Câu hỏi tự luận lịch sử 7 chân trời sáng tạo Bài 6: Khái lược tiến trình lịch sử Trung Quốc từ thế kỉ VII đến giữa thế kỉ XIX

Bộ câu hỏi tự luận lịch sử 7 chân trời sáng tạo. Câu hỏi và bài tập tự luận Bài 6: Khái lược tiến trình lịch sử Trung Quốc từ thế kỉ VII đến giữa thế kỉ XIX. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học lịch sử 7 chân trời sáng tạo

CHƯƠNG 2: TRUNG QUỐC TỪ THẾ KỈ VII

ĐẾN GIỮA THẾ KỈ XIX

BÀI 6: KHÁI LƯỢC TIẾN TRÌNH LỊCH SỬ TRUNG QUỐC TỪ THẾ KỈ VII ĐẾN GIỮA THẾ KỈ XIX

  1. NHẬN BIẾT

Câu 1: Từ thế kỉ VII đến thế kỉ XIX Trung Quốc đã trải qua các triều đại lớn nào?

Trả lời:

Từ thế kỉ VII đến thế kỉ XIX Trung Quốc đã trải qua các triều đại lớn:

- Nhà Đường (618-907)

- Thời Ngũ Đại (907-960)

- Nhà Tống (960-1279)

- Nhà Nguyên (1271-1368)

- Nhà Minh (1368-1644)

- Nhà Thanh (1644-1911)

Câu 2: Trong các triều đại của Trung Quốc có hai triều đại không phải do người Hán lập nên là các triều đại nào?

Trả lời:

Trong các triều đại của Trung Quốc có hai triều đại không phải do người Hán lập nên là:

- Triều Nguyên (do người Mông Cổ thành lập)

- Triều Thanh (do người Mãn thành lập)

II. THÔNG HIỂU

Câu 1: Những biểu hiện cho thấy sự phát triển thịnh vượng dưới thời Đường?

Trả lời:

Những biểu hiện cho thấy sự phát triển thịnh vượng dưới thời Đường:

- Về tổ chức bộ máy nhà nước:

+ Bộ máy nhà nước được củng cố hoàn thiện hơn từ trung ương đến địa phương

+ Nhà nước mở nhiều khoa thi để tuyển chọn nhân tài.

- Về đối ngoại:

+ Tiến hành chính sách bành trướng lãnh thổ bằng các cuộc chiến tranh xâm lược.

+ Cuối thế kỉ VII lãnh thổ nhà Đường rộng gần gấp đôi nhà Hán.

- Về kinh tế:

+ Nông nghiệp, thủ công nghiệp phát triển

+ Con đường tơ lụa trở thành tuyến đường buôn bán quốc tế của nhiều thương nhân khắp thế giới.

Câu 2: Em hãy nêu dẫn chứng cho thấy sự thịnh vượng của Trung Quốc dưới thời Đường?

Trả lời:

Dẫn chứng cho thấy sự thịnh vượng của Trung Quốc dưới thời Đường: Sách Tân Đường có viết: “Năm 630 Trung Quốc được mùa lớn gạo đấu bốn năm tiền, cổng ngoài mấy tháng không đóng, ngựa, bò đầy đồng, khách đi đường mấy nghìn dặm không cần mang theo lương thực”. Trung Quốc

Câu 3: Dưới thời Đường, tổ chức bộ máy Nhà nước Trung Quốc được tổ chức như thế nào?

Trả lời:

Tổ chức bộ máy Nhà nước dưới thời Đường:

- Tổ chức chặt chẽ từ trung ương đến địa phương.

- Luật pháp được hoàn thiện

- Nhà nước mở nhiều khoa thi để tuyển chọn nhân tài làm quan

 

Câu 4: Nhà Đường ban hành các chính sách gì để phát triển nông nghiệp?

Trả lời:

Nhà Đường ban hành những chính sách phát triển nông nghiệp như miễn giảm sưu thuế, lấy ruộng đất công và ruộng đất bỏ hoang chia cho nông dân, gọi là chế độ quân điền.

Câu 5: Để phát triển nông nghiệp, các vua đầu triều nhà Minh và nhà Thanh thường ban hành những chính sách gì?

Trả lời:

Thời kì Minh - Thanh, sản xuất nông nghiệp gia tăng cả về diện tích, năng suất và sản lượng. Các vua đầu triều Minh, Thanh thường giảm thuế khóa, chia ruộng đất cho nông dân đồng thời chú trọng công tác thủy lợi.

III. VẬN DỤNG

Câu 1: Bằng việc kết nối tri thức lịch sử đã học và những kiến thức trong sách giáo khoa Lịch sử lớp 7, hãy trình bày sự hình thành xã hội phong kiến Trung Quốc?

Trả lời:

Sự hình thành xã hội phong kiến ở Trung Quốc: 

- Năm 221 TCN, nhà Tần đã thống nhất Trung Quốc, vua Tần tự xưng là Tần Thủy Hoàng. Dưới thời nhà Tần các giai cấp mới được hình thành: 

+ Những quan lại và một số nông dân giàu đã tập trung trong tay nhiều của cải. Bằng quyền lực của mình, họ còn tước đoạt thêm nhiều ruộng đất công. Do đó, một giai cấp mới được hình thành, bao gồm những kẻ có ruộng tư, vốn là những quan lại và những nông dân giàu có, gọi là giai cấp địa chủ. 

+ Giai cấp nông dân cũng bị phân hóa: Nông dân giàu có trở thành địa chủ. Nông dân giữ được một số ruộng đất gọi là nông dân tự canh. Số còn lại là nông dân công xã, rất nghèo, không có hoặc quá ít ruộng đất trở thành nông dân lĩnh canh. 

- Quan hệ bóc lột giữa địa chủ với nông dân lĩnh canh – quan hệ phong kiến xuất hiện. 

- Nông dân nhận ruộng của địa chủ để cày cấy nhưng phải nộp một phần hoa lợi cho địa chủ gọi là tô ruộng đất, chế độ phong kiến Trung Quốc được xác lập. 

Câu 2: Nguyên nhân dẫn đến Nhà Thanh suy sụp là gì?

Trả lời:

Nguyên nhân Nhà Thanh suy sụp:

- Cuối thời nhà Thanh các cuộc khởi nghĩa nông dân nổ ra khắp nơi đã làm cho nhà Thanh suy yếu dần. 

- Các nước phương Tây xâu xé Trung Quốc, dẫn đến sự suy sụp chế độ phong kiến nhà Thanh vào năm 1911. 

Câu 3: Nêu biểu hiện của sự phát triển thủ công nghiệp dưới thời Minh - Thanh?

Trả lời:

- Sự phát triển của thủ công nghiệp thời Minh - Thanh:

+ Xuất hiện những ngành nghề thủ công nổi tiếng: Dệt tơ lụa, làm đồ sứ, đóng thuyền, làm giấy,…

+ Các xưởng thủ công xuất hiện ngày càng nhiều ở thành thị.

+ Thời nhà Thanh, hình thành nên những khu vực chuyên môn hóa sản xuất cao, đông đảo người làm thuê đến.

IV. VÂN DỤNG CAO

Câu 1: Trình bày hiểu biết của em về “Con đường tơ lụa”?

Trả lời:

“Con đường tơ lụa” là những tuyến đường giao thương kết nối phương Đông và phương Tây trong nhiều thế kỉ. Tơ lụa Trung Quốc là mặt hàng giao thương chính và đầu tiên trên con đường này. Con đường này còn là một hành trình văn hóa tôn giáo, kết nối Á-Âu để lại nhiều di sản quý cho đến ngày nay.

Câu 2: Vì sao thời Đường được gọi là thời kì thịnh vượng của Trung Quốc thời phong kiến? 

Trả lời

- Thời Đường được gọi là thời kì thịnh vượng của Trung Quốc dưới thời phong kiến 

- Giải thích: Thời phong kiến, nhà Đường ở Trung Quốc phát triển toàn diện về các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa và đối ngoại. 

* Về chính trị: 

– Sự hoàn thiện bộ máy từ trung ương đến địa phương: 

+ Nhà Đường cử người thân tín cai quản các địa phương. 

+ Cử người thân tộc và các công thần giữ chức Tiết độ sứ cai trị các vùng biên cương. 

+ Đặt các khoa thi để tuyển chọn người làm quan. 

+ Nâng cao quyền lực tuyệt đối của hoàng đế. 

– Dưới thời Đường tiếp tục chính sách xâm lược các nước, lãnh thổ Trung Quốc mở rộng. 

* Về kinh tế: 

– Nhà nước thực hiện chính sách giảm thuế. 

– Nhà nước lấy ruộng công và ruộng đất bỏ hoang chia cho nông dân, gọi là chế độ quân điền. 

- Nhà nước quan tâm đến sản xuất thủ công nghiệp và thương nghiệp, nhất là ngoại thương. Nhà Đường có quan hệ buôn bán với với hầu hết các nước ở châu Á. 

- Thời nhà Đường, “Con đường Tơ lụa” hình thành. 

* Về văn hóa: 

– Nho giáo trở thành tư tưởng chính thống. Phật giáo tiếp tục phát triển. 

– Thành lập nhiều cơ quan ghi chép sử. 

– Xuất hiện nhiều nhà thơ nổi tiếng như: Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị,... 

* Về đối ngoại

- Đem quân chiếm vùng Nội Mông, chinh phục Tây Vực, xâm lược Triều Tiên. - Củng cố chế độ đô hộ ở An Nam, ép Tây Tạng phải thuần phục,... 

 

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận lịch sử 7 chân trời sáng tạo - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu mới cập nhật

Tài liệu môn khác

Chat hỗ trợ
Chat ngay