Câu hỏi tự luận ngữ văn 10 chân trời sáng tạo Bài 7: Văn bản. Bảo kính cảnh giới

Bộ câu hỏi tự luận Ngữ văn 10 Chân trời sáng tạo. Câu hỏi và bài tập tự luận Bài 7: Văn bản. Bảo kính cảnh giới. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Ngữ văn 10 Chân trời sáng tạo

VĂN BẢN. BẢO KÍNH CẢNH GIỚI

(17 câu)

1.    NHẬN BIẾT (5 câu)

Câu 1: Trình bày thông tin về tác giả và tác phẩm Bảo kính cảnh giới.

Trả lời:

a, Tác giả

- Nguyễn Trãi (1380 – 1442)

- Quê quán: làng Chi Ngại, huyện Phượng Sơn, lộ Lạng Giang (nay thuộc Chí Linh, Hải Dương).

- Phong cách nghệ thuật: sắc sảo, khúc triết, thấu tình đạt lý, có nhu có cương

- Tác phẩm chính: Bình Ngô đại cáo, Quân trung từ mệnh tập, Ức Trai thi tập, Quốc âm thi tập,...

b, Tác phẩm

Trích từ tập thơ Quốc âm thi tập được viết trong những ngày Nguyễn Trãi ở ẩn ở Côn Sơn

Câu 2: Văn bản được chia làm mấy phần. Nêu nội dung chính từng phần

Trả lời:

Bố cục bài thơ này gồm có 2 phần chính:

-       Phần 1: 6 câu đầu: nói về vẻ đẹp bức tranh ngày hè

-       Phần 2: 2 câu cuối: niềm tha thiết lớn của nhà thơ với đời

Câu 3: Trình bày giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của văn bản “Bảo kính cảnh giới”

Trả lời:

a, Giá trị nội dung

Bài thơ là bức tranh thiên nhiên cảnh vật ngày hè đầy màu sắc và âm thanh sống động. Thể hiện tình yêu thiên nhiên và yêu nước song cũng chất chứa rất nhiều nỗi niềm day dứt khắc khoải.

Thể hiện nỗi niềm khát vọng của nhà thơ mong ước nhân dân khắp nơi được ấm no hạnh phúc

b, Giá trị nghệ thuật

-       Thể thơ thất ngôn xen lục ngôn

-        Sử dụng ngôn từ giản dị, sử dụng từ Hán kết hợp điển cố

-       Sử dụng từ láy độc đáo

Câu 4: Bảo kính cảnh giới thuộc thể loại thơ  nào?

Trả lời:

Bảo kính cảnh giới được viết theo thể loại  thơ Nôm Đường luật. Tức là viết bằng chữ Nôm và thể Đường luật. Đây được xem là một lối thơ riêng  do tác giả trung đại Việt Nam sáng tác dựa trên thể loại thơ Đường luật.

Câu 5: Tóm tắt văn bản Bảo kính cảnh giới bằng một đoạn văn ngắn.

Trả lời:

“Gương báu răn mình” là bài thơ được trích từ chùm thơ Bảo kính cảnh giới của nhà thơ Nguyễn Trãi. Bài thơ là bức tranh mùa hè tươi tắn, rực rỡ mà không chói chang. Đọc bài thơ ta có thể cảm nhận được tư tưởng, tình cảm yêu đời, yêu thiên nhiên và ước vọng cao đẹp của nhà thơ.

2.    THÔNG HIỂU (7 câu)

Câu 1: Bức tranh ngày hè được tác giả miêu tả như thế nào? Gồm có những màu sắc và âm thanh nào?

Trả lời:

Bức tranh ngày hè được tác gia miêu tả một cách đầy sinh động, tràn trề nhựa sống.

-       Màu sắc: màu xanh của hòe, màu đỏ của lựu, màu hồng của sen,  màu vàng của nắng...

⇨    Bức tranh ngày hè tươi tắn đầy màu sắc

-       Trạng thái sự vật:  đùn đùn, giương, phun, tiễn... Tác gia dùng các động từ mạnh để diên tả sự căng tràn của cảnh vật. Có một thứ gì đang thôi thúc từ bên trong khiến cho nó không kìm lại được phải đùn ra hết lớp này đến lớp khác

-       Cảnh vật cuối hè được miêu tả với những hình ảnh: sen đã tàn, đã hết mùi hương. Ngắt nhịp ¾ gây ấn tượng cùng sự chú ý cho người đọc làm nổi bật cảnh vật buổi chiều hè.

-       Âm thanh: Bức tranh ngày hè không chỉ được miêu tả bằng những hình ảnh màu sắc mà còn có cả âm thanh vô cùng sôi động và quen thuộc tiếng chợ cá “lao xao” cùng với tiếng ve inh ỏi đã tạo thành một bản nhạc hòa ca mùa hạ náo nhiệt tưng bừng.

⇨    Bức tranh ngày hè vô cùng rực rỡ, sinh động, tràn trề sức sống, hài hòa về màu sắc, âm thanh cũng như đường nét. Có sự gắn kết giữa con người và cảnh vật.

 

Câu 2: Nhà thơ có ước nguyện như thế nào với cuộc đời? Niềm mong ước đó được thể hiện như thế nào?

Trả lời:

-       2 câu thơ cuối tác gia sử dụng điển cố “ Ngu cầm” ( cây đàn của Vua Ngu Thuấn) để gảy 1 khúc Nam Phong

-       Thể hiện khát khao mang đến cuộc sống ấm no hạnh phúc cho nhân dân khắp mọi nơi

-       Khát vọng cao đẹp thể hiện tấm lòng vì dân vì nước của tác gia 
“Dân giàu đủ khắp đòi phương”.

-       Các ngắt nhịp 3/3 thể hiện sự dồn nén cảm xúc của cả bài đó thể hiện niềm khát vọng mong mỏi da diết cuộc sống thanh bình hạnh phúc.

-       Hai câu lục ngôn xuất hiện ở phần đề và kết bài góp phần nhấn mạnh nội dung cần biêu đạt đồng thời góp phần tạo nhịp điệu cho bài thơ.

 

Câu 3: Nêu ấn tượng chung của em về bức tranh thiên nhiên mùa hè được thể hiện trong bài thơ.

Trả lời:

Ấn tượng nổi bật về bức tranh thiên nhiên: vẻ đẹp tươi sáng, rực rỡ, tràn đầy sức sống; mọi sự vật đều ở trạng thái động;…

 

Câu 4: Những từ ngữ, hình ảnh nào trong bốn câu thơ đầu cho thấy sự vận động của thời gian và cảnh vật?

Trả lời:

“Rồi hóng mát thuở ngày trường

Hòe lục đùn đùn tán rợp trương

Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ

Hồng liên trì đã tịn mùi hương.”

- Những từ ngữ, hình ảnh trong bốn câu thơ đầu cho thấy sự vận động của thời gian và cảnh vật: đùn đùn, trương, còn phun thức đỏ, đã tịn mùi hương,...

- Các cảnh sắc da dạng và luôn biến đổi, có sự vận động thay đổi liên tục.“Rồi hóng mát thuở ngày trường

Câu 5: Em cảm nhận được những nét đẹp nào của khung cảnh cuộc sống con người trong hai câu thơ 5 và 6?

Trả lời:

- Những nét đẹp của khung cảnh cuộc sống con người trong hai câu thơ 5 và 6 là:

- Âm thanh “lao xao” của phiên chợ cá mang đến vẻ đẹp bình dị, ấm áp của cuộc sống sinh hoạt nơi làng chài; những con thuyền về bến, người mua kẻ bán;... Tiếng đàn ve “dắng dỏi” khiến không gian ngỡ tĩnh lặng của buổi hoàng hôn trở nên rộn rã hơn.

- Hình ảnh “làng ngư phử, “lầu tịch dương” vốn mang tính ước lệ, công thức - qua ngòi bút Nguyễn Trãi đã truyền tải được nhịp sống bình yên, ấm áp của đời thường chốn thôn quê.

 

Câu 6: Em hãy nhận xét về vị trí và giá trị của các câu lục ngôn trong bài thơ

Trả lời:

Nhận xét về vị trí và giá trị của các câu lục ngôn trong bài thơ.

- Vị trí: câu đầu tiên và câu cuối của bài thơ.

- Giá trị:

  • Thể hiện sự sáng tạo, phá cách của tác giả về hình thức thơ Đường luật.
  • Gây ấn tượng mạnh với người đọc về hình thức và nội dung, từ đó thể hiện tư tưởng của tác giả.

 

Câu 7: Viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) phân tích một yếu tố "phá cách" trong bài Bảo kính cảnh giới, bài 43.

Trả lời:

 Bảo kính cảnh giới, bài 43 của Nguyễn Trãi là một điển hình cho sự cách tân nghệ thuật thời trung đại. Thể thơ Nôm Đường luật ở đây đã có sự khác biệt so với thể Đường luật thông thường. Cụ thể, sự khác biệt, "phá cách" đó nằm ở hai câu thơ: câu đầu và câu cuối của bài thơ. Nếu trong thơ thất ngôn bát cú Đường luật, số tiếng trong mỗi câu đều phải là bảy tiếng thì ở hai câu thơ đầu và cuối của Bảo kính cảnh giới (bài 43) lại chỉ có sáu tiếng. Chính những bài thơ Nôm Đường luật này của Nguyễn Trãi đã đánh dấu bước khởi đầu đẹp đẽ của nền thơ tiếng Việt thời trung đại.

3.    VẬN DỤNG (4 câu)

Câu 1: Hai dòng thơ cuối thể hiện điều gì trong tư tưởng, tâm hồn của Nguyễn Trãi?

Trả lời:

Nguyễn Trãi gửi vào hai dòng thơ cuối khát vọng về một cuộc sống bình yên, no ấm cho nhân dân khắp mọi phương trời. Để tìm câu trả lời, cần đối chiếu giấc mơ lớn lao ấy với tư tưởng nhân nghĩa, vẻ đẹp tâm hồn được thể hiện trong cuộc đời và thơ văn Nguyễn Trãi.

Câu 2: Chỉ ra mạch cảm xúc của tác giả trong bài thơ. Từ đó nhận xét vẻ đẹp tâm hồn của Nguyễn Trãi.

Trả lời:

- Mạch cảm xúc của tác giả trong bài thơ:

●        Câu 1: Tâm trạng thư thái, thanh thản trước thiên nhiên

●        Câu 2 đến câu 6: Tâm trạng phấn chấn trước cảnh ngày hè rộn ràng

●        Hai câu cuối: Niềm tha thiết lớn với đời.

- Có thể thấy Nguyễn Trãi có tâm hồn yêu thiên nhiên, yêu cái đẹp và cả ưu dân ái quốc.

Câu 3: Chỉ ra nét đặc sắc của bài thơ qua một số yếu tố hình thức nghệ thuật như: cách gieo vần, số tiếng, cách ngắt nhịp trong các dòng thơ (chú ý dòng thơ đầu, dòng thơ cuối) và tác dụng của chúng trong việc thể hiện cảm xúc của chủ thể trữ tình.

Trả lời:

Bài thơ viết bằng thể thất ngôn xen lục ngôn. Nhìn vào số câu, cách gieo vần, lối đối ngẫu ở bốn câu giữa, thì thấy bài thơ vẫn là dạng thất ngôn bát cú. Nhưng có hai điểm khác:

- Câu 1 và câu 8 chỉ có sáu chữ.

- Câu 3 và câu 4 ngắt nhịp 3/4.

Hai điểm khác biẹt này làm cho cấu trúc bài thơ thay đổi:

- Câu 1 và câu 8 trở thành câu độc lập, khác với thể thơ Đường luật khi câu 1 phải gắn với câu 2 thành một "liên" chỉnh thể. Câu 7 và câu 8 cũng vậy.

- So với thể thơ Đường luật, cấu trúc tiết tấu của bài thơ thất ngôn bát cú đa dạng hơn. Ở bài Cảnh ngày hè:

Câu 1: ngắt nhịp 1/2/3

Câu 2: ngắt nhịp 4/3 (hoặc 1/3/3)

Câu 3: ngắt nhịp 3/4

Câu 4: ngắt nhịp 3/4

Câu 5: ngắt nhịp 4/3

Câu 6: ngắt nhịp 4/3

Câu 7: ngắt nhịp 4/3

Câu 8: ngắt nhịp 3/3

Câu 4: Nhận xét về cách quan sát và miêu tả bức tranh ngày hè của Nguyễn Trãi (chú ý cách sử dụng từ ngữ, hình ảnh, huy động các giác quan,...).

Trả lời:

Cách quan sát và miêu tả bức tranh ngày hè của Nguyễn Trãi đi từ cảnh thiên nhiên đến cảnh sinh hoạt, từ đó nói lên niềm tha thiết lớn với đời.

- Các từ đùn đùn (dồn dập tuôn ra), giương (giương rộng ra), phun, tiễn (ngát, nức) gợi tả sức sống căng đầy chất chứa từ bên trong tạo vật, tạo nên những hình ảnh mới lạ, gây ấn tượng.

- Tác giả không chỉ cảm nhận bức tranh ngày hè bằng thị giác mà còn bằng thính giác và khứu giác.

4.    VẬN DỤNG CAO (1 câu)

Câu 1: Phân tích tác phẩm Bảo kính cảnh giới.

Trả lời:

Nguyễn Trãi không chỉ là một người anh hùng của dân tộc, ông còn là một thi nhân, là tác giả của rất nhiều áng văn thiên cổ bất hủ. Với lập luận sắc bén, ngồi bút tài hoa nổi danh trong triều chính, ông còn thể hiện phong cách thoải mái trong những tựa thơ thường ngày. Sự nhàn nhã ấy được thể hiện rõ trong Bảo kính cảnh giới, tác phẩm trữ tình tâm đặc hiếm có của ông.

Nội dung chính của bài thơ là tình yêu của con người đối với thiên nhiên hùng vĩ. Nhân vật trữ tình xuất hiện tại khoảng không gian tráng lệ ấy, như một nét mực điểm xuyết trên trang tuyên thành. Nguyễn Trãi là một người yêu thích thiên nhiên, đằm chìm vào sự rộng lớn và mở lòng với vẻ đẹp ấy trong mọi hoàn cảnh. Trái ngược với đặc điểm thơ lúc đó nghiêng về vịnh, thì Nguyễn Trãi lại dùng bút pháp tả thực vô cùng chân thật. Bức tranh thiên nhiên hiện lên với đầy đủ những nét đẹp chỉ qua vài câu thơ:

"Rồi hóng mát thuở ngày trường

Hòe lục đùn đùn tán rợp giương

Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ

Hồng liên trì đã tiễn mùi hương"

Hai câu thơ đầu tiên, cảnh vật đã có sự giao hoà của cả màu sắc và cảnh vật. Màu lục của tán cây hoè, màu đỏ của hoa hoa thạch lựu đan vào nhau tạo nên những dải màu sắc sặc sỡ nhất. Những từ mang đậm tính chất gợi tả như rợp, phun, rợp rợp đã gợi lên sự trần trề cả về sức sống và vẻ đẹp. Không tập trung vào khắc hoạ những cảnh vật ấy, tác giả nhấn mạnh sức sống mãnh liệt của muôn loài trong một ngày mát mẻ. Góc nhìn tinh tế ấy đã khiến cho những câu thơ thêm sức sống phù hợp với ngữ cảnh, cũng làm rõ được sự tài hoa của Nguyễn Trãi. Không những vậy, chỉ trong 4 câu thơ, tác giả đã vận dụng nhiều giác quan khác nhau để cảm nhận thiên nhiên. Đó là xúc giác trong câu thơ đầu, thị giác trong câu 2 và 3, khứu giác trong câu thơ cuối. Chỉ vỏn vẹn 4 câu thơ, người đọc đã thấy được bức tranh toàn cảnh thông qua đôi mắt của thi sĩ đa tài.

Trong khung cảnh đất trời, thiên nhiên tưởng chừng tĩnh lặng ấy bất chợt xuất hiện hình bóng của con người. Đó là người anh hùng vĩ đại hết lòng vì dân, vì nước. Hiếm hoi có được thời gian nghỉ ngơi, nhưng không chìm đắm hoàn toàn vào thiên nhiên, tác giả vẫn luôn quan sát cuộc sống của muôn dân.

"Lao xao chợ cá làng ngư phủ

Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương"

Hình ảnh mà người thấy được là một bức tranh sinh hoạt tuy bình dị nhưng lại đầy ắp âm thanh vui tươi. Chợ cá của làng chài đang độ “lao xao” nhất, tiếng dắng dỏi của cầm ve vang lên khắp chốn. Đây là bức tranh người dân no đủ, cuộc sống sung túc dưới sự bảo hộ của những người đứng đầu như Nguyễn Trãi. Qua hình ảnh này, người đọc có thể thấy vị tướng quân từng chinh chiến không những biết tận hưởng vẻ đẹp đất trời, mà còn tinh tế đến mức theo dõi cả những hoạt động bình thường của con dân.

"Dẽ có Ngu Cầm đàn một tiếng

Dân giàu đủ, khắp đòi phương"

Hình ảnh khúc Nam Phong ca của vua Thuấn khi dùng đàn Ngu Cầm được lồng vào 2 câu thơ cuối. Đây là điển tích về những ngày thịnh vượng, giàu sang vua Thuấn mang đàn ra gảy. Hình ảnh này làm rõ ước mơ của tác giả, một lòng lo nghĩ cho đất nước. Ông mong muốn cuộc sống của người dân sẽ được hoà bình và sung túc như vậy. 3 câu kết có nhịp điệu dồn nén hơn, cũng là nỗi lòng khó nói. Thiên nhiên và cảnh vật làm nền, nỗi lo nước nhà càng thêm đặc biệt.

Tình yêu đất nước, muôn dân giao hoà với vẻ đẹp của thiên nhiên tạo nên một bức tranh đẹp và ý nghĩa. Là một thi sĩ, Nguyễn Trãi cũng là một người của nhân dân. Trong mọi hoàn cảnh, lý tưởng và sự quan tâm với người dân của ông cũng được làm nổi bật. Vậy nên, thiên nhiên đã làm nền cho tình yêu đất nước của Nguyễn Trãi càng thêm sâu sắc.

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận ngữ văn 10 chân trời sáng tạo - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu mới cập nhật

Tài liệu môn khác

Chat hỗ trợ
Chat ngay