Nội dung chính ngữ văn 8 kết nối tri thức Bài 8: Văn bản 2: Đọc văn - cuộc chơi tìm ý nghĩa

Hệ thống kiến thức trọng tâm Bài 8 Văn bản 2: Đọc văn - cuộc chơi tìm ý nghĩa sách ngữ văn 8 kết nối tri thức. Với các ý rõ ràng, nội dung mạch lạc, đi thẳng vào vấn đề hi vọng người đọc sẽ nắm trọn kiến thức trong thời gian rất ngắn. Nội dung chính được tóm tắt ngắn gọn sẽ giúp thầy cô ôn tập củng cố kiến thức cho học sinh. Bộ tài liệu có file tải về. Mời thầy cô kéo xuống tham khảo

ĐỌC VĂN – CUỘC CHƠI TÌM Ý NGHĨA

I. TÌM HIỂU CHUNG

  1. Tác giả

- Trần Đình Sử là một giáo sư, tiến sĩ lý luận văn học, Nhà giáo Nhân dân, giảng viên Đại học Sư phạm Vinh, Đại học Sư phạm Hà Nội và một số trường đại học khác ở Việt Nam. Ông là một trong những nhà lí luận văn học hàng đầu của Việt Nam và có nhiều đóng góp trong việc làm thay đổi diện mạo nền lí luận, phê bình văn học của Việt Nam những năm cuối thế kỉ XX đầu thế kỉ XXI

  1. Tác phẩm

Đọc – cuộc chơi tìm ý nghĩa được trích trong Đọc văn học văn (NXB Giáo dục, 2001)

II. LUẬN ĐỀ, LUẬN ĐIỂM VĂN BẢN ĐỌC VĂN – CUỘC CHƠI TÌM Ý NGHĨA

- Luận đề của văn bản Đọc văn – cuộc chơi tìm ý nghĩa là: Bản chất và ý nghĩa của việc đọc văn

- Mỗi đoạn trong văn bản thể hiện một luận điểm:

+ Luận điểm 1: Ý nghĩa của văn học là tiềm ẩn và khó nắm bắt

+ Luận điểm 2: Mục đích của việc đọc văn là đi tìm ý nghĩa của cuộc đời qua văn bản văn học

+ Luận điểm 3: Cuộc đi tìm ý nghĩa không có hồi kết thúc

+ Luận điểm 4: Người đọc được quyền tự do nhưng không được tuỳ tiện trong cách tiếp nhận

+ Luận điểm 5: Tác phẩm văn học và đọc văn là một hiện tượng diệu kì

+ Luận điểm 6: Giá trị của việc đọc văn

-> Các luận điểm trên đều làm rõ những khía cạnh khác nhau của luận đề bản chất và ý nghĩa của việc đọc văn

III. TÌM HIỂU CHI TIẾT

  1. Ý nghĩa của văn học và mục đích của việc đọc văn

- Tác giả cho rằng “Văn học có một đặc điểm quan trọng là có ý nghĩa, nhưng đó là ý nghĩa tiềm ẩn”. Vì văn bản thường ẩn chứa hàm nghĩa, tức là ý nghĩa ẩn kín, ý nghĩa tiềm tàng của văn bản. Khi đọc một tác phẩm, phải nhìn nhận nó theo nhiều chiều hướng khác nhau thì dần dần người đọc nhận ra tầng hàm nghĩa của văn bản. Điều này phụ thuộc vào vốn sống, nhận thức, quan niệm, tư tưởng tình cảm... của người tiếp nhận.

- Tác giả quan niệm đọc văn là “cuộc đi tìm ý nghĩa nhân sinh qua các văn bản thẩm mĩ của văn học bằng chính tâm hồn người đọc”

- Sở dĩ có sự liên tưởng giữa việc đọc văn với “trò chơi”, “ú tim” bởi đọc văn cũng giống như một cuộc chơi. Trò chơi cần có luật chơi và đem đến cho người tham gia niềm vui thích, sự hứng khởi. Đọc văn cũng như vậy, đã tham gia chơi thì phải tôn trọng luật của nó và trong quá trình đọc văn, người đọc cũng tìm thấy niềm vui, ý nghĩa của việc đọc. Không chỉ vậy, tác giả liên tưởng đến trò chơi ú tim còn hàm ý đây là cuộc chơi có nhiều bất ngờ

  1. Hành trình đi tìm ý nghĩa trong văn bản và cách người đọc tiếp nhận văn bản

- Tác giả cho rằng ý nghĩa của tác phẩm văn học thường không cố định. Câu văn: “Ý nghĩa văn bản không chỉ nằm trong văn bản mà còn nằm trong mối liên hệ nhiều mặt giữa văn bản của cuộc đời.” đã giúp em hiểu rõ về vấn đề này.

- Luận điểm “cuộc đi tìm ý nghĩa không có hồi kết thúc” đã được tác giả làm sáng tỏ bằng việc đưa ra nhiều tầng nghĩa, đa nghĩa, mơ hồ, không dễ tóm lược được bằng một câu nhận định hay một công thức nào đó. Không ai có thể đọc tác phẩm một lần là xong vì vậy nên cuộc đi tìm ý nghĩa không có hồi kết vẫn luôn là một ẩn số và luôn được đào sâu tìm kiếm các tầng nghĩa khác nhau. Cụ thể chúng ta có thể hiểu nguyên nhân của “cuộc đi tìm ý nghĩa không có hồi kết thúc” là do:

+ Ý nghĩa của văn bản không chỉ nằm trong văn bản, mà còn nằm trong mối liên hệ nhiều mặt giữa văn bản với cuộc đời

+ Ý nghĩa của văn học không ngừng biến động, lớn lên, tuỳ vào cách thiết lập mối liên hệ giữa các loại văn bản với nhau

Ngoài ra, quan niệm này còn phủ định quan niệm cũ cho rằng ý nghĩa của tác phẩm văn học chỉ là cố định, đơn nhất; khẳng định đặc trưng của văn học là có tính đa nghĩa, mơ hồ và theo lý thuyết tiếp nhận và quan niệm mới về tác phẩm văn học, mỗi người đọc có cách tiếp nhận khác nhau về tác phẩm và có cơ hội bình đẳng như nhau trong trò chơi tìm ý nghĩa

- (Ví dụ)

Đọc hai câu thơ “Chỉ nhớ khói hun nhèm mắt cháu/ Nghĩ lại đến giờ sống mũi còn cay” (Bằng Việt, Bếp lửa), có thể ban đầu, người đọc chỉ hiểu ý nghĩa sống mũi còn cay là sự nhớ lại cảm giác bị khói hun thuở nhỏ. Nhưng suy nghĩ sâu hơn, người đọc sẽ phát hiện ra lớp nghĩa hàm ẩn trong câu thơ, trạng thái ấy thể hiện sự xúc động như muốn khóc của người cháu trong hiện tại khi nhớ lại những kỉ niệm tuổi thơ. Cùng một cảm giác, nhưng nguyên nhân của nó lại hoàn toàn khác biệt. Nếu thuở nhỏ, sống mũi còn cay là bởi khói, thì bây giờ, cảm giác ấy lại đến từ sự xúc động, nhớ thương. Một cảm giác nhưng đã kết nối hai thời điểm, nó khiến quá khứ và hiện tại chìm đắm trong nhau, lồng ghép vào nhau khó có thể tách rời

- Thưởng thức văn học cũng có quy luật, câu văn này nhắc nhở người đọc được tự do trong tiếp nhận nhưng không thể tùy tiện. Người đọc vẫn cần căn cứ vào những tín hiệu thẩm mĩ, ngôn từ, hình tượng,... để giải mã văn bản. Chính điều này khiến sự tiếp nhận của người đọc về VB tuy phong phú, đa dạng nhưng vẫn có nhiều điểm gặp gỡ.

  1. Tác phẩm văn học và đọc văn là một hiện tượng diệu kì và giá trị của việc đọc văn

- Trong đoạn (5), tác giả đề cập đến hiện tượng “sách từ bên ngoài chuyển vào trong nội tâm người đọc, người đọc hóa thân vào nhân vật trong sách”, tác phẩm và người đọc hoà vào nhau, “nhà văn chiếm chỗ trong tâm trí ta, còn ta lại chiếm tác phẩm của họ, tác phẩm “gần như xoá bỏ ranh giới giữa ta và tác giả”. Sự hòa quyện giữa tác phẩm với người đọc, giữa người đọc với nhà văn khiến cho tác phẩm văn học và đọc văn trở thành một hiện tượng diệu kì.

- Về giọng văn, nếu những đoạn khác chủ yếu thiên về diễn giải, sử dụng kiểu câu trần thuật thì trong đoạn (5), tác giả sử dụng linh hoạt lí lẽ theo nhiều hình thức: đặt ra vấn đề rồi giải đáp, nhấn mạnh ý bằng cách sử dụng biện pháp tu từ điệp ngữ. Bên cạnh câu trần thuật, tác giả còn sử dụng câu hỏi và câu cảm thán. Cụ thể:

+ Việc nêu vấn đề bằng hình thức câu hỏi: Tại sao khi đọc sách ta bỗng toàn tâm toàn ý suy nghĩ vào những điều chưa bao giờ nghĩ tới và trả lời khiến giọng văn mang tính đối thoại, sinh động, thu hút sự chú ý của người đọc.

+ Việc sử dụng câu cảm thán đúng mức khiến lời văn nghị luận không khô khan mà giàu cảm xúc, khiến văn bản không chỉ tác động vào lí trí mà còn tác động vào trái tim người đọc.

+ Việc sử dụng điệp ngữ cho nên tạo điểm nhấn cho giọng văn, khiến người đọc chú ý vào diễn giải của tác giả.

- Mối quan hệ giữa đoạn (5) và đoạn (6) làm rõ ý nghĩa của nội dung đoạn trích tập trung bàn về hai khái niệm: “tác phẩm văn học” và “đọc văn học”. Cụ thể, quan hệ của đoạn (5) và đoạn (6) là quan hệ nhân quả. Đoạn (5) là nguyên nhân, chỉ ra đọc văn là hiện tượng diệu kì, trong quá trình đọc văn, người đọc đã hoá thân vào tác phẩm. Đoạn (6) thể hiện kết quả, nhờ quá trình hoá thân ấy mà người đọc khám phá sâu sắc hơn về bản thân mình, trưởng thành hơn trong nhận thức, tình cảm, ứng xử,...

- Đọc văn là nền tảng của học văn, muốn học giỏi văn phải bắt đầu bằng đọc văn; đối với độc giả nói chung, đọc văn giúp “tự phát hiện ra mình và lớn lên”. Để đi đến kết luận ấy, ngoài việc cắt nghĩa về đọc văn và học văn, người viết còn nêu lên hai bằng chứng về tác dụng của đọc văn đối với Đỗ Phủ và M. Go-rơ-ki. Đỗ Phủ và M. Go-rơ-ki đều là những nhà thơ, nhà văn lớn, có nhiều thành tựu trong sự nghiệp sáng tác. Việc đưa ra bằng chứng về những nhà thơ, nhà văn ấy đã giúp luận điểm của tác giả thuyết phục hơn.

IV. TỔNG KẾT

  1. Bố cục

Hệ thống luận đề, luận điểm, lí lẽ, bằng chứng được xây dựng chặt chẽ, rõ ràng, liên kết mạch lạc và đều góp phần làm sáng tỏ vấn đề mà văn bản đang tập trung hướng đến: Bản chất và ý nghĩa của việc đọc văn

  1. Ngôn ngữ

- Gần gũi, giản dị nhưng được chọn lọc kĩ, tạo nên sức gợi

=> Giáo án Ngữ văn 8 kết nối Bài 8 Văn bản 2: Đọc văn - cuộc chơi tìm ý nghĩa

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Kiến thức trọng tâm ngữ văn 8 kết nối tri thức - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu môn khác

Tài liệu mới cập nhật

Chat hỗ trợ
Chat ngay