Bài tập file word sinh học 6 cánh diều Bài 20: Vai trò của thực vật trong đời sống và trong tự nhiên

Bộ câu hỏi tự luận Khoa học tự nhiên 6 (Sinh học) cánh diều. Câu hỏi và bài tập tự luận Bài 20: Vai trò của thực vật trong đời sống và trong tự nhiên. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Sinh học 6 Cánh diều

CHỦ ĐỀ 8 - ĐA DẠNG THẾ GIỚI SỐNG

BÀI 20 - VAI TRÒ CỦA THỰC VẬT TRONG ĐỜI SỐNG VÀ TRONG TỰ NHIÊN

1. NHẬN BIẾT (3 câu)

Câu 1: Nêu một số vai trò của thực vật với đời sống con người.

Trả lời:

  • Làm lương thực, thực phẩm
  • Làm thuốc, gia vị
  • Làm đồ dùng và giấy
  • Làm cây cảnh và trang trí
  • Cho bóng mát và điều hòa không khí

Câu 2: Nêu vai trò của thực vật trong tự nhiên.

Trả lời:

  • Điều hòa khí hậu
  • Làm giảm ô nhiễm không khí
  • Chống xói mòn đất và bảo vệ nguồn nước
  • Là nơi sống và thức ăn cho động vật

Câu 3: Nêu một số biện pháp để trồng và bảo vệ cây xanh.

Trả lời:

  • Bảo vệ cây con trong rừng
  • Trồng rừng ngập mặn
  • Bảo vệ các cây tròng trong thành phố
  • Không bẻ cành, vặt lá bừa bãi
  • Thường xuyên tham gia các hoạt động trồng cây

2. THÔNG HIỂU (5 câu)

Câu 1: Trên thế giới có bao nhiêu loại cây lương thực chính?

Trả lời:

Trên thế giới có chín loại cây được trồng chủ yếu làm lương thực. Đó là: lúa nước, ngô (bắp), khoai tây, lúa mì, sắn (khoai mì), khoai lang, cao lương, kê và đại mạch. Trong đó, lúa nước, ngô, sắn và khoai lang là bốn cây lương thực chính của Việt Nam.

Câu 2: Thực vật góp phần điều hòa khí hậu như thế nào?

Trả lời:

  • Trong quá trình quang hợp, thực vật lấy vào khí carbonic và nhả ra khí oxygen; nhưng trong quá trình hô hấp thì ngược lại. Do đó thực vật có vai trò giữ cân bằng các khí này trong không khí. Nhờ tác dụng cản bớt ánh sáng và tốc độ gió, thực vật có vai trò quan trọng trong việc điều hoà khí hậu, tăng lượng mưa của khu vực.
  • Trong cùng một vùng, khí hậu ở những nơi có nhiều thực vật khác với khí hậu ở nơi có ít hay không có thực vật. Sự khác nhau đó thể hiện trong bảng sau:

 

Câu 3: Thực vật góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường như thế nào?

Trả lời:

  • Lá cây có vai trò ngăn bụi, diệt vi khuẩn, giảm ô nhiễm môi trường. Theo các số liệu nghiên cứu, cây xanh có khả năng hấp thụ 50% bụi phóng xạ, quét dọn hơi, bụi độc, cặn bã từ các ngành công nghiệp. Cây xanh có khả năng hút các chất độc hại như cacbonic, sunfua, clo, amoniac.
  • Cây cối trồng đan xen nhau thành nhiều lớp còn có tác dụng chắn gió, giảm bớt sự di chuyển của cát bụi bởi lá cây chính là nơi bám bụi bẩn tốt.
  • Khi cây mọc thành rừng thì tác dụng làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường còn được tăng lên gấp nhiều lần.
  • Cây xanh giúp giảm nhu cầu sử dụng năng lượng và giảm bớt lượng khí CO2phát ra từ các nhà máy sản xuất điện.
  • Nhờ vào đặc tính thấm hút nước tốt của rễ cây, cây cối giúp làm chậm sự bốc hơi nước, tăng cường độ ẩm trong không khí. Đặc biệt, thực vật cũng giúp ngăn cản dòng chảy của nước, ngăn chặn tình trạng bão, lũ lụt xói mòn đất.

Câu 4: Thực vật giúp bảo vệ nguồn nước như thế nào?

Trả lời:

Nước mưa sau khi rơi xuống, chảy trên mặt đất. Ở những nơi có nhiều cây xanh như trong rừng, nước bị cản bởi rễ và gốc cây nên chảy chậm lại, một phần nước mưa thấm dần xuống các lớp đất phía dưới tạo thành nước ngầm. Do vậy, rừng là nơi giữ nguồn nước rất quan trọng cho cuộc sống con người và cho nông nghiệp.

Câu 5: Trình bày mối quan hệ giữa động vật và thực vật.

Trả lời:

  • Thực vật quang hợp, cung cấp oxygen, điều hòa khí hậu, là nguồn thức ăn cho động vật, là nơi ở, nguồn sống cho các sinh vật giúp động vật sinh trưởng và phát triển.
  • Động vật ăn cỏ giúp kìm hãm sự phát triển của thực vật (nếu như không có động vật thì thực vật sẽ mọc um tùm, lây lan,...), chất thải do động vật thải ra sẽ là nguồn thức ăn cho thực vật (vì khi quang hợp thì thực vật thải oxygen và lấy carbonic)
  • Động vật còn là nguồn thức ăn của thực vật trong một số trường hợp đặc biệt. VD: cây nắp ấm, cây bắt ruồi...
  • Ngoải ra động vật còn giúp ít cho việc sinh sản ở thực vật (thụ phấn, phát tán hạt).

3. VẬN DỤNG (5 câu)

Câu 1: Bạn Hoa muốn đặt một số cây xanh vào phòng để lọc không khí, em hãy gợi ý cho bạn Hoa một số cây phù hợp.

Trả lời:

Một số loại cây còn có khả năng hút các chất độc trong không khí. Ví dụ như cây thiết mộc lan hút hơi benzene, khí carbon monoxide,...; cây dương xỉ có thể hút khí aldehyde formic,...

Câu 2: Các cây trồng trong đô thị cần đáp ứng tiêu chí nào?

Trả lời:

  • Cây trồng cần phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu, môi trường, cảnh quan thiên nhiên, điều kiện vệ sinh, bố cục không gian kiến trúc, quy mô, tính chất cũng như cơ sở kinh tế kỹ thuật, truyền thống tập quán cộng đồng của đô thị.
  • Các loại cây có thân thẳng, gỗ dai đề phòng bị giòn gẫy bất thường, tán lá gọn, thân cây không có gai, có độ phân cành cao. Lá cây có bản rộng để tăng cường quá trình quang hợp, tăng hiệu quả làm sạch môi trường.
  • Cây ăn quả (hoặc không có quả) không hấp dẫn ruồi nhặng làm ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường. Tuổi thọ cây phải dài (50 năm trở lên), có tốc độ tăng trưởng tốt, có sức chịu đựng sự khắc nghiệt của thời tiết, ít bị sâu bệnh, mối mọt phá hoại; cây phải có hoa đẹp, có những biểu hiện đặc trưng cho các mùa.

Câu 3: Em hãy kể tên một số cây nên trồng trong đô thị và giải thích lý do.

Trả lời:

  • Cây xà cừ: là loại cây thân gỗ sở hữu đường kính thân rất lớn, tán lá rộng và xanh mướt quanh năm, rất thích hợp với việc trồng cây lấy bóng mát đô thị.
  • Cây bằng lăng có tốc độ sinh sản cao, thân cây thường cao 10 - 20m và tán lá rất rộng nên tạo bóng mát tốt. Điểm cộng hơn cả là chúng có hoa rất đẹp tạo mỹ quan đô thị.
  • Cây lim xẹt: có dáng thẳng, nhánh mềm và xòe tròn, chống chịu rất tốt với nắng nên được trồng tại các vỉa hè.
  • Cây sấu: có sức sống dẻo dai với cấu tạo thân thẳng, tán lá rộng và thường xanh quanh năm, rất dễ chăm sóc và ít bị tấn công bởi các loại sâu bệnh, có bộ rễ cọc ăn sâu vào lòng đất, cành cây dẻo dai nên có thể chống lại các trận bão lớn.
  • Cây lộc vừng: là loại cây lâu năm với nhiều ý nghĩa về mặt phong thủy, có tán lá rộng, hoa đẹp, thơm nên ngoài giúp tạo bóng mát tốt còn giúp thư giãn.
  • Cây phượng vĩ: có thân lớn, sở hữu chiều cao từ 10 - 20m cùng tán rộng xanh tốt quanh năm, mùa hè sẽ cho hoa màu đỏ đặc trưng.

Câu 4: Ở những nơi hay bị xói mòn, sạt lở đất, người ta thường trồng những loại cây nào? Giải thích.

Trả lời:

Ở những nơi hay bị xói mòn, sạt lở đất, người ta thường trồng: dừa nước, cây bần chua, cây tràm,...

  • Dừa nước sinh sống trong đầm lầy, dọc hai bên bờ sông hay ven cửa biển có thủy triều lên xuống, hay nó còn sống ở những dòng sông, kênh, rạch nước chảy chậm, có rễ chùm bám vào đất rất sâu giúp chống sạt lở, xói mòn.
  • Cây bần chua có rễ phát triển mạnh thành gốc to, mọc sâu dưới bùn đất và chắc khỏe, có tác dụng chắn sóng và chống sạt lở đất rất hiệu quả.
  • Cây tràm: hệ thống bộ rễ phát triển rất mạnh mẽ, mọc lan to và rất sâu làm nền móng vững chắc cho cây không bị đổ.

Câu 5: Lấy ví dụ về mối quan hệ giữa động vật và thực vật.

Trả lời:

VD: Trên các đồng cỏ nhiệt đới, thực vật hoà thảo (cỏ) phát triển rất phong phú, nên có nhiều loài động vật ăn cỏ sinh sống như: voi, sơn dương đầu bò, ngựa vằn, linh dương,... Những động vật ăn cỏ này lại là mồi của các động vật ăn thịt như: sư tử, báo, linh miêu, đại bàng... Chất thải do động vật thải ra hoặc xác động vật sau khi phân hủy trở thành chất dinh dưỡng của thực vật.

4. VẬN DỤNG CAO (2 câu)

Câu 1: Trình bày thực trạng đa dạng thực vật ở Việt Nam hiện nay.

Trả lời:

  • Việt Nam là nơi trú ngụ của 13.766 loài thực vật, 537 loài thực vật nổi, 94 loài thực vật ngập mặn.
  • Ngoài ra, Việt Nam có đến 25 giống thực vật có mạch đặc hữu, trong khi con số này ở Lào là 3 và Campuchia là 1.
  • Giá trị đa dạng sinh học cao nhưng hiện trạng tình trạng bảo tồn về đa dạng sinh học cũng là một vấn đề cấp bách của quốc gia. Đa dạng sinh học ở Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng bởi lịch sử chiến tranh và nền văn hóa phụ thuộc vào nguồn tài nguyên thiên nhiên. Trong giai đoạn chiến tranh, ít nhất 2,2 triệu ha rừng đã bị ảnh hưởng trong giai đoạn 1943-1973. Sự suy giảm nguồn tài nguyên rừng tiếp tục diễn ra sau khi chiến tranh kết thúc do nhu cầu phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, sử dụng động vật hoang dã để phục vụ nhu cầu sống của cộng đồng dân cư sống dựa vào rừng đã đẩy nhiều loài động vật đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Ngoài ra còn nhiều nguyên nhân khác như: chuyển đổi đất khi chưa có đủ luận cứ khoa học, phát triển cơ sở hạ tầng, loài ngoại lai xâm hại, khai thác quá mức nguồn tài nguyên, ô nhiễm môi trường, và áp lực từ việc tăng nhanh dân số.
  • Có thể nói, những vấn đề liên quan đến đa dạng sinh học ở Việt Nam ngày càng trở nên cấp bách. Tín hiệu đáng mừng là công tác bảo tồn đa dạng sinh học đã được Chính phủ nhìn nhận và hoàn thiện khung pháp lý.

Câu 2: Thực vật có vai trò gì trong việc nghiên cứu và phát triển ngành khoa học và công nghệ?

Trả lời:

  • Nguyên liệu nghiên cứu: cung cấp nguyên liệu quý giá cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Ví dụ, các loại dược liệu được sử dụng trong nghiên cứu y học và dược học. Ngoài ra còn sử dụng trong phòng thí nghiệm để nghiên cứu tác động của môi trường và gen.
  • Mô hình nghiên cứu: Thực vật được sử dụng như mô hình trong nghiên cứu sinh học, sinh thái, và di truyền học. Chúng cung cấp cơ sở cho việc tìm hiểu về sự phát triển của loài, tương tác sinh thái, và sự biến đổi di truyền.
  • Các ứng dụng công nghệ mới: Thực vật cung cấp nguồn cảm hứng cho việc phát triển công nghệ mới. Ví dụ, ngành nano-công nghệ lấy cảm hứng từ cấu trúc và tính chất của các loại cỏ, lá, và cây.
  • Sử dụng trong nghiên cứu về năng lượng tái tạo: cung cấp nguyên liệu cho nghiên cứu các công nghệ năng lượng tái tạo, bao gồm nhiên liệu sinh học và điện từ năng lượng mặt trời.

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Bài tập file word sinh học 6 cánh diều - Tại đây

Tài liệu khác

Chat hỗ trợ
Chat ngay