Câu hỏi tự luận Công nghệ 7 cánh diều Ôn tập Chủ đề 2: Chăn nuôi và thuỷ sản (P1)

Bộ câu hỏi tự luận Công nghệ 7 cánh diều. Câu hỏi và bài tập tự luận Ôn tập Chủ đề 2: Chăn nuôi và thuỷ sản (P1). Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Công nghệ 7 cánh diều.

ÔN TẬP CHỦ ĐỀ 2: CHĂN NUÔI VÀ THỦY SẢN
(PHẦN 1 – 20 CÂU)

Câu 1: Chăn nuôi là gì? Nêu vai trò của chăn nuôi?

Trả lời:

- Chăn nuôi là một phần của nông nghiệp, tác động vào vật nuôi để tạo ra những sản phẩm phục vụ cho mục đích khác nhau của con người.

- Chăn nuôi có vai trò quan trọng đối với đời sống con người, kinh tế và xã hội thông qua việc cung cấp thực phẩm, nguyên liệu cho một số ngành công nghiệp, sức kéo, phân bón và tạo việc làm.

Câu 2: Nuôi con cái sinh sản được chia thành những giai đoạn nào? Cần nuôi dưỡng và chăm sóc con đực như thế nào?

Trả lời:

- Nuôi con cái sinh sản có thể chia làm ba giai đoạn: giai đoạn hậu bị, giai đoạn mang thai và giai đoạn nuôi con. Mỗi giai đoạn có những yêu cầu và kỹ thuật chăn nuôi riêng.

- Chất lượng vật nuôi đực giống ảnh hưởng đến số lượng và chất lượng đàn con sinh ra. Cần nuôi dưỡng và chăm sóc để chúng có sức khoẻ tốt, không quá gầy hay quá béo, số lượng và chất lượng tinh dịch tốt.

Câu 3: Trình bày các tác nhân bên ngoài gây bệnh cho vật nuôi?

Trả lời:

Các tác nhân bên ngoài gây bệnh cho vật nuôi:

- Cơ học: chấn thương, tai nạn....

- Lý học: nhiệt độ cao (trên 50°C), nhiệt độ quá thấp (dưới 0°C); dòng điện, tia phóng xạ....

- Hóa học: ngộ độc acid, kiềm, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ....

- Sinh học: Vi sinh vật (virus, vi khuẩn, nấm), ký sinh trùng (giun, sán, ve, ghẻ,...).

- Các động thực vật khác (rắn, ong, cây cỏ có độc,...).

Trong các bệnh do tác nhân sinh học gây ra, bệnh truyền nhiễm là những bệnh do vi sinh vật gây ra. Bệnh truyền nhiễm thường lây lan nhanh thành dịch và gây tổn thất lớn cho ngành chăn nuôi.

Câu 4: Phân biệt cá chẽm và cá tra?

Trả lời:

- Giống nhau: Cả 2 đều có thân dài, miệng rộng.

- Khác nhau:

+ Cá chẽm: Dẹp bên, phần lưng hơi gồ cao, vảy dạng lược rộng, chếch, hàm dưới nhô dài hơn hàm trên, hai vây lưng tách rời nhau.

+ Cá tra: Da trơn, lưng xám đen, bụng hơi bạc, có 2 đôi râu dài.

Câu 5: Trình bày đặc điểm của một số vật nuôi ngoại nhập của nước ta?

Trả lời:

- Lợn Landrace có nguồn gốc từ Đan Mạch. Lợn có màu trắng tuyền, thân dày và dài, tai to rủ che kín mắt, bụng dài thon, mông phát triển, chân to thẳng. Lợn sinh trưởng nhanh, tỉ lệ nạc cao.

- Gà Ross 308 có nguồn gốc từ Ireland (thuộc nước Anh). Gà có lông màu trắng, mỏ vàng, chân vàng, da vàng, mào đỏ.

- Bò Holstein Friesian (HF) có nguồn gốc từ Hà Lan. Giống bò này có màu lông lang đen trắng, tầm vóc lớn, bầu vú to, cho sản lượng sữa cao.

Câu 6: Trình bày yêu cầu và công việc nuôi dưỡng con cái ở giai đoạn hậu bị?

Trả lời:

- Yêu cầu: vật nuôi không quá béo, không quá gầy.

- Nuôi dưỡng, chăm sóc:

+ Cho ăn vừa đủ về số lượng và chất lượng;

+ Cho vật nuôi vận động thường xuyên.

- Tiêm phòng; chuồng nuôi sạch sẽ, thoáng khí; vệ sinh thân thể, uống đủ nước.

Câu 7: Thế nào là thức ăn, nước uống đảm bảo vệ sinh trong chăn nuôi?

Trả lời:

Thức ăn và nước uống cho vật nuôi cần phải đảm bảo đúng chủng loại, đủ khối lượng và hợp vệ sinh. Thức ăn cần được bảo quản ở nơi cao ráo, khô, thoáng khí, tránh nắng, mưa và tránh sự xâm hại của côn trùng, chuột bọ. Hằng ngày cần thu dọn thức ăn vương vãi, dư thừa, đồng thời thay nước uống mới.

Câu 8: Kể tên những loài thủy sản được nhập khẩu ở nước ta?

Trả lời:

Những loài thủy sản được nhập khẩu của nước ta: Cá tầm Nga, cá tầm Xi bê ri, cá tầm Sterlet, cá tầm Beluga, ốc vòi voi, cua huỳnh đế, tôm hùm Canada, tôm hùm Mỹ, sò điệp, hàu Phương đông, hàu Mỹ, hu u Thái Bình Dương, vẹm xanh, cua Dungeness, cua tuyết, ốc biển Đại Tây Dương, trai Địa Trung Hải, sò Manila.

Câu 9: Liệt kê một số loài vật nuôi bản địa và ngoại nhập của nước ta?

Trả lời:

- Một số loài vật nuôi bản địa của nước ta: Lợn (heo) Móng Cái, Lợn Sóc, Gà Ri, Trâu Việt Nam (trâu nội), Dê cỏ, Bò vàng,…

- Một số loài vật nuôi ngoại nhập của nước ta: Lợn Landrace, Gà Ross 308, Bò Holstein Friesian (HF),…

Câu 10: Trình bày các công việc nuôi dưỡng và chăm sóc gà thả vườn?

Trả lời:

Các công việc nuôi dưỡng gà thịt thả vườn:

- Nuôi dưỡng:

+ Thức ăn: sử dụng ngô, thóc, cám gạo, cám ngô, …; thức ăn công nghiệp; và thức ăn tự nhiên trong vườn.

+ Cho ăn phù hợp với từng giai đoạn tuổi:

- Chăm sóc:

+ Giai đoạn từ 1 đến 21 ngày tuổi: sử dụng thức ăn công nghiệp hoặc gạo tấm, bột ngô, rải mỏng thức ăn, cho ăn nhiều lần trong ngày.

+ Giai đoạn từ 21 đến 42 ngày tuổi: sử dụng thức ăn công nghiệp và phối trộn thêm thóc, gạo, ngô, rau, … cho ăn tự do, ngày 2 lần (sáng, chiều tối).

+ Giai đoạn từ 43 ngày tuổi đến xuất chuồng: tăng lượng thức ăn gấp đôi so với giai đoạn trước, cho ăn tự do, ngày 2 lần (sáng, chiều tối).

+ Nước uống: đảm bảo sạch, thay nước hằng ngày, cho uống tự do.

Câu 11: Người nuôi cần làm gì khi trị bệnh cho vật nuôi?

Trả lời:

Khi phát hiện vật nuôi bị bệnh, cần báo ngay cán bộ thú y đến khám và điều trị. Bác sĩ thú y sẽ căn cứ vào loại bệnh, mức độ bệnh và hiệu quả kinh tế mà đưa ra biện pháp xử lý thích hợp.

Câu 12: Liệt kê các phương thức chăn nuôi phổ biến ở nước ta?

Trả lời:

Có ba phương thức chăn nuôi phổ biến là nuôi chăn thả tự do, nuôi công nghiệp (nuôi nhốt) và nuôi bán công nghiệp (bán chăn thả).

Câu 13: Để nuôi gà thả vườn cần lựa chọn giống gà nào?

Trả lời:

Để nuôi gà thả vườn cần chọn các giống gà lấy thịt có chất lượng tốt và được ưa chuộng như gà ta (Mia, Đông Tảo, Ri,...) hoặc gà ta lai. Con giống 01 ngày tuổi đảm bảo khoẻ mạnh.

Câu 14: Cần thực hiện quản lý chất thải chăn nuôi như thế nào?

Trả lời:

Chất thải chăn nuôi cần được thu gom, phân loại và xử lý đúng cách. Chất thải hữu cơ có thể được xử lí bằng phương pháp ủ làm phân bón (phân compost), phương pháp ủ khí sinh học (biogas) để tạo ra nhiên liệu, phương pháp nuôi trùn quế,... Các loại rác thải khác cần được gom vào nơi quy định để tiêu huỷ.

Câu 15: Ngành chăn nuôi ở nước ta có những triển vọng gì?

Trả lời:

Ngành chăn nuôi có những triển vọng như: sản xuất hàng hoá theo mô hình khép kín, áp dụng công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, phát triển bền vững tạo ra sản phẩm có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Câu 16: Trình bày những công việc nuôi dưỡng và chăm sóc phù hợp cho gia súc con?

Trả lời:

- Nuôi dưỡng:

+ Cho vật nuôi bú sữa đầu ( sữa mẹ trong vài ngày đầu sau khi đẻ)

+ Tập ăn sớm với các loại thức ăn đủ chất dinh dưỡng

- Chăm sóc:

+ Giữ ấm cơ thể

+ Cho vật nuôi vận động, tắm nắng

+ Tiêm vaccine và vệ sinh phòng bệnh

Câu 17: Nên bố trí chuồng nuôi ở vị trí nào?

Trả lời:

Chuồng nuôi nên được bố trí ở những nơi yên tĩnh, tránh xa khu dân cư, khu công nghiệp... Hướng chuồng nuôi tốt nhất thường là hưởng nam hay đông nam để có chiếu sáng phù hợp. tránh mưa hắt, gió lùa.

Câu 18: Chọn một loại vật nuôi sau đó tìm đọc sách, tài liệu hoặc tra cứu trên mạng internet để tìm hiểu về: đặc điểm, giá trị kinh tế, yêu cầu thức ăn và quy trình kỹ thuật chăn nuôi vật nuôi đó. Ghi lại những thông tin thu thập được. 

Trả lời:

Em xin chọn loại gà đông tảo.

– Đặc điểm : Gà Đông Tảo có đôi chân to, thô. Đây là đặc điểm nổi bật và cũng là sản phẩm quý nhất của con gà Đông Tảo. Khi trưởng thành, gà trống có thể nặng 4, 5 – 6 kg, gà mái đạt 3,5 – 4 kg. Các vị trí da không có lông trên mình gà trống và gà mái đều có màu đỏ .

– Giá trị kinh tế: Gà Đông Tảo nhiều thịt, trong thịt không có gân, không dai. Khi nấu chín miếng thịt gà chắc, ăn ngon, ngọt giòn, màu rất giống với màu của thịt bò nấu chín. Thịt gà Đông Tảo là món ăn đặc sản, được nhiều người ưa chuộng nên có giá trị kinh tế cao. Gà Đông Tảo xuất tại vườn đã bán được 350 000 – 400 000 đồng/kg. Gà giống bán được 100 000 – 120 000 đồng/con .

– Yêu cầu thức ăn:

+ Đối với gà con: cám trộn với cơm, gạo tấm, bắp nghiền,…

+ Đối với gà trưởng thành: bột ngô, gạo, chuối, rau,…

– Quy trình kỹ thuật chăn nuôi:

+ Chuẩn bị giống chất lượng.

+ Khi nuôi gà con cần chuẩn bị quầy úm và chiếu sáng sưởi ấm cho gà; cung cấp lượng thức ăn phù hợp cho gà trong từng giai đoạn.

+ Chuẩn bị vườn nuôi gà.

+ Vệ sinh chuồng trại, dụng cụ nuôi gà.

+ Tiêm phòng dịch bệnh cho gà khi cần thiết.

Câu 19: Nhà bạn Thịnh ở một huyện miền núi của tỉnh Phú Thọ. Khu đất nhà bạn rất sẵn các loại rau củ, quả, cây sắn, cây chuối, rau lang. Gia đình bạn rất muốn chăn nuôi một loại vật nuôi nào đó để cải thiện kinh tế gia đình với điều kiện vật nuôi đó phải dễ nuôi, tận dụng được nguồn thức ăn tự nhiên, chịu đựng được kham khổ, không cần đầu tư nhiều cho chăn nuôi. Bằng kiến thức đã học, em hãy gợi ý cho gia đình bạn Thịnh một giống vật nuôi phù hợp và giải thích để gia đình bạn chọn nuôi giống vật nuôi đó?

Trả lời:

Theo em, gia đình bạn Thịnh nên nuôi lợn Mường vì: Lợn Mường ăn sống trực tiếp hầu hết các loại rau, củ, quả, thân cây ngô, bắp ngô, củ sắn, cây chuối, rau lang nên gia đình bạn ấy có thể tận dụng được nguồn thức ăn tự nhiên, chi phí chăn nuôi thấp.

Câu 20: Em hãy nêu các điều kiện để nuôi lợn Mường?

Trả lời:

Điều kiện để nuôi lợn Mường là: thích hợp với chăn thả tự do, có con giống, đất đai rộng rãi và có nguồn thức ăn tự nhiên là có thể nuôi được lợn Mường.

 

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận công nghệ 7 cánh diều - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu môn khác

Tài liệu mới cập nhật

Chat hỗ trợ
Chat ngay