Câu hỏi tự luận Công nghệ 8 cánh diều bài 9: Một số ngành nghề cơ khí phổ biến
Bộ câu hỏi tự luận Công nghệ 8 Cánh diều. Câu hỏi và bài tập tự luận Công nghệ 8 Cánh diều bài 9: Một số ngành nghề cơ khí phổ biến, Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Công nghệ 8 Cánh diều.
Xem: => Giáo án công nghệ 8 cánh diều
BÀI 9: MỘT SỐ NGÀNH NGHỀ CƠ KHÍ PHỔ BIẾN
(19 câu)
1. NHẬN BIẾT (5 câu)
Câu 1: Em hãy nêu hiểu biết của bản thân về nghề kĩ sư cơ khí.
Trả lời:
Kĩ sư cơ khí là những người có chuyên môn cao thuộc lĩnh vực thiết kế, chế tạo, bảo dưỡng máy móc và thiết bị cơ khí.
Công việc của kĩ sư cơ khi:
- Thiết kê máy móc, công cụ sản xuất cho các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, nông nghiệp, lâm nghiệp,...
- Lắp đặt thiết bị, vận hành và bảo trì hệ thống, máy móc cơ khí.
-Sửa chữa, bảo trì máy cơ khí tại các nhà máy, xí nghiệp hay tại công trình.
Môi trường làm việc: tại các viện nghiên cưu, các nhà máy, công ty sản xuất cơ khí thuộc mọi lĩnh vực từ công nghiệp, nông nghiệp, quốc phòng,...
Nơi đào tạo kĩ sư cơ khí: các trường đại học kĩ thuật
Câu 2: Cơ khí là gì?
Trả lời:
Cơ khí là ngành khoa học có tính ứng dụng cao, có vai trò quan trọng trong việc sản xuất máy móc, thiết bị, công cụ cho mọi ngành trong nền kinh tế quốc dân.
Câu 3: Kể tên một số công việc của ngành nghề thuộc lĩnh vực cơ khí.
Trả lời:
Một số công việc của ngành nghề thuộc lĩnh vực cơ khí là: thiết kế chi tiết máy, kiểm tra hoạt động rô bốt, đo mức dầu của động cơ xe máy, kiểm tra tình trạng các bộ phận của động cơ ô tô,...
Câu 4: Kể tên một số ngành trong lĩnh vực cơ khí có liên quan đến ngành sản xuất.
Trả lời:
Một số ngành trong lĩnh vực cơ khí có liên quan đến ngành sản xuất là: chế tạo máy công cụ, chế tạo rô bốt, giao thông, vận tải, sản xuất nông nghiệp, xây dựng, sản xuất thiết bị y tế, sản xuất hàng tiêu dùng,...
Câu 5: Kể tên một số ngành nghề trong lĩnh vực cơ khí.
Trả lời:
Một số ngành nghề trong lĩnh vực cơ khí là: kĩ sư cơ khí, kĩ thuật viên cơ khí, thợ cơ khí,...
2. THÔNG HIỂU (5 câu)
Câu 1: Trình bày những đặc điểm của thợ vận hành máy công cụ.
Trả lời:
Thợ vận hành máy công cụ là những người có tay nghề, sử dụng các máy công cụ để làm ra những chi tiết như trục, bánh răng và các sản phẩm cơ khí khác.
Công việc của thợ vận hành máy công cụ:
- Vận hành và giám sát máy gia công kim loại như máy tiện, phay, bào, khoan, mài bao gồm cả máy gia công kim loại điều khiển số
- Thay đổi những phụ tùng máy móc đơn giản bị hỏn, mòn như dụng cụ cắt, dụng cụ cầm tay,...
Môi trường làm việc: tại các nhà máy, công ty sản xuất cơ khi thuộc mọi lĩnh vực như công nghiệp, nông nghiệp, quốc phòng,...
Câu 2: Ngành nghề trong lĩnh vực cơ khí có đặc điểm như thế nào?
Trả lời:
Ngành nghề trong lĩnh vực cơ khí có đặc điểm:
- Kĩ sư cơ khí: thiết kế, tổ chức chế tạo, sửa chữa, bảo trì các loại máy móc, thiết bị cơ khí.
- Kĩ thuật viên cơ khí: thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ kĩ thuật để thiết kế, chế tạo, lắp ráp, sửa chữa, bảo trì máy móc và thiết bị cơ khí.
- Thợ cơ khí: thực hiện nhiệm vụ lắp ráp, bảo dưỡng, sửa chữa động cơ và thiết bị cơ khí của các loại xe cơ giới
Câu 3: Người lao động trong lĩnh vực cơ khí cần có những phẩm chất như thế nào?
Trả lời:
Người lao động trong lĩnh vực cơ khí cần có những phẩm chất:
- Có tính kiên trì, óc quan sát tốt; tỉ mỉ, cẩn thận để thực hiện những công việc yêu cầu độ chính xác cao.
- Yêu nghề, ham học hỏi, cập nhật kiến thức mới; yêu thích và có năng khiếu trong việc chế tạo máy móc, thiết bị cơ khí.
- Có sức khỏe tốt, thị giác và thính giác tốt, không bị dị ứng với dầu mỡ bôi trơn động cơ.
Câu 4: Người lao động trong lĩnh vực cơ khí cần có những kĩ năng như thế nào?
Trả lời:
Người lao động trong lĩnh vực cơ khí cần có những kĩ năng:
- Có chuyên môn phù hợp với nhiệm vụ, điều kiện làm việc theo vị trí việc làm.
- Có kĩ năng giao tiếp, hợp tác nhóm, thích nghi tốt với môi trường và điều kiện làm việc.
Câu 5: Đối với mỗi ngành nghề, người lao động cần có những kĩ năng gì?
Trả lời:
- Đối với kĩ sư cơ khí: có tư duy sáng tạo để thiết kế, chế tạo các máy móc, thiết bị cơ khí.
- Đối với kĩ thuật viên cơ khí: có kĩ năng quản lí, giám sát để hỗ trợ kĩ thuật cho việc thiết kế, chế tạo, vận hành, bảo trì, sửa chữa,... máy móc và thiết bị cơ khí.
- Đối với thợ cơ khí: sử dụng thành thạo các dụng cụ, máy công cụ gia công cơ khí để thực hiện công việc yêu cầu độ chính xác cao.
3. VẬN DỤNG (5 câu)
Câu 1: Trình bày đặc điểm của nghề thợ sửa chữa xe có động cơ.
Trả lời:
Thợ sửa chữa xe có động cơ là những người có tay nghề và hiểu biết chuyên môn về động cơ đốt trong, có nhiệm vụ kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa xe có động cơ
Công việc của thợ sửa chữa xe có động cơ:
- Lắp ráp, kiểm tra, thay thế các bộ phân của động cơ hay bảo dưỡng động cơ xe cơ giới
- Lắp ráp, kiểm tra, điều chỉnh, tháo dỡ và thay thế các bộ phận bị hỏng của xe cơ giới.
- Thực hiện dịch vụ bảo dưỡng định kì như thay dầu, bôi trơn, điều chỉnh động cơ và tuân thủ quy chuẩn ô nhiễm.
Môi trường làm việc: làm việc trực tiếp với động cơ, thiết bị cần được bảo dưỡng, sửa chữa tại nhà máy, các trung tâm bảo hành, sửa chữa ô tô, xe máy.
Nơi đào tạo: các trường dạy nghề, cao đẳng nghề hay tại các cơ sở sửa chữa.
Câu 2: Trình bày đặc điểm của nghề kĩ sư cơ khí.
Trả lời:
Đặc điểm: Thiết kế, tổ chức chế tạo, sửa chữa, bảo trì các loại máy móc, thiết bị cơ khí.
Câu 3: Trình bày đặc điểm của nghề kĩ thuật viên cơ khí.
Trả lời:
Đặc điểm: Hỗ trợ kĩ thuật để thiết kế, chế tạo, lắp ráp, sửa chữa, bảo trì máy móc và thiết bị cơ khí.
Câu 4: Em hãy cho biết một số trường đại học, cao đẳng và trung cấp có đào tạo các ngành nghề thuộc lĩnh vực cơ khí.
Trả lời:
Một số trường đại học, cao đẳng và trung cấp ở có đào tạo các ngành nghề thuộc lĩnh vực cơ khí:
- Đại học Bách Khoa Hà Nội.
- Đại học Công nghiệp Hà Nội.
- Đại học sư phạm kĩ thuật Hưng Yên.
- Cao đẳng Bách khoa.
Câu 5: Nêu một số công ty, xí nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực cơ khí.
Trả lời:
Một số công ty, xí nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực cơ khí là:
- Công ty Phượng Hoàng.
- Công ty TNHH điện - điện tử.
- Công ty TNHH Prosteel techno Việt Nam.
- Công ty TNHH chế tạo cơ khí Hoàng Lâm.
4. VẬN DỤNG CAO (4 câu)
Câu 1: Em hãy liên hệ với thực tiễn và cho biết những kết quả đạt được của ngành cơ khí Việt Nam hiện nay.
Trả lời:
Những kết quả đạt được của ngành cơ khí Việt Nam hiện nay là:
- Năm 2019, ngành cơ khí chế tạo và lắp ráp ô tô có dấu mốc quan trọng là sự ra đời của nhà máy ô tô VinFast với công suất 500.000 xe/năm.
- Sự phát triển đột phá của một số lĩnh vực cơ khí:
+ Chế tạo thiết bị thủy công (cung cấp cho các công trình nhà máy thủy điện lớn, nhỏ trong cả nước).
+ Chế tạo giàn khoan dầu khí (cung cấp khoan thăm dò, khai thác dầu khí đến độ sâu 120m, giàn khoan tự nâng 90m nước, giàn khoan khai thác giếng dầu).
+ Thiết bị điện, chế tạo và cung cấp thiết bị cho các nhà máy xi măng, đóng tàu các loại (tàu chở dầu đến trọng tải 105 nghìn DWT, tàu chở khí hóa lỏng trọng tải đến 5.000 tấn, tàu chở hàng rời...).
Câu 2: Ngành cơ khí Việt Nam hiện nay còn gặp những khó khăn, hạn chế nào?
Trả lời:
Ngành cơ khí Việt Nam tồn tại những hạn chế sau:
- Về thị trường: Phải cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu. Việc mở rộng thị trường còn nhiều khó khăn do thiếu thông tin thị trường và năng lực cạnh tranh chưa đủ mạnh.
- Về trình độ khoa học công nghệ: Có ít các phát minh, sáng chế được đăng ký, trang thiết bị và trình độ công nghệ chậm đổi mới.
- Về nguyên phụ liệu: Nguyên liệu cho ngành cơ khí chủ yếu là sắt thép và các loại hợp kim màu. Hầu hết các nguyên liệu này ở Việt Nam chưa sản xuất được buộc phải nhập khẩu.
- Về nguồn nhân lực: Nhân lực còn thiếu và yếu về số lượng và chất lượng. Số thợ cơ khí có tay nghề cao giảm sút, lao động chuyên môn thiếu chứng chỉ nghề quốc tế và kỹ năng ngoại ngữ.
- Về vai trò của hiệp hội ngành nghề chưa phát huy hiệu quả: Hiệp hội chưa thu hút được sự tham gia của các doanh nghiệp cơ khí và chưa liên kết chặt chẽ được các doanh nghiệp với nhau.
Câu 3: Đề ra một số giải pháp để khắc phục những khó khăn của ngành cơ khí Việt Nam hiện nay.
Trả lời:
Một số giải pháp khắc phục là:
- Hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách đồng bộ và đủ mạnh để hỗ trợ phát triển ngành cơ khí.
- Chính Phủ cần xây dựng và ban hành Nghị định về phát triển ngành công nghiệp chế tạo.
- Phát triển các ngành công nghiệp hạ nguồn trong lĩnh vực cơ khí có quy mô chuỗi cung ứng lớn để tạo cơ hội cho các doanh nghiệp cơ khí trong nước tham gia cung cấp phụ tùng, linh kiện cho doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp sản phẩm cuối cùng.
- Nâng cao chất lượng thống kê làm cơ sở cho các phân tích dự báo về ngành.
Câu 4: Chứng minh rằng ngành cơ khí chế tạo điện đã mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam.
Trả lời:
Điểm sáng lớn nhất của ngành cơ khí là ngành chế tạo thiết bị điện với việc sản xuất thành công máy biến áp 220Kv-250MVA, vận hành an toàn tại trạm 220kV (Thái Nguyên) đã khẳng định sự trưởng thành vượt bậc của ngành cơ khí điện, đóng góp thiết thực có hiệu quả vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đồng thời làm đối trọng để các hãng nước ngoài bán sản phẩm vào Việt Nam phải giảm giá từ 20-30% khi đấu thầu tại Việt Nam, góp phần làm giảm nhập siêu cho đất nước.
=> Giáo án Công nghệ 8 cánh diều Bài 9: Một số ngành nghề cơ khí phổ biến