Câu hỏi tự luận ngữ văn 10 chân trời sáng tạo Bài 3: Văn bản. Nắng đã hanh rồi

Bộ câu hỏi tự luận Ngữ văn 10 Chân trời sáng tạo. Câu hỏi và bài tập tự luận Bài 3: Văn bản. Nắng đã hanh rồi. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Ngữ văn 10 Chân trời sáng tạo

Xem: => Giáo án ngữ văn 10 chân trời sáng tạo (bản word)

VĂN BẢN. NẮNG ĐÃ HANH RỒI

( 13 câu)

1.    NHẬN BIẾT ( 5 câu)

Câu 1: Dựa vào hiểu biết cá nhân hãy giới thiệu về tác giả Vũ Quần Phương và bài thơ Nắng đã hanh rồi.

Trả lời:

1. Tác giả

- Vũ Quần Phương (sinh năm 1940) tên thật là Vũ Ngọc Chúc. Bút danh khác của ông: Ngọc Vũ, Phương Viết.

- Ông là nhà thơ, nhà báo và nhà phê bình văn học.

- Quê quán: Nam Định

- Ông là nhà thơ, nhà phê bình văn học.

- Tác phẩm chính: Hoa trong cây (1977), Vầng trăng trong xe bò (1988), Vết thời gian (1996)…

2. Tác phẩm

- Bài thơ được in trong tập Hoa trong cây, Những điều cùng đến, Vết thời gian, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2014, tr33.

- Thể thơ: 7 chữ

Câu 2: Em hãy trình bày bố cục của bài thơ Nắng đã hanh rồi và nêu nội dung chính từng phần

Trả lời:

- Bố cục: 4 phần

+ Khổ 1: Khung cảnh thiên nhiên mùa đông ở trước sân.

+ Khổ 2: Khung cảnh thiên nhiên mùa đông ở trên những mái tranh. 

+ Khổ 3: Khung cảnh thiên nhiên mùa đông ở trên núi.

+ Khổ 4: Những hy vọng tương lai của nhân vật trữ tình.

Câu 3: Giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của văn bản Nắng đã hanh rồi?

Trả lời:

Giá trị nội dung:

Bài thơ miêu tả khung cảnh thiên nhiền mùa đông ở trước sân nhà, trên những mái tranh và khung cảnh thiên nhiên mùa đông ở trên núi. Qua đó thể hiện dòng cảm xúc của nhân vật trữ tình đối với người con gái ở phương xa. 

Giá trị nghệ thuật:

- Thể thơ bảy chữ, gieo vần cuối câu

- Nghệ thuật miêu tả tài tình

- Giọng thơ lúc tươi vui, lúc thủ thỉ tâm tình, réo rắt đi vào lòng người.

- Ngôn từ thuần Việt, giàu cảm xúc

Câu 4: Em hiểu như thế nào về ý nghĩa của nhan đề bài thơ “Nắng đã hanh rồi”

Trả lời:

Nhan đề bài thơ gợi cho ta sự chuyển biến của tiết trời "Nắng đã hanh rồi". Đất trời, vạn vật đang dần chuyển mình, bước vào thời điểm nắng hanh vừa nóng, vừa lạnh. Giây phút đắm mình trong thời tiết đặc trưng chỉ có ở đồng bằng Bắc Bộ mỗi độ đông đến, chủ thể trữ tình đã vẽ lên cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp qua lời thơ của mình.

2.    THÔNG HIỂU ( 5 câu)

Câu 1: Em hãy phân tích các đặc điểm nghệ thuật của bài thơ “Nắng đã hanh rồi”

Trả lời:

- Nhân vật trữ tình: Bài thơ như lời bày tỏ của nhân vật ''anh'' đến nhân vật ''em'' thông qua miêu tả, cảm nhận thiên nhiên xung quanh. Những câu từ như một lời mời gọi, mời ''em'' đến với không gian, thiên nhiên ngày nắng.

à Điều làm cho việc thể hiện tình cảm, cảm xúc của chủ thể trữ tình nên độc đáo, giàu màu sắc và cảm xúc.

- Chủ đề: Tình yêu thiên nhiên, đất nước.

- Cảm hứng chủ đạo: thiên nhiên ngày nắng hanh và nỗi nhớ trong tình yêu

- Phân tích một số hình ảnh, từ ngữ:

+ “Nắng đã vàng hanh”, “tiếng sếu vọng sông gày”: những dấu hiệu báo hiệu mùa đông, tiết trời hanh khô, se lạnh.

+ “Em ở nhà xa, em có hay; em có hình dung, em có nghe”: những câu hỏi tu từ không có lời đáp thể hiện nỗi nhớ của người ở lại với người em ở xa.

- Gieo vần: Tác giả chú trọng về việc gieo vần ở cuối câu thơ, tạo nên một nhịp cố định cho cả bài thơ.

+ Khổ 1, vần được gieo là vần ''ay'': bay, gày, hay.

+ Khổ 2, vần được gieo ở đây là vần ''anh'': tranh, lành, cành. Mỗi vần sẽ được gieo ở câu 1, 2 và 4 của khổ thơ

Câu 2: Phân tích những hình ảnh thiên nhiên xuất hiện trong bài thơ

Trả lời:

- Thiên nhiên trong bài thơ được quan sát, miêu tả vào thời điểm mùa đông.

- Dấu hiệu:

+ Nắng hanh: vừa nắng vừa lạnh. Đây là một kiểu thời tiết đặc trưng của mùa đông “Nắng đã vàng hanh như phấn bay”.

+ Tiếng sếu vọng sông ngày: theo như dân gian, khi nghe tiếng sếu kêu nghĩa là báo hiệu mùa đông.

+ Xuân sắp sang rồi, xuân sắp qua: mùa xuân sắp tới, từ đó thấy được hiện tại chính là mùa đông

Câu 3: Theo em, câu hỏi “Em có cùng anh lên núi không?” bộc lộ cảm xúc gì của nhân vật trữ tình

Trả lời:

Câu hỏi "Em có cùng anh lên núi không" không chỉ mang ý nghĩa mời mọc mà còn bộc lộ cảm xúc khát khao được ở gần người em xa nhà. Cảnh chiều tĩnh lặng, u hoài chất chứa bao tâm tư ở "anh"

Câu 4: Em hãy phân tích khổ thơ cuối của bài “Nắng đã hanh rồi” để thấy được suy tư của tác giả trước sự chảy trôi của thời gian

Trả lời:

- Trong thời khắc đất trời bước vào đông, tác giả có những suy tư về sự chảy trôi của thời gian. Đông chưa qua mà xuân lại sắp tới, rồi xuân cũng sắp qua đi.

- Thời gian cứ chảy trôi, mỗi khi nắng hanh về lại khiến lòng người bâng khuâng, bồn chồn

=> Bài thơ là những rung động tinh tế của tác giả khi nắng hanh về, là khúc nhạc êm ái thể hiện tình yêu và những rung động sâu sắc, đẹp đẽ của tác giả trước thiên nhiên đất trời.

Câu 5: Biện pháp tu từ nào đã được tác giả sử dụng trong câu thơ “Trước sân mây trắng về đông lắm”?

Trả lời:

- Biện pháp tu từ nhân hoá “về - đông”

- Tác dụng: Nhấn mạnh dấu hiệu của mùa đông đã về, tăng sức gợi hình gợi cảm cho câu thơ

3.    VẬN DỤNG ( 3 câu)

Câu 1: Chỉ ra và phân tích tác dụng của 01 biện pháp nghệ thuật mà em thấy đặc sắc nhất.

Trả lời:

- Biện pháp nghệ thuật mà em thấy đặc sắc nhất: sử dụng câu hỏi tu từ: Em ở xa nhà em có hay; Em có hình dung những mái tranh; Em có cùng anh lên núi không; Anh ngả vào đâu nỗi nhớ mong

- Tác dụng: Thể hiện tâm trạng nhung nhớ và tình yêu của anh đối với em; Tạo giọng điệu da diết, khắc khoải cho lời thơ

Câu 2: Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) cảm nhận về tình cảm của nhân vật trữ tình "anh" dành cho "em".

Trả lời:

Bài thơ khiến người đọc cảm nhận được tình cảm, tình yêu chân thành của nhân vật trữ tình dành cho cô gái phương xa. Khổ thơ nào anh cũng nhắc đến em. Em là đối tượng để anh giãi bày, thủ thỉ, tâm tình. Khổ thơ thứ nhất anh hỏi em: Em ở xa nhà em có hay - như muốn nhắc nhớ em về thời gian: đông đã sang rồi đấy. Thời gian đang chảy trôi theo mùa còn anh và em vẫn cách xa. Khổ thơ thứ hai vẫn là câu hỏi tu từ nhắc nhớ em có hình dung, có còn nhớ những hình ảnh quen thuộc của quê hương (mái tranh, khói ủ, tre mía xôn xao) và "nhân tiện" nhắc đến chính mình như muốn dự phần xuất hiện trong hình dung của em. Khổ thơ thứ ba, câu hỏi - lời mời gọi đã da diết hơn: mời em lên núi ngắm thông. Phải chăng đây là nơi hò hẹn của hai người? Bằng một cách khéo léo, anh đã đặt mình và thông trong sự đối sánh: thông ngả bóng xuống đất, còn anh không biết ngả vào đâu nỗi nhớ mong. Nỗi nhớ mong trào dâng mãnh liệt đã xui thúc anh tự bộc bạch, giãi bày. Lời hỏi tưởng chừng vu vơ mà ý tứ đã quá rõ.

Câu 3: Hãy phân tích hiệu quả nghệ thuật của 1 biện pháp tu từ trong hai câu thơ: "Nắng đã vàng hanh như phấn bay/ Đã nghe tiếng sếu vọng sông gày"

Trả lời:

Biện pháp tu từ:

So sánh "Nắng đã vàng hanh như phấn bay"

-> khiến câu thơ trở nên sinh động, hấp dẫn, gợi hình, gợi cảm hơn. 

-> Câu thơ nhấn mạnh vẻ đẹp của nắng, "nắng vàng hanh" chiếu xuống tạo ra vẻ đẹp lung linh, như dải bụi phấn bay trong không khí.

-> Tình yêu thiên nhiên của tác giả.

4.    VẬN DỤNG CAO ( 1 câu)

Câu 1: Phân tích tác phẩm Nắng đã hanh rồi

Trả lời:

Bằng hồn thơ trong trẻo, giàu cảm xúc, các tác phẩm của nhà thơ Vũ Quần Phương đều ghi lại dấu ấn sâu đậm trong lòng bạn đọc. Trong đó, bài thơ "Nắng đã hanh rồi", trích từ tập "Hoa trong cây, Những điều cùng đến, Vết thời gian" với những nét đặc sắc về nội dung và hình thức nghệ thuật đã phác họa rõ nét bức tranh thiên nhiên mùa đông.

Nhan đề bài thơ gợi cho ta sự chuyển biến của tiết trời "Nắng đã hanh rồi". Đất trời, vạn vật đang dần chuyển mình, bước vào thời điểm nắng hanh vừa nóng, vừa lạnh. Giây phút đắm mình trong thời tiết đặc trưng chỉ có ở đồng bằng Bắc Bộ mỗi độ đông đến, chủ thể trữ tình đã vẽ lên cảnh sắc:

"Nắng đã vàng hanh như phấn bay

Đã nghe tiếng sếu vọng sông gày
Trước sân mây trắng về đông lắm"

Không còn là ánh nắng chói chang của ngày hè, vàng như mật ong của trời thu, nắng hanh mùa đông đến thật đặc biệt. Nó vẫn mang sắc vàng thường thấy nhưng lại giống "phấn bay", nhẹ nhàng điểm xuyết trong tiết trời giá lạnh. Nhà thơ cũng thật tinh tế khi cảm nhận cảnh sắc thiên nhiên bằng thính giác. Từng đàn sếu vọng lại tiếng kêu như nhắc nhở, báo hiệu đông về. Và ở ngoài kia, những con sông đầy ắp phù sa nay đã gày mòn, ốm yếu. Thu lại tầm nhìn, chủ thể trữ tình phát hiện khoảng sân trước mắt "mây trắng về đông lắm". Bầu trời một màu ảm đạm, khoác lên mình sắc trắng của mây. Từ đây, không gian như được mở rộng, trở nên cao và xa. Đứng trước khung cảnh hiu hắt, u buồn, chủ thể trữ tình càng thêm khắc khoải nỗi suy tư "Em ở xa nhà, em có hay". Câu thơ đồng thời là lời thắc mắc, hoài nghi của "anh" với tự lòng mình và người "em" xa nhà.

Bức tranh thiên nhiên mùa đông tiếp tục được khơi gợi qua:

"Em có hình dung những mái tranh
Nắng lên khói ủ mộng yên lành
Vườn sau tre mía xôn xao lá"

Chủ thể trữ tình tiếp tục gợi nhắc cho "em" về hình ảnh thân quen của quê nhà. Đó là những mái nhà tranh đơn sơ đang hòa mình trong cái nắng hanh trời đông. Đó còn là ngọn khói nhẹ nhàng vấn vương, quấn quýt quanh căn nhà thân thương. Khung cảnh sau vườn cũng trở nên sôi động nhờ tiếng xôn xao như lời thì thầm của lá "tre mía xôn xao lá". Từ hình ảnh thú vị ấy, chủ thể trữ tình như muốn gửi gắm tới "em" tình cảm sâu nặng "Anh chẳng là cây cũng trĩu cành". Lắng nghe, ngắm nhìn cảnh vật quanh mình, "anh" vẫn cảm thấy trống trải, đơn điệu về tâm hồn. Bởi thế, đến với khổ thơ thứ ba, "anh" đã có lời mời gọi:

"Em có cùng anh lên núi không
Có nghe thầm thĩ tiếng rừng thông
Nắng chiều ngả bóng thông in đất
Anh ngả vào đâu nỗi nhớ mong"

Câu hỏi "Em có cùng anh lên núi không" không chỉ mang ý nghĩa mời mọc mà còn bộc lộ cảm xúc khát khao được ở gần người em xa nhà. Cảnh chiều tĩnh lặng, u hoài chất chứa bao tâm tư ở "anh". Bên rừng thông, tiếng thầm thì nhỏ nhẹ vọng về, không biết "em" có nghe thấy không. m thanh quen thuộc của quê hương càng làm "anh" thêm da diết nỗi nhớ em. Đứng trước không gian rộng lớn của núi rừng ấy, chủ thể trữ tình lại cảm thấy thật lẻ loi, cô đơn. Nếu như nắng nhẹ nhàng buông xuống, ngả bóng vào cây thông rồi in xuống mặt đất thì "anh" vẫn một mình đứng đó. Giờ đây, trong anh là bao ngổn ngang cùng nỗi nhớ thương "em" sâu sắc nhưng chẳng biết ngả vào đâu. Có thể thấy, nhà thơ đã vô cùng tinh tế khi mượn trạng thái ở sự vật để gửi gắm tâm tư, nỗi niềm của chủ thể trữ tình.

Đông qua, xuân tới, một năm sẽ đến với bao chờ mong tha thiết:

"Xuân sắp sang rồi, xuân sắp qua
Một năm năm tới, lại năm qua
Mà sao nắng cứ như tơ ấy
Rung tự trời cao xuống ngõ xa"

Điệp từ "xuân sắp" như muốn nhấn mạnh, khẳng định giây phút chuyển mùa từ đông sang xuân sắp tới gần. Phải chăng, đây cũng là lúc "anh" và "em" sum họp bên nhau? Nhưng thời gian có vẻ trôi lững thững quá. Ngoài kia, nắng vàng vẫn nhẹ nhàng buông xuống nhân gian như từng sợi tơ.

Với lời thơ nhẹ nhàng, sâu lắng, nhà thơ Vũ Quần Phương đã cho người đọc thấy được những rung cảm trong tình yêu, trong sự giao hòa cùng đất trời. Bên cạnh đó, các biện pháp tu từ như so sánh "nắng đã vàng hanh như phấn bay", đảo ngữ "Vườn sau tre mía xôn xao lá" kết hợp cùng rất nhiều hình ảnh quen thuộc, gần gũi "nắng lên khói ủ", "mái tranh", "mây trắng", "nắng hanh" như tô đậm cảnh sắc bức tranh thiên nhiên mùa đông yên bình, êm ả.

Có thể thấy, khung cảnh thiên nhiên trong tiết trời mùa đông hiện lên thật chân thực qua bài thơ "Nắng đã hanh rồi". Từ đây, ta cũng cảm nhận được những tình cảm chân thành của nhà thơ trong tình yêu, trong cuộc sống gắn bó, hòa hợp với tự nhiên.

=> Giáo án ngữ văn 10 chân trời tiết: Đọc mở rộng theo thể loại - Nắng đã hanh rồi

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận ngữ văn 10 chân trời sáng tạo - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu mới cập nhật

Tài liệu môn khác

Chat hỗ trợ
Chat ngay