Câu hỏi tự luận Lịch sử 7 chân trời sáng tạo Ôn tập Chương 5: Việt Nam từ đầu thế kỉ X đến đầu thế kỉ XVI (P1)

Bộ câu hỏi tự luận Lịch sử 7 chân trời sáng tạo. Câu hỏi và bài tập tự luận Ôn tập Chương 5: Việt Nam từ đầu thế kỉ X đến đầu thế kỉ XVI (P1). Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Lịch sử 7 chân trời sáng tạo.

Xem: => Giáo án lịch sử 7 chân trời sáng tạo (bản word)

ÔN TẬP CHƯƠNG 5. VIỆT NAM TỪ ĐẦU THẾ KỶ X ĐẾN ĐẦU THẾ KỶ XVI (PHẦN 1)

Câu 1: Em hãy nêu những việc làm thể hiện ý thức độc lập tự chủ của Ngô Quyền trong xây dựng đất nước

Trả lời:

Những việc làm thể hiện ý thức độc lập tự chủ của Ngô Quyền trong xây dựng đất nước:

- Năm 939, Ngô Quyền xưng vương, bỏ chức Tiết độ sứ và đóng đô ở Cổ Loa.

- Ngô quyền thiết lập bộ máy chính quyền mới và cử các tướng lĩnh trấn giữ các châu quan trọng ở địa phương.

-  Chế định triều nghi phẩm phục. (Quy định về lễ nghi, trang phục quan lại).

Câu 2: Mô tả sự thành lập của nhà Trần.

Trả lời:

Mô tả sự thành lập của nhà Trần:

- Theo sự sắp xếp của Trần Thủ Độ, Lý Chiêu Hoàng xuống chiếu nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh.

- Sự chuyển giao quyền lực êm thấm giữa hai triều đại bằng hôn nhân đã chính thức kết thúc 216 năm tồn tại của nhà Lý.

- Thời đại nhà Trần bắt đầu.

 

Câu 3: Qua việc sưu tầm tài liệu lịch sử, hãy tóm tắt tiểu sử Lý Công Uẩn.

Trả lời:

- Tóm tắt tiểu sử Lý Công Uẩn:

Lý Công Uẩn người hương Cổ Pháp (Từ Sơn – Bắc Ninh), sinh ngày 12-2 năm Giáp Tuất (974), mẹ chết khi ông còn nhỏ tuổi, Thiền sư Lý Khánh Văn nhận làm con nuôi, Lý Công Uẩn thông minh và có chí khí khác người ngay từ nhỏ.

Nhờ sự nuôi dạy của Lý Khánh Văn và Lý Vạn Hạnh, Lý Công Uẩn đã trở thành người xuất chúng. Khi Lê Long Đĩnh mất, triều thần tôn Lý Công Uẩn lên làm vua vào năm 1010.

Tháng 7-1010, Lý Công Uẩn cho dời đô về Đại La (Thăng Long), một buổi sáng đẹp trời thuyền vừa cập bến, nhà vua thấy rồng vàng bay lên, do đó đặt tên là kinh đô Thăng Long (tức Hà Nội ngày nay).

Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn) trị vì đất nước được 18 năm, thọ 55 tuổi.

Câu 4: Ai là tác giả của câu nói: “Ta thà làm ma nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc”? Nêu sự kiện gắn với câu nói đó.

Trả lời:

- Tác giả của câu nói: “Ta thà làm ma nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc” là Trần Bình Trọng

- Sự kiện gắn với câu nói: Tại bãi Màn Trò (Hưng yên), Trần Bình Trọng đã chặn đánh quân giặc suốt 7 ngày để vua Trần và triều đình rút lui an toàn về Thiên Trường (Nam Định). Do quá chênh lệch lực lượng, cuối cùng ông bị bắt. Thoát Hoan muốn dụ hàng ông, nhưng Trần Bình Trọng đã khẳng khái nói: “Ta thà làm ma nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc”

Câu 5: Vì sao gọi tình hình đất nước cuối thời Ngô là “Loạn 12 sứ quân”?

Trả lời:

- Gọi tình hình đất nước cuối thời Ngô là “Loạn 12 sứ quân” vì sau khi Ngô Quyền mất, một số hào trưởng địa phương nổi dậy chiếm giữ các nơi.

- Đinh Bộ Lĩnh thống nhất đất nước trong hoàn cảnh đất nước loạn lạc. Cả nước bấy giờ chia làm 12 sứ quân đóng ở mỗi vùng.

Câu 6: Luật pháp được sửa sang chú trọng, nhà Trần đã ban hành bộ luật mới có tên là gì? Luật pháp nhà Trần được thể hiện như thế nào?

Trả lời:

- Nhà Trần rất quan tâm đến pháp luật: chú trọng sửa sang luật pháp, ban hành bộ luật mới gọi là Quốc triều hình luật.

- Luật pháp nhà Trần:

+ Xác nhận và bảo vệ quyền tư hữu, quy định cụ thể việc mua bán ruộng đất.

+ Cơ quan luật pháp thời Trần được tăng cường và hoàn thiện hơn.

+ Nhà Trần đặt cơ quan hình viện để xét xử việc kiện cáo

+ Vua Trần vẫn để chuông ở thềm điện Long Trì cho dân kêu oan. Sự cách biệt giữa vua quan và dân chúng chưa sâu sắc.

 

Câu 7: Nhà Lý ra đời trong hoàn cảnh nào?

Trả lời:

- Nhà Lý ra đời trong hoàn cảnh:

+ Năm 1005, Lê Hoàn mất, Lê Long Đĩnh nối ngôi. Long Đĩnh là một ông vua tàn bạo khiến cho trong triều, ngoài nội ai ai cũng căm giận.

+ Năm 1009, Lê Long Đĩnh mất, giới sư sãi và đại thần đã tôn Lý Công Uẩn lên ngôi, lập ra nhà Lý.

Câu 8: Năm 1279, nhà Nguyên đã chiếm được toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc và ráo riết chuẩn bị lực lượng để xâm lược Đại Việt. Trước tình hình đó, nhà Trần đã có hành động gì?

Trả lời:

Năm 1279, nhà Nguyên đã chiếm được toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc và ráo riết chuẩn bị lực lượng để xâm lược Đại Việt. Trước tình hình đó, nhà Trần đã triệu tập hội nghị Bình Than (Bắc Ninh) năm 1282 và hội nghị Diên Hồng (Thăng Long) năm 1285 để bàn kế sách đánh giặc.

 

Câu 9: Đinh Bộ Lĩnh thống nhất đất nước trong hoàn cảnh nào? Trình bày nét chính về công cuộc thống nhất đất nước của ông.

Trả lời:

- Một số nét chính về công cuộc thống nhất đất nước của Đinh Bộ Lĩnh:

+ Đinh Bộ Lĩnh liên kết với sứ quân Trần Lãm và Phạm Bạch Hổ tiến đánh các sứ quân khác.

+ Các sứ quân lần lượt bị đánh bại hoặc xin hàng.

+ Tình trạng cát cứ chấm dứt.

+ Cuối năm 967, đất nước được thống nhất.

Câu 10: Trình bày những hiểu biết của em về quân đội thời Trần.

Trả lời:

– Tiếp tục được hoàn thiện, bao gồm quân triều đình, quân các lộ, phủ, quân vương hầu và dân binh các làng xã.

– Tiếp tục thực hiện chính sách “ngụ binh ư nông”

+ Đưa quân về địa phương luân phiên cày cấy nhằm giảm bớt gánh nặng về lương thực nuôi quân

cho triều đình.

+ Tạo ra mối liên hệ hài hòa quân sự và nông nghiệp; khi cần chuyển hóa từ thời bình sang thời chiến.

+ Thể hiện tinh thần đoàn kết quân dân, ở đâu có dân thì ở đó có quân.

 

Câu 11: Tại sao Lý Công Uẩn cho dời đô từ Hoa Lư về Đại La (Thăng Long)?

Trả lời:

Lý Công Uẩn cho dời đô từ Hoa Lư về Đại La (Thăng Long) vì:

- Kinh đô Hoa Lư (Ninh Bình) là vùng đất hẹp, nhiều núi đá, chỉ thích hợp với việc phòng thủ khi có chiến tranh. Còn trong thời bình, sẽ hạn chế đến sự phát triển lâu dài của đất nước.

- Trong khi đó Đại La (Thăng Long) rất thuận lợi về giao thông và phát triển đất nước:

+ Vị trí, địa thế thuận lợi: là trung tâm của đất nước “Thành Đại La ở giữa khu vực trời đất, có thể rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi cho núi sông trước sau. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa,... (Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn).

+ Là một địa điểm hiếm có của đất Việt: “Xem khắp đất nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương. Đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời”. (Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn).

⇒ Như vậy, Đại La (Thăng Long) là nơi hội đủ những điều kiện thuận lợi để trở thành trung tâm của đất nước về mọi mặt. Việc dời đô từ Hoa Lư về Đại La (Thăng Long) thể hiện quyết định sáng suốt của Lý Công Uẩn, tạo điều kiện cho sự phát triển đất nước.

Câu 12: Địa danh lịch sử nào được đề cập đến trong câu đố sau:

“Sông nào nổi sóng bạc đầu,

Ba phen cọc gỗ đâm tàu xâm lăng?”

Con sông này gắn với các cuộc chiến công nào của nhân dân Việt Nam?

Trả lời:

- Địa danh lịch sử được đề cập đến trong câu đố là sông Bạch Đằng.

- Sông Bạch Đằng đã từng 3 lần ghi dấu chiến công chống xâm lược của nhân dân Việt Nam:

+ Lần 1 – năm 938 (chống quân Nam Hán, do Ngô Quyền lãnh đạo)

+ Lần 2 – năm 981 (chống quân Tống, thời Tiền Lê)

+ Lần 3 – năm 1288 (chống quân Nguyên, thời Trần)

 

Câu 13: Dựa vào lược đồ 14.9, em hãy mô tả nét chính về cuộc chiến chống Tống thời Tiền Lê (năm 981)

Trả lời:

  • Nguyên nhân: Do tình hình chính trị trong nước bất ổn: Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn bị ám hại, Đinh Toàn nối ngôi nhưng còn nhỏ tuổi. Lê Hoàn được suy tôn làm vua.
  • Diễn biến:
  • Năm 981, Hầu Nhân Bảo chỉ huy quân Tống theo hai đường thủy, bộ tấn công Đại Cổ Việt.
  • Lê Hoàn cho quân mai phục, chặn đánh địch ở Lục Đầu Giang, Bạch Đằng, Tây kết…
  • Quân địch thua trận, bỏ chạy về nước. Hầu Nhân Bảo tử trận.
  • Kết quả:
  • Quân Tống đại bại. Nền độc lập của Đại Cổ Việt được giữ vững

Câu 14: Tình hình nông nghiệp dưới thời Trần như thế nào?

Trả lời:

- Tình hình nông nghiệp:

+ Nhà nước và nhân dân thời Trần ra sức phục hồi sản xuất nông nghiệp, mở rộng diện tích trồng trọt, xây dựng lại xóm làng, tiếp tục khai hoang

+ Chăm lo đến công tác thủy lợi như: đắp đê phòng lụt xây dựng các công trình thủy lợi

+ Thực hiện việc miễn giảm thuế cho nông dân nhằm khuyến khích nông dân tăng gia sản xuất

+ Các quý tộc địa chủ vương hầu chiêu tập dân nghèo khai hoang mở rộng ruộng đất tư hữu thành lập thêm nhiều điền trang.

Câu 15: Trước mưu đồ của nhà Tống, nhà Lý đã chuẩn bị đối phó như thế nào? Chủ trương đối phó của Lý Thường Kiệt, kết quả của chủ trương đó.

Trả lời:

- Nhà Lý chuẩn bị đối phó:

+ Cử Lý Thường Kiệt là người chỉ huy, tổ chức kháng chiến.

+ Cho quân đội luyện tập và canh phòng suốt ngày đêm.

+ Các tù trưởng được phong chức tước cao, được mộ thêm binh đánh trả các cuộc quấy phá, làm thất bại âm mưu dụ dỗ của nhà Tống.

+ Đánh Chăm-pa, phá tan âm mưu phối hợp của nhà Tống.

- Chủ trương đối phó của Lý Thường Kiệt:

+ Trước tình hình nhà Tống ráo riết chuẩn bị xâm lược nước ta, Lý Thường Kiệt đã nhận định “Ngồi yên đợi giặc, không bằng đem quân đánh trước để chặn thế mạnh của giặc”

+ Tháng 10-1075, Lý Thường Kiệt đích thân chỉ huy hơn 10 vạn quân thủy, bộ chia làm hai đạo tiến vào đất Tống, chủ động thực hiện chủ trương “tiến công trước để tự vệ” Đây thực sự là một chủ trương sáng tạo, độc đáo, rất chủ động của Lý Thường Kiệt.

+ Trước tình hình quân xâm lược đang đến gần, nhằm giành thế chủ động, tiêu hao sinh lực địch ngay từ lúc chúng chưa tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược.

- Kết quả: Cuộc tiến công để tự vệ diễn ra sau 42 ngày chiến đấu, quân Lý đã hạ được thành Ung Châu – căn cứ mạnh nhất của quân Tống, tiêu hủy kho lương dự trữ rồi nhanh chóng rút quân về nước, chuẩn bị phòng tuyến chặn giặc.

 

Câu 16: Những khó khăn của nhà Trần và của quân Mông Cổ trong cuộc kháng chiến lần thứ nhất (1258)?

Trả lời:

- Những khó khăn của nhà Trần:

+ Đầu năm 1258, 3 vạn quân Mông Cổ do Ngột Lương Hợp Thai chỉ huy, từ Vân Nam tiến vào Đại Việt.

+ Vua Trần Thái Tông trực tiếp chỉ huy trận đánh ở Bình Lệ Nguyên (Vĩnh Phúc). Nhưng trước thế giặc mạnh quân ta tạm rút quân khỏi kinh thành Thăng Long để bảo toàn lực lượng.

+ Sau trận Bình Lệ Nguyên, vua Trần Thái Tông tỏ ý lo lắng và hỏi ý kiến Thái sư Trần Thủ Độ, Trần Thủ Độ đã trả lời: “Đầu tôi chưa rơi xuống đất xin bệ hạ đừng lo”

- Khó khăn của Mông Cổ:

+ Chiếm được thành Thăng Long trong cảnh “vườn không nhà trống” tòa thành trống rỗng

+ Lâm vào cảnh thiếu lương thực, bị nhân dân tá chặn đánh nên giặc ở trong tình thế bị động, lúng túng, chán nản.

Câu 17: Sự đúng đắn, sáng tạo trong đường lối đánh giặc của nhà Trần trong kháng chiến lần thứ nhất chống quân xâm lược Mông Cổ (năm 1258)?

Trả lời:

- Nêu sự đúng đắn, sáng tạo:

+ Thực hiện kế sách “vườn không nhà trống”

+ Tránh thế giặc mạnh khi chúng mới đến xâm lược

+ Vừa cho quân cản bước tiến của giặc vừa rút lui để bảo toàn lực lượng

+ Khi thời cơ đến, phản công tiêu diệt giặc, giành thắng lợi.

Câu 18: Vì sao thời Trần thủ công nghiệp và thương nghiệp phát triển hơn thời Lý?

Trả lời:

Thời Trần thủ công nghiệp và thương nghiệp phát triển hơn thời Lý vì:

- Tiếp tục phát triển các nghề thủ công truyền thống của các triều đại trước

- Sản phẩm thủ công nghiệp đa dạng phong phú hơn thời Lý

- Việc trao đổi, buôn bán trong nước ngày càng sôi nổi hơn. Kinh đô Thăng Long hình thành nhiều phường nghề và buôn bán

- Xuất hiện những cửa khẩu dọc theo biên giới và các cửa biển như Vân Đồn (Quảng Ninh), Hội Thống (Nghệ An)… trở thành những nơi buôn bán tấp nập, thu hút nhiều thuyền buôn nước ngoài.

 

Câu 19: Em có nhận xét gì về văn học nghệ thuật thời Lý?

Trả lời:

– Văn học chữ Hán bắt đầu phát triển, xuất hiện một số tác phẩm văn học có giá trị như Chiếu dời đô của Lý Thái Tổ, Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt,...

– Các loại hình văn hóa dân gian như: hát chèo, múa rối nước đều phát triển. Các trò chơi dân gian như: đá cầu, đấu vật, đua thuyền,... rất được ưa chuộng.

– Thời Lý, một số công trình kiến trúc có quy mô tương đối lớn được xây dựng như Cấm Thành, chùa Một Cột,... Trình độ điêu khắc tinh xảo, thanh thoát được thể hiện trên các tượng Phật, ở hình trang trí rỗng, phượng và các bệ đá hình hoa sen,...

Câu 20: Trình bày ý nghĩa thắng lợi của ba lần kháng chiến chống quân xâm lược Mông–Nguyên thời Trần.

Trả lời:

- Đã đập tan tham vọng và ý chí xâm lược của quân Mông – Nguyên, bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc.

- Đánh bại một đế chế hùng mạnh nhất thế giới thời bấy giờ, viết nên trang sử chống ngoại xâm hào hùng của dân tộc, đóng góp vào truyền thống và nghệ thuật quân sự Việt Nam.

- Ngăn chặn ý đỏ của nhà Nguyên trong việc xâm lược đối với Nhật Bản và các nước ở Đông Nam Á, góp phần làm suy yếu đế chế Mông – Nguyên.

- Để lại những bài học kinh nghiệm quý giá:

+ Chăm lo sức dân “khoan thư sức dân” để làm kế sâu rễ bền gốc.

+ Củng cố khối đoàn kết toàn dân tộc.

+ Phát huy sức mạnh toàn dân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận lịch sử 7 chân trời sáng tạo - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu mới cập nhật

Tài liệu môn khác

Chat hỗ trợ
Chat ngay