Câu hỏi tự luận Lịch sử 7 kết nối tri thức Ôn tập Chương 5: Đại Việt thời Lý – Trần – Hồ (1009 – 1407) (P2)

Bộ câu hỏi tự luận Lịch sử 7 kết nối tri thức. Câu hỏi và bài tập tự luận Ôn tập Chương 5: Đại Việt thời Lý – Trần – Hồ (1009 – 1407). Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Lịch sử 7 kết nối tri thức.

Xem: => Giáo án lịch sử 7 kết nối tri thức (bản word)

ÔN TẬP CHƯƠNG 5. ĐẠI VIỆT THỜI LÝ - TRẦN - HỒ (1009-1407) (PHẦN 2)

Câu 1: Tìm hiểu và cho biết chiếu dời đô là gì? Nội dung của chiếu dời đô là gì?

Trả lời:

- Chiếu dời đô là bài chiếu lịch sử nói về sự kiện Lý Công Uẩn hỏi quần thần, nhân dân về việc dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La.

- Nội dung của Chiếu dời đô:

+ Thời nhà Thương, nhà Chu của Trung Quốc đã có nhiều lần dời đô và điều đó làm cho các triều đại đều hưng thịnh.

+ Ở nước ta, hai nhà Đinh – Tiền Lê theo ý mình, khinh thường mệnh trời, không chịu dời đổi nên vận nước ngắn ngủi, nhân dân lầm than.

+ Vì vậy, Lý Công Uẩn rất đau xót về việc đó, muốn dời đô ra Đại La để đất nước hùng mạnh hơn.

+ Xét về địa lí, lịch sử, Đại La là chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước, là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời.

Câu 2: Nhà Lý đã có hành động gì trước âm mưu xâm lược nước ta của nhà Tống?

Trả lời:

- Nhà Lý chủ động tiến công để phòng vệ:

+ Thông qua những tin tức thu nhận được, vua tôi nhà Lý đã hội bàn tìm cách đối phó. Nắm được chỗ yếu của nhà Tống và thế đang lên của nước ta.

+ Triều đình nhà Lý cử Lý Thường Kiệt làm tổng chỉ huy lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Tống, chủ động tiến hành các biện pháp đối phó như: làm thất bại ý đồ tiến công phối hợp của nhà Tống với Chăm-pa, cho quân luyện tập ngày đêm, phong chức tước cho các tù trưởng.

+ Sau khi ổn định biên giới phía nam, Lý Thường Kiệt đã nhận định: “Ngồi yên đợi giặc không bằng đem quân đánh trước để chặn thế mạnh của giặc”. Đây là chủ trương sáng tạo, độc đáo, rất chủ động của Lý Thường Kiệt.

+ Được sự tán đồng của triều đình, Lý Thường Kiệt đã phối hợp với các tù trưởng dân tộc ở phía bắc và đích thân ông chỉ huy hơn 10 vạn quân thủy, bộ, chia làm hai đạo tiến vào đất Tống, chủ động thực hiện chủ trương “tiến công trước để tự vệ”.

+ Sau 42 ngày chiến đấu, quân Lý đã hạ được thành Ung Châu – căn cứ mạnh nhất của quân Tống tiêu hủy kho lương dự trữ rồi nhanh chóng rút quân về chuẩn bị phòng tuyến ngăn chặn.

+ Bị đánh đòn phủ đầu bất ngờ, quân Tống lâm vào thế bị động, run sợ. Đây là điều kiện thuận lợi quân dân nhà Lý chuẩn bị cuộc kháng chiến tất yếu sẽ xảy ra.

 

Câu 3: : Luật pháp được sửa sang chú trọng, nhà Trần đã ban hành bộ luật mới có tên là gì? Luật pháp nhà Trần được thể hiện như thế nào?

Trả lời:

- Nhà Trần rất quan tâm đến pháp luật: chú trọng sửa sang luật pháp, ban hành bộ luật mới gọi là Quốc triều hình luật.

- Luật pháp nhà Trần:

+ Xác nhận và bảo vệ quyền tư hữu, quy định cụ thể việc mua bán ruộng đất.

+ Cơ quan luật pháp thời Trần được tăng cường và hoàn thiện hơn.

+ Nhà Trần đặt cơ quan hình viện để xét xử việc kiện cáo

+ Vua Trần vẫn để chuông ở thềm điện Long Trì cho dân kêu oan. Sự cách biệt giữa vua quan và dân chúng chưa sâu sắc.

Câu 4: Để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến nhà Trần đã tiến hành chuẩn bị những gì để chống giặc Nguyên?

Trả lời:

- Nắm được thế mạnh của giặc, với ý chí quyết tâm bảo vệ độc lập dân tộc, vua tôi nhà Trần đã phát động cuộc chiến tranh toàn dân.

- Để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lần thứ hai (1285), vua Trần đã triệu tập Hội nghị Bình Than (Bắc Ninh).

+ Hội nghị được tổ chức vào năm 1282 cho các vương hầu để bàn phương án kháng chiến chống quân Nguyên xâm lược Đại Việt năm 1285.

+ Đây là hội nghị của những người nắm giữ trọng trách lãnh đạo sự nghiệp giữ nước.

+ Hội nghị chủ yếu bàn về phương hướng chiến lược chống xâm lược và tổ chức bộ máy chỉ huy kháng chiến.

+ Hội nghị đã quyết định cử Trần Quốc Tuấn làm Quốc công Tiết chế – tổng chỉ huy các lực lượng kháng chiến.

- Tiếp sau đó, Hội nghị Diên Hồng được tổ chức vào năm 1284 tại kinh thành Thăng Long. Tại Hội nghị, các phụ lão trong cả nước được triệu tập trước thềm điện Diên Hồng để trưng cầu ý kiến về chủ trương hòa hay chiến khi quân Nguyên sang xâm lược Đại Việt lần thứ hai năm 1285. Tất cả hội nghị đều đồng tâm quyết đánh.

- Trần Quốc Tuấn đã soạn Hịch tướng sĩ để khích lệ tinh thần chiến đấu của quân dân Đại Việt.

- Nhà Trần tổ chức cuộc tập trận lớn và duyệt binh ở Đông Bộ Đầu, chia quân đóng giữ những nơi trọng yếu. Cả nước sẵn sàng chiến đấu.

Câu 5: Nhà Hồ tồn tại trong bao nhiêu năm và có tất cả bao nhiêu đời vua?

Trả lời:

- Nhà Hồ tồn tại 7 năm từ năm 1400 đến năm 1407.

- Có 2 đời vua: Hồ Quý Ly làm vua năm 1400, sau đó nhường ngôi cho con trai là Hồ Hán Thương (1400 – 1407) để làm Thái thượng hoàng.

Câu 6: Việc dời đô đã đem lại ý nghĩa gì cho việc xây dựng và phát triển đất nước?

Trả lời:

- Thể hiện sự sáng suốt của một vị vua đầu tiên của triều Lý.

- Tạo điều kiện cho kinh thành Thăng Long dần dần trở thành đô thị phồn thịnh, là bộ mặt của đất nước.

- Thể hiện được uy thế của Đại Việt: Thăng Long vừa là kinh đô của nước Đại Việt cường thịnh, vừa là một thành thị có quy mô lớn trong khu vực và trên thế giới lúc bấy giờ.

 

Câu 7: Hãy chỉ ra những nét độc đáo trong cuộc kháng chiến chống Tống của nhà Lý (1075-1077).

Trả lời:

  • Chủ trương "tiến công trước để tự vệ", đẩy địch vào thế bị động.
  • Lựa chọn và xây dựng tuyến phòng ngự vững chắc trên sông Như Nguyệt.
  • Nắm bắt thời cơ, tấn công quy mô lớn vào trận tuyến của địch khi thấy địch suy yếu.
  • Chủ động kết thúc chiến sự bằng biện pháp mềm dẻo, thương lượng, đề nghị “giảng hòa” để hạn chế tổn thất.

Câu 8: Kinh tế nhà Trần đã được phục hồi như thế nào trên các lĩnh vực nông nghiệp, thủ công nghiệp và thương nghiệp?

Trả lời:

- Sự phục hồi kinh tế dưới thời Trần trên các lĩnh vực nông nghiệp, thủ công nghiệp và thương nghiệp:

  • Về nông nghiệp:

+ Đẩy mạnh khai hoang để mở rộng diện tích canh tác.

+ Triển khai việc đắp đê phòng lụt dưới sự chỉ dẫn của các quan Hà đê sử.

+ Tiến hành xây dựng các công trình thủy lợi, nạo vét kênh ngòi, đảm bảo giao thông và tưới tiêu cho ruộng đồng.

+ Cho phép các tổn thất lập điền trang.

  • Về thủ công nghiệp:

+ Các xưởng thủ công nhà nước chuyên đúc tiền, chế tạo vũ khí, đóng thuyền chiến,...

+ Nhà Trần còn trưng dụng các thợ thủ công giỏi để xây dựng các công trình lớn.

+ Thủ công nghiệp trong nhân dân có nhiều ngành nghề như làm gốm, đúc đồng phát triển.

+ Tại các làng xã và kinh đô hình thành nhiều làng nghề, phường nghề. Sản phẩm thủ công làm ra rất đa dạng, được trao đổi, buôn bán ở các chợ và kinh thành Thăng Long.

  • Về thương nghiệp:

+ Chợ mọc ra ngày càng nhiều ở các làng xã.

+ Thăng Long có 61 phố phường.

+ Tiền tệ và hệ thống đo lường được thống nhất.

+ Cửa biển Vân Đồn (Quảng Ninh), Hội Thống (Nghệ An),... trở thành những nơi buôn bán tấp nập, thu hút nhiều thuyền buôn và thương nhân các nước đến trao đổi hàng hóa.

 

Câu 9: Nhân vật lịch sử nào đã lập ra nhà Nguyên? Trình bày âm mưu xâm lược Đại Việt lần thứ hai của quân Nguyên.

Trả lời:

- Vua Mông Cổ Hốt Tất Liệt là người đã lập ra nhà Nguyên (1271) sau khi đánh chiếm được nước Nam Tống, làm chủ phần lớn lãnh thổ Trung Quốc.

- Âm mưu xâm lược Đại Việt của quân Nguyên:

+ Năm 1279, nhà Nguyên ráo riết chuẩn bị xâm lược Chăm-pa và Đại Việt.

+ Trong hoàn cảnh mới, với thế lực lớn, đồng thời rút kinh nghiệm của thất bại trong cuộc xâm lược lần thứ nhất, quân Nguyên đã đánh vào Chăm-pa (ở phía nam Đại Việt, là một quốc gia nhỏ) để biến nơi đây thành bàn đạp đánh lên Đại Việt, phối hợp với quân chủ lực đánh từ phía bắc xuống.

+ Nhưng nhân dân Chăm-pa đã chiến đấu hết sức anh dũng, kế hoạch của nhà Nguyên định dùng Chăm-pa làm bàn đạp tấn công vào nước ta bước đầu tan vỡ.

Câu 10: Sau sự thất bại của nhà Hồ, nhà nước nào lên thiết lập quyền cai trị ở nước ta?

Trả lời:

- Sau thất bại của nhà Hồ, nhà Minh thiết lập chính quyền cai trị nước ta:

+ Đối mặt với cuộc chiến tranh xâm lược của nhà Minh: Tháng 11-1406, nhà Minh xâm lược Đại Ngu. Quân Minh lần lượt đánh bại nhà Hồ ở Lạng Sơn, Đa Bang, Tây Đô,... Đến năm 1407, nhà Minh đặt ách đô hộ nước ta.

+ Xóa bỏ quốc hiệu Đại Ngu đổi thành quận Giao Chỉ, sáp nhập vào Trung Quốc.

+ Đặt ra hàng trăm thứ thuế, tiến hành vơ vét, bóc lột nhân dân ta.

+ Tiếp tục thi hành chính sách đồng hóa, cướp và thiêu hủy nhiều sách quý của ta.

 

Câu 11: Quân đội nước ta dưới thời Lý được chia thành bao nhiêu bố phận? Quân đội dưới thời Lý được tổ chức như thế nào?

Trả lời:

- Quân đội được tổ chức khá hoàn chỉnh, gồm hai bộ phận:

+ Cấm quân: bảo vệ vua và kinh thành.

+ Quân địa phương: canh phòng ở các lộ, phủ, tham gia chiến đấu và sản xuất.

+ Nhà Lý thi hành chính sách “ngụ binh ư nông”

+ Quân đội được tuyển chọn chặt chẽ, có kỷ luật nghiêm minh, được huấn luyện chu đáo, trang bị vũ khí.

Câu 12: Vai trò của Lý Thường Kiệt trong cuộc kháng chiến được thể hiện như thế nào?

Trả lời:

  • Là tổng chỉ huy lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược.
  • Đưa ra đường lối kháng chiến nhanh chóng, đúng đắn, sáng tạo, giúp quân và dân ta giành được thắng lợi.
  • Là người trực tiếp điều binh khiển tướng và quyết định kết thúc chiến tranh bằng biện pháp hoà bình => Vai trò to lớn, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến.

 

Câu 13: Vì sao có sự phân hóa xã hội thời Trần?

Trả lời:

- Thời Trần, xã hội ngày càng phân hóa mạnh mẽ, sự phân biệt đẳng cấp ngày càng sâu sắc, nhất là tầng lớp quý tộc, vương hầu nhà Trần có nhiều đặc quyền, đặc lợi, trong khi đó tầng lớp nông dân, nỗ tì đông đảo nhưng đây là tầng lớp thấp kém nhất trong xã hội, họ bị lệ thuộc vào tầng lớp quý tộc.

- Đặc điểm nhà nước thời Trần là nhà nước quân chủ quý tộc.

⇒ Thời Trần có sự phân hóa xã hội

Câu 14: Nguyên nhân do đâu khiến nhà Nguyên tiến hành cuộc kháng chiến xâm lược Đại Việt lần thứ ba?

Trả lời:

- Vua Nguyên là Hốt Tất Liệt căm giận vì thất bại nặng nề vào năm 1285, đã vội vã sai quân đánh trả thù.

- Rút kinh nghiệm qua hai lần thất bại trước, lần này ngoài lực lượng kị binh và bộ binh, vua Nguyên cử thêm một đoàn thuyền chiến lớn và một đoàn thuyền chở lương thực theo đường biển tiến vào Đại Việt, để vừa đảm bảo điều kiện vượt sông, vừa đảm bảo lương thực cho cuộc xâm lược.

- Cuối tháng 12-1287, vua Nguyên tức tối cử Thoát Hoan tiếp tục chỉ huy 50 vạn quân theo hai đường thủy, bộ tấn công Đại Việt lần thứ ba.

- Khi quân Nguyên tiến vào nước ta, quân dân nhà Trần chặn đường tiến quân của giặc đến Thăng Long.

⇒ Nhà Nguyên tiến hành xâm lược Đại Việt lần thứ ba.

Câu 15: Một trong những chính sách cải cách của Hồ Quý Ly liên quan đến nô tì là chính sách gì? Trình bày chính sách cải cách đó.

Trả lời:

- Chính sách cải cách của Hồ Quý Ly liên quan đến nô tì là chính sách hạn nô.

- Chính sách hạn nô của Hồ Quý Ly:

+ Hạn chế nô tì dược nuôi của các vương hầu, quý tộc, quan lại. Hồ Quý Ly quy định: chiếu theo phẩm cấp, các quan lại quý tộc chỉ được nuôi một số gia nô nhất định. Số thừa ra sung công

+ Mỗi gia nô thừa ra được nhà nước đền bù 5 quan tiền.

 

Câu 16: Em có nhận xét gì về chính sách đối nội và đối ngoại của nhà Lý?

Trả lời:

– Đối nội: Thực hiện chính sách đối nội vừa mềm dẻo, vừa khôn khéo.

+ Thực hiện chính sách đoàn kết các tộc người trên đất nước ta.

+ Kiên quyết trấn áp những thế lực có mưu đồ tách khỏi Đại Việt.

– Đối ngoại:

+ Quan hệ hòa hiếu với nhà Tống.

+ Dẹp tan các cuộc tấn công của Chăm-pa, đưa quan hệ giữa Đại Việt với Chăm-pa trở lại bình thường.

Câu 17: Cuộc kháng chiến chống Tống của nhà Lý đã để lại những bài học gì cho công cuộc bảo vệ Tổ quốc hiện nay?

Trả lời:

  • Luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, ý chí mạnh mẽ, quyết tâm chiến đấu chống giặc ngoại xâm.
  • Có đường lối kháng chiến đúng đắn, phù hợp với hoàn cảnh, điểm mạnh, điểm yếu của quân và dân ta.
  • Luôn giữ thái độ mềm dẻo, khôn khéo để giữ gìn mối quan hệ với các nước nhưng cũng kiên quyết trấn áp những thế lực có mưu đồ xâm lược.

Câu 18: Trình bày hiểu biết của em về dòng họ Trần?

Trả lời:

Dòng họ Trần vốn xuất thân làm nghề đánh cá tại vùng hạ lưu sông Hồng (Thái Bình và Nam Định ngày nay) sau trở nên giàu có và là một thế lựa mạnh. Những người có công lao lớn trong việc thành lập triều Trần là Trần Lý, Trần Thừa, Trần Tự Khánh…

 

Câu 19: Vì sao cả ba lần kháng chiến chống quân xâm lược Mông–Nguyên thời Trần quân và dân ta đều giành thắng lợi?

Trả lời:

- Nhờ lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết, ý chí độc lập tự chủ và quyết tâm đánh giặc của quân dân Đại Việt.

- Nhờ kế sách đánh giặc đúng đắn và sáng tạo: chủ động chuẩn bị kháng chiến, tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu của kẻ thù,...

- Nhờ sự lãnh đạo, chỉ huy tài ba của vua Trần Thái Tông, Thượng hoàng Trần Thánh Tông, vua Trần Nhân Tông và các tướng lĩnh như Trần Thủ Độ, Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải,...

- Công cuộc chuẩn bị kháng chiến chu đáo, toàn diện. Nổi lên hai Hội nghị Bình Than và Diên Hỏng với mục tiêu: đoàn kết đánh giặc, bảo vệ Tổ quốc.

⇒ Cả ba lần lần kháng chiến chống quân xâm lược Mông–Nguyên thời Trần quân và dân ta đều giành thắng lợi

Câu 20: Từ sự thất bại của cuộc kháng chiến chống Minh của nhà Hồ đã để lại bài học kinh nghiệm gì cho công cuộc đấu tranh chống ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc?

Trả lời:

Bài học lớn nhất mà nhà Hồ để lại cho công cuộc xây dựng Tổ quốc đó chính là “bài học về lòng dân”:

- Phải lấy đoàn kết toàn dân làm sức mạnh, dựa vào dân mà đánh giặc.

- Phải giải quyết vấn đề lục đục trong nội bộ, đừng để nó là điểm yếu dẫn đến những kết quả không mong muốn.

- Khi đánh giặc mạnh không nên đương đầu trực tiếp với giặc sẽ làm hao mòn lực lượng của ta và không rút lui cố thủ mà bảo toàn lực lượng chờ thời cơ phản công.

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận lịch sử 7 kết nối tri thức - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu mới cập nhật

Tài liệu môn khác

Chat hỗ trợ
Chat ngay