Câu hỏi tự luận ngữ văn 10 chân trời sáng tạo Bài 6: Thực hành tiếng việt tr15
Bộ câu hỏi tự luận Ngữ văn 10 Chân trời sáng tạo. Câu hỏi và bài tập tự luận Bài 6: Thực hành tiếng việt tr15. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Ngữ văn 10 Chân trời sáng tạo
Xem: => Giáo án ngữ văn 10 chân trời sáng tạo (bản word)
THỰC HÀNH TIẾNG VIỆT (TRANG 15)
( 20 câu)
1. NHẬN BIẾT ( 5 câu)
Câu 1: Trường hợp nào dưới đây được xem là mắc lỗi về trật tự từ? Hãy đưa ra cách sửa lỗi cho trường hợp ấy
- a. Một bộ phận độc giả đông đảo đã không cảm nhận được cái mới ngay trong thơ Hàn Mặc Tử.
- b. Là thể thơ ngắn nhất thế giới, hai-cư được xem như một “đặc sản” của văn chương Nhật Bản.
- c. Nói chung, người đọc thơ trữ tình cần quan tâm đến mạch sự kiện hơn là mạch cảm xúc của bài thơ.
- d. Rất nhiều hình ảnh đời thường xuất hiện trong thơ hai-cư Nhật Bản.
e. Thơ Đường luật mặc dù chặt chẽ bố cục nhưng vẫn có những khoảng trống liên tưởng khoi gợi.
g. Điều làm thích thú người đọc ở bài thơ này là cách độc đáo gieo vần.
h. Trong bài thơ “Tiếng thu”, đóng vai trò quan trọng là các từ láy tượng thanh.
i. Nhà thơ cho phép thơ lãng mạn giải phóng cảm xúc của mình một cách rất phóng khoáng
Trả lời:
Các câu cần phải sửa lỗi:
a. Một bộ phận độc giả đông đảo đã không cảm nhận được cái mới ngay trong thơ Hàn Mặc Tử.
=> Một bộ phận đông đảo độc giả đã không cảm nhận được cái mới trong thơ Hàn Mặc Tử.
c. Nói chung, người đọc thơ trữ tình cần quan tâm đến mạch sự kiện hơn là mạch cảm xúc của bài thơ.
=> Nói chung, người đọc thơ trữ tình cần quan tâm đến mạch cảm xúc hơn là mạch sự kiện của bài thơ.
e. Thơ Đường luật mặc dù chặt chẽ bố cục nhưng vẫn có những khoảng trống liên tưởng khơi gợi.
=> Thơ Đường luật mặc dù có bố cục chặt chẽ nhưng vẫn có những khoảng trống liên tưởng khơi gợi.
g. Điều làm thích thú người đọc ở bài thơ này là cách độc đáo gieo vần.
=> Điều làm người đọc thích thú ở bài thơ này là cách gieo vần độc đáo.
h. Trong bài thơ “Tiếng thu”, đóng vai trò quan trọng là các từ láy tượng thanh.
=> Trong bài thơ “Tiếng thu”, các từ láy tượng thanh đóng vai trò rất quan trọng.
i. Nhà thơ cho phép thơ lãng mạn giải phóng cảm xúc của mình một cách rất phóng khoáng.
=> Nhà thơ lãng mạn cho phép thơ giải phóng cảm xúc của mình một cách rất phóng khoáng
Câu 2: Thế nào là lỗi sắp xếp sai thứ tự từ trong câu? Việc sắp xếp trật tự từ còn có thể phục vụ mục đích gì?
Trả lời:
Lỗi trật tự từ trong câu là một lỗi phổ biến thường gặp trong đời sống. Việc sắp xếp sai thứ tự từ trong câu sẽ dẫn đến việc hiểu sai ý nghĩa câu.
Việc sắp xếp trật tự từ còn có thể phục vụ nhiều mục đích khác nhau như: thể hiện thứ tự nhất định của sự vật, hoạt động, đặc điểm; nhấn mạnh hình ảnh, đặc điểm của sự vật, hiện tượng; liên kết câu với những câu khác trong văn bản.
Câu 3: Em đã gặp phải lỗi dùng từ nào trong quá trình viết văn chưa hoặc đọc một bài văn, một câu chuyện cười về lỗi dùng từ? Hãy chia sẻ về lỗi em đã gặp đó.
Trả lời:
Em đã từng gặp một vài lỗi dùng từ khi viết văn như:
● Sau khi nhận tin, tôi gọi An đi cùng ngay.
● Lỗi trật tự từ, câu này nên nói là: Sau khi nhận tin, tôi gọi An cùng đi ngay lập tức.
Câu 4: Có nên lạm dụng từ Hán Việt hay không? Em hãy nêu ví dụ và phân tích xem trường hợp đó thuộc lỗi dùng từ nào?
Trả lời:
● Không nên lạm dụng từ Hán Việt theo phong trào vì nghĩ là “thời thượng” và tạo được cảm giác “mỹ miều” bởi điều này sẽ làm mất dần đi sự trong sáng của tiếng Việt. Thay vào đó, hãy dùng từ Hán Việt khi đã hiểu rõ nghĩa của từ, dùng đúng phong cách và trong ngữ cảnh phù hợp.
● Ví dụ: Bà nội của An đã hy sinh vào năm ngoái
● Đây là lỗi dùng từ sai phong cách, ngữ cảnh. Mặc dù tránh cảm giác đau buồn nhưng từ ngữ đó không đúng.
Câu 5: Khảo sát và sưu tầm một số lỗi về dùng từ, trật tự từ trên báo mạng hiện nay. Phân tích nguyên nhân lỗi và đề xuất cách sửa cho từng trường hợp
Trả lời:
Câu: “Hàng nội chiếm lĩnh thị trường đồ dùng học tập”
Lỗi sai: trật tự từ sai, bị đảo lộn giữa các từ ngữ.
Chữa lại: Đồ dùng học tập do hàng nội địa sản xuất đang chiếm lĩnh thị trường.
Câu: “9 xe lăn tặng bệnh viện ung bướu TP.HCM”
Sai: Đảo lộn trật tự các từ ngữ
Chữa: Bệnh viện ung bướu TPHCM đã được tặng 9 xe lăn phục vụ cho bệnh nhân.
2. THÔNG HIỂU ( 8 câu)
Câu 1: Chỉ ra và sửa lỗi về trật tự từ trong các câu sau:
- a. Các nhân viên cứu hộ mang theo nhiều trang thiết bị phục vụ công tác cứu nạn đến từ Áo và Xlo-va-ki-a khẩn trương tiếp cận với hiện trường của vụ lóc xoáy ở phía nam Cọng hòa Séc.
- b. Để tiện lợi cho việc giao thương, người bán hàng trên chợ nổi có những lối rao hàng dân dã, thú vị mà giản tiện.
- c. Sơn cúi đầu lặng im, sợ hãi, néo vào sau lưng chị.
- d. Ngọn khói nhẹ bẫng như tơ, màu xanh, quẩn trên mái lá.
Trả lời:
a. Cụm từ “đến từ Áo và Xlo-va-ki-a” bị hiểu nhầm là phần bổ sung ý nghĩa cho cụm từ “trang thiết bị phục vụ công tác cứu nạn”, trong khi người viết muốn diễn đạt ý “Các nhân viên cứu hộ đến từ Áo và Xlo-va-ki-a”. Vì vậy, cách sắp xếp trật tự từ như trên khiến câu trở nên mơ hồ về nghĩa.
→ Cách sửa: Sắp xếp lại trật tự từ để diễn đạt đúng nội dung muốn thể hiện: Các nhân viên cứu hộ đến từ Áo và Xlo-va-ki-a mang theo nhiều thiết bị phục vụ công tác cứu nạn, khẩn trương tiếp cận với hiện trường của vụ lốc xoáy ở phía nam Cộng hòa Séc.
b. Trong câu này, việc sắp xếp các cụm từ “dân dã, thú vị nhưng giản tiện” không theo trật tự hợp lí. Người viết muốn nhấn mạnh đến đặc tính “thù vị” của lối rao hàng tuy “dân dã, giản tiện” trên chợ nổi, vì vậy cách sắp xếp trật tự từ như vậy chưa tạo được hiệu quả biểu đạt như người viết mong muốn.
→ Cách sửa: Sắp xếp lại trật tự từ để diễn đạt đúng nội dung muốn thể hiện: Để tiện lợi cho việc giao thương, người bán hàng trên chợ nổi có những lối rao hàng dân dã, giản tiện mà thú vị.
c. Trong câu này, việc sắp xếp các cụm từ “cúi đầu lặng im, sợ hãi, nép vào sau lưng chị” không theo trật tự hợp lí. Hai cụm từ “cúi đầu lặng im” và “nép sau lưng chị: miêu tả những biểu hiện cụ thể của trạng thái “sợ hãi”, vì vậy nên được đặt sau “sợ hãi” để giải thích rõ hơn cho trạng thái tâm lí ấy. Cách sắp xếp trật tự từ như trong câu trên là chưa phù hợp.
→ Cách sửa: Sơn sợ hãi, cúi đầu lặng im, nép vào sau lưng chị.
d. Trong câu này, việc sắp xếp các hành động không theo một trật tự hợp lí khiến sai lô gic.
→ Cách sửa: Ngọn khói màu xanh, nhẹ bẫng như tơ, quẩn trên mái lá.
Câu 2: Có học sinh khi làm bài nghị luận văn học về bài thơ Tây Tiến đã sửa câu thơ của Quang Dũng “Quân xanh màu lá dữ oai hùm” thành “Quân xanh màu lá dữ oai hùng”. Theo bạn, cách sử dụng từ ngữ ở trường hợp nào mang đến hiệu quả nghệ thuật cao hơn? Vì sao?
Trả lời:
Cách sử dụng từ oai hùm trong câu thơ của Quang Dũng mang hiệu quả nghệ thuật cao hơn vì oai hùm không chỉ gợi được vẻ oai phong, lẫm liệt của những người lính Tây Tiến mà còn góp phần khẳng định: vẻ đẹp ấy mang sự dũng mãnh như những mãnh hổ làm chủ, ngự trị chốn rừng thiêng.
Câu 3: Giải thích hiệu quả biểu đạt của từ tắm được in đậm trong đoạn văn sau:
Thanh thấy tâm hồn nhẹ nhõm tươi mát như vừa tắm ở suối. Chàng tắm trong cái không khí tươi mát này. Những ngày bận rộn ở tỉnh giờ xa quá. Khu vườn với các cây quen đã nhận biết chàng rồi. (Trích Dưới bóng hoàn lan, Thạch Lam)
Trả lời:
- … tắm ở suối: từ tắm được dùng để biểu đạt nghĩa gốc của từ là miêu tả hành động giội nước lên người hoặc ngâm mình trong nước cho sạch sẽ, mát mẻ.
- … tắm trong cái không khí tươi mát này: trong trường hợp, từ tắm được dùng để biểu đạt nghĩa chuyển của từ với ý nghĩa là “đắm mình trong không khí tươi mát, dịu nhẹ, ngọt ngào của khu vườn và ngôi nhà thân thuộc”. Cách sử dụng từ tắm như vậy đã thể hiện được trọn vẹn niềm hạnh phúc của Thanh khi được trở về, dường như sự trở về đã giúp chàng có cơ hội để gột rửa, trút bỏ tất cả những lo toan, mệt nhọc của cuộc sống bên ngoài, đem đến cho chàng sự nhẹ nhõm, thanh thản và tươi mát trong tâm hồn. Cách dùng từ như vậy cũng khiến người đọc hiểu hơn về tình cảm của Thanh dành cho ngôi nhà của mình.
Câu 4: Chỉ ra hiệu quả của dấu chấm lửng trong câu kết của văn bản Tình ca ban mai (Chế Lan Viên):
Mai, hoa em lại về …
Trả lời:
Câu kết với dấu chấm lửng vừa thể hiện niềm tin vừa thể hiện niềm hi vọng của chủ thể trữ tình: rồi em lại về
Câu 5: Phép điệp đã được sử dụng trong suốt năm đoạn thơ của văn bản Hà Nội – Phố (Phan Vũ). Hãy tìm và chỉ ra hiệu quả nghệ thuật của phép điệp trong văn bản trên.
Trả lời:
- Điệp ngữ: Em ơi! Hà Nội – Phố!, ta còn em…
- Hiệu quả của phép thứ nhất: thể hiện tình cảm yêu thương tha thiết của tác giả đối với Hà Nội.
- Hiệu quả của phép điệp thứ hai: vừa thể hiện nỗi xót xa về những gì được gọi là kí ức Hà Nội đẹp đẽ, vừa khẳng định pha lẫn niềm mong mỏi vẻ đẹp lịch sử, văn hóa, con người của Hà Nội còn mãi,…
Câu 6: Cách sắp xếp trật tự từ trong các ngữ liệu dưới đây thể hiện ý nghĩa và sắc thái biểu cảm khác nhau như thế nào?
a) Anh về bao giờ?
Bao giờ anh về?
b) Bức tranh ấy rất đẹp.
Bức tranh rất đẹp ấy
c) Đau đớn thay phận đàn bà! (Nguyễn Du)
Phận đàn bà đau đớn thay!
d) Đẹp vô cùng, Tổ quốc ta ơi!
Rừng cọ, đổi chè, đồng xanh ngào ngạt. (Tố Hữu)
Trả lời:
a) Anh về bao giờ? là câu hỏi về quá khứ, sự việc đã xảy ra.
Bao giờ anh về? là câu hỏi về tương lai, sự việc chưa xảy ra.
b) Bức tranh ấy rất đẹp là một câu hoàn chỉnh, có kết cấu C - V.
Bức tranh rất đẹp ấy là một cụm danh từ, chưa phải là một câu hoàn chỉnh.
c) Câu Đau đớn thay phận đàn bà! có tính biểu cảm, hình tượng và nhấn mạnh nhờ đảo ngữ.
Câu Phận đàn bà đau đớn thay! chỉ có tính biểu cảm, tính nhấn mạnh chưa cao vì vẫn theo trật tự thông thường.
d) Câu thơ Đẹp vô cùng, Tổ quốc ta ơi! có cấu trúc đảo ngữ, tạo nên được cách nói đầy biểu cảm và hình tượng
Câu 8: Trật tự từ trong các câu thơ Đường luật sau có gì khác trật tự từ thông thường? Phân tích tác dụng tu từ của hiện tượng đảo trật tự từ mà tác giả đã lựa chọn.
a) Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn,
Trơ cái hồng nhan với nước non.
(Hồ Xuân Hương)
b) Lom khom dưới núi tiều vài chú,
Lác đác bên sông chợ máy nhà.
(Bà Huyện Thanh Quan)
c) Lao xao chợ cả làng ngư phủ,
Đăng dỏi cầm ve lầu tịch dương.
(Nguyễn Trãi)
d) Lặn lội thân cò khi quãng vắng,
Eo sèo mặt nước buổi đò đông.
(Trần Tế Xương)
Trả lời:
a) Trật tự từ được đảo vị trí trong câu thơ: Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn.
Trật tự từ thông thường phải là: “Trống canh dồn văng vẳng đêm khuya”.
- Lác dụng tu từ của hiện tượng đảo trật tự từ mà tác giả đã lựa chọn: Khi đảo “đêm khuya văng vẳng” lên trước “trống canh dồn”, tác giả có chủ ý nhấn mạnh đến không gian, thời gian vắng vẻ của trời đất trước tâm trạng con người.
b) - Trật tự từ được đảo vị trí trong câu thơ: Lom khom dưới núi tiều vài chú / Lác đác bên sông chợ mấy nhà. Trật tự từ thông thường phải là: “Vài chú tiều lom khom dưới núi / Mấy nhà chợ lác đác bên sông”.
- Tác dụng tu từ của hiện tượng đảo trật tự từ mà tác giả đã lựa chọn: Khi đảo “lom khom dưới núi”, “lác đác bên sông” lên trước “vài chú tiều”, “mấy nhà chợ”, tác giả có chủ ý nhấn mạnh đến không gian heo hút, thưa thớt, vắng vẻ tịch liêu của sông núi nơi Đèo Ngang trước tâm trạng cô đơn của con người.
c) - Trật tự từ được đảo vị trí trong câu thơ: Lao xao chợ cá làng ngư phủ / Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương. Trật tự từ thông thường phải là: “Chợ cá làng ngư phủ lao xao / Cầm ve lầu tịch dương dắng dỏi”.
- Tác dụng tu từ của hiện tượng đảo trật tự từ mà tác giả đã lựa chọn: Khi đảo “lao xao”, “dắng dỏi” lên trước “chợ cá làng ngư phủ”, “cầm ve lầu tịch dương”, tác giả có chủ ý nhấn mạnh đến âm thanh gợi cảnh nhộn nhịp của cuộc sống ngày hè.
d) - Trật tự từ được đảo vị trí trong câu thơ: Lặn lội thân cò khi quãng vắng / Eo sèo mặt nước buổi đò đông. Trật tự từ thông thường phải là: “Thân cò lặn lội khi quãng vắng / Mặt nước buổi đò đông eo sèo”.
- Tác dụng tu từ của hiện tượng đảo trật tự từ mà tác giả đã lựa chọn: Khi đảo “lặn lội”, “eo sèo” lên trước “thân cò khi quãng vắng”, “mặt nước buổi đò đông”, tác giả có chủ ý nhấn mạnh đến cuộc sống vất vả của người nông dân (lặ lội) và bấp bênh của cuộc sống mưu sinh (eo sèo) một cách hình tượng hoá, có tác dụng biểu cảm cao.
3. VẬN DỤNG ( 4 câu)
Câu 1: Trong câu thơ "Xanh xanh bãi mía bờ dâu" (Hoàng Cầm, Bên kia Sông Đuống), có phải tác giả mắc lỗi về trật tự của từ không?
Trả lời:
● Nếu theo đúng trật tự từ, thì tác giả nên ghi là : Bãi mía, bờ dâu xanh xanh
● Tuy nhiên, đây không phải mắc lỗi về trật tự từ, mà đây chính là ngụ ý của tác giả. Tác giả muốn đảo từ “xanh xanh” lên đầu câu để nhấn mạnh, tăng sức gợi hình gợi cảm cho câu thơ.
Câu 2: Hãy tìm những lỗi dùng từ và trật tự từ trong những câu sau và sửa chúng.
a, Có lẽ thơ Hai-cư dường như là thể thơ kiệm lời bậc nhất
b, Việc chăm chỉ đọc sách giúp ta tích lũy được nhiều trí thức bổ ích
c, Bài thơ có nhiều lỗi diễn đạt hơi bị lạ so với ngôn ngữ thông thường
d, Bài thơ đã thi vị miêu tả khung cảnh mùa xuân làng quê
Trả lời:
a, Lỗi lặp từ “thơ”
● Sửa thành: Có lẽ Hai-cư là thể thơ kiệm lời bậc nhất
b, Lỗi dùng sai từ “trí thức”
● Sửa thành: Việc chăm chỉ đọc sách giúp ta tích luỹ được nhiều tri thức bổ ích
c, Lỗi dùng từ sai “Hơi bị lạ” => thường dùng trong văn nói
● Sửa thành: Bài thơ có nhiều lối diễn đạt khác lạ so với ngôn ngữ thông thường
d, Sửa thành: Bài thơ đã miêu tả khung cảnh mùa xuân làng quê một cách thi vị.
Câu 3: Hiệu quả diễn đạt của trật tự từ trong câu văn "Cả tiền phạt, tiền thuốc, tiền lợn, mày phải chịu một trăm bạc trắng" (Tô Hoài) là gì ?
Trả lời:
● Thu hút sự chú ý của người đọc vào cụm từ Cả tiền phạt, tiền thuốc ...
● Nhấn mạnh việc liệt kê các loại tiền mà người nghe phải đóng.
Câu 4: Phân tích và sửa lỗi về trật tự từ trong các câu sau:
a) Tự tình (bài 2) là một trong những bài thơ cất lên tiếng nói quyết liệt đấu tranh cho nữ quyền của Hồ Xuân Hương.
b) Câu cá mùa thu, Vịnh mùa thu, Uống rượu mùa thu là chùm thơ thu của Nguyễn Khuyến nổi tiếng.
c) Đến năm 2000, phải thanh toán hết các trang thiết bị cũ kĩ, lạc hậu, phải đầu tư một số dụng cụ chuyên khoa cần thiết cho các trạm y tế xã như răng, mắt.
d) Họ úp cái nón lên mặt, nằm xuống ngủ một giấc cho đến chiều.
Trả lời:
a) - Phân tích nguyên nhân lỗi: Cụm từ “của Hồ Xuân Hương” đặt không đúng quan hệ ngữ pháp trong câu.
- Cách sửa: Đưa cụm từ “của Hồ Xuân Hương” về sau cụm từ “là một trong những bài thơ” thành câu tường minh về ngữ nghĩa: “Tự tình (bài 2) là một trong những bài thơ của Hồ Xuân Hương cất lên tiếng nói quyết liệt đấu tranh cho nữ quyền.”.
b) - Phân tích nguyên nhân lỗi: Trật tự từ trong câu không lô gích, không chặt chẽ. Định ngữ “nổi tiếng” đặt sai vị trí, làm cho câu trở nên mơ hồ.
- Cách sửa: Đưa từ “nổi tiếng” về sau cụm từ “chùm thơ thu” làm định ngữ trong cụm danh từ “chùm thơ thu nổi tiếng” thành câu tường minh về ngữ nghĩa:
“Câu cá mùa thu, Vịnh mùa thu, Uống rượu mùa thu là chùm thơ thu nổi tiếng
của Nguyễn Khuyến.”.
c)
- Phân tích nguyên nhân lỗi: Cụm từ “như răng, mắt” đặt không đúng trật tự từ trong câu và thiếu quan hệ từ “về” gây mơ hồ cho nghĩa của câu.
- Cách sửa: Đưa cụm từ “như răng, mắt” về sau cụm từ “dụng cụ chuyên khoa” thành câu tường minh về ngữ nghĩa: “Đến năm 2000, phải thanh toán hết các trang thiết bị cũ kĩ, lạc hậu, phải đầu tư một số dụng cụ chuyên khoa cần thiết như về răng, về mắt cho các trạm y tế xã.”.
d)
- Phân tích nguyên nhân lỗi: Trật tự từ trong câu đặt không đúng lô gích của trình tự thông thường, gây mơ hồ cho nghĩa của câu. Trật tự này phi lí ở chỗ hành động “úp nón lên mặt” lại diễn ra trước hành động “nằm xuống ngủ”.
- Cách sửa: Đưa cụm từ “nằm xuống” lên trước cụm từ “úp cái nón lên mặt” thành câu tường minh về ngữ nghĩa: “Họ nằm xuống, úp cái nón lên mặt, ngủ một giấc cho đến chiều.”.
4. VẬN DỤNG CAO ( 3 câu)
Câu 1: Nêu tác dụng của việc sử dụng các từ Hán Việt trong văn viết.
Trả lời:
+ Tạo sắc thái trang trọng, nghiêm trang, biểu thị thái độ tôn kính, trân trọng, làm nổi bật ý nghĩ lớn lao của sự vật, sự việc.
+ Tạo sắc thái tao nhã, tránh thô tục, tránh gây cảm giác ghê sợ hoặc đau buồn
+ Tạo sắc thái cổ xưa, làm cho người đọc nhưi được sống trong bầu không khí xã hội xa xưa
Câu 2: Thay thế các câu sau đây bằng các câu có dùng từ Hán Việt sao cho tương đồng về ý nghĩa và trang nhã hơn:
- a. Anh ấy bảo tôi thay anh ấy làm hết những giấy tờ này.
- b. Nền kinh tế nước ấy đã mạnh trở lại và từ chỗ đi sau dần trở thành đi trước.
- c. Các nghĩa sĩ Cần Giuộc đã bạo dạn đánh vào đồn giặc Pháp, không sợ chết chóc.
- d. Những điều ông ấy nói trong cuộc họp đã bị nhiều người chống lại.
Trả lời:
a. Anh ấy bảo tôi thay anh ấy làm hết những thủ tục này.
b. Nền kinh tế nước ấy đã phục hồi mạnh mẽ và từ chỗ tụt hậu dần trở thành tiên phong.
c. Các nghĩa sĩ Cần Giuộc đã dũng cảm đánh vào đồn giặc Pháp, không sợ hi sinh.
d. Những điều ông ấy nói trong cuộc họp đã bị nhiều người phản đối.
Câu 3: Phân tích tác dụng và hiệu quả diễn đạt của việc sắp xếp trật tự từ trong các trường hợp sau:
a) Của ta trời đất đêm ngày
Núi kia, đồi nọ, sông này của ta (Tố Hữu)
b) Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng
Nhị vàng bông trắng lá xanh,
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn. (Ca dao)
c) Của ong bướm này đây tuần tháng mật;
Này đây hoa của đồng nội xanh rì;
Này đây lá của cành tơ phơ phất;
Của yến anh này đây khúc tình si. (Xuân Diệu)
Trả lời:
a)
- Trật tự từ khác nhau của câu thơ được thể hiện ở từ ngữ “của ta” đảm nhận chức vụ cú pháp và ngữ nghĩa khác nhau. Trong câu thơ thứ nhất, vị ngữ “của ta” đặt trước chủ ngữ (trời, đất, đêm, ngày); còn trong câu thơ thứ hai, vị ngữ “của ta” đặt sau chủ ngữ (núi kia, đồi nọ, sông này).
- Tác dụng tu từ: Bằng việc sắp xếp trật tự từ khác nhau, tác giả có dụng ý diễn đạt khẳng định chủ quyền và sở hữu “của ta” đối với mọi vật trong không gian và thời gian. Sự khẳng định “của ta” lúc ở đầu câu thơ, lúc ở cuối câu thơ đã thể hiện được sự khác nhau của sự việc và thời điểm được nói đến trong các câu thơ.
b)- Bài ca dao gồm bốn câu thơ nhưng trật tự từ được sắp xếp ở những vị trí rất khác nhau. Đó là sự thay đổi trật tự của các từ ngữ: lá xanh, bông trắng, nhị vàng.
- Tác dụng tu từ: Dụng ý tu từ của việc thay đổi vị trí các từ ngữ này trong mỗi câu thơ, một mặt để phù hợp với sự hài hoà của vần điệu, nhịp điệu câu thơ, mặt khác miêu tả được chân thực và sinh động trạng thái, tính chất của con người trong sự quan sát vẻ đẹp của loài hoa sen từ trong ra ngoài, từ ngoài vào trong một cách kĩ lưỡng.
c)
- Đoạn trích của Xuân Diệu gồm bốn câu thơ, mỗi câu thơ, về nội dung đều gồm ba bộ phận: phần chỉ định vị trí (này đây), phần nêu sự vật và phần nêu kẻ sở hữu chứa quan hệ từ “của” (của yến anh); trong đó, hai câu có trật tự cú pháp thông thường (câu 2 và câu 3), còn hai câu có sự thay đổi trật tự so với cú pháp thông thường (câu 1 và câu 4).
Tác dụng tu từ: Cách sắp xếp khác nhau này tạo tính nhạc, tính sinh động và vần điệu cho câu thơ, phù hợp với sự nhộn nhịp của cuộc sống. Có thể viết lại câu 1 và câu 4 theo trật tự cú pháp thông thường như sau: “Này đây tuần tháng mật của ong bướm / Này đây khúc tình si của yến anh”.
=> Giáo án ngữ văn 10 chân trời tiết: Thực hành tiếng việt bài 6 – Nâng niu kỉ niệm