Câu hỏi tự luận Lịch sử 7 chân trời sáng tạo Ôn tập Chương 1: Tây Âu từ thế kỉ V đến nửa đầu thế kỉ XVI (P1)
Bộ câu hỏi tự luận Lịch sử 7 chân trời sáng tạo. Câu hỏi và bài tập tự luận Ôn tập Chương 1: Tây Âu từ thế kỉ V đến nửa đầu thế kỉ XVI (P1). Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Lịch sử 7 chân trời sáng tạo.
Xem: => Giáo án lịch sử 7 chân trời sáng tạo (bản word)
ÔN TẬP CHƯƠNG 1. TÂY ÂU TỪ THẾ KỶ V ĐẾN NỬA ĐẦU THẾ KỶ XVI (PHẦN 1)
Câu 1: Đế quốc La Mã bị sụp đổ vào năm 476 như thế nào?
Trả lời:
- Từ thế kỉ III, đế quốc La Mã lâm vào tình trạng khủng hoảng. Các cuộc đấu tranh của nô lệ chống lại chủ nô La Mã diễn ra, tiêu biểu nhất là cuộc khởi nghĩa của Xpác-ta-cút năm 73 TCN.
- Cuộc khởi nghĩa Xpac-ta-cút đã làm tình trạng sản xuất của La Mã sút kém, xã hội ngày càng rối ren, chế độ chiếm nô La Mã bị lung lay tận gốc.
- Nhân cơ hội đó, cuối thế kỉ V, một bộ tộc người Giéc-man từ phương Bắc tràn xuống chiếm đế quốc La Mã. Đế quốc La Mã oai hùng một thời bị sụp đổ vào năm 476. Thời cổ đại và chế độ chiếm nô La Mã đến đây kết thúc.
Câu 2: Nhà thám hiểm nào đã phát hiện ra châu Mỹ? Nêu hiểu biết của em về cuộc thám hiểm đó?
Trả lời:
- Nhà thám hiểm C.Cô-lôm-bô là người đã phát hiện ra châu Mỹ
- Hiểu biết của em về cuộc thám hiểm: Năm 1492, triều đình Tây Ban Nha tài trợ cho C. Cô-lôm-bô (C. Columbus) tìm đường qua phương Đông. Ông cho thuyền đi về phía tây, đến được đảo Xan Xan-van-đô (Sal Salvador), Cuba, Hi-xpa-ni-ô-la (Hispaniola) rồi dừng lại vì tưởng đã đến được Ấn Độ. Sự nhầm lẫn của Cô-lôm-bô khiến người ta gọi các dân tộc bản địa ở châu Mỹ là người Anh-điêng (người Ấn) cho đến tận ngày nay.
Câu 3: Một trong những nguyên nhân khiến sản xuất và thương mại của Tây Âu ngày càng phát triển là gì?
Trả lời:
Một trong những nguyên nhân khiến sản xuất và thương mại của Tây Âu ngày càng phát triển là: sau các cuộc phát kiến địa lí, nhờ vơ vét của cải và cướp bóc thuộc địa, các quý tộc và thương nhân Tây Âu càng giàu lên một cách nhanh chóng, tích lũy được một số vốn ban đầu.
Câu 4: Thành phố nào là nơi lưu giữ nhiều nhất những thành tựu của văn hóa Tây Âu phục hưng? Nêu dân chứng.
Trả lời:
- Thành phố lưu giữ nhiều nhất những thành tựu của văn hóa Tây Âu phục hưng là thành phố Phi-ren-xê.
- Dẫn chứng: vào ngày 4-11-1996, dòng nước lũ kinh hoàng trên sông A-nô (thuộc miền Bắc I-ta-li-a) đã tràn vào các bảo tàng, nhà thờ và thư viện của thành phố Phi-ren-xê. Cả thế giới bàng hoàng vì Phi-ren-xê là nơi lưu giữ nhiều nhất những thành tựu của văn hóa Tây Âu thời Phục hưng.
Câu 5: Sự kiện nào đã khởi đầu cho phong trào Cải cách tôn giáo ở Tây Âu?
Trả lời:
Sự kiện đã khởi đầu cho phong trào Cải cách tôn giáo ở Tây Âu là ngày 31 tháng 10 năm 1517 nhà cải cách Mác-tin Lu-thơ đã dán trên cửa nhà thờ Vít-ten-béc Luận văn 95 điều, chỉ trích Giáo hội.
Câu 6: Viết một đoạn văn ngắn mô tả về một hội chợ truyền thống ở Tây Âu.
Trả lời:
Hội chợ Săm-pa-nhơ (Pháp)
Sự phát triển của thủ công nghiệp và thương nghiệp trong thành thị trung đại Tây Âu từ thế kỷ thứ XI đã tạo điều kiện cho nền kinh tế hàng hoá phát triển, dẫn đến sự xuất hiện của các hội chợ. Trong đó, hội chợ Săm-pa-nhơ ở Đông Bắc Pháp là lớn nhất và có ý nghĩa đối với toàn châu Âu. Hàng hoá đặc trưng của hội chợ này là đồ gia vị, xa xỉ phẩm phương Đông, dạ của Hà Lan, rượu vang và gia súc của Pháp. Thương nhân trong hội chợ chủ yếu gặp nhau để trao đổi hàng hoá và thanh toán qua tín phiếu. Bên cạnh việc trao đổi hàng hoá, hội chợ còn tổ chức những lễ hội, những buổi biểu diễn trò nhào lộn, kịch câm, nuôi dạy thú dữ,...Sang thế kỷ XIV, địa vị của hội chợ Săm-pa-nhơ sụp đổ, các hội chợ khác vẫn tiếp tục tuy nhiên ý nghĩa kinh tế của những hội chợ này kém xa vai trò của hội chợ Săm-pa-nhơ.
Câu 7: Những điều kiện để các thương nhân châu Âu thực hiện các cuộc phát kiến địa lí từ thế kỉ XV là gì?
Trả lời:
- Những điều kiện:
+ Khoa học – kĩ thuật có những bước tiến đáng kể: tiêu biểu về địa lí, về đại dương, sử dụng la bàn.
+ Kĩ thuật đóng tàu có những bước tiến mới: tàu có bánh lái, có hệ thống buồm lớn, có sàn và boong để có thể đặt đại bác. Ca-ra-ven đã trở thành loại tàu vượt đại dương đầu tiên trong lịch sử thế giới.
Câu 8: Hình thức sản xuất mang tính chất tư bản chủ nghĩa đầu tiên trong lĩnh vực công nghiệp là gì? Nêu hiểu biết của em về hình thức sản xuất này.
Trả lời:
- Hình thức sản xuất mang tính chất tư bản chủ nghĩa đầu tiên trong lĩnh vực công nghiệp là công trường thủ công.
- Công trường thủ công là hình thức sản xuất mang tính chất tư bản chủ nghĩa đầu tiên trong lĩnh vực công nghiệp gồm công trường thủ công phân tán và công trường thủ công tập trung.
Câu 9: Những nhà khoa học nào đã góp phần thay đổi cách nhìn của con người về Trái Đất, vũ trụ và chống lại những quan điểm bảo thủ của Giáo hội Thiên Chúa?
Trả lời:
Thời Phục hưng đã xuất hiện nhiều nhà khoa học dũng cảm chống lại những quan điểm sai lầm bảo thủ, góp phần thay đổi cách nhìn của con người thời bấy giờ về Trái Đất và vũ trụ, N. Cô-péc-ních (N. Copernicus, 1473 - 1543), G. Bru-nô (N. Bruno, 1548 - 1600), G. Ga-li-lê (G. Galilei, 1564 - 1642).
Câu 10: Quan điểm của các nhà cải cách tôn giáo ở Tây Âu (cuối thế kỉ XVI – đầu thế kỉ XVI) là gì?
Trả lời:
- Quan điểm của các nhà cải cách tôn giáo ở Tây Âu:
+ Phê phán những hành vi sai trái của giáo hội, chống lại việc tùy tiện giải thích Kinh Thánh.
+ Cho rằng, chỉ cần đặt niềm tin vào Thiên Chúa và Kinh Thánh thì con người sẽ được cứu rỗi không cần phải thông qua Giáo sĩ hay những lễ nghi phức tạp, phiền toái.
+ Phủ nhận vai trò của Giáo hoàng, Giáo hội, chủ trương không thờ tranh tượng, xây dựng một Giáo hội đơn giản, tiện lợi, tiết kiệm thời gian.
Câu 11: Đọc thông tin trong bài, quan sát lược đồ 1.2, em hãy:
- Nêu những việc làm của người Giéc-man (German) khi tràn vào lãnh thổ đế chế La Mã.
- Trình bày những sự kiện chủ yếu về quá trình hình thành xã hội phong kiến Tây Âu.
Trả lời:
- Những việc làm của người Giéc-man (German) khi tràn vào lãnh thổ đế chế La Mã: Khi tràn vào lãnh thổ đế chế La mã, người Giéc-man đã chiếm đất đai, phế truất hoàng đế La Mã.
- Những sự kiện chủ yếu về quá trình hình thành xã hội phong kiến Tây Âu:
+ Đầu thế kỷ IV, đế chế La Mã cổ đại suy yếu và bị các bộ tộc Giéc-man tiến hành xâm lược.
+ Năm 476, chế độ chiếm hữu nô lệ La Mã sụp đổ, nhiều vương quốc Giéc-man lần lượt ra đời.
+ Từ thế ky VI đến thế kỷ IX, chiến tranh vẫn tiếp diễn, vương quốc Phơ-răng dần làm chủ vùng Tây Âu.
+ Thế kỷ IX, xã hội phong kiến Tây Âu cơ bản đã hình thành, xã hội xuất hiện hai giai cấp mới là lãnh chúa phong kiến và nông nô.
Câu 12: Hãy mô tả cuộc phát kiến địa lí đầu thế kỉ XVI.
Trả lời:
Mô tả cuộc phát kiến địa lí đầu thế kỉ XVI:
+ Hầu hết các cuộc phát kiến địa lí diễn ra vào thế kỉ XV, riêng cuộc phát kiến của Ph. Ma-gien-lan diễn ra vào đầu thế kỉ XV.
+ Năm 1519, đoàn tàu của Ph. Ma-gien-lan đi vòng quanh thế giới bằng đường biển. Đoàn tàu của ông đi vòng qua điểm cực Nam châu Mĩ, tiến vào đại dương mà ông gọi là Thái Bình Dương. Đến quần đảo Phi-líp-pin, trong một trận giao tranh với thổ dân, ông đã bị giết chết. Các thủy thủ của Ma-gien-lan tiếp tục lên đường, họ đã dạt vào hòn đảo hương liệu, quần đảo Ma-lác-ca, rồi trở về Marit (Tây Ban Nha), hoàn thành công việc khó khăn nhất thời đó.
Câu 13: Giai cấp vô sản Tây Âu được hình thành từ lực lượng nào trong xã hội Tây Âu trung đại?
Trả lời:
Giai cấp vô sản Tây Âu được hình thành trong xã hội Tây Âu trung đại: Nông dân mất đất phải vào làm thuê trong các đồn điền, trang trại, bán sức lao động, trở thành công nhân nông nghiệp.
Câu 14: Vì sao có sự xuất hiện của phong trào Văn hóa Phục hưng?
Trả lời:
Sở dĩ có sự xuất hiện phong trào Văn hóa Phục hưng vì:
- Từ cuối thế kỉ XIII, tình hình kinh tế – xã hội Tây Âu có nhiều biến đổi. Quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa xuất hiện.
- Trong khi đó, hệ tư tưởng của giáo hội và giai cấp quý tộc phong kiến đã trở nên lỗi thời, cản trở sự phát triển của xã hội.
- Giai cấp tư sản mới hình thành, có thế lực về kinh tế nhưng lại không có thế lực về chính trị.
- Giai cấp tư sản không chấp nhận những giáo lí lỗi thời, muốn xây dựng nền văn hóa mới đề cao giá trị con người và quyền tự do cá nhân, coi trọng khoa học – kĩ thuật,... để mở đường cho chủ nghĩa tư bản phát triển.
Câu 15: Nguyên nhân dẫn đến cuộc chiến tranh nông dân ở Đức năm 1524 là gì?
Trả lời:
Nguyên nhân dẫn đến cuộc chiến tranh nông dân ở Đức năm 1524 là Các thế lực bảo thủ đã đàn áp những người theo Tân giáo dẫn đến tình trạng bất ổn trong xã hội Tây Âu thế kỉ XVI-XVII và châm ngòi cho cuộc chiến tranh nông dân ở Đức năm 1524.
Câu 16: Đọc thông tin trong bài, quan sát hình 1.3, em hãy trình bày:
- Đặc điểm của lãnh địa phong kiến Tây Âu
- Mối quan hệ giữa lãnh chúa và nông nô trong xã hội phong kiến.
Trả lời:
- Đặc điểm của lãnh địa phong kiến Tây Âu:
+ Lãnh địa phong kiến là những vùng đất đai rộng lớn bị quý tộc biến thành của riêng và được cha truyền con nối.
+ Mỗi lãnh địa phong kiến là một đơn vị hành chính - kinh tế biệt lập, khép kín, thuộc về một lãnh chúa.
+ Lãnh chúa có toàn quyền trong lãnh địa phong kiến, có quân đội và tự đặt luật lệ riêng.
+ Cấu trúc của lãnh địa: bên trong là lâu đài kiên cố, có hào sâu và tường bao quanh dành cho lãnh chúa; bên ngoài chủ yếu là đất canh tác nông nghiệp, đồng cỏ chăn thả gia súc , rừng và nhà ở của nông nô.
+ Trong lãnh địa, kinh tế nông nghiệp là chủ yếu, đời sống kinh tế khép kín, chủ yếu là tự cung tự cấp.
- Mối quan hệ giữa lãnh chúa và nông nô trong xã hội phong kiến:
+ Lãnh chúa không phải lao động, chỉ luyện tập cung kiếm, đi săn; dùng địa tô và tự đặt ra những thứ thuế để bóc lột nông nô.
+ Nông nô lệ thuộc lãnh chúa về thân phận và ruộng đất, họ phải thuê đất canh tác của lãnh chúa và phải nộp tô rất nặng.
Câu 17: Hệ quả tích cực của các cuộc phát kiến địa lí là gì?
Trả lời:
Hệ quả tích cực:
+ Đem lại cho con người những hiểu biết mới về Trái Đất, vùng đất mới, dân tộc mới, con đường mới,…
+ Thúc đẩy sự trao đổi kinh tế, văn hóa giữa các châu lục
+ Thị trường thế giới được mở rộng, thúc đẩy sự ra đời của chủ nghĩa tư bản.
Câu 18: Sự xuất hiện của phương thức sản xuất tư bản bản chủ nghĩa trong lòng xã hội phong kiến dẫn đến hệ quả tất yếu nào? Vì sao?
Trả lời:
Sự xuất hiện của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa trong lòng xã hội phong kiến dẫn đến hệ quả tất yếu là phá vỡ nền sản xuất phong kiến, tự cung tự cấp. Xã hội hình thành nên hai giai cấp là tư sản và vô sản. Vì đầu thế kỉ XVI, ở Tây Âu bắt đầu xuất hiện hình thức kinh doanh tư bản chủ nghĩa.
Câu 19: Em hãy nêu những điều kiện dẫn đến hình thành phong trào Văn hóa Phục hưng ở châu Âu?
Trả lời:
- Vào thế kỉ XIV, bộ mặt Tây Âu có nhiều thay đổi:
+ Quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa hình thành ngay trong lòng xã hội phong kiến.
+ Những tiến bộ của khoa học – kĩ thuật giúp con người thoát khỏi tình trạng lạc hậu, nhận thức được bản chất của thế giới.
- Lúc đó, giai cấp tư sản đại diện cho một phương thức sản xuất tiên tiến muốn khôi phục lại tinh hoa văn hóa xán lạn của các quốc gia cổ đại Hy Lạp và La Mã, mặt khác cũng góp phần xây dựng nền văn hóa mới, đề cao giá trị con người, đòi quyền tự do cá nhân, coi trọng khoa học – kĩ thuật.
- Thời kì này phong trào Cải cách tôn giáo diễn ra mãnh liệt để đấu tranh với hệ tư tưởng lỗi thời của giáo hội và của giai cấp quý tộc phong kiến đang cản trở sự phát triển của xã hội.
- Cuộc đấu tranh sôi nổi của nông dân chống áp bức bóc lột của lãnh chúa phong kiến và tăng lữ đã làm hậu thuẫn cho giai cấp tư sản.
- Tất cả các điều kiện đó dẫn đến sự ra đời và phát triển của phong trào Văn hóa Phục hưng.
Câu 20: Bản chất của phong trào cải cách tôn giáo là gì?
Trả lời:
Dựa vào mục đích của phong trào cải cách, bản chất của phong trào cải cách tôn giáo là cuộc cách mạng tư tưởng của giai cấp tư sản chống lại chế độ phong kiến suy tàn.