Đáp án Kinh tế pháp luật 11 kết nối tri thức Bài 5: Thị trường lao động và việc làm (P2)

File đáp án Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 kết nối tri thức Bài 5: Thị trường lao động và việc làm (P2). Toàn bộ câu hỏi, bài tập ở trong bài học đều có đáp án. Tài liệu dạng file word, tải về dễ dàng. File đáp án này giúp kiểm tra nhanh kết quả. Chỉ có đáp án nên giúp học sinh tư duy, tránh học vẹt

 

  1. Xu hướng tuyển dụng lao động của thị trường

Câu hỏi: Em hãy đọc các thông tin sau để trả lời câu hỏi:

Theo bản tin thị trường lao động Việt Nam quỹ II năm 2022: Năm nhóm ngành có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất: công nghiệp chế tạo, thông tin và truyền thông; bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác, hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; hoạt động chuyên môn khoa học và công nghệ. Năm nghề có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất tài chính, kế toán, nhân viên phần mềm ngân hàng, marketing. Năm nghề người lao động đi tìm việc nhiều nhất: lao động kĩ thuật trong công nghiệp, hành chính, bán hàng trong lĩnh vực bất động sản, tiếp thị kĩ thuật số bán hàng, y tế và chăm sóc sức khoẻ. Dự báo nhu cầu việc làm sẽ tăng ở một số ngành: sản xuất phương tiện vận tải, sản xuất sản phẩm điện tử.

(Tổng cục Thống kê, Bản tin thị trường lao động Việt Nam quý III năm 2022)

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đề ra định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 — 2030: Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài. Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, chú trọng một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế để làm động lực cho tăng trưởng theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực và thể giới.

Thực hiện phương châm: "Đào tạo con người theo hướng có đạo đức, kỉ luật,  kỉ cương, ý thức trách nhiệm công dân, xã hội; có kĩ năng sống, kĩ năng làm việc, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, công nghệ số, tư duy sáng tạo và hội nhập quốc tế.

(Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Dại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1 (tr.232-233, tập 2 (tr.77), NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, 2021)

(1) Qua thông tin 1, em có nhận xét gì về xu hướng tuyển dụng của thị trường lao động ở Việt Nam?

(2) Những yêu câu đối với việc phát triển nguồn nhân lực để thực hiện định hướng phát triển đất nước trong Văn kiện đại hội Đảng XIII cho thấy xu hướng tuyển dụng lao động trên thị trường sẽ như thế nào?

(3) Em cần có trách nhiệm gì để tham gia thị trường lao động và lựa chọn được nghề nghiệp, việc làm phù hợp?

Trả lời:

(1) Thị trường lao động ở Việt Nam đang nổi lên một số xu hướng tuyển dụng như:

- Gia tăng tuyển dụng lao động ở các nhóm ngành, nghề về công nghệ cao, dịch vụ hoặc các ngành, nghề dựa trên nền tảng công nghệ.

- Giảm tuyển dụng lao động ở các nhóm ngành nghề về: nông nghiệp, kĩ thuật công nghiệp giản đơn.

- Tăng tuyển dụng lao động có chất lượng cao; giảm tuyển dụng lao động giản đơn.

(2) Xu hướng tuyển dụng trên thị trường lao động luôn gắn liền với chiến lược, chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước cùng với những yêu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

(3) Để có được việc làm phù hợp, học sinh cần:

- Trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về nghề nghiệp;

- Trau dồi các kĩ năng;

- Nắm được xu hướng phát triển của thị trường lao động;

- Tự đánh giá sở trường, nguyện vọng và điều kiện của bản thân để lựa chọn, định hướng nghề nghiệp.

LUYỆN TẬP

Câu 1: Em đồng tình hay không đồng tình với các quan điểm sau? Vì sao?

  1. Người lao động làm việc trong các cơ quan nhà nước mới được coi là có việc làm.
  2. Nhu cầu tuyển dụng lao động thường tăng lên vào dịp cuối năm.
  3. Để hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động, các cơ quan hữu quan phải chia sẻ nguồn dữ liệu về cung - cầu lao động.
  4. Người làm giúp việc cho một gia đình được coi là có việc làm.
  5. Để khích lệ người lao động làm việc hiệu quả, doanh nghiệp phải tăng cường các chế độ đãi ngộ đối với người lao động.

Trả lời:

- Ý kiến a. Không đồng tình, vì: người lao động làm bất cứ công việc nào mà tạo ra thu nhập và không bị pháp luật cấm thì đều được coi là có việc làm.

- Ý kiến b. Không đồng tình, vì: nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp phụ thuộc vào nhiều yếu tố, ví dụ như: sự biến động của kinh tế trong và ngoài nước; quy mô và tình hình sản xuất của doanh nghiệp… Ví dụ: cuối năm 2022 - đầu năm 2023, do sự suy thoái của nền kinh tế thế giới, các doanh nghiệp ở Việt Nam rơi vào tình trạng thiếu đơn hàng, nên đã dẫn đến “làn sóng” sa thải, cắt giảm hàng loạt nhân sự.

- Ý kiến c. đồng tình, vì: việc chia sẻ nguồn dữ liệu về cung - cầu lao động sẽ góp phần kết nối được người lao động với nhà tuyển dụng, giúp cho: người lao động tìm được chỗ làm phù hợp và người sử dụng lao động tìm được người thích hợp.

- Ý kiến d. Đồng tình, vì: người lao động làm bất cứ công việc nào mà tạo ra thu nhập và không bị pháp luật cấm thì đều được coi là có việc làm.

- Ý kiến e. Đồng tình, vì:

  • Bên cạnh mức lương (tiền công), thì chế độ đãi ngộ là một trong những động lực giúp người lao động tích cực, hăng hái và nhiệt tình hơn trong công việc.
  • Việc đưa ra chế độ đãi ngộ hợp lí, không chỉ giúp người lao động cải thiện đời sống vật chất, tinh thần; nâng cao năng suất và hiệu quả làm việc; mà còn giúp cho doanh nghiệp: thu hút hoặc duy trì được nguồn lao động có chất lượng cao, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất.

 

Câu 2: Thị trường lao động và thị trường việc làm sẽ biến động như thể nào trong các trường hợp sau?

  1. Cung về lao động trên thị trường ngày càng tăng nhưng không tăng đều giữa các ngành nghề.
  2. Có nhiều nhà máy, xí nghiệp mới xây dựng trong khu vực. 
  3. Nhà nước công bố quy định tăng lương cơ bản cho người lao động.
  4. Nhà nước có chủ trương chuyển từ nền kinh tế truyền thống sang kinh tế số.

Trả lời:

- Trường hợp a: Thị trường lao động và việc làm sẽ bị lệch pha ở một số ngành, nghề.

  • Ở những ngành nghề có nguồn cung lao động lớn nhưng nhu cầu tuyển dụng việc làm không nhiều => xuất hiện tình trạng: một bộ phận người lao động bị thất nghiệp hoặc thiếu việc làm.
  • Ở những ngành nghề có nguồn cung lao động ít, nhưng nhu cầu tuyển dụng việc làm cao => xuất hiện tình trạng: thiếu hụt lao động.

- Trường hợp b: Các nhà máy, xí nghiệp mới được xây dựng trong khu vực sẽ có nhu cầu tuyển dụng lao động lớn => thúc đẩy thị trường lao động và việc làm chuyển biến theo hướng tích cực. Cụ thể:

  • Người lao động tại địa phương có cơ hội lớn trong việc ứng tuyển, tìm kiếm các công việc phù hợp với bản thân. Các doanh nghiệp tại địa phương cũng có cơ hội tìm kiếm được những ứng viên phù hợp với yêu cầu công việc, giảm thiểu bớt chi phí cho hoạt động tuyển dụng,…
  • Thị trường việc làm tại địa phương cũng diễn ra sôi động hơn, nhiều hội chợ tuyển dụng, phiên giao dịch việc làm hoặc các trung tâm môi giới và giới thiệu việc làm… được mở ra, nhằm kết nối cung - cầu lao động.

- Trường hợp c:

  • Lương cơ bản là mức lương thấp nhất hay tối thiểu mà người lao động có thể nhận được khi làm việc trong một cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị nào đó (không bao gồm các khoản tiền thưởng, phụ cấp, trợ cấp và các khoản thu nhập bổ sung). Đây là mức lương được dùng làm căn cứ tính đóng các khoản bảo hiểm cho người lao động.
  • Khi nhà nước công bố quy định tăng lương cơ bản cho người lao động, sẽ dẫn đến một số biến động, ví dụ như: người sử dụng lao động cần tính toán, cân đối lại các chi phí đầu vào sản xuất với tình hình phát triển của doanh nghiệp, để từ đó đưa ra các quyết định tuyển dụng thêm hoặc cắt giảm nhân sự => thị trường lao động và việc làm có thể biến động theo hướng tăng/ giảm.

- Trường hợp d: Khi nhà nước có chủ trương chuyển từ nền kinh tế truyền thống sang kinh tế số, thị trường lao động và việc làm sẽ có sự chuyển biến theo hướng:

  • Gia tăng số lượng lao động và việc làm trên các nền tảng công nghệ.
  • Giảm số lượng lao động ở những nhóm ngành, nghề về kĩ thuật giản đơn.

 

Câu 3: Em hãy đưa ra lời khuyên cho các nhân vật trong các trường hợp sau:

  1. Bạn B đang học lớp 11. Từ nhỏ, bạn đã có niềm đam mê với công nghệ, mong muốn trở thành một kĩ sư công nghệ thông tin nhưng bố mẹ không ủng hộ vì muốn bạn theo học đại học Y để trở thành bác sĩ. 
  2. Anh H mới tốt nghiệp đại học nhưng khả năng sử dụng ngoại ngữ và công nghệ thông tin cũng như kĩ năng giao tiếp còn nhiều hạn chế. Anh đã ba lần tham gia tuyển dụng nhưng vẫn chưa tìm được việc làm.
  3. Với mơ ước trở thành công dân toàn cầu để có thể làm việc ở bất cứ nơi đâu, bạn A chỉ tập trung vào học ngoại ngữ.

Trả lời:

  • Trường hợp a. Trong trường hợp này, bạn B nên:

- Chia sẻ, tâm sự để bố mẹ hiểu:

  • Một trong những xu hướng tuyển dụng của thị trường lao động ở Việt Nam hiện nay là gia tăng lao động trong các nhóm ngành, nghề kinh tế dựa trên nền tảng công nghệ. Nên việc bản thân B có mong muốn trở thành một kĩ sư công nghệ thông tin là phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động, việc làm.
  • Trở thành kĩ sư công nghệ thông tin là mong muốn và đam mê của B. Nếu B từ bỏ ước mơ này, để theo học một ngành học khác mà không có đam mê (ngành Y như yêu cầu của bố mẹ) thì sẽ rất khó có thể đạt được kết quả tốt.

- Thể hiện mong muốn và thái độ quyết tâm theo đuổi ước mơ đến cùng.

- Ngoài việc tự thuyết phục bố mẹ, B cũng có thể nhờ thầy cô, những người thân khác cùng trợ giúp trong việc tư vấn, thuyết phục bố mẹ.

  • Trường hợp b. Trong trường hợp này, anh H nên:

+ Cải thiện kĩ năng ngoại ngữ, công nghệ thông tin và một số kĩ năng mềm khác (ví dụ: kĩ năng giao tiếp, thuyết trình, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề,…) để có thể đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của công việc.

+ Tăng cường tham gia các hội chợ tuyển dụng, phiên giao dịch việc làm hoặc liên hệ với các trung tâm mối giới, giới thiệu việc làm… để biết thêm thông tin tuyển dụng của các doanh nghiệp, từ đó kết nối và tìm được công việc phù hợp với năng lực của bản thân.

  •  Trường hợp c: Trong trường hợp này, bạn A nên:

+ Xác định được ước mơ và nghề nghiệp cụ thể, phù hợp với: sở thích, năng lực của bản thân và xu hướng tuyển dụng của thị trường lao động trong và ngoài nước (vì: công dân toàn cầu” là một khái niệm không rõ ràng, cụ thể).

+ Bên cạnh kĩ năng ngoại ngữ, A cần tập trung rèn luyện thêm năng lực chuyên môn và các kĩ năng mềm khác, như: kĩ năng giao tiếp, thuyết trình, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề,…

VẬN DỤNG

Câu 1: Em hãy xác định nghề mình sẽ lựa chọn trong tương lai và xây dựng kế hoạch để thực hiện sự lựa chọn đó.

Trả lời:

Để lựa chọn được nghề nghiệp phù hợp, các em cần:

- Đánh giá bản thân (sở thích, điểm mạnh, điểm yếu…).

- Tìm hiểu về xu hướng tuyển dụng lao động và việc làm

- Nghiên cứu về công việc mà mình đã lựa chọn (yêu cầu công việc là gì? Triển vọng của nghề? Cần những kĩ năng gì để đáp ứng được công việc?...)

- Tìm hiểu về những nơi đào tạo về nghề đó (ví dụ: các trường đại học, học viện, các trung tâm đào tạo,…).

- …

 

Câu 2: Em hãy tìm hiểu những thông tin về xu hướng tuyển dụng của thị trường lao động Việt Nam trong 5 năm tới và chia sẻ với các bạn trong lớp.

Trả lời:

- Trong 5 năm tới, thị trường lao động ở Việt Nam có sự thay đổi về chất lượng, cơ cấu ngành nghề, sự kết hợp, lồng ghép nhau hình thành những nhóm ngành nghề theo hướng tích hợp, phù hợp cơ cấu công nghệ số.

- Theo dự báo, trong 5 năm tới sẽ có 6 nhóm ngành phát triển mạnh. Cụ thể là:

  • Thứ nhất, nhóm ngành công nghệ và kỹ thuật: cơ điện tử, tự động hóa, nhiệt, công nghệ kỹ thuật ô tô - tàu thủy), điện - điện tử, công nghệ hàn, công nghệ dệt - sợi - may; quản trị viên của các ngành kỹ thuật cùng các nhóm ngành thiết kế đồ họa, thiết kế thời trang, thiết kế công nghiệp, mỹ thuật ứng dụng, kiến trúc (kiến trúc cảnh quan - thiết kế đô thị - thiết kế nội thất...), công nghệ xây dựng, công nghệ vật liệu, năng lượng, công nghệ môi trường.
  • Thứ 2, nhóm ngành công nghệ thông tin, phát triển chuyên sâu khoa học máy tính: công nghệ thông tin - lập trình và phần mềm (bảo mật mạng, lập trình thiết kế hiệu ứng hình ảnh - hoạt hình) và trí tuệ nhân tạo.
  • Thứ ba, nhóm ngành quản trị kinh doanh - kinh doanh quốc tế - tài chính - ngân hàng kết hợp các chuyên ngành quản trị rủi ro, quản lý chất lượng - quản trị kỹ thuật và y tế, quản lý hệ thống thông tin, kế hoạch và dự báo kinh tế - nhân lực - xã hội - kinh doanh, tư vấn tài chính, quản lý dự án khoa học môi trường - hàng không, logistic và chuỗi cung ứng, quản lý văn phòng cao cấp, truyền thông marketing - digital marketing, tài chính kế toán, kiểm toán, ngân hàng, tài chính doanh nghiệp.
  • Thứ 4, nhóm ngành về khoa học xã hội, du lịch - nhà hàng - khách sạn khách sạn - ẩm thực, sư phạm kỹ thuật và sư phạm giáo dục, luật, ngôn ngữ (Anh, Nhật, Trung, Hàn), quan hệ công chúng - tổ chức sự kiện, truyền thông đa phương tiện Đông phương học và tâm lý các chuyên ngành.
  • Thứ 5, nhóm ngành về chăm sóc sức khỏe: y, dược, điều dưỡng, nha (răng - hàm - mặt), các chuyên ngành quản trị cơ sở dữ liệu ngành y tế, kỹ sư nghiên cứu tế bào gốc, công nghệ y sinh, nghiên cứu gen và dịch vụ làm đẹp, thẩm mỹ và sức khỏe.
  • Cuối cùng là nhóm ngành công nghệ nông - lâm (khoa học cây trồng, chăn nuôi - thú y, lâm sinh, công nghệ sau thu hoạch), công nghệ thủy - hải sản (nuôi trồng, chế biến) và công nghệ thực phẩm, công nghệ sinh học - hóa (dược, sinh, mỹ phẩm, thực phẩm...).

 

=> Giáo án kinh tế pháp luật 11 kết nối bài 5: Thị trường lao động và việc làm

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: File word đáp án kinh tế pháp luật 11 kết nối tri thức - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu môn khác

Tài liệu mới cập nhật

Chat hỗ trợ
Chat ngay