Bài tập file word sinh học 6 cánh diều Bài 16: Virus và vi khuẩn

Bộ câu hỏi tự luận Khoa học tự nhiên 6 (Hóa học) cánh diều. Câu hỏi và bài tập tự luận Bài 16: Virus và vi khuẩn. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Hóa học 6 Cánh diều

Xem: => Giáo án sinh học 6 sách cánh diều

CHỦ ĐỀ 8 - ĐA DẠNG THẾ GIỚI SỐNG

BÀI 16 - VIRUS VÀ VI KHUẨN

1. NHẬN BIẾT (9 câu)

Câu 1: Nêu khái niệm của virus và vi khuẩn.

Trả lời:

  • Virus là dạng sống có kích thước rất nhỏ, mắt thường không nhìn thấy được.
  • Vi khuẩn là những sinh vật có kích thước nhỏ, chỉ có thể quan sát được bằng kính hiển vi. Chúng có mặt ở khắp mọi nơi: trong không khí, trong nước, trong đất, trong cơ thể chúng ta và cả các sinh vật sống khác.

Câu 2: Virus và vi khuẩn có hình dạng như thế nào?

Trả lời:

  • Virus có nhiều hình dạng khác nhau như hình que, hình đa diện, hình cầu,...
  • Vi khuẩn có rất nhiều hình dạng khác nhau, phân bố riêng lẻ hay thành từng đám, trong đó có ba dạng điển hình là: hình que, hình xoắn và hình cầu.

Câu 3: Virus có cấu tạo như thế nào?

Trả lời:

Virus chưa có cấu tạo tế bào: không có màng tế bào, tế bào chất và nhân; chỉ có chất di truyền nằm ở giữa và lớp vỏ protein bao bọc bên ngoài.

Câu 4: Vi khuẩn có cấu tạo như thế nào?

Trả lời:

Vi khuẩn có cấu tạo đơn bào, hầu hết có thành tế bào bao ngoài màng tế bào. Nhiều vi khuẩn còn có roi làm nhiệm vụ di chuyển và lông giúp vi khuẩn bám vào tế bào vật chủ.

 

Câu 5: Kể tên một số bệnh do virus gây nên ở người và sinh vật.

Trả lời:

  • Virus gây bệnh thối rữa ở quả ớt, dâu tây và bí ngô
  • Virus gây bệnh đốm trắng hoặc nâu trên lá cây
  • Virus gây ra một số bệnh ở người như quai bị, cúm, đậu mùa, viêm gan B, bệnh dại, hội chứng HIV/AIDS

Câu 6: Nêu một số vai trò của vi khuẩn.

Trả lời:

Vi khuẩn được dùng để chế biến các thực phẩm lên men như làm dưa chua, nước tương, sữa chua, phô mai,... Vi khuẩn còn có vai trò trong nông nghiệp như làm phân bón vi sinh,...

Câu 7: Nêu một số tác hại của vi khuẩn.

Trả lời:

  • Vi khuẩn làm hỏng thức ăn: Vi khuẩn có thể làm cho thức ăn dễ bị ôi thiu.
  • Vi khuẩn gây bệnh cho con người và sinh vật như uốn ván, sốt thương hàn, bệnh lao,... Ở thực vật, vi khuẩn gây bạc lá, làm héo cây.

Câu 8: Nêu một số biện pháp phòng bệnh do virus và vi khuẩn gây ra.

Trả lời:

  • Bảo vệ môi trường sống sạch sẽ.
  • Tập thể dục nâng cao sức khỏe.
  • Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng.
  • Thực hiện các biện pháp phòng chống lây lan bệnh cho cộng đồng.
  • Phun thuốc phòng bệnh cho cây trồng.
  • Tạo giống cây sạch bệnh.

Câu 9: Hiện nay, người ta thường sử dụng phương pháp nào để phòng chống và điều trị các bệnh do virus và vi khuẩn gây ra?

Trả lời:

  • Tiêm vaccine là biện pháp phòng các bệnh do virus và vi khuẩn gây nên như tiêm vaccine phòng bệnh sởi, quai bị, viêm gan B, uốn ván,... Tuy nhiên, hiện nay một số bệnh do virus gây ra vẫn chưa có vaccine và phương pháp điều trị hiệu quả như AIDS, SARS, sốt Ebola,...
  • Kháng sinh được chiết xuất từ các vi khuẩn hoặc nấm có khả năng tiêu diệt hoặc kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh ở người và sinh vật. Thuốc kháng sinh có thể điều trị được nhiều bệnh do vi khuẩn gây nên như bệnh viêm họng, tiêu chảy, nhiễm trùng da,...

2. THÔNG HIỂU (4 câu)

Câu 1: Tại sao virus không được coi là một sinh vật hoàn chỉnh?

Trả lời:

Vì virus chưa có cấu tạo tế bào: không có màng tế bào, tế bào chất và nhân; chỉ có chất di truyền nằm ở giữa và lớp vỏ protein bao bọc bên ngoài. Do vậy, virus chưa được coi là một sinh vật hoàn chỉnh.

Câu 2: Vì sao phải phòng bệnh do virus và vi khuẩn gây ra?

Trả lời:

Vì khi cây trồng đã bị bệnh do vi khuẩn và virus gây ra thì các biện pháp chữa bệnh cho cây sẽ không đạt hiệu quả cao. Do vậy, phòng bệnh là biện pháp hiệu quả cần quan tâm thực hiện thường xuyên.

Câu 3: Phân biệt virus và vi khuẩn.

Trả lời:

  • Kích thước của virus nhỏ hơn vi khuẩn từ 10 đến 100 lần.
  • Virus chỉ được coi là các cấu trúc hữu cơ thông qua tương tác với các cơ thể sống khác để sống sót và nhân lên, vi khuẩn là các tổ chức sống có khả năng sinh sản thông qua quá trình sinh sản vô tính còn gọi là sinh sản phân đôi.
  • Virus chỉ có vỏ protein, không có vách tế bào hay ribosom, còn vi khuẩn có ribosom và vách cứng tạo thành bởi peptidoglycan.
  • Vật liệu di truyển của virus được bao trong vỏ protein, của vi khuẩn lại trôi nổi trong bào tương.
  • Nhiễm trùng do vi khuẩn đa phần là nhiễm trùng khu trú tại một hay một vài vị trí trên cơ thể, trong khi virus thường gây nhiễm trùng toàn thân.
  • Các bệnh gây ra do vi khuẩn phần lớn có thể điều trị được bằng kháng sinh. Tuy nhiên kháng sinh không có tác dụng với virus. Các thuốc kháng virus thường dùng để điều trị một bệnh cụ thể và chỉ giúp làm giảm quá trình nhân lên của virus. Một số bệnh có thể ngăn ngừa bằng vắc xin.

Câu 4: Trong các bệnh sau, bệnh nào do virus gây ra, bệnh nào do vi khuẩn gây ra?

  1. Bệnh kiết lị 2. Bệnh vàng da
  2. Bệnh tiêu chảy 4. Bệnh thủy đậu
  3. HIV/AIDS 6. Bệnh tả

Trả lời:

Bệnh do virus gây ra: 4, 5,

Bệnh do vi khuẩn gây ra: 1, 2, 3, 6

3. VẬN DỤNG (3 câu)

Câu 1: Em hãy lấy một ví dụ về vai trò của vi khuẩn trong nông nghiệp.

Trả lời:

Vd: Rễ cây họ Đậu thường có các nốt sẩn, là nơi sống của nhiều vi khuẩn cố định nitơ trong không khí thành phân đạm tự nhiên rất tốt cho cây trồng và có vai trò quan trọng trong việc cải tạo đất. Ngoài ra, vi khuẩn còn góp phần phân giải xác của sinh vật như lá và cành cây, xác chết của động vật thành nguồn phân bón hữu cơ cho cây sử dụng.

Câu 2: Virus được ứng dụng như thế nào trong thực tiễn?

Trả lời:

  • Có vai trò trong nghiên cứu khoa học.
  • Được sử dụng để sản xuất các chế phẩm sinh học (interferon, thuốc kháng sinh, vaccine).
  • Được sử dụng trong sản xuất thuốc trừ sâu: Thuốc trừ sâu từ virus cho hiệu quả cao mà không gây ô nhiễm môi trường.
  • Ngoài ra, virus còn được sử dụng để chuyển gen từ loài này sang loài khác góp phần tạo ra các giống vật nuôi, cây trồng có năng suất và chất lượng cao, kháng bệnh tốt như giống bông kháng sâu hại, giống lúa gạo vàng có giá trị dinh dưỡng cao.

Câu 3: Vi khuẩn được ứng dụng như thế nào trong thực tiễn?

Trả lời:

  • Trong công nghệ thực phẩm, vi khuẩn axit lactic, như Lactobacillus và Lactococcus cùng với nấm men và nấm mốc, hoặc nấm, được sử dụng để chế biến các thực phẩm như phô mai, nước tương, natto (đậu nành lên men), giấm, sữa chua và dưa chua. Không chỉ lên men hữu ích để bảo quản thực phẩm, mà một số trong những thực phẩm này có thể mang lại lợi ích sức khỏe.
  • Một số vi khuẩn có thể phá vỡ các hợp chất hữu cơ. Điều này rất hữu ích cho các hoạt động như xử lý chất thải và làm sạch dầu tràn và chất thải độc hại. Các ngành công nghiệp dược phẩm và hóa chất cũng sử dụng vi khuẩn trong sản xuất một số hóa chất.
  • Vi khuẩn được sử dụng trong sinh học phân tử, sinh hóa và nghiên cứu di truyền, bởi vì chúng có thể phát triển nhanh chóng và tương đối dễ thao tác. Các nhà khoa học sử dụng vi khuẩn để nghiên cứu cách thức hoạt động của gen và enzyme. Vi khuẩn cũng là nhân tố cần thiết trong bào chế thuốc kháng sinh.

4. VẬN DỤNG CAO (3 câu)

Câu 1: Hãy kể tên một số đại dịch lớn trong lịch sử loài người. Đại dịch đó do virus hoặc vi khuẩn nào gây ra và chúng khủng khiếp đến mức nào?

Trả lời:

  • Dịch hạch: do vi khuẩn Yersinia pestis gây ra và lây lan qua loài bọ chét sống trên chuột đen. Đại dịch này đã làm giảm tới 50% dân số châu Âu trong khoảng thời gian từ năm 550-700 sau Công Nguyên và giảm từ một phần tư cho đến một nửa dân số thế giới. Đại dịch “Cái chết đen”, tấn công châu Âu vào năm 1347, cướp đi khoảng 200 triệu sinh mạng trong vòng 4 năm. Đây được coi là một trong những đại dịch chết chóc nhất trong lịch sử nhân loại.
  • Dịch tả: do vi khuẩn gram âm Vibrio cholerae gây ra, kể từ khi bùng phát vào thế kỷ 19, dịch tả đã giết chết hàng chục triệu người
  • Bệnh đậu mùa: là một căn bệnh truyền nhiễm do virus Variola gây ra. Căn bệnh này gây ra cái chết cho khoảng 400.000 người châu Âu mỗi năm vào cuối thế kỷ 18. Trong thế kỷ 20, ước tính bệnh đậu mùa là nguyên nhân khiến cho 300 đến 500 triệu người chết. Vào đầu những năm 1950, ước tính mỗi năm có khoảng 50 triệu ca mắc bệnh đậu mùa trên thế giới. Cho đến ngày nay, bệnh đầu mùa là bệnh truyền nhiễm duy nhất ở người đã bị loại bỏ hoàn toàn. Và là một trong hai loại virus truyền nhiễm bị tiêu diệt.
  • Bệnh AIDS: Bệnh dịch AIDS đã cướp đi sinh mạng của khoảng 35 triệu người kể từ khi nó được phát hiện lần đầu tiên do virus HIV gây ra.
  • Đại dịch Covid-19: do virus SARS-CoV-2 gây nên, dịch bệnh này đã lây nhiễm ít nhất 75 triệu người và gây ra 1,6 triệu ca tử vong.

Câu 2: Ở nước ta có chương trình tiêm chủng mở rộng. Em hãy nêu những hiểu biết của mình về chương trình này.

Trả lời:

  • Chương trình tiêm chủng mở rộng miễn phí cho trẻ em được triển khai bắt đầu từ năm 1981. Theo đó, trẻ em sẽ được tiêm chủng miễn phí các loại vắc xin phòng bệnh nguy hiểm và nguy cơ lây nhiễm cao nhất, góp phần nâng cao sức khỏe và chất lượng dân số.
  • Trước đây, trẻ em chỉ được tiêm chủng 7 loại bệnh miễn phí, song đến nay khi chương trình tiêm chủng mở rộng được mở rộng cả về quy mô lẫn số lượng tiêm chủng, trẻ được tiêm vắc xin phòng 12 bệnh truyền nhiễm phổ biến.
  • Cụ thể danh mục các loại bệnh được tiêm chủng miễn phí là: viêm gan B, bạch hầu, lao, bại liệt, ho gà, uốn ván, viêm màng não mủ do Hib, Rubella, sởi, viêm não Nhật Bản, tả, thương hàn.

Câu 3: Bên cạnh các loại vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng miễn phí cho trẻ em, trẻ nên tiêm phòng thêm các vaccine nào ngoài chương trình để đảm bảo phòng bệnh tốt nhất?

Trả lời:

Các loại vắc xin dịch vụ quan trọng mà trẻ nên được tiêm chủng ngoài các vắc xin phòng bệnh được tiêm chủng miễn phí:

  • Vaccine phòng bệnh thủy đậu.
  • Vaccine phòng bệnh viêm gan A hoặc kết hợp phòng bệnh viêm gan A và B.
  • Vaccine phòng bệnh tiêu chảy do Rotavirus.
  • Vaccine phòng bệnh kết hợp Sởi - Quai bị - Rubella.
  • Vaccine phòng bệnh viêm phổi, viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết, viêm tai giữa do H. Influenzae.
  • Vaccine phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu.
  • Vaccine phòng cúm (tiêm chủng hàng năm).
  • Vaccine phòng bệnh ung thư cổ tử cung.
  • Vaccine phòng bệnh thương hàn.
  • Vaccine phòng bệnh dại.

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Bài tập file word sinh học 6 cánh diều - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu mới cập nhật

Tài liệu môn khác

Chat hỗ trợ
Chat ngay