Câu hỏi tự luận Địa lí 8 chân trời sáng tạo Ôn tập Chương 2: Đặc điểm khí hậu và thuỷ văn Việt Nam (P3)

Bộ câu hỏi tự luận Địa lí 8 chân trời sáng tạo. Câu hỏi và bài tập tự luận Ôn tập Chương 2: Đặc điểm khí hậu và thuỷ văn Việt Nam (P3). Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Địa lí 8 chân trời sáng tạo.

ÔN TẬP CHƯƠNG 2

ĐẶC ĐIỂM KHÍ HẬU VÀ THUỶ VĂN VIỆT NAM

Câu 1: Chứng minh khí hậu nước ta có sự phân hoá đa dạng theo độ cao.

Trả lời:

- Khí hậu nước ta phân hóa theo độ cao: ở những miền núi cao, khí hậu có sự phân hóa rõ rệt theo độ cao, điển hình nhất ở vùng núi Tây Bắc với 3 đai khí hậu là: nhiệt đới gió mùa; cận nhiệt đới gió mùa trên núi và ôn đới gió mùa trên núi.

+ Đai nhiệt đới gió mùa trên núi:(miền Bắc đến độ cao 600 - 700 m, miền Nam đến độ cao 900 - 1000 m); Mùa hạ nóng, nhiệt độ trung bình các tháng mùa hạ đều trên 25°C. Độ ẩm và lượng mưa thay đổi tuỳ nơi.

+ Đai cận nhiệt đới gió mùa trên núi: (từ độ cao 600 - 700m, hoặc 900 - 1000 m đến dưới 2 600 m); Khí hậu mát mẻ, nhiệt độ trung bình các tháng đều dưới 25°C, lượng mưa và độ ẩm tăng lên.

+ Đai ôn đới gió mùa trên núi: (từ độ cao 2600 m) quanh năm nhiệt độ dưới 15°C, mùa đông nhiệt độ dưới 5°C.

- Ngoài ra, khí hậu Việt Nam còn có sự phân hóa theo mùa:

+ Mùa hạ có sự hoạt động của rõ mùa Tây Nam.

+ Mùa đông có sự hoạt động của gió mùa Đông Bắc.

Câu 2: Khí hậu nước ta có sự phân hóa đa dạng do đâu?

Trả lời:

- Ảnh hưởng của vị trí địa lí và lãnh thổ: làm cho khí hậu nước ta phân hóa theo chiều Bắc - Nam rõ rệt, khí hậu thất thường, thường xuyên đón bão nhiệt đới, các thiên tai khác (lũ lụt, sương giá...).

- Tác động của địa hình và hoàn lưu gió mùa:

+ Địa hình tạo nên sự phân hóa khí hậu theo độ cao.

+ Địa hình kết hợp với hướng gió làm cho khí hậu nước ta phân hóa Đông - Tây (Đông Bắc và Tây Bắc ranh giới là dãy Hoàng Liên Sơn; phân hóa giữa sườn Đông và sườn Tây Trường Sơn; mùa mưa-khô đối lập nhau giữa khu vực Nam Bộ, Tây Nguyên và ven biển Trung Bộ....)

Câu 3: Tại sao trạm khí hậu Lạng Sơn có vai trò quan trọng, cần thiết đối với khí hậu nước ta.

Trả lời:

- Vị trí địa lí và độ cao: trạm Trạm Lạng Sơn nằm ở vĩ độ 21°50B, độ cao trên 200 m (cụ thể là 259 m).

- Lạng Sơn nằm ở vùng khí hậu Đông Bắc Bộ, thuộc miền khí hậu phía Bắc với đặc điểm:

+ Mùa đông lạnh, tương đối ít mưa (nửa cuối mùa đông ấm và ẩm hơn).

+ Mùa hạ nóng, mưa nhiều.

- Đặc điểm về chế độ nhiệt:

+ Nhiệt độ trung bình năm của Lạng Sơn khoảng 21°C, thấp hơn nhiều so với các địa điểm ở miền khí hậu phía Nam. Có 5 tháng nhiệt độ dưới 20°c (tháng 11, 12, 1,2, 3), trong đó có 3 tháng nhiệt độ dưới 15°c (tháng 12, 1, 2).

Do Lạng Sơn chịu ảnh hưởng trực tiếp của gió mùa Đông Bắc.

Nhiệt độ Lạng Sơn còn chịu ảnh hưởng của độ cao địa hình (trong tầng đối lưu, cứ lên cao 100 m, nhiệt độ giảm 0,6°C). Ngoài ra, do Lạng Sơn nằm ở phía bắc, gần với chí tuyến hơn là gần Xích đạo.

+ Nhiệt độ trung bình tháng cao nhất rơi vào tháng 7 (khoảng 27°C).

Do đây là thời kì Mặt Trời chuyển động biểu kiến ở gần chí tuyến Bắc nên Lạng Sơn nhận được lượng nhiệt lớn.

+ Nhiệt độ trung bình tháng thấp nhất rơi vào tháng 1 (khoảng 14°C).

Do đây là thời kì Mặt Trời chuyển động biểu kiến ở bán cầu Nam nên lượng nhiệt nhận được giảm nhiều so với thời gian trước, nhưng nguyên nhân chính là do chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc.

+ Biên độ nhiệt trung bình năm khoảng 13°C, cao hơn nhiều so với các trạm khí hậu phía Nam.

Do Lạng Sơn chịu ảnh hưởng mạnh của gió mùa Đông Bắc nên nhiệt độ giảm rõ rệt trong thời kì mùa đông. Ngoài ra, Lạng Sơn cũng nằm ở gần chí tuyến Bắc nên độ chênh lệch góc chiếu sáng và thời gian chiếu sáng trong năm lớn hơn so với nhiều địa điểm khác ở phía Nam nước ta.

- Đặc điểm chế độ mưa:

+ Tổng lượng mưa trung bình năm ở Lạng Sơn đạt khoảng 1400 mm, thấp hơn mức trung bình cả nước do nằm ở vị trí khuất gió, bị cánh cung Đông Triều và các địa hình cao hơn chắn gió mùa đông nam.

+ Chế độ mưa ở Lạng Sơn có sự phân mùa:

Mùa mưa:

Kéo dài 5 tháng từ tháng 5 đến tháng 9.

Tổng lượng mưa trong mùa mưa là khoảng trên 1050 mm (chiếm khoảng 75% lượng mưa cả năm). Tháng có lượng mưa lớn nhất là tháng 7 (khoảng 265 mm).

Giải thích: Do đây là thời kì hoạt động của gió mùa mùa hạ.

Mùa khô:

Diễn ra từ tháng 10 đến tháng 4.

Tổng lượng mưa trong mùa khô đạt khoảng 350 mm.

Giải thích: Do đây là thời kì chịu tác động của gió mùa Đông Bắc với tính chất lạnh, khô.

Câu 4: So sánh trạm khí hậu Hà Nội với trạm khí hậu Đà Nẵng và rút ra những kết luận cần thiết.

Trả lời:

  1. a) Khái quát vị trí, vĩ độ và độ cao địa hình của hai trạm khí hậu

- Hà Nội thuộc miền tự nhiên Bắc và Đông Bắc Bắc Bộ, vĩ độ khoảng 21°B, độ cao dưới 50 m.

- Đà Nẵng thuộc miền tự nhiên Nam Trung Bộ và Nam Bộ, vĩ độ khoảng 16°B, độ cao dưới 50 m.

  1. b) Giống nhau

* Đặc điểm chế độ nhiệt

- Cả hai trạm đều có nhiệt độ trung bình năm cao, trên 23oC do nằm hoàn toàn trong vùng nội chí tuyến nửa cầu Bắc, có góc nhập xạ lớn, trong năm có 2 lần Mặt Trời qua thiên đỉnh.

- Nhiệt độ trung bình tháng cao nhất của cả hai trạm đều cao và rơi vào tháng 7; nhiệt độ trung bình thấp nhất của 2 trạm đều là tháng 1. Nguyên nhân là do trùng với chuyển động biểu kiến của Mặt Trời.

* Đặc điểm chế độ mưa

- Cả hai trạm đều có lượng mưa trung bình năm lớn, do tác động của gió mùa cùng với các yếu tố gây mưa khác như: dải hội tụ nội chí tuyến, bão,…

- Cả hai trạm đều có chế độ mưa phân theo mùa rõ rệt, do chịu tác động của hoàn lưu gió mùa.

  1. c) Khác nhau

* Về vùng khí hậu và miền khí hậu

- Hà Nội thuộc vùng khí hậu Trung và Nam Bắc Bộ (thuộc miền khí hậu phía Bắc) với đặc điểm là có mùa đông lạnh, tương đối ít mưa, nửa cuối mùa đông rét, ẩm ướt; mùa hạ nóng, mưa nhiều.

- Đà Nẵng thuộc vùng khí hậu Nam Trung Bộ (thuộc miền khí hậu phía Nam) với đặc điểm là mùa đông ấm, mưa nhiều và mùa hạ nóng, ít mưa.

* Về chế độ nhiệt

- Nhìn chung thì nền nhiệt độ của Đà Nẵng cao hơn so với Hà Nội (thể hiện qua đường biểu diễn nhiệt độ của hai trạm, bản đồ nhiệt độ trung bình năm, nhiệt độ trung bình tháng 1). Nhiệt độ trung bình năm của Hà Nội khoảng trên 23oC, Đà Nẵng khoảng 29oC; nhiệt độ trung bình tháng thấp nhất của Hà Nội khoảng 17oC. Đà Nẵng là 21oC; Hà Nội có ba tháng có nhiệt độ dưới 20oC, Đà Nẵng không có tháng nào có nhiệt độ dưới 20oC. Nguyên nhân là do Hà Nội nằm ở gần chí tuyến Bắc và chịu ảnh hưởng mạnh của gió mùa Đông Bắc, còn Đà Nẵng nằm ở gần Xích đạo hơn và chịu ảnh hưởng yếu của gió mùa Đông Bắc (do có dãy núi Bạch Mã chắn gió).

- Biên độ nhiệt độ trong năm của Hà Nội cao hơn so với Đà Nẵng (biên độ nhiệt của Hà Nội khoảng 12oC, của Đà Nẵng khoảng trên 7oC. Nguyên nhân là do càng đi vào Nam thì chênh lệch về góc chiếu sáng, thời gian chiếu sáng cũng như ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc ngày càng giảm.

* Về đặc điểm chế độ mưa

- Tổng lượng mưa trung bình năm của Đà Nẵng cao hơn so với Hà Nội. Hà Nội có lượng mưa trung bình năm khoảng trên 1600 mm, Đà Nẵng có lượng mưa trung bình năm trên 2000 mm. Nguyên nhân là do Đà Nẵng nằm gần biển, đồng thời chịu tác động của nhiều yếu tố gây mưa như gió Đông Bắc, dải hội tụ nội chí tuyến, bão,…

- Mùa mưa:

+ Thời gian mùa mưa ở Hà Nội và Đà Nẵng có sự khác biệt nhau lớn. Hà Nội có chế độ mưa vào hạ - thu (từ tháng 5 đến tháng 10), Đà Nẵng có chế độ mưa vào thu - đông (từ tháng 9 đến tháng 12).

+ Lượng mưa tháng lớn nhất của Đà Nẵng cao hơn nhiều so với Hà Nội. Hà Nội có lượng mưa lớn nhất vào tháng 8 với khoảng 320 ram; Đà Nẵng có lượng mưa lớn nhất vào tháng 10 với khoảng 630 mm.

- Mùa khô: Hà Nội có mùa khô ngắn hơn và diễn ra trong mùa đông - xuân (tháng 11 đến tháng 4), Đà Nẵng có mùa khô kéo dài tới 8 tháng (từ tháng 1 đến tháng 8).

Giải thích:

+ Trong mùa hạ - thu, Hà Nội có mưa là do ảnh hưởng của gió mùa đông nam và dải hội tụ nội chí tuyến, còn Đà Nẵng vào mùa hạ ít mưa do ở vị trí khuất gió mùa Tây Nam.

+ về mùa đông, Hà Nội chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của gió mùa Đông Bắc với tính chất lạnh và khô nên có lượng mưa nhỏ. Trong mùa thu - đông, Đà Nẵng chịu tác động của gió mùa Đông Bắc thổi qua biển, cùng với sự ảnh hưởng của dải hội tụ nội chí tuyến, bão,… nên có lượng mưa lớn.

Câu 5: Quan sát Atlat Địa lí Việt Nam trang 10 kể tên các hệ thống sông ngòi Nam Bộ.

Trả lời:

Các hệ thống sông ngòi Nam Bộ là: hệ thống sông Đồng Nai, hệ thống sông Mê Công.

Câu 6: Đặc điểm mạng lưới và chế độ nước sông của hệ thống sông Hồng.

Trả lời:

-  Đặc điểm mạng lưới sông:

+ Là hệ thống sông lớn thứ 2 cả nước sau hệ thống sông Mê Kông.

+ Hệ thống sông được cung cấp nước bởi hơn 600 phụ lưu, trong đó có 2 phụ lưu chính là sông Đà và sông Lô. Các phụ lưu lớn hợp với dòng chính sông Hồng tạo thành mạng lưới sông hình nan quạt, hội tụ tại Việt Trì (Phú Thọ).

+ Sông Hồng đổ ra vịnh Bắc Bộ ở cửa chính Ba Lạt và nhiều chi lưu khác.

- Đặc điểm chế độ nước sông:

+ Chế độ nước sông có hai mùa rõ rệt (mùa lũ và mùa cạn)

Mùa lũ: bắt đầu từ tháng 6 và kết thúc vào tháng 10 phù hợp với mùa mưa. Lượng nước mùa lũ chiếm khoảng 75% tổng lượng nước cả năm.

Mùa cạn: bắt đầu từ tháng 11 và kết thúc vào tháng 5 năm sau, lượng nước mùa cạn chỉ chiếm khoảng 25% tổng lượng nước cả năm.

+ Do mạng lưới sông có dạng nan quạt, nên khi mưa lớn, nước tập trung nhanh, dễ gây lũ lụt.

+ Các công trình thuỷ lợi, thuỷ điện trên hệ thống sông Hồng có ảnh hưởng quan trọng, làm chế độ nước sông điều hoà hơn.

Câu 7: Trình bày đặc điểm mạng lưới sông ngòi nước ta.

Trả lời:

- Mạng lưới sông ngòi dày đặc, phân bố rộng khắp cả nước:

+ Nước ta có 2360 con sông dài trên 10 km.

+ Mật độ trung bình mạng lưới sông khoảng 0,66 km/km2, ở đồng bằng mật độ có thể cao hơn, từ 2 - 4 km/km2.

+ Dọc bờ biển nước ta, cứ khoảng 20 km lại có một cửa sông.

- Lưu lượng nước lớn, giàu phù sa:

+ Sông ngòi nước ta có tổng lượng nước lớn (khoảng 839 tỉ m3/năm), phân bố không đều giữa các hệ thống sông. Trong đó, hệ thống sông Mê Công chiếm tới 60,4% lưu lượng của cả nước.

+ Sông ngòi còn mang theo một lượng phù sa rất lớn với tổng lượng khoảng 200 triệu tấn/năm, trong đó riêng sông Hồng là 120 triệu tấn/năm, chiếm tới 60% tổng lượng phù sa của sông ngòi cả nước.

- Phần lớn sông ngòi chảy theo hai hướng chính:

+ Sông ngòi chủ yếu chảy theo hai hướng chính là tây bắc - đông nam (ví dụ: sông Hồng, sông Mã, sông Tiền,..) và vòng cung (ví dụ: sông Lô, sông Gâm, sông Cầu,..).

+ Ngoài ra, một số sông chảy theo hướng khác như đông nam - tây bắc (ví dụ: sông Kỳ Cùng), đông - tây (ví dụ: sông Srêpôk, sông Sê San,..).

+ Hầu hết các sông của nước ta đều đổ ra Biển Đông.

- Chế độ dòng chảy theo hai mùa rõ rệt:

+Chế độ dòng chảy sông ngòi phụ thuộc vào chế độ mưa, với hai mùa rõ rệt là mùa lũ tương ứng với mùa mưa và mùa cạn tương ứng với mùa khô.

+ Nguyên nhân: do nguồn cung cấp nước sông chủ yếu là nước mưa.

Câu 8: Phân tích vai trò của nước ngầm đối với sản xuất và sinh hoạt.

Trả lời:

- Vai trò đối với sản xuất:

+ Nước ngầm cung cấp nước tưới cho hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp.

+ Các nguồn nước nóng, nước khoáng là điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch nghỉ dưỡng và chữa bệnh.

 - Vai trò đối với sinh hoạt:

+ Là nguồn nước quan trọng phục vụ sinh hoạt của người dân.

+ Nước khoáng có giá trị đối với sức khỏe con người.

Câu 9: Nêu những thuận lợi và khó khăn do lũ gây ra ở đồng bằng sông Cửu Long.

Trả lời:

- Thuận lợi:

+ Thau chua, rửa mặn đất đồng bằng.

+ Bồi đắp phù sa tự nhiên, mở rộng diện tích đồng bằng.

+ Du lịch sinh thái trên kênh rạch và rừng ngập mặn.

+ Giao thông trên kênh rạch.

- Khó khăn:

+ Gây ngập lụt diện rộng và kéo dài.

+ Phá hoại nhà cửa, vườn dược, mùa màng.

+ Gây ra dịch bệnh do ô nhiễm môi trường.

+ Làm chết người, gia súc.

Câu 10: Giải thích tại sao chế độ nước sông ở ba vùng sông ngòi nước ta lại có sự khác nhau?

Trả lời:

Chế độ nước của ba vùng sông ngòi lại có sự khác nhau là do:

- Đặc điểm nền địa chất, địa hình lưu vực và hình dạng lãnh thổ ở ba vùng sông ngòi có sự khác nhau.

 - Do đặc điểm khí hậu, đặc biệt là chế độ mưa ở ba vùng khác nhau.

- Ngoài ra, còn do tác động của các nhân tố khác như: đặc điểm lưu vực (diện tích, phụ lưu,...), thực vật, hồ, đầm và nhân tố con người

Câu 11: Mô tả đặc điểm của sông Hồng và vai trò của sông Hồng trong sự phát triển nông nghiệp và đời sống dân cư.

Trả lời:

- Tổng quan:

+ Sông Hồng bắt nguồn từ vùng núi thuộc huyện Ngụy Sơn, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Sông Hồng chảy vào Việt Nam từ tỉnh Lào Cai, và chảy qua các tỉnh: Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, thành phố Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình và đổ ra Biển Đông.

 + Sông Hồng có tổng chiều dài dòng chính là 1126 km, trong đó, đoạn chảy trên lãnh thổ Việt Nam có chiều dài khoảng 556 km.

- Đặc điểm chế độ nước:

+ Chế độ nước sông có hai mùa rõ rệt (mùa lũ và mùa cạn): Mùa lũ, bắt đầu từ tháng 6 và kết thúc vào tháng 10 phù hợp với mùa mưa; lượng nước mùa lũ chiếm khoảng 75% tổng lượng nước cả năm. Mùa cạn, bắt đầu từ tháng 11 và kết thúc vào tháng 5 năm sau, lượng nước mùa cạn chỉ chiếm khoảng 25% tổng lượng nước cả năm.

+ Khi mưa lớn, nước tập trung nhanh, dễ gây lũ lụt.

+ Các công trình thuỷ lợi trên sông Hồng có ảnh hưởng quan trọng, làm chế độ nước sông điều hoà hơn.

 - Vai trò: sông Hồng có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển nông nghiệp và đời sống dân cư:

+ Cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và đời sống dân cư.

+ Bồi đắp phù sa cho đồng bằng sông Hồng, tạo nên vùng châu thổ màu mỡ thuận lợi cho phát triển nông nghiệp nhất là lúa nước.

+ Điều tiết dòng chảy, hạn chế lũ lụt vào mùa mưa và cung cấp nước vào mùa khô cho sản xuất, sinh hoạt.

+ Ngoài ra còn phát triển du lịch, nuôi trồng thủy sản, giao thông đường sông.

Câu 12: Nêu một số việc cần phải làm để sống chung với lũ ở đồng bằng sông Cửu Long lâu dài, bền vững.

Trả lời:

Một số việc cần phải làm để sống chung với lũ ở đồng bằng sông Cửu Long lâu dài, bền vững là:

- Chủ động, sẵn sàng vật tư. phương tiện, lương thực, thực phẩm, thuốc men trước mùa lũ.

- Xây dựng cơ cấu kinh tế và nếp sống phù hợp môi trường sinh thái ngập lũ theo mùa.

- Xây dựng các công trình phân lũ, thoát lũ nhanh.

Câu 13: Liệt kê ít nhất 3 biện pháp để giảm biến đổi khí hậu.

Trả lời:

Biện pháp để giảm biến đổi khí hậu là:

+ Sử dụng phương tiện công cộng và xe điện.

+ Hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

+ Giảm tiêu thụ điện, nước.

+ Hạn chế rác thải nhựa.

+ Bảo vệ rừng.

+ Nâng cấp cơ sở hạ tầng.

Câu 14: Liệt kê một số hành động gây biến đổi khí hậu ở Hà Nội.

Trả lời:

Một số hành động gây nên biến đổi khí hậu ở Hà Nội:

+ Dân tập trung đông, sử dụng nhiều phương tiện giao thông công cộng đặc biệt là xe máy.

+ Nhiều làng nghề lân cận chưa có biện pháp bảo vệ môi trường, gây ô nhiễm không khí.

+ Nhiều phương tiện giao thông đã quá cũ và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. + Tập trung nhiều nhà máy, khu công nghiệp.

+ Rác thải sinh hoạt gây ô nhiễm nguồn nước đặc biệt các sông ngòi như: Sông Tô Lịch và La Khê (Hà Đông),…

Câu 15: Liệt kê những tác động của biến đổi khí hậu với khí hậu Việt Nam.

Trả lời:

- Thay đổi về nhiệt độ:

+ Nhiệt độ trung bình năm có tăng 0,89oC (giai đoạn 1958 - 2018).

+ Số ngày nắng nóng có xu thế tăng từ 3-5 ngày/thập kỉ.

- Thay đổi về lượng mưa:

+ Lượng mưa trung bình năm của cả nước có nhiều biến động.

+ Thời gian mùa mưa và mùa khô cũng có sự thay đổi.

+ Các đợt mưa lớn xảy ra bất thường hơn về tần suất và cường độ.

- Gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan (hạn hán, lũ lụt, rét đậm, rét hại,…) gây ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất.

Câu 16: Chứng minh giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu ở nước ta có hiệu quả.

Trả lời:

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại Hợp tác xã Lang Minh (ở Xuân Lộc, Đồng Nai) để thích ứng với tình trạng hạn hán:

+ Trước đây, diện tích đất nông nghiệp tại Hợp tác xã Lang Minh chủ yếu chỉ trồng lúa. Tuy nhiên, những năm gần đây, do phải đối mặt với tình trạng hạn hán, thiếu nước phục vụ sản xuất, nên Hợp tác xã Lang Minh đã đẩy mạnh trồng ngô sinh khối (tức là: trồng ngô lấy thân, lá và bắp non làm thức ăn thô cho gia súc) bằng các giống ngô mới, như: NK67, NK7328,…

+ Việc tiến hành trồng ngô trên đất lúa, không chỉ giúp người dân tăng năng suất, tăng thu nhập, mà với cách trồng mới, sản xuất ngô còn góp phần cải tạo đất nông nghiệp.

Câu 17: Chứng minh giải pháp giảm nhẹ biến đổi khí hậu ở nước ta có hiệu quả.

Trả lời:

Để giảm nhẹ hậu quả của biến đổi khí hậu, hiện nay, ở Việt Nam đã tăng cường sản xuất và sử dụng một số nguồn năng lượng tái tạo, như: năng lượng Mặt Trời, năng lượng gió, năng lượng thủy triều,…

Câu 18: Biến đổi khí hậu đang là vấn đề cấp bách của toàn cầu, có ảnh hưởng trực tiếp tới các thành phần tự nhiên, đặc biệt là khí hậu và thuỷ văn. Nước ta được xếp vào nhóm nước chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu. Vậy biến đổi khí hậu có tác động như thế nào tới khí hậu và thuỷ văn? Chúng ta cần phải có những giải pháp gì để ứng phó với biến đổi khí hậu?

Trả lời:

- Khí hậu tác động đến khí hậu và thủy văn:

+ Đối với biến đổi khí hậu: Gia tăng nhiệt độ, biến động lượng mưa và gia tăng các hiện tượng cực đoan.

+ Đối với thủy văn: thay đổi dòng chảy; gia tăng lũ lụt, sạt lở, hạn hán và nước biển dâng.

- Giải pháp:

+ Thích ứng biến đổi khí hậu.

+ Giảm nhẹ biến đổi khí hậu.

Câu 19: Phân tích tác động của biến đổi khí hậu đối với thuỷ văn ở nước ta. Lấy ví dụ cụ thể.

Trả lời:

Tác động biến đổi khí hậu đối với thủy văn: biến đổi khí hậu đã làm thay đổi chế độ dòng chảy, gia tăng thiên tai và nước biển dâng, cụ thể:

- Thay đổi chế độ dòng chảy: Biến động của lượng mưa kéo theo sự thay đổi mạnh và thất thường của chế độ dòng chảy sông ngòi nước ta: mùa lũ, mực nước sông dâng cao, lũ thường lên nhanh và bất thường nên rất khó dự báo để phòng tránh; mùa cạn, dòng chảy sông ngòi giảm mạnh, mực nước sông hạ thấp.

- Gia tăng lũ lụt, sạt lở, hạn hán và xâm nhập mặn: Biến đổi khí hậu làm gia tăng tình trạng lũ lụt, sạt lở bờ sông trong mùa lũ; hạn hán kéo dài ở nhiều vùng trên cả nước và nhiễm mặn ở các đồng bằng ven biển trong mùa cạn.

- Nước biển dâng: Biến đổi khí hậu làm mực nước biển, đại dương tăng lên. Tính trung bình, mực nước tại các trạm hải văn ven biển có xu thế tăng 2,74 mm/năm.

Ví dụ: Vùng đồng bằng sông Cửu Long trong những năm gần đây hiện tượng nhiễm mặn đang gia tăng.

Câu 20: Trình bày hoạt động của gió mùa ở nước ta và hệ quả của nó đối với sự phân chia mùa khác nhau giữa các khu vực.

Trả lời:

Hoạt động của gió mùa ở nước ta

- Nước ta nằm trong vùng nội chí tuyến bán cầu Bắc, nên có tín phong bán cầu Bắc hoạt động quanh năm. Mặt khác, nước ta chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của các khối khí hoạt động theo mùa với hai mùa gió chính: gió mùa mùa đông và gió mùa mùa hạ. Gió mùa đã lấn át Tín phong, vì thế Tín phong hoạt động xen kẽ gió mùa và chỉ mạnh lên rõ rệt vào các thời kì chuyển tiếp giữa hai mùa gió.

- Gió mùa mùa đông:

+ Từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, miền Bắc nước ta chịu tác động của khối khí lạnh phương Bắc thổi theo hướng Đông Bắc, nên thường gọi là gió mùa Đông Bắc.

+ Gió mùa Đông Bắc tạo nên một mùa đông lạnh ở miền Bắc: nửa đầu mùa đông thời tiết lạnh khô, nửa sau mùa đông thời tiết lạnh ẩm, có mưa phùn ở vùng ven biển và các đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ.

+ Khi di chuyển xuống phía Nam, gió Đông Bắc suy yếu dần, bớt lạnh hơn và hầu như bị chắn lại ở dãy Bạch Mã. Từ Đà Nẵng trở vào, Tín phong bán cầu Bắc thổi theo hướng Đông Bắc chiếm ưu thế, gây mưa cho vùng ven biển Trung Bộ, trong khi Nam Bộ và Tây Nguyên là mùa khô.

- Gió mùa mùa hạ:

+ Vào mùa hạ (từ tháng 5 đến tháng 10) có hai luồng gió cùng hướng Tây Nam thổi vào Việt Nam.

+ Vào đầu mùa hạ: khối khí nhiệt đới ẩm từ Bắc Ấn Độ Dương di chuyển theo hướng Tây Nam xâm nhập trực tiếp và gây mưa lớn cho đồng bằng Nam Bộ và Tây Nguyên. Khi vượt qua dãy Trường Sơn và các dãy núi dọc biên giới Việt - Lào, tràn xuống đồng bằng ven biển Trung Bộ và phần phía nam của khu vực Tây Bắc, khối khí này trở nên khô nóng (gió phơn Tây Nam hay còn gọi là gió Tây hoặc gió Lào).

+ Vào giữa và cuối mùa hạ: gió mùa Tây Nam (xuất phát từ áp cao chí tuyến bán cầu Nam) hoạt động mạnh. Khi vượt qua vùng biển xích đạo, khối khí này trở nên nóng ẩm hơn, thường gây mưa lớn và kéo dài cho các vùng đón gió ở Nam Bộ và Tây Nguyên. Hoạt động của gió Tây Nam cùng với dải hội tụ nhiệt đới là nguyên nhân chủ yếu gây mưa vào mùa hạ cho cả hai miền Nam, Bắc và mưa vào tháng 9 cho Trung Bộ. Do áp thấp Bắc Bộ, khối khí này di chuyển theo hướng đông nam vào Bắc Bộ tạo nên “gió mùa Đông Nam” vào mùa hạ ở miền Bắc nước ta.

Hệ quả

- Tạo ra sự phân mùa của khí hậu. Trong chế độ khí hậu, ở miền Bắc có sự phân chia thành mùa đông lạnh, ít mưa và mùa hạ nóng ẩm, mưa nhiều. Ở miền Nam, có một mùa mưa và một mùa khô rõ rệt. Giữa Tây Nguyên và đồng bằng ven biển Trung Trung Bộ có sự đối lập về mùa mưa và mùa khô.

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận Địa lí 8 chân trời sáng tạo - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu môn khác

Tài liệu mới cập nhật

Chat hỗ trợ
Chat ngay