Nội dung chính Ngữ văn 11 chân trời sáng tạo Bài 5 Viết: Viết văn bản nghị luận về một tác phẩm văn học (kịch bản văn học) hoặc tác phẩm nghệ thuật (bộ phim)
Hệ thống kiến thức trọng tâm Bài 5 Viết: Viết văn bản nghị luận về một tác phẩm văn học (kịch bản văn học) hoặc tác phẩm nghệ thuật (bộ phim) sách ngữ văn 11 chân trời sáng tạo. Với các ý rõ ràng, nội dung mạch lạc, đi thẳng vào vấn đề hi vọng người đọc sẽ nắm trọn kiến thức trong thời gian rất ngắn. Nội dung chính được tóm tắt ngắn gọn sẽ giúp thầy cô ôn tập củng cố kiến thức cho học sinh. Bộ tài liệu có file tải về. Mời thầy cô kéo xuống tham khảo
Xem: => Giáo án ngữ văn 11 chân trời sáng tạo
VIẾT: VIẾT VĂN BẢN NGHỊ LUẬN VỀ MỘT TÁC PHẨM VĂN HỌC (KỊCH BẢN VĂN HỌC) HOẶC TÁC PHẨM NGHỆ THUẬT (BỘ PHIM)
I. KIỂU BÀI NGHỊ LUẬN VỀ MỘT MỘT TÁC PHẨM VĂN HỌC (KỊCH BẢN VĂN HỌC) HOẶC MỘT TÁC PHẨM NGHỆ THUẬT (BỘ PHIM).
- Nghị luận về một tác phẩm văn học (kịch bản văn học) hoặc một tác phẩm nghệ thuật (bộ phim) là kiểu bài nghị luận văn học dùng lí lẽ và dẫn chứng để làm rõ giá trị nội dung và một số nét nghệ thuật đặc sắc của tác phẩm văn học (kịch bản văn học) hoặc tác phẩm nghệ thuật (bộ phim) đó.
- Yêu cầu đối với kiểu bài:
Về nội dung: Nêu và nhận xét được một số nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của truyện thơ/bài hát dựa trên những lí lẽ xác đáng và bằng chứng tiêu biểu, hợp lí được lấy từ tác phẩm.
Về hình thức: Đảm bảo các yêu cầu của kiểu bài nghị luận như lập luận chặt chẽ, diễn đạt mạch lạc; sử dụng các phương tiện liên kết văn bản và kết hợp các thao tác lập luận hợp lí.
Bố cục: ba phần
+ Mở bài: giới thiệu vấn đề cần nghị luận hoặc nêu định hướng của bài viết.
+ Thân bài: Lần lượt trình bày các luận điểm để làm nổi bật những nét đặc sắc về nội dung và hình thức; đưa ra lí lẽ và bằng chứng đa dạng, thuyết phục để làm sáng tỏ luận điểm; các luận điểm, lí lẽ và bằng chứng sắp xếp theo trình tự hợp lí.
+ Kết bài: Khẳng định giá trị của tác phẩm hoặc nêu ý nghĩ của nó với bản thân và người đọc/người nghe.
II. PHÂN TÍCH BÀI VIẾT THAM KHẢO
Vấn đề nghị luận của bài viết Xung đột trong bi kịch Vũ Như Tô
- Nghị luận về nghệ thuật xây dựng xung đột trong bi kịch Vũ Như Tô – một xung đột vừa mang tính lịch sử, vừa mang tính nhân loại.
Những lí lẽ, bằng chứng nào để khẳng định: xung đột quyết liệt trong tác phẩm bi kịch Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng là xung đột giữa nghệ sĩ và nhân dân
- Nghệ sĩ mượn tay vương quyền để khẳng định thiên tài sáng tạo của mình, không đếm xỉa đến mồ hôi, nước mắt và cả xương máu của nhân dân.
- Nhân dân không chấp nhận sự áp đặt giá trị với những đòi hỏi hi sinh từ phía nghệ sĩ, nổi dậy tiêu diệt nghệ sĩ và công trình kì quan của y.
- Nếu quan niệm hoạt động sáng tạo là sự thực hiện mệnh lệnh của cái đẹp và việc bảo vệ quyền sống và các quyền chính đáng khác của con người là sự thực hiện mệnh lệnh của cải thiệnn, thì trước chúng ta là cuộc xung đột khốc liệt giữa cái đẹp và cái thiệnn, cuộc xung đột có ý nghĩa lịch sử nhân loại mà nhà văn Việt Nam Nguyễn Huy Tưởng đã khắc hoạ.
Lưu ý gì khi viết văn bản nghị luận về một vở kịch
- Phải nắm được những giá trị cốt lõi từ vấn đề mà người viết muốn khai thác từ vở kịch: xung đột, hành động kịch, nhân vật chính, …
- Nắm được các dẫn chứng từ văn bản, hiểu và phân tích được để bài viết chặt chẽ, lập luận vững vàng.
III. PHÂN TÍCH BÀI VIẾT THAM KHẢO “ÁM ẢNH NƯỚC TRONG MÙA LEN TRÂU”
Việc người viết trích dẫn ý kiến của Nguyễn Võ Nghiêm Minh, đạo diễn phim Mùa len trâu và nhiều lần liên hệ tập truyện Hương rừng Cà Mau của Sơn Nam
- Trích dẫn ý kiến trực tiếp của đạo diễn phim chính là cơ sở bằng chứng xác thực chặt chẽ nhất cho bài viết bởi đó là người trực tiếp sản xuất ra bộ phim, có thể lí giải những dụng ý, ý tưởng của bộ phim muốn truyền tải đến khán giả.
- Liên hệ tập truyện Hương rừng Cà Mau của Sơn Nam: đây là tập truyện mà phim Mùa len trâu chuyển thể, lấy những dẫn chứng từ tác phẩm sẽ thuyết phục hơn, chính xác hơn.
Lưu ý khi lập dàn ý cho từng kiểu bài
- Nghị luận về một tác phẩm văn học (kịch bản văn học):
+ Quan tâm đến tác giả, xuất xứ của văn bản kịch.
+ Nắm được nội dung và những đặc sắc của kịch (nhân vật, xung đột, hành động kịch…)
+ Đưa ra những đề tài có liên quan đến nội dung hoặc hình thức của văn bản kịch.
+ Những dẫn chứng có thể là ngữ liệu lấy trong văn bản kịch hoặc những nhận định, nhận xét của nhà nghiên cứu…
- Nghị luận về một tác phẩm nghệ thuật (một bộ phim):
+ Nắm được thông tin về đạo diễn, ý tưởng của bộ phim.
+ Khi phân tích, chú ý đến những yếu tố của một bộ phim như: cảnh quay, diễn xuất, màu sắc, âm thanh…
+ Đề tài liên quan đến nội dung, thông điệp hoặc kĩ thuật làm phim.