Câu hỏi tự luận Lịch sử 7 chân trời sáng tạo Ôn tập Chương 1: Tây Âu từ thế kỉ V đến nửa đầu thế kỉ XVI (P3)

Bộ câu hỏi tự luận Lịch sử 7 chân trời sáng tạo. Câu hỏi và bài tập tự luận Ôn tập Chương 1: Tây Âu từ thế kỉ V đến nửa đầu thế kỉ XVI (P3). Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Lịch sử 7 chân trời sáng tạo.

Xem: => Giáo án lịch sử 7 chân trời sáng tạo (bản word)

ÔN TẬP CHƯƠNG 1. TÂY ÂU TỪ THẾ KỶ V ĐẾN NỬA ĐẦU THẾ KỶ XVI (PHẦN 3)

Câu 1: Sau khi xâm chiếm đế quốc La Mã người Giéc-man đã thành lập những vương quốc nào? Trong các vương quốc đó vương quốc nào tồn tại lâu dài và có vai trò quan trọng đối với Tây Âu thời trung đại?

Trả lời:

- Sau khi xâm chiếm đế quốc La Mã rộng lớn làm cho đế quốc La Mã bị diệt vong, người Giéc-man đã thành lập nhiều vương quốc mới như: Vương quốc của người Ăng-glô Xắc-xông, Vương quốc Phơ-răng, Vương quốc Tây Gốt, Vương quốc Đông Gốt,...

- Trong đó, Vương quốc Phơ-răng qua các cuộc chiến tranh chinh phục của hoàng đế Sác-lơ-ma-nhơ đã trở thành đế quốc rộng lớn, tồn tại lâu dài và giữ vai trò quan trọng trong lịch sử Tây Âu thời trung đại.

Câu 2: Nhà thám hiểm nào đã thực hiện chuyến đi vòng quanh Trái Đất đầu tiên của nhân loại bằng đường biển?

Trả lời:

Năm 1519, đoàn thám hiểm của Ma-gien-lan (Magellan) tìm đường đến đảo gia vị Ma-lu-cu (Moluccas) (In-đô-nê-xi-a). …Những người còn lại về đến Tây Ban Nha vào năm 1522, hoàn thành chuyến đi vòng quanh trái đất đầu tiên của nhân loại.

 

Câu 3: Biểu hiện cho thấy sự nảy sinh chủ nghĩa tư bản trong lòng xã hội phong kiến ở Tây Âu vào đầu thế kỉ XVI?

Trả lời:

Từ thế kỉ XVI, trong các thành thị Tây Âu, tổ chức phường hội dần dần được thay thế bằng các công trường thủ công, nơi tập trung đông đảo những người lao động làm thuê. Họ bán sức lao động cho chủ xưởng. Quan hệ giữa chủ và thợ được thay thế bằng quan hệ giữa chủ xưởng (tư sản) và người lao động (vô sản).

Câu 4: Trong các thế kỉ XIII – XVI, ở Tây Âu, tầng lớp chủ xưởng, thương gia, chủ ngân hàng… có nhu cầu xây dựng một hệ tư tưởng và văn hóa mới vì sao?

Trả lời:

Tầng lớp chủ xưởng, thương gia và đặc biệt các chủ ngân hàng trở nên vừa giàu có, vừa có thế lực nhưng lại chưa có địa vị xã hội tương xứng. Do vậy, họ ủng hộ và bảo trợ cho những tư tưởng mới trong các lĩnh vực khoa học, văn học, nghệ thuật.

Câu 5: Tại sao việc nhà thờ bán "thẻ miễn tội" lại châm ngòi cho phong trào Cải cách tôn giáo bùng nổ?

Trả lời:

Việc nhà thờ bán "thẻ miễn tội" lại châm ngòi cho phong trào Cải cách tôn giáo bùng nổ bởi lẽ đối với một bộ phận người dân đây là một hành động kiếm tiền trắng trợn, là trò lừa bịp của Giáo hội. Theo Giáo hội, "thẻ miễn tội" có thể xoá bỏ mọi "tội lỗi" cho con người, điều này đi ngược lòng tin vào Chúa Trời của mọi người. Mọi người tin rằng số phận con người do Chúa quyết định, chỉ cần lòng tin vào Chúa là sẽ được cứu vớt, tốn kém cũng không cần thiết, việc bỏ ra một ít tiền mua thẻ miễn tội không giải quyết được gì. Đây là một hành động chỉ nhằm để chuộc lợi của Giáo hội.

Câu 6: Quá trình phong kiến hóa của Vương quốc Phơ-răng gắn với sự hình thành của hai giai cấp mới nào? Nêu sự hình thành của hai giai cấp đó.

Trả lời:

- Quá trình phong kiến hóa diễn ra mạnh mẽ và sâu sắc ở Vương quốc Phơ-răng với sự hình thành của các giai cấp mới: lãnh chúa phong kiến và nông nô.

- Sự hình thành của hai giai cấp: lãnh chúa phong kiến và nông nô

+ Lãnh chúa phong kiến được hình thành từ những quý tộc thị tộc người Giéc-man được phong tước vị, chiếm được nhiều ruộng đất của chủ nô La Mã. Và những quý tộc quy phục chính quyền mới được giữ lại ruộng đất.

+ Nông nô được hình thành từ những nô lệ được giải phóng và nông dân tự do mất ruộng đất phải phụ thuộc vào các lãnh chúa phong kiến.

 

Câu 7: Năm 1487, B. Đi-a-xơ – hiệp sĩ hoàng gia Bồ Đào Nha đã dẫn đoàn thám hiểm đến được nơi nào?

Trả lời:

Năm 1487, B.Đi-a-xơ – hiệp sĩ hoàng gia Bồ Đào Nha đã dẫn đoàn thám hiểm đến được điểm cực nam của châu Phi (được đặt tên là Mũi Bão Tố, sau đó đổi lại thành Mũi Hảo Vọng).

Câu 8: Hãy kể tên những giai cấp mới trong xã hội Tây Âu. Địa vị của các giai cấp này trong xã hội như thế nào?

Trả lời:

- Xã hội Tây Âu có sự xuất hiện của các giai cấp mới: tư sản và vô sản:

 + Giai cấp tư sản: Những thợ cả, thương nhân, quí tộc mới, chủ công trường thủ công, chủ trang trại, chủ ngân hàng: Họ có quyền công dân, giàu có và xa hoa, chi phối toàn bộ xã hội.

+ Giai cấp vô sản: Thợ thủ công, người làm thuê, nông dân mất đất, ...: Họ không có quyền công dân, nghèo đói và bị bần cùng hoá, bị bóc lột nặng nề.

Câu 9: Sếch-xpia và Lê-ô-na đơ Vanh-xi là hai “người khổng lồ” trên lĩnh vực nào? Kể tên một số thành tựu tiêu biểu.

Trả lời:

- Đỉnh cao của thành tựu văn học thời Phục hưng là những vở kịch của W.Sếch-xpia (W.Shakespeare, 1564 - 1616). Các vở kịch nổi tiếng của ông như Hăm-lét, Rô-mê-ô và Giu-li-ét,…

- Lê-ô-na đơ Vanh-xi là họa sĩ, tác giả của những bức họa được coi là kiệt tác của nhân loại như: Bữa ăn tối cuối cùng, La Giô-công-đơ (La Joconde),…

Câu 10: Nguyên nhân nào đã dẫn đến sự bất ổn trong xã hội Tây Âu thế kỉ XVI - XVII?

Trả lời:

Các thế lực bảo thủ đã đàn áp những người theo Tân giáo dẫn đến tình trạng bất ổn trong xã hội Tây Âu thế kỉ XVI-XVII.

 

Câu 11: Hãy mô tả đời sống của các lãnh chúa phong kiến và nông nô trong các lãnh địa.

Trả lời:

- Đời sống của các lãnh chúa phong kiến:

+ Trong các lãnh địa, lãnh chúa phong kiến không lao động sản xuất, họ sống bằng việc bóc lột sức lao động của nông nô. Lãnh chúa có cuộc sống nhàn rỗi, xa hoa và trụy lạc.

+ Nghề nghiệp chính của họ là chiến đấu, vì vậy từ nhỏ con em quý tộc chỉ học tập quân sự như phi ngựa, đấu kiếm, dâm lao...

+ Họ không quan tâm đến học văn hóa để mở rộng trí tuệ nên số đông trong bọn họ rất thô lỗ, dốt nát, thậm chí không biết chữ.

+ Thời bình, quanh năm họ tổ chức tiệc tùng linh đình, tổ chức vũ hội, săn bắn, đua ngựa và thi đấu võ... Không những thế, họ còn đối xử rất tàn nhẫn với nông nô.

- Đời sống của nông nô:

+ Trong các lãnh địa phong kiến, nông nô là người sản xuất chính nuôi sống lãnh địa. Nhưng đời sống của họ vô cùng khốn khổ.

+ Nông nô bị phụ thuộc thân thể vào lãnh chúa phong kiến. Họ không được tự ý bỏ đi khỏi lãnh địa.

+ Lãnh chúa phong kiến đặt ra nhiều thứ thuế để bóc lột nông nô như thuế thân, thuế cưới xin, thuế thừa kế tài sản,...

+ Người nông nô làm quần quật quanh năm mà không đủ ăn. Họ sống trong những túp lều tồi tàn, bẩn thỉu. Họ bị đói kém bệnh tật, bị đòn roi của bọn lãnh chúa phong kiến hằng ngày.

Câu 12: Các cuộc phát kiến địa lí đã để lại những hiệu quả tiêu cực như thế nào?

Trả lời:

Hệ quả tiêu cực:

+ Nảy sinh nạn buôn bán nô lệ da đen.

+ Thổ dân châu Mỹ và nền văn hóa của họ bị hủy diệt.

+ Sự ra đời của chủ nghĩa thực dân và nạn cướp bóc thuộc địa.

 

Câu 13: Tìm hiểu thêm về sự thay đổi trong cuộc sống của dân nghèo thành thị và người nông dân trong xã hội Tây Âu sau các cuộc phát kiến địa lí. Viết một đoạn văn ngắn khoảng 15 dòng nói về sự thay đổi đó.

Trả lời:

Sau các cuộc phát kiến địa lí, bên cạnh những hệ quả tích cực, nó còn dẫn đến sự ra đời của chủ nghĩa thực dân và nạn cướp bóc thuộc địa và nạn buôn bán nô lệ da đen khiến cuộc sống của dân nghèo thành thị và người nông dân trong xã hội Tây Âu trở nên vô cùng khổ cực. Tầng lớp quý tộc, thương nhân Tây Âu ra sức cướp bóc của cải, tài nguyên của các nước thuộc địa. Họ còn dùng bạo lực để cướp đoạt ruộng đất của nông dân. Ruộng đất của nông dân bị biến thành đồng cỏ chăn cừu phục vụ cho sản xuất len dạ. Nông dân bị mất ruộng đất chỉ còn con đường đi làm thuê, bán sức lao động cho những ông chủ giàu có. Đối với thợ thủ công ở thành thị, do rủi ro, do vay nặng lãi, do thuế khoá,... đã mất tư liệu sản xuất và phải đi làm thuê. Một số dân nghèo phải đi lang thang, đi ăn xin sống qua ngày. Nếu ai đi lang thang mà còn khoẻ mạnh sẽ bị bắt và bị phạt nặng. Tất cả bọn họ đều không có quyền công dân, nghèo đói và bị bần cùng hoá, bị bóc lột sức lao động nặng nề.

Câu 14: Lý do giai cấp tư sản Tây Âu tiến hành cuộc đấu tranh chống lại chế độ phong kiến là gì?

Trả lời:

- Lý do giai cấp tư sản Tây Âu tiến hành cuộc đấu tranh chống lại chế độ phong kiến:

+ Muốn xây dựng một nền văn hóa mới, đề cao quyền tự do và giá trị con người.

+ Muốn đấu tranh chống lại các giáo lí lỗi thời, lạc hậu của Giáo hội Thiên Chúa.

+ Muốn phát triển khoa học – kĩ thuật, mở đường cho chủ nghĩa tư bản ra đời.

Câu 15: Nổi tiếng nhất trong các cuộc phong trào Cải cách tôn giáo là cuộc cải cách nào? Trình bày nội dung của cuộc cải cách.

Trả lời:

- Nổi tiếng nhất trong các cuộc phong trào Cải cách tôn giáo là cuộc cải cách của Lu-thơ ở Đức và của Can-vanh tại Thụy Sĩ.

- Nội dung:

+ Mác-tin Lu-thơ phê phán chính sách áp bức, bóc lột của người dân Đức ở Tòa thánh Rô-ma. Ông đề xướng cải cách tôn giáo, chống lại cách Giáo hội tùy tiện giải thích Kinh Thánh. Đồng thời ông cho rằng con người được Chúa cứu vớt là do lòng chân thành của đức tin.

+ Tại Thụy Sĩ, Giăng Can-Vanh lên tiếng bác bỏ thẩm quyền của Giáo hoàng. Trong thời gian ở Giơ-ne-vơ Can-Vanh đã thực hiện hơn 2000 lần thuyết giảng.

 

Câu 16: Ở vương quốc Phơ-răng, lãnh chúa phong kiến được hình thành từ tầng lớp nào trong xã hội?

Trả lời:

- Lãnh chúa phong kiến được hình thành từ 2 bộ phận:

+ Quý tộc thị tộc người Giéc-man chiếm nhiều ruộng đất của chủ nô La Mã, được phong tước vị.

+ Quý tộc La Mã quy thuận chính quyền mới.

Câu 17: Trong các hệ quả của các cuộc phát kiến địa lí, theo em hệ quả nào là quan trọng?

Trả lời:

- Hệ quả quan trọng nhất là mở ra con đường mới, tìm ra vùng đất mới, dân tộc mới, thị trường mới, thúc đẩy hàng hải quốc tế phát triển.

- Vì: các nhà thám hiểm thực hiện những cuộc phát kiến địa lí với mục đích tìm ra những con đường thương mại mới để kết nối phương Đông với phương Tây. Với kết quả đạt được, các cuộc phát kiến địa lí đã đáp ứng được mục tiêu ban đầu đặt ra.

Câu 18: Em hãy nêu những biểu hiện về sự nảy sinh chủ nghĩa tư bản trong lòng xã hội phong kiến ở Tây Âu.

Trả lời:

Những biểu hiện về sự nảy sinh chủ nghĩa tư bản trong lòng xã hội phong kiến ở Tây Âu:

- Từ thế kỷ XVI, trong các thành thị Tây Âu, tổ chức phường hội dần dần được thay thế bằng các công trường thủ công.

- Quan hệ giữa chủ và thợ được thay thế bằng quan hệ giữa chủ xưởng ( tư sản) và người lao động ( vô sản).

- Một bộ phận lớn chủ đất ở nông thôn chuyển dần sang kinh doanh tư bản chủ nghĩa, lập các đồn điền, trang trại lớn, thuê mướn nhân công, dần trở thành tư sản nông nghiệp.

- Nông dân mất đất, phải vào làm thuê trong các đồn điền, trang trại, bán sức lao động, trở thành công nhân nông nghiệp.

- Về thương mại, các thương nhân, chủ ngân hàng trở thành những nhà tư bản có thế lực lớn trong xã hội.

- Đầu thế kỉ XVII, các công ty thương mại ra đời, thúc đẩy buôn bán giữa các quốc gia, đem lại quyền lợi kinh tế và chính trị cho giai cấp tư sản.

=> Quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa đã nảy sinh với sự hình thành của các giai cấp mới - tư sản và vô sản.

 

Câu 19: Ý nghĩa và tác động của phong trào Văn hóa Phục hưng là gì?

Trả lời:

- Ý nghĩa và tác động của phong trào Văn hóa Phục hưng:

+ Đề cao con người và tự do cá nhân, đề cao khoa học - kĩ thuật.

+ Phá vỡ sự thống trị tinh thần của nhà thờ Thiên Chúa giáo và đả phá chế độ phong kiến.

+ Thay đổi nhận thức con người, mở đường cho văn hóa Tây Âu phát triển.

+ Khai sáng châu Âu trung cổ và thay đổi lịch sử văn minh nhân loại.

Câu 20: Nguyên nhân nào dẫn đến sự xuất hiện các thành thị trung đại?

Trả lời:

Từ cuối thế kỉ XI, thủ công nghiệp phát triển, hàng hoá sản xuất ra ngày càng nhiều đã thúc đẩy nhu cầu trao đổi => một số thợ thủ công đã tìm cách bỏ trốn khỏi lãnh địa hoặc dùng tiền chuộc lại thân phận tự do. Họ đến những nơi có đông người qua lại để mở xưởng sản xuất và bán hàng. Từ đó các thị trấn xuất hiện, sau đó trở thành thành phố.

 

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận lịch sử 7 chân trời sáng tạo - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu mới cập nhật

Tài liệu môn khác

Chat hỗ trợ
Chat ngay