Câu hỏi tự luận địa lí 10 chân trời sáng tạo Bài 34: Địa lí ngành giao thông vận tải
Bộ câu hỏi tự luận Địa lí 10 Chân trời sáng tạo. Câu hỏi và bài tập tự luận Bài 34: Địa lí ngành giao thông vận tải. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Địa lí 10 Chân trời sáng tạo
Xem: => Giáo án địa lí 10 chân trời sáng tạo (bản word)
BÀI 34: ĐỊA LÍ NGÀNH GIAO THÔNG VẬN TẢI
(22 câu)
1. NHẬN BIẾT (6 câu)
Câu 1: Nêu vai trò và đặc điểm của ngành giao thông vận tải?
Trả lời:
Vai trò của giao thông vận tải:
Giao thông vận tải là ngành dịch vụ quan trọng, là khâu không thể thiếu trong sản xuất, giúp quá trình sản xuất và tiêu thụ được diễn ra liên tục.
Giúp nhu cầu đi lại của toàn xã hội được diễn ra thuận tiện và thông suốt. Tạo các mối liên kết kinh tế – xã hội giữa các địa phương trong quốc gia, đồng thời
tăng cường các mối giao lưu, hợp tác quốc tế. Thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển, làm thay đổi phân bố sản xuất và dân cư trên thế giới.
Góp phần khai thác hiệu quả các nguồn lực sẵn có của mỗi vùng, mỗi quốc gia.
Câu 2: Trình bày đặc điểm của ngành giao thông vận tải
Trả lời:
Đặc điểm của ngàng giao thông vận tải:
Sản phẩm của ngành giao thông vận tải chính là sự chuyên chở người và hàng hóa. Thông qua quá trình dịch chuyển từ nơi này đến nơi khác mà hàng hoá tăng thêm giá trị. Các tiêu chí đánh giá dịch vụ vận tải gồm: khối lượng vận chuyển (tính bằng số khách và số tấn hàng hóa được vận chuyển), khối lượng luân chuyển (tính bằng người.km hoặc tấn.km) và cự li vận chuyển trung bình (tính bằng km); sự tiện nghi, an toàn cho hành khách và hàng hoá; ảnh hưởng đến môi trường,...
Giao thông vận tải là khâu quan trọng trong dịch vụ logistics.
Có sự phân bố đặc thù theo mạng lưới với các tuyến và đầu mối giao thông.
Câu 3: Những nhân tố nào ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố của ngành giao thông vận tải?
Trả lời:
Các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố của bưu chính viễn thông: vị trí địa lí, nhân tố tự nhiên (địa hình, khí hậu); nhân tố kinh tế - xã hội.
Câu 4: Phân tích sự ảnh hưởng của vị trí địa lí tới sự phát triển và phân bố của ngành giao thông vận tải?
Trả lời:
Đây là nhân tố quy định sự có mặt của loại hình giao thông vận tải.
Vị trí địa lí ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố ngành giao thông vận tải. Tại các đầu mối giao thông quan trọng thì mạng lưới giao thông tương đối dày đặc, với các loại hình đa dạng, khối lượng vận chuyển và khối lượng luân chuyền dịch vụ vận tải lớn.
Câu 5: Phân tích sự ảnh hưởng của nhân tố tự nhiên tới sự phát triển và phân bố của ngành giao thông vận tải?
Trả lời:
Điều kiện tự nhiên ảnh hưởng tới sự phân bổ và hoạt động của các loại hình giao thông vận tải, trong đó nổi bật nhất là địa hình, khí hậu:
– Địa hình quy định sự có mặt và vai trò của loại hình giao thông vận tải. Ngoài ra, địa hình còn ảnh hưởng đến công tác thiết kế và khai thác công trình giao thông.
- Khí hậu và thời tiết ảnh hưởng sâu sắc tới hoạt động của các phương tiện giao thông vận tải. Các điều kiện thời tiết như mưa, bão, sương mù, băng tuyết,... sẽ cản trở hoạt động của một số phương tiện giao thông vận tải.
Câu 6: Phân tích sự ảnh hưởng của nhân tố kinh tế - xã hội tới sự phát triển và phân bố của ngành giao thông vận tải?
Trả lời:
Sự phát triển và phân bố các ngành kinh tế có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển, phân bố và hoạt động của giao thông vận tải. Các ngành kinh tế khác là khách hàng của ngành giao thông vận tải nên sự phát triển và phân bố các cơ sở kinh tế sẽ ảnh hưởng đến việc lựa chọn loại hinh, mật độ vận tải, hướng và cường độ vận chuyển. Đồng thời, các ngành kinh tế khác trang bị cơ sở vật chất – kĩ thuật cho ngành giao thông vận tải.
Phân bố dân cư (đặc biệt là sự phân bố các thành phố lớn và các chùm đô thị) ảnh hưởng sâu sắc tới vận tải hành khách.
Khoa học – công nghệ ảnh hưởng đến tốc độ vận chuyển, việc hiện đại hoá và nâng cao chất lượng các phương tiện vận tải, quá trình điều hành và quản lí giao thông vận tải.
Vốn đầu tư và chính sách tác động tới sự phát triển mạng lưới và mức độ hiện đại hoá hệ thống hạ tầng giao thông vận tải.
2. THÔNG HIỂU (7 câu)
Câu 1: Quan sát bản đồ dưới đây và trình bày sự phân bố của đường ô tô trên thế giới?
Trả lời:
Phân bố: mật độ đường ô tô tập trung nhiều nhất ở Hoa Kỳ, Trung Quốc, Ấn Độ, các nước EU. Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và các nước Tây Âu là các quốc gia có tỉ lệ sở hữu và sử dụng ô tô cao nhất trên thế giới.
Câu 2: Phân tích tình hình phát triển của đường ô tô?
Trả lời:
- Vận tải đường ô tô ra đời sớm, phát triển mạnh và phổ biến nhất hiện nay nhờ tính ưu việt trong việc di chuyển, tính kết nối với các loại hình vận tải khác. Các thành tựu khoa học – công nghệ được liên tục cập nhật và ứng dụng trong vận tải đường ô tô thể hiện qua chất lượng phương tiện ngày càng cải tiến, sự tiện nghi và độ an toàn cao, thân thiện với môi trường,....
- Số lượng ô tô trên thế giới không ngừng tăng lên, trong đó tăng mạnh nhất là phương tiện ô tô thân thiện với môi trường và có độ an toàn cao.
- Mạng lưới đường sá ngày càng phát triển, tổng chiều dài đường ô tô không ngừng tăng lên, nhất là hệ thống đường cao tốc.
Câu 3: Tình hình phát triển và phân bố của đường sắt?
Trả lời:
Tình hình phát triển:
- Vận tải đường sắt ra đời sớm, gắn liền với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất nhờ sự phát minh đầu máy hơi nước. Hiện nay, ngành đường sắt có nhiều sự đổi mới về sức kéo, đường ray, tải trọng, tốc độ di chuyển, công nghệ vận hành... nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng. Tại nhiều quốc gia, việc cải tiến kĩ thuật giúp cho tốc độ chạy tàu ngày càng nhanh hơn, an toàn và tiện nghi hơn, điển hình như tàu điện Phục Hưng (Trung Quốc) đạt 350 km/h, tàu TGV (Pháp) và tàu Sin-can-sen (Shinkansen – Nhật Bản) đạt 320 km/h....
- Trên thế giới có hơn 1,37 triệu km đường sắt (năm 2020) với nhiều loại hình như đường sắt trên mặt đất, đường sắt trên cao, dường sắt dưới lòng đất,... Tại các đô thị lớn trên thế giới, hệ thống tàu điện cũng được chú trọng phát triển để đáp ứng nhu cầu vận tải của hành khách trong đô thị.
Phân bố: mạng lưới đường sắt trên thế giới tập trung nhiều nhất ở khu vực Tây Âu, Bắc Mỹ, Đông Á. Hoa Kỳ, Trung Quốc, Liên bang Nga, Ấn Độ,... là những quốc gia có chiều dài dường sắt lớn trên thế giới.
Câu 4: Trình bày tình hình phát triển và phân bố của đường sông, hồ?
Trả lời:
Tình hình phát triển giao thông vận tải đường sông, hồ (dường thuỷ nội địa) phát triển từ rất sớm để đảm nhận vai trò vận tải người và hàng hoá trên các hệ thống sông, hồ tự nhiên. Ngày nay, nhờ việc cải tiến phương tiện vận tải, cải tạo hệ thống sông, hồ (đào kênh, nạo vét lòng sông... để kết nối các lưu vực vận tải và cảng biển) đã góp phần nâng cao năng lực vận tải đường sông, hồ. Hiện nay, để tăng cường khả năng giao thông vận tải, người ta đã tiến hành cải tạo sông ngòi, dào các kênh nối liền các lưu vực vận tải đường thuỷ và kết nối với cảng biển.
Phân bố: một số hệ thống sông, hồ có khả năng giao thông lớn như sông Đà-nuýp (Danube), sông Rai-nơ ở châu Âu; Trường Giang, sông Mê Công, sông Hằng ở châu Á; sông Mi-xi-xi-pi (Mississippi), sông A-ma-dôn, Ngũ Hồ ở châu Mỹ; sông Nin (Nile), sông Công-gô ở châu Phi. Hoa Kỳ, Liên bang Nga và Ca-na-da là những quốc gia phát triển mạnh hệ thống giao thông sông, hồ.
Câu 5: Trình bày tình hình phát triển của đường biển?
Trả lời:
Tinh hình phát triển:
– Ngành giao thông vận tải đường biển phát triển từ rất sớm và chủ yếu là vận tải ven bờ, khối lượng vận chuyển nhỏ, cự li vận chuyển ngắn. Ngày nay, sự phát triển của ngành giao thông vận tải đường biển được mở rộng và kết nối các châu lục, quốc gia trên thế giới. Đề rút ngắn khoảng cách vận tải biển, người ta đã xây dựng các kênh đào như Xuyên (Suez – Ai Cập), Pa-na-ma (Panama – Pa-na-ma), Ki-en (Kiel – Đức),...
– Các tàu biển có kích thước và tải trọng ngày càng lớn, công nghệ vận hành được cải tiến để tăng tốc độ, đảm bảo an toàn và chú trọng đến bảo vệ môi trường biển. Hiện nay, thế giới có hơn 2 triệu tàu biển và số lượng không ngừng tăng lên để đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hoá toàn cầu.
Câu 6: Quan sát bản đồ dưới đây và trình bày sự phân bố của đường biển?
Trả lời:
Phân bố: Trung Quốc, Hy Lạp, Nhật Bản, Xin-ga-po, CHLB Đức,... đang sở hữu đội tàu nhiều nhất thế giới. Các tuyến đường biển nhộn nhịp trên thế giới hiện nay là tuyến kết nối châu Âu qua Ấn Độ Dương với châu Á – Thái Bình Dương; tuyến kết nối hai bên bờ Đại Tây Dương. Một số cảng biển có năng lực vận tải lớn trên thế giới như Thượng Hải (Trung Quốc), Xin-ga-po, Hồng Công (Trung Quốc), Rốt-téc-đam (Rotterdam – Hà Lan)....
Câu 7: Trình bày tình hình phát triển và phân bố của đường hàng không?
Trả lời:
Tình hình phát triển:
– Hàng không là ngành giao thông vận tải non trẻ nhưng có bước phát triển thần tốc nhờ tiến bộ của khoa học – công nghệ và tinh ưu việt về tốc độ di chuyển.
- Số lượng các máy bay dân dụng trên thế giới không ngừng tăng lên với khoảng 35000 chiếc đang hoạt động. Các máy bay ngày càng hiện đại, vận chuyển được khối lượng lớn hơn, bay quãng đường xa hơn với tốc độ nhanh và an toàn hơn.
Phân bố: hiện nay, thế giới có hơn 15.000 sân bay dân dụng đang hoạt động, tập trung chủ yếu ở Bắc Mỹ, Tây Âu và Đông Á. Các tuyến hàng không nhộn nhịp nhất là tuyển vượt Đại Tây Dương kết nối châu Âu với châu Mỹ, tuyến nối Hoa Kỳ với các nước châu Á – Thái Bình Dương.
3. VẬN DỤNG (4 câu)
Câu 1: Để phát triển kinh tế, văn hoá miền núi, giao thông vận tải phải đi trước một bước. Giải thích tại sao?
Trả lời:
- Giao thông vận tải ở miền núi được phát triển sẽ thúc đẩy sự giao lưu giữa các địa phương ở miền núi vốn có nhiều trở ngại do địa hình, giữa miền núi với đồng bằng, nhờ thế sẽ giúp phá được thế “cô lập”, “tự cấp tự túc” của nền kinh tế.
- Sẽ có điều kiện khai thác các tài nguyên thế mạnh to lớn của miền núi, hình thành được các nông, lâm trường, thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp, đô thị, thúc đẩy sự thu hút dân cư từ đồng bằng lên miền núi.
- Như vậy, sẽ thúc đẩy sự phân công lao động theo lãnh thổ, hình thành cơ cấu kinh tế ở miền núi. Các hoạt động dịch vụ (kể cả văn hoá, giáo dục, y tế) cũng có điều kiện phát triển.
Câu 2: Tại sao sự phát triển của giao thông vận tải tác động tới phân bố dân cư đô thị?
Trả lời:
- Sự phát triển của giao thông vận tải (mạng lưới, phương tiện, tốc độ, chi phí, tiện nghi...).
- Tác động: Dân cư phân bố ra xa hơn ở các vùng ngoại thành, do người dân không cần ở tập trung gần nơi làm việc hoặc gần trung tâm vẫn có thể đi về hàng ngày.
Câu 3: Giao thông vận tải và các ngành sản xuất công, nông nghiệp có mối quan hệ như thế nào?
Trả lời:
- Giao thông vận tải tác động đến sản xuất công nghiệp, nông nghiệp:
+ Giao thông vận tải phục vụ, tạo điều kiện, hỗ trợ công nghiệp, nông nghiệp phát triển (cung ứng nguyên, nhiên liệu; vận chuyển máy móc, thiết bị đưa sản phẩm đến nơi tiêu thụ, gắn sản xuất với nhu cầu thị trường,...).
+ Phân bố giao thông vận tải (đầu mối, tuyển đường) tác động đến phân bố sản xuất công nghiệp, nông nghiệp.
+ Giao thông vận tải là khách hàng của công nghiệp và nông nghiệp, đặt ra các nhu cầu cần đáp ứng về trang bị máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải,...
- Các ngành sản xuất nông nghiệp và công nghiệp tác động đến giao thông vận tải:
+ Cung cấp sản phẩm, máy móc, thiết bị, phương tiện cho giao thông vận tải. Các ngành này càng
phát triển mạnh càng tác động mạnh mẽ, nâng cao năng lực, hiện đại hoá giao thông vận tải.
+Sự phân bố sản xuất công nghiệp, nông nghiệp kéo theo và mở rộng sự phân bố của giao thông vận tải.
+ Công nghiệp, nông nghiệp là khách hàng của giao thông vận tải, đòi hỏi giao thông vận tải phải phát triển để đáp ứng nhu cầu vận chuyển về mật độ, loại hình vận tải; hướng và cường độ vận tải...
Câu 4: Chứng minh rằng ngành giao thông vận tải bằng ô tô ngày càng phát triển mạnh mẽ?
Trả lời:
Giao thông vận tải bằng ô tô ngày càng phát triển mạnh:
- Vận tải bằng ô tô có nhiều ưu điểm nổi bật:
+ Tiện lợi, cơ động, thích nghi cao với các điều kiện địa hình.
+ Có hiệu quả kinh tế cao trên các cự li ngắn và trung bình
+ Phối hợp được sự hoạt động của các loại phương tiện vận tải khác như đường sắt, đường thủy, đường không,...
- Có nhiều cải tiến quan trọng về phương tiện vận tải, hệ thống đường, đặc biệt là việc chế tạo được các loại ô tô dùng ít nhiên liệu, ít gây ô nhiễm môi trường.
4. VẬN DỤNG CAO (5 câu)
Câu 1: Tại sao sự phát triển kinh tế của một quốc gia chịu tác động to lớn của giao thông vận tải?
Trả lời:
- Giao thông vận tải là một ngành dịch vụ, tham gia vào việc cung ứng vật tư kĩ thuật, nguyên liệu, năng lượng cho các cơ sở sản xuất và đưa sản phẩm đến thị trường tiêu thụ, giúp cho các quá trình sản xuất xã hội diễn ra liên tục và bình thường.
- Giao thông vận tải thực hiện các mối liên hệ kinh tế - xã hội giữa các địa phương, thúc đẩy sự giao lưu hàng hóa, tác động đến sự phát triển kinh tế.
- Những tiến bộ của ngành giao thông vận tải đã có tác động to lớn làm thay đổi sự phân bố sản xuất.
+ Những nơi nằm gần các tuyến vận tải lớn hoặc các đầu mối giao thông vận tải cũng là nơi tập trung các ngành sản xuất, dịch vụ và dân cư.
+ Nhờ hoàn thiện kĩ thuật, mở rộng cự li vận tải, tăng tốc độ vận chuyển mà các vùng xa xôi về mặt địa lí cũng trở nên gần.
- Sự phát triển của giao thông vận tải góp phần thúc đẩy sự phân công lao động theo lãnh thổ. Trong sự phân công lao động theo lãnh thổ, mỗi lãnh thổ dựa vào những thuận lợi nổi trội của mình về các nguồn lực để sản xuất một số sản phẩm hàng hóa chuyên biệt có giá trị cao (chuyên môn hóa), đưa trao đổi với các lãnh thổ khác. Việc trao đổi đó không thể xảy ra nếu không có hoạt động của giao thông vận tải.
Câu 2: Mạng lưới sông ngòi dày đặc ảnh hưởng như thế nào tới ngành giao thông vận tải ở nước ta?
Trả lời:
- Mạng lưới sông ngòi dày đặc thuận lợi cho ngành vận tải đường sông (chính vì thế ở nước ta vận tải đường sông có khối lượng vận chuyển hàng hóa đứng thứ hai sau đường bộ).
- Mạng lưới sông ngòi dày đặc lại không thuận lợi cho vận tải đường ô tô và đường sắt, đòi hỏi phải làm nhiều cầu, phà, và dễ gây tắc nghẽn giao thông trong mùa lũ. Điều này rất rõ đối với các tuyến đường chạy theo hướng Bắc – Nam (quốc lộ 1A, đường sắt Thống Nhất).
Câu 3: Tại sao nói : “Giao thông vận tải là ngành sản xuất vật chất độc đáo”?
Trả lời:
- Giao thông vận tải là ngành không trực tiếp tạo ra của cải vật chất cho xã hội. Sản phẩm của ngành giao thông vận tải chính là sự chuyên chở người và hàng hóa, được đánh giá theo ba chỉ tiêu: khối lượng vận chuyển, khối lượng luân chuyển và cự li vận chuyển trung bình.
- Ngành giao thông vận tải có vai trò đặc biệt mà các ngành khác không có:
+ Đảm bảo cho các quá trình sản xuất xã hội diễn ra liên tục và bình thường.
+ Đảm bảo nhu cầu đi lại của nhân dân, giúp cho sinh hoạt được thuận tiện.
+ Là nhân tố quan trọng trong phân bố sản xuất và phân bố dân cư.
+ Thúc đẩy hoạt động kinh tế, văn hóa ở các vùng núi xa xôi.
+ Củng cố tính thống nhất của nền kinh tế, tăng cường sức mạnh quốc phòng.
+ Tạo nên mối giao lưu kinh tế giữa các nước trên thế giới.
Câu 4: Tại sao sự phân bố đường sắt gắn liền với sự phân bố công nghiệp?
Trả lời:
Đường sắt: Vận tải đường sắt có ưu điểm nổi bật là vận tải được các hàng nặng trên quãng đường xa với tốc độ nhanh ổn định và giá rẻ, nên rất thích hợp cho vận chuyển hàng hóa công nghiệp (nguyên liệu, sản phẩm,...).
Câu 5: Tại sao sự phát triển đường biển gắn chặt với sự mở rộng buôn bán quốc tế?
Trả lời:
Đường biển: Do ưu thế chở được khối lượng hàng hóa lớn với giá thành rẻ, vượt được đại dương rộng - lớn, khối lượng luân chuyển hàng hóa lớn,... nên vận tải đường biển đảm bảo phần lớn trong vận tải hàng hóa quốc tế.
=> Giáo án địa lí 10 chân trời bài 34: Địa lí ngành giao thông vận tải