Câu hỏi tự luận công nghệ 7 cánh diều Bài 8: Giới thiệu chung về chăn nuôi

Bộ câu hỏi tự luận công nghệ 7 cánh diều. Câu hỏi và bài tập tự luận Bài 8: Giới thiệu chung về chăn nuôi. Cấu trúc tuần tự trong thuật toán. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học công nghệ 7 cánh diều

BÀI 8: GIỚI THIỆU CHUNG VỀ CHĂN NUÔI

(14 câu)

1. Nhận biết (5 câu)

Câu 1:Chăn nuôi là gì?

Trả lời:

Chăn nuôi là một phần của nông nghiệp, tác động vào vật nuôi để tạo ra những sản phẩm phục vụ cho mục đích khác nhau của con người.

 

Câu 2:Nêu vai trò của chăn nuôi?

Trả lời:

Chăn nuôi có vai trò quan trọng đối với đời sống con người, kinh tế và xã hội thông qua việc cung cấp thực phẩm, nguyên liệu cho một số ngành công nghiệp, sức kéo, phân bón và tạo việc làm.

 

Câu 3:Nêu ý nghĩa của việc bảo vệ rừng?

Trả lời:

Rừng là tài nguyên quan trọng đối với đất nước và nhân loại. Bảo vệ rừng là bảo vệ tài nguyên đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái, giảm thiểu biến đổi khí hậu, bảo vệ cuộc sống của con người.

 

Câu 4:Liệt kê một số loài vật nuôi bản địa và ngoại nhập của nước ta?

Trả lời:

- Một số loài vật nuôi bản địa của nước ta: Lợn (heo) Móng Cái, Lợn Sóc, Gà Ri, Trâu Việt Nam (trâu nội), Dê cỏ, Bò vàng,…

- Một số loài vật nuôi ngoại nhập của nước ta: Lợn Landrace, Gà Ross 308, Bò Holstein Friesian (HF),…

 

Câu 5:Liệt kê các phương thức chăn nuôi phổ biến ở nước ta?

Trả lời:

Có ba phương thức chăn nuôi phổ biến là nuôi chăn thả tự do, nuôi công nghiệp (nuôi nhốt) và nuôi bán công nghiệp (bán chăn thả).

 

2. Thông hiểu (4 câu)

Câu 1:Ngành chăn nuôi ở nước ta có những triển vọng gì?

Trả lời:

Ngành chăn nuôi có những triển vọng như: sản xuất hàng hoá theo mô hình khép kín, áp dụng công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, phát triển bền vững tạo ra sản phẩm có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

 

Câu 2:Nêu những tiềm năng phát triển của ngành chăn nuôi nước ta?

Trả lời:

Ngành chăn nuôi nước ta có nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai như: nhu cầu trong nước và thế giới về sản phẩm chăn nuôi ngày càng tăng; liên kết doanh nghiệp trong và ngoài nước ngày càng mở rộng; công nghệ cao trong chăn nuôi được đầu tư và áp dụng ngày càng nhiều; người dân cần cù, ham học hỏi và thường xuyên cập nhật kiến thức mới về chăn nuôi.

 

Câu 3:Trình bày đặc điểm của một số vật nuôi bản địa của nước ta?

Trả lời:

- Lợn (heo) Móng Cái có nguồn gốc từ huyện Đầm Hà và Móng Cái tỉnh Quảng Ninh, được nuôi phổ biến khắp cả nước. Giống lợn này có thân và cổ ngắn, tai nhỏ, lưng võng và bụng xệ, cơ thể có một khoang trắng nối giữa hai bên hông với nhau vắt qua vai giống như cái yên ngựa.

- Lợn Sóc được nuôi phổ biến ở vùng Tây Nguyên. Lợn có tầm vóc cơ thể nhỏ, mõm dài và nhọn, da dày mốc, lông đen dài, chân nhỏ đi bằng móng.

- Gà Ri được nuôi phổ biến ở miền Bắc và miền Trung. Màu lông phổ biến là vàng, nâu; tầm vóc nhỏ, dáng thanh gọn, chân có hai hàng vảy xếp hình mái ngói.

- Trâu Việt Nam (trâu nội) có ngoại hình vạm vỡ với phần bụng lớn, toàn thân màu đen với vài đốm trắng, đầu nhỏ, sừng dài và tai nhỏ; thường được nuôi để lấy sức kéo và lấy thịt.

- Dê cỏ được nuôi chủ yếu ở vùng trung du, đồng bằng và ven biển.Dê có màu lông đa dạng như trắng, ghi, nâu, đen; tầm vóc nhỏ; chủ yếu được nuôi lấy thịt.

- Bò vàng có lông màu nâu vàng toàn thân, u vai nổi rõ, tầm vóc nhỏ, được nuôi phổ biến khắp cả nước, đặc biệt là các tỉnh miền Trung.

 

Câu 4:Trình bày đặc điểm của một số vật nuôi ngoại nhập của nước ta?

Trả lời:

- Lợn Landrace có nguồn gốc từ Đan Mạch. Lợn có màu trắng tuyền, thân dày và dài, tai to rủ che kín mắt, bụng dài thon, mông phát triển, chân to thẳng. Lợn sinh trưởng nhanh, tỉ lệ nạc cao.

- Gà Ross 308 có nguồn gốc từ Ireland (thuộc nước Anh). Gà có lông màu trắng, mỏ vàng, chân vàng, da vàng, mào đỏ.

- Bò Holstein Friesian (HF) có nguồn gốc từ Hà Lan. Giống bò này có màu lông lang đen trắng, tầm vóc lớn, bầu vú to, cho sản lượng sữa cao.

 

3. Vận dụng (3 câu)

Câu 1:Giống vật nuôi bản địa có ưu và nhược điểm gì?

Trả lời:

Giống vật nuôi bản địa có ưu điểm chung là dễ nuôi, chịu được kham khổ, thích nghi với điều kiện môi trường địa phương và sản phẩm (thịt, trứng, sữa) thường thơm ngon, vì vậy một số giống được nuôi làm đặc sản. Tuy nhiên, chúng thường có năng suất thấp nên hiện nay số lượng bị suy giảm nghiêm trọng, thậm chí có nguy cơ bị biến mất.

 

Câu 2:Phân biệt các phương thức chăn nuôi phổ biến ở Việt Nam?

Trả lời:

- Nuôi chăn thả tự do: vật nuôi có thể đi lại tự do, tự kiếm thức ăn. Phương thức này có mức đầu tư thấp, tận dụng được nguồn thức ăn tự nhiên. Tuy nhiên, nuôi chăn thả tự do cho năng suất thấp và khó kiểm soát dịch bệnh.

- Nuôi công nghiệp: vật nuôi được nuôi nhốt hoàn toàn trong chuồng trại, chỉ ăn các loại thức ăn do con người cung cấp. Phương thức này cho năng suất cao, chủ động kiểm soát được dịch bệnh nhưng cần mức đầu tư cao.

- Nuôi bán công nghiệp là phương thức kết hợp của hai phương thức trên. Vật nuôi được nuôi trong chuồng kết hợp với chăn thả, sử dụng thức ăn công nghiệp kết hợp với thức ăn địa phương sẵn có.

 

Câu 3: Trình bày một số ngành nghề trong chăn nuôi?

Trả lời:

Trong ngành chăn nuôi có rất nhiều nghề: nghề chăn nuôi; nghề thú y; nghề chọn tạo giống vật nuôi và các nghề khác liên quan đến nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc và vật tư thú y.

Nghề chăn nuôi: Người làm nghề này thực hiện các công việc nuôi dưỡng và chăm sóc vật nuôi, quản lí hoạt động chăn nuôi và đưa ra những hướng dẫn kĩ thuật.

Nghề thú y: Người làm nghề này thực hiện công việc bảo vệ sức khoẻ vật nuôi thông qua phòng bệnh, khám bệnh và chữa bệnh.

Nghề chọn tạo giống vật nuôi: Người làm nghề này thực hiện việc nghiên cứu, chọn lọc và tạo ra các giống vật nuôi có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao.

Người tham gia các nghề trên có thể tích luỹ kiến thức và kĩ năng thông qua tự học, qua các khoá tập huẩn chuyên môn hoặc đào tạo tại các cơ sở đào tạo phù hợp.

 

4. Vận dụng cao (2 câu)

Câu 1:Em sẽ làm gì để góp phần giảm thiểu thiên tai?

Trả lời:

Những việc cần làm của bản thân em góp phần giảm thiểu thiên tai:

+ Tuyên truyền ý thức bảo vệ rừng cho những người trong gia đình và người dân khu vực.

+ Đề cao vai trò của người dân bản địa.

+ Tuân thủ quy định về bảo vệ rừng khi tham quan.

+ Không sử dụng sản phẩm từ động vật rừng quý hiếm.

+ Sử dụng các sản phẩm từ nguồn năng lượng tái tạo.

 

Câu 2:Trình bày những hiểu biết của em về chăn nuôi thông minh?

Trả lời:

Chăn nuôi thông minh là việc ứng dụng một cách thích hợp các công nghệ thông minh nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả và tính bền vững trong chăn nuôi. Ví dụ điển hình của mô hình chăn nuôi này là sử dụng các thiết bị thông minh tự động để theo dõi sức khoẻ vật nuôi và môi trường chăn nuôi kể cả thức ăn, nước uống, từ đó sẽ tự động đưa ra giải pháp tốt nhất. Đây là xu thế chăn nuôi đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới.

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận công nghệ 7 cánh diều - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu môn khác

Tài liệu mới cập nhật

Chat hỗ trợ
Chat ngay