Câu hỏi tự luận lịch sử 7 chân trời sáng tạo Bài 14: Công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước thời Ngô - Đinh - Tiền Lê (938-1009)

Bộ câu hỏi tự luận lịch sử 7 chân trời sáng tạo. Câu hỏi và bài tập tự luận Bài 14: Công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước thời Ngô - Đinh - Tiền Lê (938-1009). Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học lịch sử 7 chân trời sáng tạo

Xem: => Giáo án lịch sử 7 chân trời sáng tạo (bản word)

CHƯƠNG 5: VIỆT NAM TỪ ĐẦU THẾ KỈ X

ĐẾN ĐẦU THẾ KỈ XV

BÀI 13: CÔNG CUỘC XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ ĐẤT NƯỚC THỜI NGÔ, ĐINH, TIỀN LÊ (939 – 1009)

  1. NHẬN BIẾT

Câu 1: Nền độc lập đầu tiên của nước ta do Ngô Quyền xây dựng như thế nào?

Trả lời:

- Ngô Quyền xây dựng chính quyền:

+ Sau chiến thắng Bạch Đằng năm 938, Ngô Quyền quyết định xưng vương năm 939 xóa bỏ hệ thông chính quyền cũ, xây dựng chính quyền mới.

+ Ở trung ương, Ngô Quyền quyết định bỏ chức Tiết độ sứ xây dựng triều đình trung ương quy củ bao gồm các quan văn, quan võ. Lấy thành Cổ Loa (Đông Anh – Hà Nội) làm kinh đô nước Việt và bắt tay xây dựng đất nước

+ Ở địa phương, Ngô Quyền cử các tướng có công coi giữ các châu quan trọng.

Câu 2: Kể tóm tắt về tiểu sử của Ngô Quyền?

Trả lời:

- Ngô Quyền: sinh ngày 12 – 3 năm Đinh Tỵ (897) 

+ Quê quán: Ngô Quyền quê ở Đường Lâm – Ba Vì – Hà Nội 

+ Xuất thân từ một gia đình võ tướng. Cha ông là Ngô Mân, đã từng giữ chức Châu mục Châu Phong. 

+ Lớn lên, Ngô Quyền mặt mũi khôi ngô, có sức khỏe phi thường, lại có trí thông minh khác thường. Thấy vậy, Dương Đình Nghệ cho làm tưởng và gả con gái. Nghe tin Kiều Công Tiễn giết chủ tướng, Ngô Quyền lập tức đem quân về trừng trị. Lúc đó Kiều Công Tiễn cầu cứu nhà Nam Hán sang giúp. Nhân cơ hội này, nhà Nam Hán sai Hoằng Tháo mang quân xâm lược nước ta. Ngô Quyền đã cho xây trận địa và đóng cọc ở sông Bạch Đằng rồi bố trí quân mai phục. Khi quân Hoằng Tháo vào, Ngô Quyền cho quân khiêu chiến, chờ đến khi nước rút xuống Ngô Quyền hạ lệnh phản công. Quân Hoằng Tháo bại trận và bị giết hơn một nửa. 

+ Sau khi đánh bại quân Nam Hán, Ngô Quyền xưng vương năm 939, lập ra triều Ngô. 

Câu 3: Từ năm 939 đến năm 981, tình hình nước ta như thế nào?

Trả lời:

- Năm 939, Ngô Quyền xưng vương. Năm 944, Ngô Quyền mất, các phe phái nổi lên khắp nơi. Đất nước không còn ổn định. Năm 950, do mâu thuuẫn nội bộ uy tín nhà Ngô giảm sút. Năm 965, các thế lực cát cứ nổi lên, đất nước rơi vào tình trạng loạn 12 sứ quân.

- Năm 966-967, Đinh Bộ Lĩnh dẹp được loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước. Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế lập ra nhà Đinh.

- Cuối năm 979, Đinh Tiên Hoàng và con trai trưởng bị ám hại, Lê Hoàn được cử làm phụ chính rồi được suy tôn lên làm vua, lập ra nhà Tiền Lê (năm 980).

- Năm 981, Lê Hoàn lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Tống thắng lợi đã bảo vệ vững chắc nền độc lập của dân tộc, đưa nước Đại Việt tiến lên bước phát triển mới.

Câu 4: Ý nghĩa của việc dẹp loạn 12 sứ quân.

Trả lời:

- Ý nghĩa:

+ Thắng lợi của Đinh Bộ Lĩnh trong việc tiêu diệt thế lực các sứ quân là thắng lợi của ý chí thống nhất đất nước, là thắng lợi của tinh thần tự cường của dân tộc, của nguyện vọng hòa bình của nhân dân.

+ Thắng lợi đó đã tạo điều kiện cho sự ra đời của một nhà nước trung ương tập quyền dân tộc.

Câu 5: Vì sao triều Ngô tồn tại trong thời gian ngắn?

Trả lời:

Sở dĩ thời Ngô tồn tại trong thời gian ngắn vì:

+ Ngô Quyền làm vua được 6 năm, ông mất năm 944. Thời gian thống trị ngắn ngủi đó không cho phép ông mở rộng và củng cố quyền lực của nhà nước trung ương, đặc biệt là đối với các thế lực phong kiến cũ.

+ Khi Ngô Quyền mất, hai người con là Ngô Xương Ngập và Ngô Xương Văn còn nhỏ. Người em vợ là Dương Tam Kha nhân đó cướp ngôi, tự xưng là Bình Vương. Ngô Xương Ngập sợ bị hại, bỏ trốn khỏi kinh thành lên đất Trà Hương (Kim Thành – Hải Dương).

+ Năm 950, Ngô Xương Văn nhờ sự giúp đỡ của các tướng cũ lật đổ được Bình Vương rồi cho người đi tìm Ngô Xương Ngập về cùng coi việc nước. Ngô Xương Ngập về tự xưng là Thiên Sách Vương, nắm hết quyền hành. Mâu thuẫn nội bộ nhà Ngô đã tạo điều kiện cho các thổ hào, thứ sử địa phương nổi dậy, mộ quân, làm chủ vùng mình trấn trị, tách khỏi chính quyền trung ương.

+ Năm 954, Ngô Xương Ngập chết. Quyền hành hoàn toàn chuyển vào tay Ngô Xương Văn. Nhà Ngô suy yếu dần.

+ Các hào trưởng địa phương nhân đó chiếm giữ vùng đất của mình, không thần phục triều đình, đem quân đánh giết lẫn nhau, gây ra loạn 12 sứ quân.

+ Đất nước rơi vào cảnh chia cắt, chiến tranh; nhân dân lại phải chịu cảnh khổ cực, chết chóc.

 

II. THÔNG HIỂU

Câu 1: Thập đạo tướng quân Lê Hoàn lên ngôi vua trong hoàn cảnh như thế nào?

Trả lời:

Cuối thời Đinh, nội bộ triều đình lục đục, chia rẽ. Năm 979, Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn bị ám hại, con út là Đinh Toàn nối ngôi vua khi mới sáu tuổi. Nhân cơ hội này nhà Tống lăm le xâm lược nước ta. Đất nước lâm nguy, tướng sĩ trong triều suy tôn Thập đạo tướng quân Lê Hoàn lên ngôi vua, lãnh đạo kháng chiến.

Câu 2: Việc Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, đặt quốc hiệu Đại Cồ Việt có ý nghĩa như thế nào?

Trả lời:

Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế (Đinh Tiên Hoàng), đặt tên nước là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư (Ninh Bình), lấy niên hiệu là Thái Bình, đúc tiền “Thái Bình hưng bảo”, khẳng định vị thế độc lập của Đại Cồ Việt.

Câu 3: Hãy nêu thời gian tồn tại của ba triều: Ngô, Đinh, Tiền Lê.

Trả lời:

- Thời gian tồn tại:

+ Ba triều đại Ngô, Đinh, Tiền Lê tồn tại trong thời gian ngắn: Triều Ngô tồn tại từ năm 939 đến năm 965, tổng cộng 25 năm; triều Đinh tồn tại từ năm 968 đến năm 980, tổng cộng 12 năm; triều Tiền Lê tồn tại từ năm 980 đến năm 1009, tổng cộng 29 năm.

+ Đây là ba triều đại phong kiến đầu tiên trong thời kì phong kiến độc lập ở nước ta.

 

Câu 4: Nền kinh tế tự chủ của nước ta trong thời phong kiến được xây dựng đầu tiên trong triều đại nào? Những nét chính về việc xây dựng nền kinh tế tự chủ ấy.

Trả lời:

- Nền kinh tế tự chủ đầu tiên trong thời kì phong kiến nước ta được xây dựng trong thời Đinh – Tiền Lê.

- Những nét chính:

+ Nông nghiệp là cơ sở kinh tế chủ yếu của nước ta thời Đinh – Tiền Lê,

+ Sau nhiều năm khó khăn do xung đột, chiến tranh gây nên, các nhà nước Đinh – Tiền Lê đã ra sức cùng nhân dân khôi phục và phát triển sản xuất, khai hoang mở rộng ruộng đồng, đào vét kênh máng.

+ Một việc làm đáng chú ý là hằng năm, vua Lê Đại Hành đã làm lễ cày tịch điền để khuyến khích nhân dân sản xuất.

+ Nhà nước Đinh – Tiền Lê đã xây dựng nhiều xưởng đúc tiền, rèn vũ khí, đóng thuyền, chế tạo các sản phẩm phục vụ vua quan..

+ Nghề thủ công cổ truyền tiếp tục phát triển. Kinh đô Hoa Lư được xây dựng tráng lệ, thủ công, thương nghiệp từng bước phát triển.

Câu 5: Trong thế kỉ X, dòng sông Bạch Đằng đã ghi dấu ấn về hai cuộc kháng chiến chống ngoại xam như thế nào?

Trả lời:

- Trong thế kỉ X, dòng sông Bạch Đằng đã hai lần ghi dấu ấn về kháng chiến chống ngoại xâm, đó là: cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nam Hán năm 938 của Ngô Quyền và kháng chiến chống quân xâm lược nhà Tống năm 981 của Lê Hoàn.

- Trận Bạch Đằng năm 938:

+ Năm 937, Dương Đình Nghệ bị Kiều Công Tiễn sát hại để đoạt chức Tiết độ sứ. Ngô Quyền từ Ái Châu kéo quân ra Bắc để hỏi tội Kiều Công Tiễn. Công Tiễn sai người sang cầu cứu nhà Nam Hán. Năm 938, lợi dụng cơ hội đó, vua Nam Hán cử con là Lưu Hoằng Tháo đem quân vượt biển kéo quân sang xâm lược nước ta lần thứ hai.

+ Sau khi giết xong Kiều Công Tiễn, Ngô Quyền ổn định tình hình đất nước, cùng quân dân chuẩn bị chống giặc. Ngô Quyền xây trận địa ở sông Bạch Đằng, bố trí quân mai phục.

+ Đoàn thuyền chiến Nam Hán nối nhau vào cửa sông Bạch Đằng, không hay biết gì về trận địa của ta. Bấy giờ nước triều lên ngập hết trận địa cọc, Ngô Quyền cho một đoàn thuyền nhỏ ra khiêu chiến, rồi vờ thua chạy. Đoàn thuyền giặc thừa thắng đuổi gấp, vượt qua trận địa cọc. Khi nước triều rút xuống, Ngô Quyền hạ lệnh phản công. Quân mai phục từ hai bên đổ ra đánh mạnh. Hoằng Tháo chống đỡ không nổi, quay thuyền bỏ chạy. Bị quân ta đuổi gấp, thuyền giặc lao vào mũi cọc và lao vào nhau đổ vỡ tan tành. Quân ta thừa thế vậy đánh. Giặc chết quá một nửa. Hoằng Tháo bị giết tại trận.

- Trận Bạch Đằng năm 981:

+ Đầu năm 981, quân Tống do Hầu Nhân Bảo chỉ huy theo hai đường thủy, bộ tiến đánh nước ta: quân bộ theo đường Lạng Sơn, còn quân thủy theo đường sông Bạch Đàng.

+ Lê Hoàn trực tiếp tổ chức và lãnh đạo cuộc kháng chiến. Ông cho quân đóng cọc ở sông Bạch Đàng để ngăn chặn chiến thuyền dịch. Nhiều trận chiến đấu ác liệt đã diễn ra trên sông Bạch Đằng cuối cùng thủy quân địch bị đánh lui.

+ Thừa thắng, quân ta tiêu diệt nhiều sinh lực dịch. Quân Tống đại bại, tướng Hảu Nhân Bảo bị giết chết và nhiều tướng khác bị bắt sống. Cuộc kháng chiến chống Tổng thắng lợi.

 

III. VẬN DỤNG

Câu 1: Hãy trình bày diễn biến của loạn 12 sứ quân chia cắt đất nước. Hậu quả của loạn 12 sứ quân.

Trả lời:

- Năm 965, Ngô Xương Văn tự làm tướng chỉ huy quân đi đánh dẹp ở Thái Bình, bị trúng tên chết. Quân triều đình rối loạn, tháo chạy. Ngôi vua không có người kế vị. Bọn tướng tá nhà Ngô đem quân đánh giết lẫn nhau để giành ngôi vua. Đất nước rơi vào trạng thái bị chia cắt. Mỗi chúa phong kiến hùng cứ một phương, xây thành, đắp lũy, mộ quân, rèn vũ khí rồi đánh chiếm đất đai của nhau. Tất cả có 12 sứ quân.

- Hậu quả:

+ Loạn 12 sứ quân hoàn toàn đi ngược với nguyện vọng của quần chúng nhân dân và mâu thuẫn với truyền thống đoàn kết thống nhất của dân tộc.

+ Loạn 12 sứ quân đã đẩy đất nước rơi vào tình trạng chia cắt, hỗn loạn, do 12 tướng lĩnh chiếm cứ các vùng địa phương, đánh lẫn nhau.

+ Trước tình hình đó, nhà Tống âm mưu xâm lược nước ta, nguy cơ ngoại xâm đe dọa độc lập chủ quyền của Tổ quốc.

Câu 2: Lập bảng tóm tắt về sự phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa dưới thời Đinh – Tiền Lê?

Trả lời:

Lĩnh vực

Sự phát triển

1. Kinh tế

– Nông nghiệp: ruộng đất thuộc quyền sở hữu làng xã. Nhà vua có chính sách khuyến

khích sản xuất nông nghiệp. Các nghề chăn nuôi trồng trọt được chú trọng.

– Thủ công nghiệp: tiếp tục phát triển với nhiều nghề phong phú: đúc tiền, đúc vũ khí,

dệt lụa, kéo tơ, làm giấy, làm đồ gốm.

– Thương nghiệp: từ năm 976, thuyền buôn các nước ngoài vào nước ta, dâng nhiều sản vật quý lạ cho vua Đinh.

2. Xã hội

- Xã hội chia thành hai bộ phận:

+ Vua quan và một số ít địa chủ là bộ phận thống trị. Nông dân, thợ thủ công là bộ phận bị trị. Dưới cùng là nô tì.

+ Nông dân có ruộng đất cày cấy gắn bó với làng, xã với vua. Đời sống nhân dân ổn định.

3. Văn hóa

- Nho học vào nước ta nhưng chưa ảnh hưởng đáng kể. Đạo Phật được truyền bá rộng rãi.

- Chùa chiền được xây dựng nhiều nơi, các nhà sư được nhà nước trọng dụng, nhân dân tôn kính.

- Nhiều loại hình văn hóa dân gian tồn tại rất phong phú như ca hát, nhảy múa, đua thuyền, đánh đu, đấu võ, dấu vật.

 

Câu 3: Hãy trình bày đóng góp của Ngô Quyền, Đinh Tiên Hoàng và Lê Hoàn đối với lịch sử dân tộc.

Trả lời:

  • Đóng góp của Ngô Quyền:

- Ngô Quyền là người có công rất lớn lãnh đạo nhân dân ta đánh quân Nam Hán giành độc lập và thiết lập nền tự chủ cho đất nước sau hơn một nghìn năm Bắc thuộc.

- Ngô Quyền đã bước đầu xây dựng bộ máy chính quyền độc lập, tự chủ đặt cơ sở cho sự phát triển đất nước sau này.

  • Đóng góp của Đinh Tiên Hoàng:

- Dẹp được loạn 12 sứ quân thống nhất đất nước.

- Xây dựng kinh đô ở Hoa Lư, đặt tên nước là Đại Cồ Việt.

- Góp phần củng cố, xây dựng bộ máy chính quyền nhà nước phong kiến tập quyền.

  • Đóng góp của Lê Hoàn:

- Tổ chức và lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Tống giành thắng lợi, bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc, đưa nước Đại Cồ Việt tiến lên một bước phát triển mới.

- Tiếp tục xây dựng quốc gia phong kiến độc lập trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa,...

IV. VẬN DỤNG CAO

Câu 1: Hãy kể đôi nét về thân thế và sự nghiệp của Lê Hoàn?

Trả lời:

- Lê Hoàn sinh năm 941 ở Xuân Lập, Thọ Xuân, Thanh Hóa, trong một gia đình nghèo khổ, bố là Lê Mịch, mẹ là Đặng Thị Sen, cha mẹ mất sớm, Lê Hoàn phải đi làm con nuôi cho một vị quan nhỏ. Lớn lên Lê Hoàn đi theo Đinh Liễn lập được nhiều chiến công, khi Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân, Đinh Tiên Hoàng phong cho Lê Hoàn làm thập đạo tướng quân.

- Khi cha con Đinh Tiên Hoàng mất, Đinh Toàn mới 6 tuổi lên ngôi vua, nhân cơ hội đó nhà Tống sang xâm chiếm nước ta. Vì lợi ích của dân tộc, Thái hậu Dương Vân Nga đã trao ngôi cho Lê Hoàn.

- Lê Hoàn xưng là Lê Đại Hành, đổi niên hiệu là Thiên Phúc, đóng đô ở Hoa Lư. Chỉ trong một tháng, dưới sự chỉ huy của Lê Đại Hành, quân dân Đại Cổ Việt đã đánh bại quân xâm lược nhà Tống.

Câu 2: Trình bày ý nghĩa công cuộc thống nhất đất nước của Đinh Bộ Lĩnh và kháng chiến chống Tống của Lê Hoàn.

Trả lời:

– Ý nghĩa thống nhất đất nước của Đinh Bộ Lĩnh:

+ Thắng lợi của Đinh Bộ Lĩnh trong việc tiêu diệt thế lực các sứ quân là thắng lợi của ý chí thống nhất đất nước, là thắng lợi của tinh thần tự cường của dân tộc, của nguyện vọng hòa bình của nhân dân.

+ Thắng lợi đó đã tạo điều kiện cho sự ra đời của một nhà nước trung ương tập quyền dân tộc. Đó thành lập nhà Đinh với tên gọi của đất nước là Đại Cồ Việt.

– Ý nghĩa kháng chiến chống Tống của Lê Hoàn:

+ Cuộc kháng chiến chống Tống của Lê Hoàn có ý nghĩa lịch sử lớn lao: cuộc kháng chiến biểu hiện ý chí quyết tâm chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta, đã đánh bại nguy cơ xâm lược của nước ngoài (nhà Tống), giữ vững nền độc lập, củng cố lòng tin vững chắc ở sức mạnh và tiền đồ của nước Đại Việt.

+ Như vậy, hơn 30 năm, nhà Đinh và Tiền Lê đã hoàn thành về cơ bản sứ mệnh lịch sử, xây dựng nền móng cho nhà nước phong kiến trung ương tập quyền, bảo vệ vững chắc nền độc lập của đất nước, chuẩn bị cơ sở cho giai đoạn phát triển sau này của dân tộc.

 

 

 

 

 

=> Giáo án lịch sử 7 chân trời bài 14: Công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước thời Ngô – Đinh – tiền Lê (938 – 1009) (4 tiết)

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận lịch sử 7 chân trời sáng tạo - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu mới cập nhật

Tài liệu môn khác

Chat hỗ trợ
Chat ngay