Câu hỏi tự luận Công nghệ 8 cánh diều Ôn tập Chủ đề 2: Cơ khí (P1)
Bộ câu hỏi tự luận Công nghệ 8 cánh diều. Câu hỏi và bài tập tự luận Ôn tập Chủ đề 2: Cơ khí (P1). Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Công nghệ 8 cánh diều.
Xem: => Giáo án công nghệ 8 cánh diều
ÔN TẬP CHỦ ĐỀ 2. CƠ KHÍ (PHẦN 1)
Câu 1: Thép không gỉ (inox) là gì? Nêu đặc tính của inox.
Trả lời:
Thép không gỉ (inox) là hợp kim của sắt với carbon, chromium và nickel, trong đó hàm lượng chromium lớn hơn hoặc bẳng 10%. Thép không gỉ có khả năng chịu ăn mòn cao, dễ uốn, dễ hàn và mềm dẻo. Ứng dụng làm đồ gia dụng, vật liệu xây dựng, dụng cụ y tế,...
Câu 2: Phương pháp cắt kim loại bằng cưa tay được thực hiện như thế nào?
Trả lời:
Cắt kim loại bằng cưa tay là phương pháp gia công nguội dùng cưa tay để cắt các tấm kim loại dày, phôi kim loại dạng tròn, dạng định hình,..thành những đoạn có chiều dài mong muốn.
Câu 3: Bộ truyền xích gồm các chi tiết nào?
Trả lời:
Bộ truyền xích gồm:
- Đĩa xích dẫn
- Đĩa xích bị dẫn
- Dây xích
Câu 4: Nêu ưu điểm của kim loại màu.
Trả lời:
Kim loại màu có tính chống ăn mòn cao, dễ gia công (kéo dài, dát mỏng, uốn cong), dẫn điện, dẫn nhiệt tốt.
Câu 5: Vì sao đồng lại được sử dụng để chế tạo cầu dao và bạc lót?
Trả lời:
Đồng được sử dụng để chế tạo cầu dao và bạc lót vì nó có độ dẫn điện và nhiệt cao, đồng thời có khả năng chống ăn mòn tốt.
Câu 6: Em hãy nêu hiểu biết của bản thân về nghề kĩ sư cơ khí.
Trả lời:
- Kĩ sư cơ khí là những người có chuyên môn cao thuộc lĩnh vực thiết kế, chế tạo, bảo dưỡng máy móc và thiết bị cơ khí.
- Công việc của kĩ sư cơ khí:
- Thiết kế máy móc, công cụ sản xuất cho các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, nông nghiệp, lâm nghiệp,...
- Lắp đặt thiết bị, vận hành và bảo trì hệ thống, máy móc cơ khí.
- Sửa chữa, bảo trì máy cơ khí tại các nhà máy, xí nghiệp hay tại công trình.
- Môi trường làm việc: tại các viện nghiên cứu, các nhà máy, công ty sản xuất cơ khí thuộc mọi lĩnh vực từ công nghiệp, nông nghiệp, quốc phòng,...
- Nơi đào tạo kĩ sư cơ khí: các trường đại học kĩ thuật
Câu 7: Muốn chế tạo bộ bàn ghế, ta phải sử dụng những phương pháp gia công nào? Quy trình thực hiện như thế nào?
Trả lời:
- Muốn chế tạo bộ bàn ghế, ta phải sử dụng những phương pháp gia công: vạch dấu, cưa, dũa, hàn.
- Quy trình thực hiện:
+ Bước 1: Vạch dấu.
+ Bước 2: Cưa.
+ Bước 3: Dũa.
+ Bước 4: Hàn.
Câu 8: Khi động cơ điện hoạt động, chuyển động quay của trục động cơ sẽ truyền đến các bộ phận khác của máy móc và biến đổi dạng chuyển động như thế nào?
Trả lời:
- Khi động cơ điện hoạt động, chuyển động quay của trục động cơ sẽ truyền đến làm bánh đai quay, thông qua dây đai, bánh còn lại sẽ quay theo.
- Biến đổi dạng chuyển động quay.
Câu 9: Nhôm thường được ứng dụng trong sản xuất vật dụng nào và tại sao?
Trả lời:
Nhôm thường được ứng dụng trong sản xuất ấm, cửa, giá sách, chậu, xoong, vỏ máy bay, khung cửa vì nhôm nhẹ, bền, dễ gia công và có khả năng chống gỉ.
Câu 10: Mô tả cấu tạo của truyền động đai.
Trả lời:
- Bộ truyền động bánh đai gồm một cặp bánh đai truyền chuyển động cho nhau thông qua dây đai.
- Bộ truyền động đai giúp truyền chuyển động nhờ ma sát giữa dây đai và bánh đai, cho phép nới rộng khoảng cách giữa các trục.
Câu 11: Trình bày những đặc điểm của thợ vận hành máy công cụ.
Trả lời:
- Thợ vận hành máy công cụ là những người có tay nghề, sử dụng các máy công cụ để làm ra những chi tiết như trục, bánh răng và các sản phẩm cơ khí khác.
- Công việc của thợ vận hành máy công cụ:
- Vận hành và giám sát máy gia công kim loại như máy tiện, phay, bào, khoan, mài bao gồm cả máy gia công kim loại điều khiển số
- Thay đổi những phụ tùng máy móc đơn giản bị hỏng, mòn như dụng cụ cắt, dụng cụ cầm tay,...
- Môi trường làm việc: tại các nhà máy, công ty sản xuất cơ khi thuộc mọi lĩnh vực như công nghiệp, nông nghiệp, quốc phòng,...
Câu 12: Làm thế nào để đánh giá tính phù hợp của vật liệu cơ khí cho một dự án cụ thể?
Trả lời:
Để đánh giá tính phù hợp của vật liệu cơ khí, ta cần xem xét các yếu tố như tính chất cơ học, đặc tính nhiệt, khả năng chịu lực, độ bền với môi trường làm việc, chi phí và khả năng tái chế của vật liệu.
Câu 13: Khi thực hiện phương pháp đục có thể xảy ra những tai nạn như thế nào?
Trả lời:
- Khi thực hiện phương pháp đục có thể xảy ra những tai nạn như:
+ Búa rơi vào chân.
+ Đập búa, đục vào tay.
Câu 14: Kể tên một số công việc của ngành nghề thuộc lĩnh vực cơ khí.
Trả lời:
Một số công việc của ngành nghề thuộc lĩnh vực cơ khí là: thiết kế chi tiết máy, kiểm tra hoạt động rô bốt, đo mức dầu của động cơ xe máy, kiểm tra tình trạng các bộ phận của động cơ ô tô,...
Câu 15: Chất dẻo có những ưu điểm gì khiến nó được sử dụng rộng rãi trong sản xuất đồ gia dụng và vật liệu xây dựng?
Trả lời:
Chất dẻo được sử dụng rộng rãi vì nó có trọng lượng nhẹ, dễ tạo hình, có khả năng cách điện, cách nhiệt tốt và chi phí thấp.
Câu 16: Quan sát hình dưới đây là cho biết:
- Chuyển động được truyền từ bộ phận nào tới bộ phận nào?
- Chỉ ra bộ phận dẫn, bộ phận bị dẫn.
Trả lời:
- Khi chúng ta đạp bàn đạp, lực truyền qua làm trục giữa quay, đĩa xích quay, kéo dây xích chuyển động, dây xích kéo líp quay cùng bánh xe sau, khi bánh xe quay và lăn trên mặt đường làm cho xe chuyển động về phía trước. Nguyên tắc chuyển động như sau:
Lực từ chân người đạp → Bàn đạp → Trục giữa → Đĩa xích → Dây xích → Líp → Bánh xe sau → Xe chuyển động.
- Bộ phận dẫn là bàn đạp (trục giữa), bộ phận bị dẫn là trục sau bánh xe đạp.
Câu 17: Ngành cơ khí Việt Nam hiện nay còn gặp những khó khăn, hạn chế nào?
Trả lời:
Ngành cơ khí Việt Nam tồn tại những hạn chế sau:
- Về thị trường: Phải cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu. Việc mở rộng thị trường còn nhiều khó khăn do thiếu thông tin thị trường và năng lực cạnh tranh chưa đủ mạnh.
- Về trình độ khoa học công nghệ: Có ít các phát minh, sáng chế được đăng ký, trang thiết bị và trình độ công nghệ chậm đổi mới.
- Về nguyên phụ liệu: Nguyên liệu cho ngành cơ khí chủ yếu là sắt thép và các loại hợp kim màu. Hầu hết các nguyên liệu này ở Việt Nam chưa sản xuất được buộc phải nhập khẩu.
- Về nguồn nhân lực: Nhân lực còn thiếu và yếu về số lượng và chất lượng. Số thợ cơ khí có tay nghề cao giảm sút, lao động chuyên môn thiếu chứng chỉ nghề quốc tế và kỹ năng ngoại ngữ.
- Về vai trò của hiệp hội ngành nghề chưa phát huy hiệu quả: Hiệp hội chưa thu hút được sự tham gia của các doanh nghiệp cơ khí và chưa liên kết chặt chẽ được các doanh nghiệp với nhau.
Câu 18: Trong quá trình chọn vật liệu để chế tạo một chiếc thìa, bạn sẽ cân nhắc những yếu tố nào?
Trả lời:
Trong quá trình chọn vật liệu để chế tạo thìa, ta cần cân nhắc đến độ bền, an toàn khi tiếp xúc với thực phẩm, khả năng chống ăn mòn, dễ làm sạch và chi phí vật liệu.
Câu 19: Em hãy cho biết một số trường đại học, cao đẳng và trung cấp có đào tạo các ngành nghề thuộc lĩnh vực cơ khí.
Trả lời:
Một số trường đại học, cao đẳng và trung cấp ở có đào tạo các ngành nghề thuộc lĩnh vực cơ khí:
- Đại học Bách Khoa Hà Nội.
- Đại học Công nghiệp Hà Nội.
- Đại học sư phạm kĩ thuật Hưng Yên.
- Cao đẳng Bách khoa.
Câu 20: Mô tả vị trí và tư thế đứng của một người thợ khi đục ở hình dưới đây:
Trả lời:
Người đứng thẳng, chân thuận hợp với trục ngang của ê tô một góc 75 độ và hợp với chân còn lại một góc khoảng 75 độ.