Câu hỏi tự luận Địa lí 8 chân trời sáng tạo bài 2: Đặc điểm địa hình

Bộ câu hỏi tự luận Địa lí 8 Chân trời sáng tạo. Câu hỏi và bài tập tự luận bài 2: Đặc điểm địa hình. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Địa lí 8 Chân trời sáng tạo.

BÀI 2: ĐẶC ĐIỂM ĐỊA HÌNH

(17 câu)

1. NHẬN BIẾT (6 câu)

Câu 1: Kể tên các dãy núi cao ở Việt Nam?

Trả lời:

Các dãy núi cao ở Việt Nam là: Hoàng Liên Sơn, Pu Đen Đinh, Pu Sam Sao, Trường Sơn Bắc, Đèo Ngang, Bạch Mã, Trường Sơn Nam.

Câu 2: Kể tên các cao nguyên ở Việt Nam?

Trả lời:

Các cao nguyên ở Việt Nam là: Đắk Lắc, Plây Ku, Kon Tum, Lâm Viên, Mơ Nông, Di Linh.

Câu 3: Kể tên các đồng bằng ở Việt Nam?

Trả lời:

Các đồng bằng ở Việt Nam là: đồng bằng sông Hồng, đồng bằng duyên hải miền Trung, đồng bằng sông Cửu Long.

Câu 4: Khối núi cao nhất ở Việt Nam là gì?

Trả lời:

Khối núi cao nhất ở Việt Nam là Phan-xi-păng cao 3143m thuộc tỉnh Lào Cai, năm nào khối núi này cũng có tuyết rơi và được mệnh danh là nóc nhà Đông Dương.

Câu 5: Kể tên các sông chạy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam?

Trả lời:

Các sông chạy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam là: sông Tiền, sông Hậu, sông Hồng, sông Cả, sông Mã, sông Đà,...

Câu 6: Kể tên các vùng đồi núi sót nhô cao trên mặt các đồng bằng?

Trả lời:

Các vùng đồi núi sót nhô cao trên mặt các đồng bằng là: Bà Đen, Bảy Núi, Đồ Sơn, Con Voi, Tam Điệp, Sầm Sơn.

2. THÔNG HIỂU (4 câu)

Câu 1: Trình bày đặc điểm chủ yếu của địa hình Việt Nam.

Trả lời:

Địa hình phần lớn là đồi núi.

- Việt Nam có khoảng 3/4 diện tích lãnh thổ đất liền là địa hình đồi núi, kéo dài từ vùng Tây Bắc xuống đến Đông Nam Bộ. Trong đó:

+ Đồi núi thấp có độ cao dưới 1000 m chiếm 85% diện tích;

+ Các miền núi cao trên 2000 m chỉ chiếm 1% diện tích cả nước.

+ Ở nhiều vùng, núi lấn ra sát biển hoặc bị nước biển nhấn chìm tạo thành các đảo ven bờ.

- Địa hình đồng bằng chiếm 1/4 diện tích đất liền, bao gồm đồng bằng châu thổ và đồng bằng ven biển. Trong đó:

+ Đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng là hai đồng bằng châu thổ có diện tích lớn nhất.

+ Dải đồng bằng ven biển miền Trung tương đối nhỏ hẹp và bị chia cắt bởi các nhánh núi của dãy Trường Sơn đâm ngang ra biển.

Câu 2: Trình bày đặc điểm của khu vực địa hình đồi núi.

Trả lời:

Địa hình đồi núi ở nước ta có sự phân hoá đa dạng thành các khu vực: vùng núi Đông Bắc, vùng núi Tây Bắc, vùng núi Trường Sơn Bắc và Trường Sơn Nam.

- Khu vực Đông Bắc:

+ Phạm vi: nằm ở tả ngạn sông Hồng, từ dãy núi Con Voi đến vùng đồi núi ven biển Quảng Ninh.

+ Đặc điểm địa hình: chủ yếu là đồi núi thấp, có 4 dãy núi hình cánh cung (Sông Gâm, Ngân Sơn, Bắc Sơn, Đông Triều) chụm lại ở Tam Đảo. Ngoài ra, khu vực Đông Bắc còn có địa hình cac-xtơ (cao nguyên đá Đồng Văn; hệ thống đảo đá vôi trong vịnh Hạ Long).

- Khu vực Tây Bắc:

+ Phạm vi: từ hữu ngạn sông Hồng đến sông Cả.

+ Đặc điểm địa hình: địa hình cao nhất nước ta, với các dãy núi lớn có hướng tây bắc - đông nam như Hoàng Liên Sơn, Pu Đen Đinh, Pu Sam Sao. Trong khu vực còn có các dãy núi thấp, các sơn nguyên và cao nguyên đá vôi; các cánh đồng thung lũng,...

- Khu vực Trường Sơn Bắc:

+ Phạm vi: từ phía nam sông Cả đến dãy Bạch Mã.

+ Đặc điểm địa hình: là vùng núi thấp, hướng tây bắc - đông nam, gồm nhiều dãy núi song song, so le nhau, sườn phía đông hẹp và dốc hơn so với sườn phía tây.

- Khu vực Trường Sơn Nam:

+ Phạm vi: từ phía nam dãy Bạch Mã đến Đông Nam Bộ.

+ Đặc điểm địa hình: gồm các khối núi Kon Tum, khối núi cực Nam Trung Bộ, nghiêng về phía đông và nhiều cao nguyên xếp tầng.

- Ngoài ra còn dạng địa hình chuyển tiếp giữa miền núi và đồng bằng:

+ Ở Bắc Bộ có vùng đồi trung du;

+ Ở Đông Nam Bộ là dạng địa hình bán bình nguyên.

Câu 3: Trình bày đặc điểm của các khu vực địa hình đồng bằng.

Trả lời:

Địa hình đồng bằng ở nước ta được chia thành hai loại là đồng bằng châu thổ và đồng bằng ven biển.

* Đồng bằng châu thổ: điển hình nhất là đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long.

- Đồng bằng sông Hồng:

+ Diện tích: khoảng 15.000 km2, do phù sa sông Hồng và sông Thái Bình bồi đắp.

+ Đặc điểm địa hình: phía bắc còn nhiều đồi, núi sót; ở phía nam có nhiều ô trũng. Đồng bằng sông Hồng có hệ thống đê ven sông ngăn lũ nên chỉ có khu vực ngoài đê được bồi đắp phù sa hằng năm, trong khi khu vực trong đê không được bồi đắp.

- Đồng bằng sông Cửu Long:

+ Diện tích: khoảng 40.000 km2, do phù sa của hệ thống sông Mê Công bồi đắp. + Đặc điểm địa hình: có hệ thống kênh rạch chằng chịt và chịu ảnh hưởng sâu sắc của chế độ thuỷ triều. Ngoài ra, đồng bằng còn có một số vùng trũng lớn như Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên và đầm lầy như vùng U Minh,…

* Đồng bằng ven biển miền Trung:

- Diện tích: khoảng 15.000 km2, được hình thành từ phù sa sông hoặc kết hợp giữa phù sa sông và biển.

- Đặc điểm: Dải đồng bằng này kéo dài từ Thanh Hoá đến Bình Thuận với nhiều đồng bằng nhỏ, hẹp. Một số đồng bằng có diện tích lớn như đồng bằng Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Nam, Tuy Hoà.

Câu 4: Trình bày đặc điểm địa hình bờ biển và thềm lục địa nước ta.

Trả lời:

- Địa hình bờ biển nước ta khá đa dạng:

+ Các đồng bằng châu thổ, các bãi triều.

+ Một số nơi núi lan ra sát biển làm cho đường bờ biển khúc khuỷu với các mũi đã, bán đảo, vũng, vịnh sâu,…

+ Ven biển Trung Bộ còn xuất hiện kiểu địa hình cồn cát, đầm phá.

- Địa hình thềm lục địa:

+ Mở rộng ở khu vực vịnh Bắc Bộ, vùng biển phía nam và tây nam.

+ Thu hẹp ở miền Trung.

Câu 5: Địa hình nước ta hình thành và biến đổi do những nhân tố chủ yếu nào?

Trả lời:

Địa hình nước ta hình thành và biến đổi do các nhân tố chủ yếu:

- Hoạt động Tân kiến tạo làm nâng cao và trẻ hóa địa hình.

- Ngoại lực nhất là trong điều kiện khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa có tác dụng bào mòn hạ thấp địa hình, san lấp vùng trũng.

- Hoạt động của cong người: tạo ra các dạng địa hình nhân tạo,...

 

3. VẬN DỤNG (5 câu)

Câu 1: Các dạng địa hình sau đây ở nước ta được hình thành như thế nào?

- Địa hình các tơ.

- Địa hình cao nguyên badan.

- Địa hình đồng bằng phù sa mới.

- Địa hình đê sông, đê biển

Trả lời:

- Địa hình các tơ nhiệt đới:

+ Địa hình này ở nước ta chiếm 50000km2, bằng 1/6 lãnh thổ đất liền. Trong nước mưa có nhiều thành phần CO2 khi tác dụng với đá vôi gây ra phản ứng hòa tan đá: CaCO3 + H2CO3 Ca(HCO3)2

+ Sự hòa tan đá vôi ở nhiệt độ vùng nhiệt đới như nước xảy ra rất mãnh liệt. Địa hình các tơ ở nước ta có đỉnh nhọn, sắc sảo (đá tai mèo) với nhiều hoạt động có những hình thù kì lạ.

- Địa hình cao nguyên badan:

+ Các cao nguyên badan ở Việt Nam hình thành vào đại Tân sinh do dung nham núi lửa phun trào theo các đứt gãy.

+ Chúng tập trung ở Tây Nguyên và rải rác ở một số nơi như Nghệ An, Quảng Trị, Đông Nam Bộ… Tổng diện tích ba dan tới hơn 20000km2.

- Địa hình đồng bằng phù sa mới:

+ Ở Việt Nam, các đồng bằng này nguyên là những vùng sụt lún vào đại Tân sinh. Sau đó được bồi đắp dần bằng vật liệu trầm tích do sông ngòi bóc mòn từ miền núi đưa tới.

+ Lớp trầm tích phù sa có thể dày từ 5000 - 6000m.

+ Tổng diện tích các đồng bằng là 70000km2. Trong đó lớn nhất là đồng bằng sông Cửu Long 40000km2. Các đồng bằng còn đang phát triển, mở rộng ra biển hàng trăm hecta mỗi năm.

 - Địa hình đê sông, đê biển:

+ Đê sông được xây dựng chủ yếu ở đồng bằng Bắc Bộ, dọc hai bờ sông Hồng, sông Thái Bình,… để chống lụt. Hệ thống đê dài trên 2700km đã ngăn đồng bằng thành các ô trũng nằm thấp hơn mực nước sông vào mùa lũ từ 3 đến 7m.

+ Đê biển được xây dựng dọc ven biển Thái Bình, Nam Định… để ngăn mặn, chống xâm thực của thủy triều…

Câu 2: So sánh sự giống nhau và khác nhau của Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông cửu Long?

Trả lời:

 

Đồng bằng sông Hồng

Đồng bằng sông Cửu Long

Khác nhau

Diện tích 40000km2

Diện tích 15000km2

Có hệ thống đê điều, còn nhiều ô trũng

Không có đê, có nhiều vùng trũng ngập úng sâu và khó thoát nước

Những vùng trong đê không được bồi đắp hằng năm

Hằng năm vẫn được bồi đắp

Giống nhau

Đều là đồng bằng châu thổ do sông bồi đắp

Chịu sự can thiệp của con người

Câu 3: Nêu những thuận lợi và khó khăn của đặc điểm tự nhiên nhiều đồi núi đối với sự phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam?

Trả lời:

- Thuận lợi:

+ Các mỏ nội sinh tập trung ở vùng đồi núi là cơ sở để công nghiệp hóa.

+ Tài nguyên rừng giàu có về loài động, thực vật với nhiều loại quý hiếm tiêu biểu cho sinh vật rừng nhiệt đới. 

+ Bề mặt cao nguyên bằng phẳng thuận lợi cho việc thành lập các vùng chuyên canh cây công nghiệp, chăn nuôi.

+ Các dòng sông ở miền núi có tiềm năng thủy điện lớn (sông Đà, sông Đồng Nai, sông Xêxan,...).

+ Với khí hậu mát mẻ, phong cảnh đẹp nhiều vùng trở thành nơi nghỉ mát nổi tiếng như Đà Lạt, Sa Pa, Tam Đảo, Mẫu Sơn...

- Khó khăn:

+ Địa hình bị chia cắt mạnh, nhiều sông suối, hẻm vực, sườn dốc gây trở ngại cho giao thông, cho việc khai thác tài nguyên và giao lưu kinh tế giữa các miền. + Do mưa lớn, độ dốc lớn nên miền núi là nơi xảy ra nhiều thiên tai: lũ nguồn, lũ quét, xói mòn, trượt lở đất, tại các đứt gãy sâu còn phát sinh động đất.

+ Nơi khô nóng thường xảy ra nạn cháy rừng.

+ Miền núi đá vôi thiếu đất trồng trọt và khan hiếm nước về mùa khô.

+ Cuộc sống của người dân vùng cao gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển kinh tế cũng như tiếp nhận sự hỗ trợ và hội nhập với các vùng khác.

Câu 4: Phân tích những thuận lợi và khó khăn của vùng đồi núi nước ta.

Trả lời:

- Thuận lợi:

+ Khoáng sản: địa hình đồi núi tập trung nhiều loại khoáng sản có nguồn gốc nội sinh: đồng,chì,thiếc... nguồn gốc ngoại sinh: boxit,apatit,đá vôi... là nguyên liệu, nhiên liệu cho ngành công nghiệp.

+ Rừng, đất trồng: rừng giàu có về thành phần động vật, thực vật nhiều loài quý hiếm,cao nguyên, thung lũng tạo điều kiện hình thành vùng chuyên canh cây công nghiệp, cây ăn quả,chăn nuôi phát triển nông nghiệp và công nghiệp chế biến, tiêu dùng...

+ Đất trồng: đất vùng bán bình nguyên, trung du trồng cây công nghiệp, ăn quả, lương thực.

+ Thủy năng: sông ngòi có tiềm năng thủy điện lớn.

+ Du lịch: miền núi có điều kiện để phát triển du lịch: tham quan nghỉ dưỡng, sinh thái

- Hạn chế:

+ Địa hình đồi núi gây trở ngại cho dân sinh phát triển kinh tế - xã hội.

+ Địa hình bị chia cắt mạnh lắm sông suối, hẻm vực, sườn dốc gây trở ngại giao thông.

+ Khai thác tài nguyên giao lưu kinh tế các vùng khó khăn.

+ Thiên tai: mưa nhiều, độ dốc lớn, lũ nguồn, lũ quét, xói mòn... các đứt gãy sâu có nguy cơ động đất lốc, mưa đá, sương muối, rét hại tác hại lớn đời sống dân cư, sản xuất...

4. VẬN DỤNG CAO (2 câu)

Câu 1: Vì sao giao lưu kinh tế giữa các vùng ở miền núi gặp nhiều khó khăn? Nêu biện pháp khắc phục.

Trả lời:

Do địa hình miền núi bị chia cắt mạnh nên việc giao lưu kinh tế giữa các vùng ở miền núi thường xuyên gặp khó khăn. Để hạn chế những khó khăn đó thì các cơ sở hạ tầng (điện, đường, trường, trạm) phải đi trước một bước.

Câu 2: Khi rừng bị con người chặt phá thì mưa lũ sẽ gây ra hiện tượng gì? Bảo vệ rừng có những lợi ích gì?

Trả lời:

- Khi rừng bị con người chặt phá thì mưa lũ sẽ gây ra hiện tượng: xói mòn đất, đất trượt, núi lở, lũ lụt, lũ đá.

- Lợi ích của việc bảo vệ rừng:

+ Hạn chế xói mòn rửa trôi bề mặt đất, bảo vệ đất.

+ Chống trượt lở đất đá.

+ Điều hòa dòng chảy nước góp phần hạn chế lũ lụt.

+ Bảo vệ nguồn nước ngầm.

+ Bảo vệ đa dạng sinh vật, các nguồn gen quý.

+ Rừng là lá phổi xanh có tác dụng điều hòa khí quyển, cân bằng hệ sinh thái.

=> Giáo án Địa lí 8 chân trời bài 2: Đặc điểm địa hình

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận Địa lí 8 chân trời sáng tạo - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu môn khác

Tài liệu mới cập nhật

Chat hỗ trợ
Chat ngay