Câu hỏi tự luận tin học 8 kết nối tri thức Bài 2: Thông tin trong môi trường số
Bộ câu hỏi tự luận Tin học 8 Kết nối tri thức. Câu hỏi và bài tập tự luận Bài 2: Thông tin trong môi trường số. Cách giải thích nghĩa của từ. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Tin học 8 Kết nối tri thức.
Xem: => Giáo án tin học 8 kết nối tri thức
CHỦ ĐỀ 2: TỔ CHỨC LƯU TRỮ, TÌM KIẾM VÀ TRAO ĐỔI THÔNG TINBÀI 2: THÔNG TIN TRONG MÔI TRƯỜNG SỐ
(16 câu)
1. NHẬN BIẾT (6 câu)
Câu 1: Nêu cách thức thông tin được hình thành, lưu trữ và lan truyền trong môi trường kĩ thuật số. Thông tin số (dữ liệu số) có đặc điểm gì?
Trả lời
- Thông tin số được mã hóa thành dãy bit, được chuyển vào máy tính, điện thoại thông minh, máy tính bảng... để có thể lan truyền, trao đổi trong môi trường kĩ thuật số.
- Thông tin số có những đặc điểm chính sau:
+ Dễ dàng được nhân bản và lan truyền nhưng khó bị xóa bỏ hoàn toàn.
+ Có thể được truy cập từ xa nếu người quản lí thông tin đó cho phép.
Câu 2: Thế nào là thông tin không đáng tin cậy?
Trả lời
Thông tin không đáng tin cậy có thể là:
- Thông tin không trung thực, mang tính chất lừa dối.
- Thông tin đồn thổi, dẫn em đến kết luận thiếu căn cứ.
- Thông tin thiếu kiểm chứng dẫn em đến quyết định sai lầm.
Câu 3: Em hãy nêu một số cách xác định thông tin có đáng tin cậy hay không?
Trả lời
Một số cách xác định thông tin có đáng tin cậy hay không:
- Kiểm tra nguồn thông tin;
- Phân biệt ý kiến với sự kiện;
- Kiểm tra chứng cứ của kết luận;
- Đánh giá tính thời sự của thông tin.
Câu 4: Kể tên ứng dụng thu thập thông tin của người dùng có trong hình ảnh dưới đây và cho biết:
- a) Tổ chức, cá nhân nào sở hữu các ứng dụng đó?
- b) Mỗi ứng dụng thu thập dạng thông tin nào?
Hình 1 Hình 2 Hình 3
Trả lời
- a) - Hình 1: Mạng xã hội Facebook do công ty Meta sở hữu.
- Hình 2: Youtube do Google sở hữu.
- Hình 3: Google Map do Google sở hữu.
- b) Facebook thu thập thông tin dạng văn bản, hình ảnh.
Youtube thu thập thông tin dạng video.
Google Map thu thập và lưu trữ dữ liệu bản đồ.
Câu 5: Trình bày đặc điểm của thông tin số trong xã hội.
Trả lời
Đặc điểm của thông tin số:
- Thông tin số đa dạng, được thu thập nhanh, được lưu trữ với dung lượng rất lớn bởi nhiều tổ chức và cá nhân.
- Có nhiều công cụ hỗ trợ tìm kiếm, truy cập, lưu trữ, xử lí và chia sẻ thông tin số.
- Quyền tác giả của thông tin số được pháp luật bảo hộ.
- Thông tin số có mức độ tin cậy khác nhau.
- Thông tin số cần được quản lí, khai thác an toàn và có trách nhiệm.
Câu 6: Thông tin dưới đây được trích từ bài báo trên trang web của báo điện tử ZingNews. Em hãy cho biết bài báo này chứa những thông tin dạng nào?
Nguồn: https://zingnews.vn/covid-19-co-the-tang-40-nguy-co-mac-benh-tu-mien-post1406743.html
Trả lời: Thông tin trong bài báo có dạng văn bản và hình ảnh.
2. THÔNG HIỂU (4 câu)
Câu 1: Theo em, tại sao ngày nay nhiều người có thói quen tìm kiếm thông tin trên Internet thay vì trên sách, báo truyền thống?
Trả lời
Ngày nay, nhiều người thường tìm kiếm thông tin trên Internet thay vì trên sách, báo truyền thống vì:
- Thông tin trên Internet đa dạng, phong phú.
- Công cụ tìm kiếm dễ dàng, nhanh chóng.
Câu 2: Có ý kiến cho rằng thời điểm công bố thông tin rất quan trọng. Em có đồng ý với ý kiến này không? Tại sao?
Trả lời
Thời điểm công bố thông tin rất quan trọng vì nó quyết định thông tin có còn ý nghĩa không hay đã trở nên lỗi thời. Chẳng hạn, nội dung những trang web đã lâu không được cập nhật thường có độ tin cậy thấp.
Câu 3: Việc khai thác thông tin đáng tin cậy và biết khai thác nguồn thông tin đáng tin cậy có ý nghĩa như thế nào đối với người dùng Internet? Em hãy lấy ví dụ minh họa.
Trả lời
- Thông tin đáng tin cậy giúp người dùng Internet đưa ra kết luận đúng, quyết định hành động đúng và giải quyết được các vấn đề đặt ra.
- Chẳng hạn, nếu không biết khai thác nguồn thông tin đáng tin cậy, mà tin vào quảng cáo quá mức, em có thể tiêu tiền một cách lãng phí.
Câu 4: Theo em, vì sao ngày nay tin giả xuất hiện ngày càng nhiều trên mạng xã hội?
Trả lời
Nguyên nhân của tình trạng tin giả tràn ngập trên mạng xã hội:
- Do tính chất đặc biệt của mạng Internet dễ lan truyền, chia sẻ thông tin, tiếp cận được nhiều người dùng mạng xã hội, dễ “ẩn danh”, xóa dấu vết;
- Sự thiếu hiểu biết, nhận thức hạn chế của người dùng mạng xã hội dễ tiếp tay, lan truyền, phát tán thông tin; năng lực nhận biết, phân loại, đánh giá tác hại của các thông tin xấu độc còn chưa cao;
- Hệ thống pháp luật trong lĩnh vực đấu tranh, xử lí tội phạm sử dụng công nghệ cao chưa theo kịp diễn biến tình hình thực tế.
3. VẬN DỤNG (4 câu)
Câu 1: Theo em, nên hay không nên tự chữa bệnh theo các hướng dẫn được chia sẻ trên Internet? Tại sao? Cho ví dụ minh hoạ.
Trả lời
- Không nên tự chữa bệnh theo các hướng dẫn được chia sẻ trên Internet. Vì thông tin trên Internet có độ tin cậy khác nhau, có thể hướng dẫn chữa bệnh chưa được kiểm nghiệm và là giả. Nên khi làm theo hướng dẫn sẽ đem lại tác động không mong muốn.
- Ví dụ:
+ Trong thời buổi dịch bệnh, các phương pháp được đồn thổi rằng có thể ngăn ngừa hoặc chữa Covid-19 như tắm nắng hay bơi ngoài biển 10 phút một ngày; uống nước 15 phút một lần, luôn giữ cho họng ướt, nuốt vi rút xuống dạ dày thì axit dạ dày sẽ diệt vi rút; ăn hành, tỏi sống; uống vitamin C liều cao; tiêm vacxin phòng viêm phổi … đều đã bị Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hoặc cơ quan y tế của chính phủ các nước bác bỏ.
+ Tin giả nhưng hiểm hoạ chết người là có thật. Tại Iran, có gần 300 người chết (trong đó có cả trẻ em) và hơn 1.000 ca ngộ độc rượu có methanol do tin đồn thất thiệt rằng uống chất cồn có thể diệt được vi rút SARS-CoV-2.
Câu 2: Từ hiểu biết và kinh nghiệm của bản thân, em hãy cho ví dụ về việc khai thác các nguồn thông tin không đáng tin cậy có thể dẫn đến những kết quả không mong muốn.
Trả lời
- Ví dụ một nội dung trên mạng là tin giả: Việc đánh răng quá nhiều gây hại cho răng, chỉ có ích (làm tăng doanh thu) cho nhà sản xuất.
→ Tác hại: Việc không đánh răng theo nhận định thiếu căn cứ gây mất vệ sinh răng miệng.
Câu 3: Dựa vào hiểu biết của bản thân, hãy nêu ví dụ cụ thể cho thấy có những thông tin đáng tin cậy mang giá trị to lớn trong hoạt động kinh tế - xã hội.
Trả lời
Gợi ý:
- Ví dụ 1: Câu chuyện "Tã giấy và bia"
+ Phân tích thông tin chính xác từ lượng lớn phiếu thanh toán mua hàng, một nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các ông bố khi đến cửa hàng để mua tã giấy trẻ em thường mua thêm bia.
+ Dựa vào thông tin trên, Walmart (chuỗi siêu thị nổi tiếng ở Mỹ) đã bố trí chuyển các loại bia đến vị trí bày tã giấy. Việc này đã khiến doanh số bán bia và tã giấy đều tăng lên đáng kể.
- Ví dụ 2: Google dự đoán dịch cúm
Vào năm 2009, Google đã nghiên cứu 50 triệu từ được tìm kiếm thường xuyên nhất, so sánh nó với dữ liệu đáng tin cậy của Trung tâm kiểm soát dịch bệnh trong các mùa cúm từ năm 2003 đến năm 2008 để xây dựng mô hình thống kê → Mô hình này đã dự báo thành công sự lây lan của dịch cúm mùa.
Câu 4: Em hãy tự xây dựng cho mình một bộ quy tắc để tỉnh táo khi sử dụng mạng xã hội, tránh việc tiếp nhận và truyền bá tin tức giả?
Trả lời
Ví dụ: Nguyên tắc 5 "K" phòng chống tin giả:
- Không tin ngay
- Không vội bấm "Thích"
- Không thêm thắt
- Không kích động
- Không vôi chia sẻ
4. VẬN DỤNG CAO (2 câu)
Câu 1: Minh muốn tìm kiếm thông tin về việc khai báo tạm trú cho một người bạn nước ngoài của mình tại Việt Nam, Minh đã truy cập vào Trang thông tin điện tử Cổng dịch vụ công Bộ Công An (https://dichvucong.bocongan.gov.vn/). Em có đồng ý với cách làm của Minh hay không? Dựa vào yếu tố nào khiến em xác định được Minh đã tìm được nguồn thông tin đáng tin cậy?
Trả lời
- Em đồng ý với cách làm của Minh, vì Bộ Công An là tổ chức có uy tín và thẩm quyền, có ảnh hưởng đến giá trị và độ tin cậy của thông tin mà họ cung cấp.
- Em xác định được Minh đã tìm được nguồn thông tin đáng tin cậy vì trang web có địa chỉ gov.vn là trang thông tin của cơ quan chính phủ.
Câu 2: Em hãy đọc đoạn thông tin sau đây:
Nguồn: https://vietnamnet.vn/vi-sao-cac-nuoc-muon-cam-tiktok-2121511.html
TikTok là mạng xã hội lớn thứ 6 trên toàn cầu với hơn 1 tỷ người dùng tính đến năm 2022. Vậy vì sao TikTok, một nền tảng được giới trẻ yêu thích, lại trở thành trung tâm tranh cãi trên toàn cầu? Dựa vào hiểu biết của bản thân, em hãy trình bày quan điểm của mình về vấn đề trên.
Trả lời
- HS có thể đưa ra quan điểm đồng tình hoặc không đồng tình kèm theo các lí giải.
- Ví dụ: Em đồng tình với việc cấm TikTok vì:
+ Ứng dụng này thu thập thông tin trái phép của người dùng;
+ Chứa nhiều tin giả, nhiều nội dung độc hại, không phù hợp với lứa tuổi, thậm chí có nhiều trẻ em vì bắt chước các thử thách trên Tiktok mà dẫn đến chết người;
+ Nhiều người sử dụng nghiện Tiktok, mất quá nhiều thời gian vào ứng dụng này, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, học tập, công việc;...
=> Giáo án Tin học 8 kết nối bài 2: Thông tin trong môi trường số