Câu hỏi tự luận địa lí 11 chân trời sáng tạo Bài 26: Kinh tế Trung Quốc

Bộ câu hỏi tự luận Địa lí 11 Chân trời sáng tạo. Câu hỏi và bài tập tự luận Bài 26: Kinh tế Trung Quốc. Cách giải thích nghĩa của từ. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Địa lí 11 Chân trời sáng tạo

BÀI 26: KINH TẾ TRUNG QUỐC

(21 câu)

 

1. NHẬN BIẾT (8 câu)

Câu 1: Quan sát Bản đồ phân bố một số trung tâm công nghiệp và ngành công nghiệp ở Trung Quốc năm 2020 và kể tên những trung tâm công nghiệp có ngành công nghiệp cơ khí của Trung Quốc. 

Trả lời:

Những trung tâm công nghiệp có ngành công nghiệp cơ khí của Trung Quốc là: Cáp Nhĩ Tân, Thẩm Dương, Bao Đầu, Bắc Kinh, Đại Liên, Thái Nguyên, Đài Bắc, Thượng Hải, Vũ Hán, Thành Đô, Quảng Châu, Côn Minh, Lan Châu. 

Câu 2: Quan sát Bản đồ phân bố một số trung tâm công nghiệp và ngành công nghiệp ở Trung Quốc năm 2020 và kể tên những trung tâm công nghiệp có ngành công nghiệp dệt may của Trung Quốc.

Trả lời:

Những trung tâm công nghiệp có ngành công nghiệp dệt may của Trung Quốc là: Thẩm Dương, Bắc Kinh, Thanh Đảo, Tế Nam, Thái Nguyên, Lan Châu, Nam Kinh, Hàng Châu, Vũ Hán, Thành Đô, Trùng Khánh, Quảng Châu,…

Câu 3: Quan sát Bản đồ phân bố một số trung tâm công nghiệp và ngành công nghiệp ở Trung Quốc năm 2020 và kể tên những trung tâm công nghiệp có ngành công nghiệp chế tạo máy bay của Trung Quốc.

Trả lời:

Những trung tâm công nghiệp có ngành công nghiệp chế tạo máy bay của Trung Quốc là: Cáp Nhĩ Tân, Trùng Khánh..

Câu 4: Quan sát Bản đồ phân bố một số trung tâm công nghiệp và ngành công nghiệp ở Trung Quốc năm 2020 và kể tên những trung tâm công nghiệp có ngành công nghiệp điện tử - tin học của Trung Quốc.

Trả lời:

Những trung tâm công nghiệp có ngành công nghiệp điện tử - tin học của Trung Quốc là: Bắc Kinh, Thành Đô, Trùng Khánh.

Câu 5: Quan sát hình Bản đồ phân bố một số sản phẩm nông nghiệp ở Trung Quốc năm 2020 và kể tên những cây trồng ở phía đông nam của Trung Quốc. 

Trả lời:

Các loại cây trồng ở phía đông nam của Trung Quốc là: chè, ngô, bông, lúa gạo.

Câu 6: Quan sát hình Bản đồ phân bố một số sản phẩm nông nghiệp ở Trung Quốc năm 2020 và kể tên những cây trồng ở phía đông bắc của Trung Quốc.

Trả lời:

Các loại cây trồng ở phía đông bắc của Trung Quốc là: lúa mì, ngô, đậu tương, bông.

Câu 7: Quan sát hình Bản đồ phân bố một số sản phẩm nông nghiệp ở Trung Quốc năm 2020 và kể tên những con vật nuôi ở phía tây của Trung Quốc

Trả lời:

Những loại vật nuôi ở phía tây của Trung Quốc là: cừu, trâu

Câu 8: Quan sát hình Bản đồ phân bố một số sản phẩm nông nghiệp ở Trung Quốc năm 2020 và kể tên những con vật nuôi ở phía Đông Nam của Trung Quốc.

Trả lời:

Những con vật nuôi ở phía Đông Nam của Trung Quốc là: lợn, trâu.

 

2. THÔNG HIỂU (5 câu)

Câu 1: Tóm tắt tình hình phát triển kinh tế Trung Quốc từ năm 1949 đến nay. Trình bày đặc điểm và vị thế của nền kinh tế Trung Quốc. 

Trả lời:

* Tóm tắt tình hình phát triển kinh tế:

- Năm 1949: nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập, đất nước bắt đầu tiến hành thực hiện một số chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội như cải cách ruộng đất, cải tạo công thương, quốc hữu hoá tư liệu sản xuất,...

- Cuối thập niên 70 của thế kỉ XX: 

+ Tiến hành cải cách, mở cửa với chính sách 4 hiện đại hoá: công nghiệp, nông nghiệp, khoa học - kĩ thuật và quốc phòng. 

+ Đạt được nhiều thành tựu nổi bật trên lĩnh vực kinh tế.

* Đặc điểm của nền kinh tế Trung Quốc: 

- Quy mô GDP tăng nhanh và liên tục, đạt 14688,0 tỉ USD (năm 2020), trở thành nước có quy mô GDP đứng thứ 2 thế giới, sau Hoa Kỳ.

- Liên tục trong nhiều năm, nền kinh tế đạt mức tăng trưởng cao và ổn định.

- Cơ cấu GDP ngày càng chuyển dịch theo hướng hiện đại.

- Năm 2020: Trung Quốc đã trở thành một trong những quốc gia thu hút FDI hàng đầu thế giới.

* Vị thế:

- Những thành tựu về kinh tế đã đưa Trung Quốc trở thành một trong những cường quốc về kinh tế..

- Vị thế của Trung Quốc về nhiều mặt như kinh tế, chính trị, khoa học, công nghệ, đối ngoại quốc phòng ngày càng được khẳng định trên thế giới.

Câu 2: Trình bày khái quát về tình hình phát triển của một số ngành công nghiệp ở Trung Quốc. Nêu nhận xét đặc điểm phân bố các trung tâm công nghiệp của Trung Quốc.

Trả lời:

* Đặc điểm chung của ngành công nghiệp:

- Là ngành kinh tế quan trọng hàng đầu và tạo nên sức mạnh cho nền kinh tế Trung Quốc.

- Ngành công nghiệp đạt mức tăng trưởng cao, GDP công nghiệp năm 2020 tăng gần gấp đôi so với năm 2010.

- Nhiều sản phẩm công nghiệp có sản lượng đứng đầu thế giới như than, điện, ô tô,..

- Cơ cấu ngành công nghiệp chuyển dịch theo hướng hiện đại hóa.

- Các ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học - kĩ thuật chiếm tỉ trọng cao, đóng góp đáng kể vào thành công của quốc gia này trên thị trường công nghệ và lĩnh vực hàng không vũ trụ.

- - Nhiều sản phẩm công nghệ của Trung Quốc cũng chiếm phần lớn thị phần toàn cầu như: điện thoại thông minh, camera giám sát, máy tính cá nhân, máy điều hoà...

* Tình hình phát triển của một số ngành công nghiệp:

- Ngành công nghiệp sản xuất ô tô:

+ Phát triển rất nhanh, chiếm hơn 32% tổng số ô tô được sản xuất toàn cầu.

+ Ô tô sử dụng năng lượng mới là sản phẩm có mức tăng trưởng bình quân cao, dần trở thành thế mạnh của Trung Quốc so với thế giới..

- Ngành công nghiệp hàng không vũ trụ:

+ Được đầu tư mạnh và có hệ thống.

+ Phát triển không chỉ nhằm mục đích quốc phòng mà còn phục vụ dân sinh như dự báo thời tiết, nghiên cứu khoa học, thương mại.

- Ngành công nghiệp sản xuất ô tô:

+ Sản xuất khoảng 30% lượng ô tô toàn thế giới.

+ Các thương hiệu ô tô quốc gia, ô tô điện ngày càng phổ biến.

* Đặc điểm phân bố các trung tâm công nghiệp:

- Các trung tâm công nghiệp chính của Trung Quốc phân bố chủ yếu ở miền Đông, đặc biệt là vùng duyên hải với các trung tâm như: Bắc Kinh, Nam Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu,...

Câu 3: Trình bày tình hình phát triển của ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản Trung Quốc. Nhận xét đặc điểm phân bố nông nghiệp của Trung Quốc

Trả lời:

* Nông nghiệp:

- Công cuộc cải cách nông nghiệp của Trung Quốc được thực hiện với quy mô lớn từ cuối năm 1978.

- Nhờ đó, ngành nông nghiệp Trung Quốc đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật.

- Ngành trồng trọt:

+ Là ngành chủ yếu trong nông nghiệp Trung Quốc.

+ Năm 2020: chiếm khoảng 64,1% giá trị tổng sản lượng của ngành nông nghiệp.

+ Trong cơ cấu của ngành, cây lương thực giữ vị trí quan trọng, sản lượng đứng đầu thế giới, nhất là lúa gạo và lúa mì.

- Ngành chăn nuôi:

+ Được quan tâm và phát triển, chiếm khoảng 35,9% trong cơ cấu nông nghiệp.

+ Các vật nuôi chủ yếu ở Trung Quốc là lợn, bò, cừu, gia cầm,...

+ Năm 2020: Trung Quốc có đàn lợn hơn 406 triệu con, chiếm hơn 1/2 đàn lợn của thế giới.

* Thủy sản:

- Với đường bờ biển dài và diện tích mặt nước lớn, Trung Quốc có nhiều thuận lợi để phát triển ngư nghiệp, bao gồm khai thác và nuôi trồng thuỷ sản.

- Năm 2020: sản lượng thuỷ sản của Trung Quốc đứng đầu thế giới với trên 65 triệu tấn, trong đó thuỷ sản nuôi trồng chiếm hơn 52 triệu tấn

* Lâm nghiệp:

- Mặc dù độ che phủ rừng còn thấp nhưng Trung Quốc đang có nhiều nỗ lực nhằm gia tăng diện tích rừng

- Đặt mục tiêu đến 2035, diện tích rừng đạt 26% diện tích lãnh thổ.

* Đặc điểm phân bố nông nghiệp của Trung Quốc:

- Lúa gạo được trồng nhiều ở đồng bằng Hoa Trung và Hoa Nam.

- Lúa mì được trồng nhiều ở đồng bằng Hoa Bắc và Đông Bắc.

- Lợn, bò và gia cầm chủ yếu được phân bố ở các vùng đồng bằng.

- Cừu được nuôi chủ yếu ở các vùng Đông Bắc, Hoa Bắc và phía tây.

Câu 4: Nêu những đặc điểm chung của ngành dịch vụ ở Trung Quốc. Ngành thương mại có những điểm đặc trưng gì?

Trả lời:

* Đặc điểm chung:

- Là ngành có tốc độ phát triển rất nhanh và chiếm tỉ trọng cao nhất trong GDP của Trung Quốc.

- Năm 2020, ngành dịch vụ thu hút đến 47,3% lao động của nền kinh tế.

* Ngành thương mại: Trung Quốc là cường quốc thương mại của thế giới:

- Nội thương: Năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước khoảng 5400 tỉ USD.

- Ngoại thương: Xuất khẩu có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất và chiếm khoảng 14,7% giá trị xuất khẩu toàn cầu.

Câu 5: Trình bày những nét đặc trưng về sự phát triển của các ngành giao thông vận tải, điện tử - viễn thông và du lịch của Trung Quốc.

Trả lời:

* Giao thông vận tải: 

- Hệ thống giao thông vận tải trở thành động lực quan trọng giúp phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

- Giao thông đường ô tô và đường sắt: 

+ Năm 2020, xây dựng được mạng lưới đường ô tô và đường sắt phát triển bậc nhất thế giới

+ Đặc biệt, đường cao tốc có chiều dài trên 160 nghìn km, dài nhất thế giới.

- Giao thông đường hàng không: 

+ Có vị trí cao trên thế giới với hơn 230 sân bay.

+ Một số sân bay lớn như Đại Hưng (Bắc Kinh), Hàng Châu (Chiết Giang), Hồng Công,...

- Giao thông đường biển:

+ Ngành hàng hải cũng rất phát triển với một số cảng biển lớn như Thượng Hải, Thanh Đảo (Sơn Đông), Thâm Quyến (Quảng Đông),...

* Điện tử - viễn thông:

- Là nước có hệ thống thông tin, viễn thông phát triển nhờ trình độ khoa học - công nghệ không ngừng được nâng cao.

- Là quốc gia đi đầu về công nghệ 5G và đã xây dựng được mạng lưới 5G lớn nhất thế giới.

- Số điện thoại trung bình trên 100 dân cao nhất trên thế giới.

* Du lịch:

- Với tài nguyên du lịch đa dạng, Trung Quốc chú trọng đầu tư phát triển nên du lịch đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

- Năm 2019: quốc gia này đã đón hơn 31,9 triệu lượt khách quốc tế với doanh thu từ du lịch quốc tế khoảng 131,2 tỉ USD.

 

3. VẬN DỤNG (5 câu)

Câu 1: Vì sao sản xuất nông nghiệp của Trung Quốc lại chủ yếu tập trung ở miền Đông?

Trả lời:  Sản xuất nông nghiệp của Trung Quốc lại chủ yếu tập trung ở miền Đông vì miền Đông có nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp: 

- Địa hình đồng bằng, đất đai phù sa màu mỡ. 

- Khí hậu ôn hòa thích hợp cho trồng cây ôn đới ở phía bắc, cây cận nhiệt ở phía nam.

- Có nhiều mưa về mùa hạ và đây là nơi hạ lưu của các con sông lớn, cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp.

Câu 2: Giải thích tại sao Trung Quốc đạt được những thành tựu kinh tế nổi bật từ cuối thập niên 70 của thế kỉ XX đến nay.

Trả lời: Trung Quốc đạt được những thành tựu kinh tế nổi bật từ cuối thập niên 70 của thế kỉ XX đến nay là do áp dụng một số biện pháp cụ thể như:

- Vận hành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội.

- Tăng cường vốn đầu tư.

- Mở rộng quyền tự chủ cho các doanh nghiệp.

- Đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học – kỹ thuật

- Chú trọng phát triển các ngành dịch vụ cùng những kế hoạch phù hợp với từng lĩnh vực kinh tế.

Câu 3: Cho bảng số liệu sau:

Bảng 1. Quy mô GDP theo giá hiện hành và tốc độ tăng GDP của Trung Quốc giai đoạn 2000 – 2020

Chỉ tiêu

2000

2005

2010

2015

2020

GDP (tỉ USD)

1 211,3

2286,0

6 087,2

11 062,0

14 688,0

Tốc độ tăng GDP (%)

8,5

11,4

10,6

7,0

2,2

(Nguồn: WB, 2022)

  1. Vẽ biểu đồ thể hiện quy mô GDP và tốc độ tăng GDP của Trung Quốc giai đoạn 2000 – 2020.
  2. Nhận xét và kết luận.

Trả lời:  

  1. Vẽ biểu đồ:
  2. Nhận xét và kết luận:

- Quy mô GDP của Trung Quốc từ năm 2000 – 2010 đều tăng trưởng mạnh: Quy mô GDP năm 2020 gấp 12 lần so với quy mô GDP năm 2000.

- Tốc độ tăng GDP biến động qua các năm:

+ Giai đoạn từ 2000 – 2005: tốc độ tăng trưởng GDP cao từ 8,5% lên 11,4% (2,9%).

+ Giai đoạn 2005 – 2020: tốc độ GDP giảm mạnh: từ 11,4% năm 2005, đến 7% năm 2015 và 2,2% năm 2020 (giảm 9,2%).

- Kết luận: Quy mô GDP tăng nhanh liên tục nhưng tốc độ GDP không ổn định, biến động qua các năm song vẫn luôn ở mức cao.

Câu 4: Cho bảng số liệu sau:

Bảng 2. Cơ cấu GDP của Trung Quốc năm 2010 và năm 2020

 

Cơ cấu GDP (%)

Nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản

Công nghiệp và xây dựng

Dịch vụ

2010

9,6

46,7

43,7

2020

7,7

37,8

54,5

(Nguồn: WB, 2022)

  1. Vẽ biểu đồ thể hiện cơ cấu GDP của Trung Quốc năm 2010 và năm 2020.
  2. Nhận xét và kết luận.

Trả lời:  

  1. Vẽ biểu đồ:
  2. Nhận xét và giải thích:

- Nhận xét:

+ Tỉ trọng ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản có xu hướng giảm từ 9,6% xuống 7,7% (1,9%)

+ Tỉ trọng ngành công nghiệp và xây dựng cũng có xu hướng giảm từ 46,7% xuống 37,8% (giảm 8,9%)

+ Tỉ trọng ngành dịch vụ tăng trưởng nhanh từ 43,7% lên 54,5% (tăng 10,8%)

+ Năm 2010, ngành công nghiệp và xây dựng chiếm tỉ trọng cao nhất nhưng sau 10 năm, tỉ trọng ngành dịch vụ chiếm tỉ lệ cao nhất.

- Kết luận: Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch từ công nghiệp và xây dựng sang dịch vụ.

Câu 5: Cho bảng số liệu sau:

Bảng 3. Trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ của Trung Quốc 

giai đoạn 2005 – 2020

(Đơn vị: tỉ USD)

Năm

2005

2010

2020

Xuất khẩu

762

1 602,5

2 723,3

Nhập khẩu

660

1 380,1

2 357,1

(Nguồn: Niên giám thống kê Việt Nam, 2006, 2016, 2021)

  1. Vẽ biểu đồ thích hợp thể hiện giá trị xuất, nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ của Trung Quốc, giai đoạn 2005 - 2020.
  2. Rút ra nhận xét.

Trả lời:  

  1. Vẽ biểu đồ:
  2. Nhận xét: 

- Giá trị xuất nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ của Trung Quốc giai đoạn 2005 - 2020 tăng liên tục qua các năm.

- Giá trị xuất khẩu cao hơn giá trị nhập khẩu, Trung Quốc là quốc gia xuất siêu.

 

4. VẬN DỤNG CAO (3 câu)

Câu 1: Chứng minh Trung Quốc có nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển các ngành công nghiệp khai thác, luyện kim.

Trả lời: 

- Nhờ có nguồn tài nguyên khoáng sản giàu có (than đá, dầu mỏ, khí tự nhiên, quặng sắt, kim loại màu..).

- Tài nguyên rừng giàu có.

- Nguồn lao động dồi dào, năng động. Thị trường tiêu thụ lớn.

- Áp dụng rộng rãi các tiến bộ khoa học kĩ thuật trong sản xuất.

- Chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp của nhà nước.

Câu 2: Trung Quốc và Việt Nam có mỗi quan hệ giữa hai nước láng giềng và có nhiều điểm tương đồng về văn hóa, chính trị. Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nền kinh tế của Trung Quốc đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, vì vậy quốc gia này đã tái mở cửa. Theo em, điều này có ảnh hưởng tạo ra những cơ hội và thách thức gì cho Việt Nam? 

Trả lời: Việc mở cửa của Trung Quốc ảnh hưởng đến Việt Nam là:

* Cơ hội:

- Thúc đẩy sự hồi sinh du lịch của Việt Nam và tạo các cơ hội việc làm liên quan đến ngành du lịch của Việt Nam vì Trung Quốc chiếm khoảng 30% tỉ trọng khách du lịch quốc tế.

- Quan hệ hợp tác thương mại quốc tế cũng thuận lợi hơn vì Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam.

* Thách thức:

- Hàng hóa trong nước chịu sự canh tranh của hàng hóa Trung Quốc, tăng áp lực nhập siêu.

- Đồng Nhân dân tệ giảm giá tạo cơ hội cho các sản phẩm Trung Quốc dễ vào Việt Nam hơn và tăng áp lực cạnh tranh cho những doanh nghiệp nội địa.

Câu 3: So sánh quy mô và vị thế nền kinh tế Trung Quốc với một số nước mà em đã học.

Trả lời: 

- Trung Quốc cùng với Hoa Kỳ, Nhật Bản,… là những cường quốc về kinh tế. 

- Bên cạnh kinh tế, vị thế của Trung Quốc, còn được khẳng định trên nhiều lĩnh vực khác, như: chính trị, khoa học - công nghệ, văn hóa, đối ngoại, quốc phòng,…

- Hiện nay, Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản, vươn lên trở thành quốc gia có quy mô GDP đứng thứ 2 thế giới (sau Hoa Kỳ): 

+ Năm 2020, quy mô GDP của Hoa Kỳ đạt: 20893.74 tỉ USD.

+ Năm 2020, quy mô GDP của Trung Quốc đạt: 14688 tỉ USD.

+ Năm 2020, quy mô GDP của Nhật Bản đạt: 5040 tỉ USD.

=> Giáo án Địa lí 11 chân trời Bài 26: Kinh tế Trung Quốc

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận địa lí 11 chân trời sáng tạo - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu mới cập nhật

Tài liệu môn khác

Chat hỗ trợ
Chat ngay