêu ảnh hưởng của Biển Đông đến khí hậu, địa hình và các hệ sinh thái vùng ven biển nước ta.

Trả lời:

Khí hậu:

- Tăng độ ẩm của các khối khí qua biển, mang lại cho nước ta lượng mưa và độ ẩm lớn, làm giảm tính khắc nghiệt của thời tiết lạnh khô trong mùa đông và dịu bớt thời tiết nóng bức trong mùa hạ.

- Nhờ có Biển Đông, khí hậu nước ta mang đặc tính của khí hậu hải dương nên điều hòa hơn.

Địa hình và các hệ sinh thái vùng ven biển:

- Các dạng địa hình ven biển rất đa dạng: vịnh cửa sông, các bờ biển mài mòn, các tam giác châu có bãi triều rộng, các bãi cát phẳng, các đầm phá, các vũng vịnh nước sâu, các đảo ven bờ và những rạn san hô...

- Các hệ sinh thái vùng ven biển rất đa dạng và giàu có:

+ Hệ sinh thái rừng ngập mặn vốn có diện tích tới 450 nghìn ha, cho năng suất sinh học cao, đặc biệt là sinh vật nước lợ.

+ Các hệ sinh thái trên đất phèn và hệ sinh thái rừng trên các đảo cũng rất đa dạng và phong phú.

4. VẬN DỤNG CAO (3 câu)

Câu 1: Trình bày thông tin về chế độ pháp lí các vùng biển nước ta theo Luật biển năm 1982.

Trả lời:

Theo Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển 1982, các quốc gia ven biển có 5 vùng biển (nội thủy, lãnh hải, tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa) với phạm vi, chế độ pháp lý khác nhau. Việt Nam là quốc gia ven biển và có đặc điểm địa lý phù hợp cho việc yêu sách cả 5 vùng biển nêu trên:

- Tại vùng nội thủy: Việt Nam có chủ quyền hoàn toàn và tuyệt đối như đối với lãnh thổ đất liền của mình.

- Tại vùng lãnh hải:

+ Lãnh hải của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam rộng 12 hải lý ở phía ngoài đường cơ sở nối liền các điểm nhô ra nhất của bờ biển và các điểm ngoài cùng của các đảo ven bờ của Việt Nam.

+ Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam thực hiện chủ quyền đầy đủ và toàn vẹn đối với Lãnh hải của mình cũng như đối với vùng trời, đáy biển và lòng đất dưới đáy biển của Lãnh hải.

- Tại vùng tiếp giáp lãnh hải:

+ Vùng tiếp giáp Lãnh hải của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là vùng biển tiếp liền phía ngoài Lãnh hải có chiều rộng là 12 hải lý hợp với Lãnh hải Việt Nam thành vùng biển rộng 24 hải lý kể từ đường cơ sở để tính chiều rộng Lãnh hải Việt Nam.

+ Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam thực hiện sự kiểm soát cần thiết trong Vùng tiếp giáp Lãnh hải của mình, nhằm bảo vệ an ninh, các quyền và lợi ích về hải quan, thuế khóa; đảm bảo sự tôn trọng các quy định về y tế, di cư, nhập cư trên lãnh thổ hoặc trong Lãnh hải Việt Nam.

- Tại vùng đặc quyền kinh tế:

+ Vùng đặc quyền kinh tế của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam tiếp liền Lãnh hải Việt Nam và hợp với Lãnh hải Việt Nam thành một vùng biển rộng 200 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng Lãnh hải Việt Nam.

+ Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam có quyền chủ quyền về việc: thăm dò, khai thác, bảo vệ và quản lý tất cả các tài nguyên thiên nhiên, sinh vật và không sinh vật ở vùng nước, ở đáy biển và trong lòng đất dưới đáy biển của vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam; có quyền và thẩm quyền riêng biệt về các hoạt động khác phục vụ cho việc thăm dò và khai thác vùng đặc quyền kinh tế nhằm mục đích kinh tế; có thẩm quyền riêng biệt về nghiên cứu khoa học trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

+ Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam có thẩm quyền bảo vệ môi trường, chống ô nhiễm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

- Tại vùng Thềm lục địa:

+ Thềm lục địa của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam bao gồm đáy biển và lòng đất dưới đáy biển thuộc phần kéo dài tự nhiên của lục địa Việt Nam mở rộng ra ngoài Lãnh hải Việt Nam cho đến bờ ngoài của rìa lục địa; nơi nào bờ ngoài của rìa lục địa cách đường cơ sở dùng để tính chiều rộng Lãnh hải Việt Nam không đến 200 hải lý thì thềm lục địa nơi ấy mở rộng ra 200 hải lý kể từ đường cơ sở đó.

+ Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam có quyền chủ quyền hoàn toàn về thăm dò, khai thác, bảo vệ và quản lý tất cả các tài nguyên thiên nhiên ở Thềm lục địa Việt Nam, bao gồm tài nguyên khoáng sản, tài nguyên không sinh vật và tài nguyên sinh vật thuộc loại định cư ở thềm lục địa Việt Nam.

Câu 2: Biển đã đem lại những thuận lợi và khó khăn gì đối với kinh tế và đời sống của nhân dân ta?

Trả lời:

- Thuận lợi: Biển giàu tài nguyên sinh vật biển (cá, tôm, mực, san hô…), khoáng sản (dầu khí, khoáng sản kim loại), có nhiều bãi biển đẹp, có nhiều vũng, vịnh…thuận lợi để phát triển nghề cá, khai thác và chế biến khoáng sản, du lịch biển đảo, giao thông vận tải biển…

- Khó khăn: Thiên tai vùng biển thường dữ dội và khó lường trước như bão, lụt, sạt lở đường biển,… gây thiệt hại kinh tế lớn cho người dân biển; khó có thể khai thác các tài nguyên khoáng sản.

Câu 3: Muốn khai thác lâu dài và bảo vệ tốt môi trường biển, chúng ta cần phải làm gì?

Trả lời:

Muốn khai thác lâu dài và bảo vệ tốt môi trường biển, chúng ta cần:

- Khai thác hợp lí, hiệu quả các nguồn tài nguyên biển: khuyến khích đánh bắt xa bờm nghiêm cấm nổ mìn, sử dụng điện trong quá trình đánh bắt thủy sản,...

- Giữ gìn, bảo vệ môi trường: hạn chế thấp nhất các sự cố rò rỉ, tràn dầu; không trực tếp xả rác và nước thải chưa qua xử lí ra môi trường biển,...

- Xử lí nghiêm các trường hợp vi phạm, gây ô nhiễm hay khai thác trái phép tài nguyên biển.

- Quy hoạch hợp lí các vùng kinh tế ven biển, tránh đầu tư ồ ạt, không kiểm soát.

=> Giáo án Địa lí 8 chân trời bài 14: Vị trí địa lí Biển Đông, các vùng biển của Việt Nam

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận Địa lí 8 chân trời sáng tạo - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu môn khác

Tài liệu mới cập nhật

Chat hỗ trợ
Chat ngay