Nội dung chính Kinh tế pháp luật 12 kết nối Bài 1: Tăng trưởng và phát triển kinh tế
Hệ thống kiến thức trọng tâm Bài 1: Tăng trưởng và phát triển kinh tế sách Giáo dục kinh tế và pháp luật 12 kết nối tri thức. Với các ý rõ ràng, nội dung mạch lạc, đi thẳng vào vấn đề, hi vọng người đọc sẽ nắm trọn kiến thức trong thời gian rất ngắn. Nội dung chính được tóm tắt ngắn gọn sẽ giúp thầy cô ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh. Bộ tài liệu có file tải về. Mời thầy cô kéo xuống tham khảo.
Xem: => Giáo án kinh tế pháp luật 12 kết nối tri thức
PHẦN 1: GIÁO DỤC KINH TẾ
CHỦ ĐỀ 1: TĂNG TRƯỞNG VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ
BÀI 1: TĂNG TRƯỞNG VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ
1. Tăng trưởng kinh tế
- Tăng trưởng kinh tế là sự tăng lên về thu nhập hay tổng giá trị hàng hoá và dịch vụ mà nền kinh tế tạo ra trong một thời kì nhất định (so với thời kì gốc cần so sánh).
- Một số chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế:
+ Tổng sản phẩm quốc nội (GDP): là thước đo sản lượng quốc gia (giá trị tạo ra ở trong nước), đánh giá mức độ hoạt động của nền kinh tế, phản ánh năng lực của nền kinh tế trong việc thoả mãn nhu cầu và nguyện vọng của nhân dân.
+ Tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người (GDP/người): là thước đo lượng hàng hoá, dịch vụ trung bình một người dân của quốc gia có thể có, phản ánh cụ thể hơn quy mô sản lượng của quốc gia so với chỉ tiêu GDP, đồng thời phản ánh mức sống tương đối của người dân ở quốc gia đó trong một thời kì nhất định.
+ Tổng thu nhập quốc dân (GNI): là thước đo về thu nhập của nền kinh tế trong một thời kì nhất định, thể hiện đầy dủ hơn sự tăng trưởng về quy mô của nền kinh tế so với chỉ tiêu GDP (vì có tính thêm yếu tố ngoài lãnh thổ quốc gia).
+ Tổng thu nhập quốc dân bình quân đầu người (GNI/người): là thước đo trung bình mức thu nhập một người dân trong quốc gia thu được trong năm, thể hiện cụ thể hơn sự tăng trưởng kinh tế của mỗi quốc gia, được dùng để so sánh kết quả tăng trưởng kinh tế giữa các quốc gia, đồng thời cũng được dùng làm thước đo về sự gia tăng mức thu nhập, mức sống của người dân giữa các quốc gia.
+ Mức tăng các chỉ số tăng trưởng của thời điểm hiện tại so với thời điểm gốc cần so sánh thể hiện sự tăng trưởng về quy mô của nền kinh tế.
+ Tốc độ tăng trưởng kinh tế được tính bằng tỉ lệ phần trăm thay đổi của các chỉ số tăng trưởng từ thời kì này sang thời kì khác.
- Vai trò của tăng trưởng kinh tế:
+ Thông tin cho thấy kinh tế nước ta đạt được những kết quả tăng trưởng kinh tế giúp cho tỉ lệ hộ nghèo cả nước giảm nhanh, cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các huyện nghèo, xã nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được tăng cường. Thực hiện nhiều giải pháp tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động.
+ Tăng trưởng kinh tế có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của quốc gia. Tăng trưởng kinh tế là điều kiện cần thiết để khắc phục tình trạng đói nghèo, lạc hậu, tạo điều kiện để giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao phúc lợi xã hội, phát triển văn hoá, giáo dục, thể thao,... góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân; Là tiền đề vật chất để củng cố an ninh, quốc phòng, nâng cao vai trò quản lí của Nhà nước, vị thế của quốc gia.
+ Tăng trưởng kinh tế là điều kiện tiên quyết để khắc phục tình trạng tụt hậu đối với quốc gia đang phát triển như Việt Nam.
2. Phát triển kinh tế
- Phát triển kinh tế là sự lớn lên về quy mô cùng với những thay đổi về cấu trúc nền kinh tế, mang lại những chuyển biến tích cực về xã hội.
- Chỉ tiêu phát triển kinh tế bao gồm:
+ Các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế: sự gia tăng GDP, GDP/người, GNI, GNI/người.
- Chỉ tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế:
Sự chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế theo hướng tích cực thể hiện ở chỉ tiêu: tỉ trọng của ngành công nghiệp, dịch vụ trong GDP tăng lên, tỉ trọng của ngành nông nghiệp giảm xuống nhưng giá trị tuyệt đối của các ngành đều tăng.
Trong giai đoạn 2018 – 2022, cơ cấu kinh tế của nước ta đã có sự chuyển dịch theo hướng tích cực. Biểu đồ cho thấy tỉ trọng của ngành công nghiệp, dịch vụ trong GDP năm 2022 tăng so với năm 2018, tỉ trọng của ngành nông nghiệp trong GDP giảm.
+ Chỉ tiêu về tiến bộ xã hội: chỉ số phát triển con người HDI tăng, chỉ số đói nghèo, chỉ số bất bình đẳng trong phân phối thu nhập (Gini) giảm.
Thông tin cho biết việc thực hiện tiến bộ xã hội ở nước ta đạt được những thành tựu to lớn cùng với những thành tựu tăng trưởng kinh tế: sự gia tăng chỉ số phát triển con người HDI qua từng năm, Hệ số bất bình đẳng trong phân phối thu nhập (Gini) ngày càng giảm.
+Tăng trưởng kinh tế và phát triển kinh tế có quan hệ mật thiết với nhau. Tăng trưởng kinh tế chỉ là sự thay đổi về lượng của nền kinh tế, là điều kiện tiền để cho phát triển kinh tế nhưng không phải chỉ cần tăng trưởng kinh tế là đã đạt được phát triển kinh tế. Phát triển kinh tế có phạm vi rộng lớn, toàn diện hơn bao hàm cả tăng trưởng kinh tế lẫn chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tiến bộ xã hội. Trên cơ sở những kết quả đạt được về phát triển kinh tế, quốc gia luôn hướng tới mục tiêu tiến bộ xã hội, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
- Vai trò của phát triển kinh tế:
+ Với những tác động từ kết quả tăng trưởng kinh tế ổn định, bền vững, phát triển kinh tế đảm bảo những tiền đề vật chất cần thiết cho việc phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, văn hoá, giáo dục, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, góp phần nâng cao sức mạnh và sự thịnh vượng của quốc gia.
+ Phát triển kinh tế với việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực góp phần nâng cao trình độ phát triển, tạo đà phát triển nhanh, vững chắc cho nền kinh tế. Với việc thực hiện tiến bộ xã hội, phát triển kinh tế không chỉ tạo điều kiện vật chất mà còn tạo điều kiện đảm bảo thực hiện tiến bộ xã hội như xây dựng thể chế kinh tế tiến bộ, nâng cao năng lực tổ chức quản lí của Nhà nước, thực hiện phân phối công bằng, hợp lí,...
+ Phát triển kinh tế là điều kiện tiên quyết để khắc phục tình trạng tụt hậu đối với nước đang phát triển như Việt Nam.
3. Mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững
- Phát triển bền vững là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lí, hài hoà giữa ba mặt: phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường.
- Tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững có quan hệ chặt chẽ với nhau:
+ Tăng trưởng kinh tế là một nội dung của phát triển bền vững, điều kiện tiên quyết để thực hiện phát triển bền vững, điều kiện vật chất để nâng cao mức sống của nhân dân, thực hiện nhiều mục tiêu kinh tế – xã hội. Tăng trưởng kinh tế không hợp lí có thể tạo ra những tác động tiêu cực, cản trở tiến trình phát triển bền vững của quốc gia.
+ Phát triển bền vững với những yêu cầu nâng cao chất lượng tăng trưởng cùng với thực hiện các chính sách phát triển xã hội tạo điều kiện giữ vững ổn định chính trị, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
=> Giáo án Kinh tế pháp luật 12 kết nối Bài 1: Tăng trưởng và phát triển kinh tế