Câu hỏi tự luận lịch sử 7 kết nối bài 14: Ba lần kháng chiến chống quân xâm lược Mông-Nguyên thời Trần

Bộ câu hỏi tự luận lịch sử 7 Kết nối tri thức. Câu hỏi và bài tập tự luận bài 14: Ba lần kháng chiến chống quân xâm lược Mông-Nguyên thời Trần. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học lịch sử 7 Kết nối tri thức.

BÀI 14: BA LẦN KHÁNG CHIẾN CHỐNG

QUÂN XÂM LƯỢC MÔNG – NGUYÊN THỜI TRẦN

I. NHẬN BIẾT

Câu 1: Trình bày âm mưu xâm lược Đại Việt của Mông Cổ.

Trả lời: 

- Âm mưu xâm lược Đại Việt của Mông Cổ:

+ Đầu thế kỉ XIII, nhà nước phong kiến Mông Cổ được thành lập, vua Mông Cổ đem quân xâm lược các nước xung quanh. 

+ Năm 1257, Mông Cổ quyết định mở cuộc tiến công vào nước Nam Tống (ở phía nam Trung Quốc), nhằm xâm lược toàn bộ Trung Quốc. 

+ Để đạt được tham vọng đó, vua Mông Cổ sai tướng Ngột Lương Hợp Thai chỉ huy hơn 3 vạn quân xâm lược Đại Việt, rồi từ Đại Việt đánh lên phía nam Trung Quốc, thực hiện kế hoạch “gọng kìm” tiêu diệt Nam Tống và xâm lược Đại Việt... 

Câu 2: Để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến nhà Trần đã tiến hành chuẩn bị những gì để chống giặc Nguyên?

Trả lời: 

- Nắm được thế mạnh của giặc, với ý chí quyết tâm bảo vệ độc lập dân tộc, vua tôi nhà Trần đã phát động cuộc chiến tranh toàn dân. 

- Để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lần thứ hai (1285), vua Trần đã triệu tập Hội nghị Bình Than (Bắc Ninh). 

+ Hội nghị được tổ chức vào năm 1282 cho các vương hầu để bàn phương án kháng chiến chống quân Nguyên xâm lược Đại Việt năm 1285. 

+ Đây là hội nghị của những người nắm giữ trọng trách lãnh đạo sự nghiệp giữ nước. 

+ Hội nghị chủ yếu bàn về phương hướng chiến lược chống xâm lược và tổ chức bộ máy chỉ huy kháng chiến. 

+ Hội nghị đã quyết định cử Trần Quốc Tuấn làm Quốc công Tiết chế – tổng chỉ huy các lực lượng kháng chiến. 

- Tiếp sau đó, Hội nghị Diên Hồng được tổ chức vào năm 1284 tại kinh thành Thăng Long. Tại Hội nghị, các phụ lão trong cả nước được triệu tập trước thềm điện Diên Hồng để trưng cầu ý kiến về chủ trương hòa hay chiến khi quân Nguyên sang xâm lược Đại Việt lần thứ hai năm 1285. Tất cả hội nghị đều đồng tâm quyết đánh. 

- Trần Quốc Tuấn đã soạn Hịch tướng sĩ để khích lệ tinh thần chiến đấu của quân dân Đại Việt. 

- Nhà Trần tổ chức cuộc tập trận lớn và duyệt binh ở Đông Bộ Đầu, chia quân đóng giữ những nơi trọng yếu. Cả nước sẵn sàng chiến đấu. 

II. THÔNG HIỂU

Câu 1: Ai là người đã nói: “Đầu tôi chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo”? Câu nói đó được nói trong hoàn cảnh cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nào? 

Trả lời: 

- “Đầu tôi chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo” là câu nói của thái sư Trần Thủ Độ 

- Câu nói đó được nói sau trận Bình Lệ Nguyên của cuộc kháng chiến chống quân Mông Cổ vua Trần Thái Tông tỏ ý lo lắng và hỏi ý kiến Thái sư Trần Thủ Độ, Trần Thủ Độ đã trả lời: “Đầu tôi chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo”.

Câu 2: Nhà Trần đã chuẩn bị và tiến hành kháng chiến quân Mông Cổ như thế nào? Hãy nêu kết cục của cuộc kháng chiến. 

Trả lời: 

- Nhà Trần đã chuẩn bị và tiến hành kháng chiến quân Mông Cổ:

+ Nắm được âm mưu của quân Mông Cổ, nhà Trần đã tiến hành chuẩn bị mọi mặt cho cuộc kháng chiến: đề ra kế hoạch đối phó, tăng cường phòng thủ biên giới, chuẩn bị lực lượng và vũ khí, kêu gọi nhân dân, luyện tập quân sự để sẵn sàng chống giặc. 

+ Đầu năm 1258, 3 vạn quân Mông Cổ do Ngột Lương Hợp Thai chỉ huy, từ Vân Nam tiến vào Đại Việt. 

+ Lúc này, vua Trần Thái Tông trực tiếp chỉ huy trận đánh ở Bình Lệ Nguyên (Vĩnh Phúc). Trước thế giặc mạnh, quân ta tạm rút quân khỏi kinh thành Thăng Long để bảo toàn lực lượng. 

+ Sau trận Bình Lệ Nguyên, vua Trần Thái Tông tỏ ý lo lắng và hỏi ý kiến Thái sư Trần Thủ Độ, Trần Thủ Độ đã trả lời: “Đầu tôi chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo” 

+ Khi rút khỏi Thăng Long, nhà Trần đã thi hành kế sách “vườn không nhà trống” nên khi quân Mông Cổ chiếm được Thăng Long chỉ là một tòa thành trống rỗng. 

+ Quân Mông Cổ vào Thăng Long, lâm vào cảnh thiếu lương ăn, đi đâu cũng bị nhân dân ta chặn đánh. Trước tình thế bị động, lúng túng của giặc, vua tôi nhà Trần đã mở cuộc phản công, đánh bại chúng ở Đông Bộ Đầu (Hà Nội ngày nay). 

+ Quân Mông Cổ thua trận, rút chạy khỏi Thăng Long, đến phủ Quy Hóa (Yên Bái, Lào Cai ngày nay), lại bị dân binh địa phương chặn đánh.

- Kết cục của cuộc kháng chiến: Cuộc kháng chiến lần thứ nhất (1258) kết thúc thắng lợi. 

Câu 3: Nhân vật lịch sử nào đã lập ra nhà Nguyên? Trình bày âm mưu xâm lược Đại Việt lần thứ hai của quân Nguyên.

Trả lời:

- Vua Mông Cổ Hốt Tất Liệt là người đã lập ra nhà Nguyên (1271) sau khi đánh chiếm được nước Nam Tống, làm chủ phần lớn lãnh thổ Trung Quốc.

- Âm mưu xâm lược Đại Việt của quân Nguyên:

+ Năm 1279, nhà Nguyên ráo riết chuẩn bị xâm lược Chăm-pa và Đại Việt. 

+ Trong hoàn cảnh mới, với thế lực lớn, đồng thời rút kinh nghiệm của thất bại trong cuộc xâm lược lần thứ nhất, quân Nguyên đã đánh vào Chăm-pa (ở phía nam Đại Việt, là một quốc gia nhỏ) để biến nơi đây thành bàn đạp đánh lên Đại Việt, phối hợp với quân chủ lực đánh từ phía bắc xuống. 

+ Nhưng nhân dân Chăm-pa đã chiến đấu hết sức anh dũng, kế hoạch của nhà Nguyên định dùng Chăm-pa làm bàn đạp tấn công vào nước ta bước đầu tan vỡ.



Câu 4: Trình bày diễn biến và kết quả của cuộc kháng chiến chống quân Nguyên xâm lược Đại Việt lần thứ hai.

Trả lời: 

- Diễn biến và kết quả của cuộc kháng chiến:

+ Đầu năm 1285, Thoát Hoan chỉ huy hơn 50 vạn quân Nguyên tràn vào xâm lược Đại Việt. Cuộc kháng chiến diễn ra gay go, ác liệt. Trần Quốc Tuấn cho lui quân về đóng ở Vạn Kiếp (Chí Linh, Hải Dương). 

+ Nhà Trần tiếp tục kế sách “vườn không nhà trống” Trước thế giặc quá mạnh, nhà Trần cho rút quân từ Thăng Long về Thiên Trường (Nam Định). 

+ Với tinh thần “Nếu bệ hạ muốn hàng giặc thì trước hết hãy chém đầu thần” của Trần Quốc Tuấn, quân dân nhà Trần đã kiên cường chiến đấu, bảo vệ được bộ chỉ huy kháng chiến, phá vỡ kế hoạch hội quân của Toa Đô (từ Chăm-pa đánh ra) và Thoát Hoan tại vùng Thiên Trường, từng bước làm tiêu hao lực lượng địch. 

+ Quân Nguyên phải rút về Thăng Long chờ tiếp viện trong tình cảnh thiếu lương thực và bị động đối phó trước các cuộc tập kích của quân dân nhà Trần. 

+ Tháng 5-1285, cuộc tổng phản công của quân ta bắt đầu. Quân giặc lần lượt bị đánh bại ở các trận lớn: Tây Kết (Hà Nội), Hàm Tử (Hưng Yên), Chương Dương (Hà Nội). Thừa thắng, quân ta tiến vào giải phóng Thăng Long. Quân giặc phải rút chạy về nước. Cuộc kháng chiến lần thứ hai hoàn toàn thắng lợi. 

Câu 5: Nguyên nhân do đâu khiến nhà Nguyên tiến hành cuộc kháng chiến xâm lược Đại Việt lần thứ ba?

Trả lời:

- Vua Nguyên là Hốt Tất Liệt căm giận vì thất bại nặng nề vào năm 1285, đã vội vã sai quân đánh trả thù. 

- Rút kinh nghiệm qua hai lần thất bại trước, lần này ngoài lực lượng kị binh và bộ binh, vua Nguyên cử thêm một đoàn thuyền chiến lớn và một đoàn thuyền chở lương thực theo đường biển tiến vào Đại Việt, để vừa đảm bảo điều kiện vượt sông, vừa đảm bảo lương thực cho cuộc xâm lược. 

- Cuối tháng 12-1287, vua Nguyên tức tối cử Thoát Hoan tiếp tục chỉ huy 50 vạn quân theo hai đường thủy, bộ tấn công Đại Việt lần thứ ba. 

- Khi quân Nguyên tiến vào nước ta, quân dân nhà Trần chặn đường tiến quân của giặc đến Thăng Long. 

  • Nhà Nguyên tiến hành xâm lược Đại Việt lần thứ ba.

III. VẬN DỤNG

Câu 1: Cuộc kháng chiễn lần thứ ba năm 1288 diễn ra như thế nào?

Trả lời:

- Diễn biến cuộc kháng chiến lần thứ ba năm 1288:

+ Khi quân Nguyên tiến vào nước ta, nhà Trần tạm rút về phía nam và giao cho lực lượng phòng thủ phía đông bắc do Trần Khánh Dư phụ trách, làm nhiệm vụ tiêu diệt đoàn thuyền lương của giặc. 

- Ô Mã Nhi được giao nhiệm vụ bảo vệ đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ, nhưng cho rằng quân ta không thể ngăn cản được đoàn thuyền lương này nên đã tiến về hội quân ở Vạn Kiếp. 

- Trần Khánh Dư đã bố trí một trận địa mai phục và đánh tan đoàn thuyền lương của giặc ở trận Vân Đồn – Cửa Lục (Quảng Ninh). 

- Đầu năm 1288, quân Nguyên do Thoát Hoan chỉ huy chiếm Thăng Long nhưng vẫn rơi vào kế sách “vườn không nhà trống” của nhà Trần. Lúc này, Thoát Hoan quyết định kéo quân sang Vạn Kiếp rồi cũng theo đường thủy, bộ về nước. 

- Nhà Trần quyết định tổ chức cuộc phản công, bố trí trận địa mai phục tại vùng cửa sông Bạch Đằng dưới sự chỉ huy trực tiếp của Trần Quốc Tuấn. 

- Đúng như dự đoán của nhà Trần, tháng 4-1288, đoàn thuyền do Ô Mã Nhi tiến gần đến khu vực sông Bạch Đằng. Theo kế hoạch đã định, trận Bạch Đằng đã diễn ra quyết liệt. Toàn bộ đạo thuyền chiến của giặc do Ô Mã Nhi chỉ huy đã bị tiêu diệt, Ô Mã Nhi bị bắt sống. Cùng lúc đó, đạo bộ binh do Thoát Hoan chỉ huy cũng bị truy đuổi và khó khăn lắm mới về được nước. 

- Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 đi vào lịch sử như một kì tích vĩ đại, không chỉ đánh dấu sự thất bại của cuộc xâm lược lần thứ ba của quân Nguyên mà còn chấm dứt hoàn toàn cuộc kháng chiến chống xâm lược Mông – Nguyên của quân dân nhà Trần. 

Câu 2: Vì sao cả ba lần kháng chiến chống quân xâm lược Mông–Nguyên thời Trần quân và dân ta đều giành thắng lợi? 

Trả lời: 

- Nhờ lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết, ý chí độc lập tự chủ và quyết tâm đánh giặc của quân dân Đại Việt. 

- Nhờ kế sách đánh giặc đúng đắn và sáng tạo: chủ động chuẩn bị kháng chiến, tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu của kẻ thù,... 

- Nhờ sự lãnh đạo, chỉ huy tài ba của vua Trần Thái Tông, Thượng hoàng Trần Thánh Tông, vua Trần Nhân Tông và các tướng lĩnh như Trần Thủ Độ, Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải,... 

- Công cuộc chuẩn bị kháng chiến chu đáo, toàn diện. Nổi lên hai Hội nghị Bình Than và Diên Hỏng với mục tiêu: đoàn kết đánh giặc, bảo vệ Tổ quốc. 

  • Cả ba lần lần kháng chiến chống quân xâm lược Mông–Nguyên thời Trần quân và dân ta đều giành thắng lợi

Câu 3: Trình bày ý nghĩa thắng lợi của ba lần kháng chiến chống quân xâm lược Mông–Nguyên thời Trần.

Trả lời: 

- Đã đập tan tham vọng và ý chí xâm lược của quân Mông – Nguyên, bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc. 

- Đánh bại một đế chế hùng mạnh nhất thế giới thời bấy giờ, viết nên trang sử chống ngoại xâm hào hùng của dân tộc, đóng góp vào truyền thống và nghệ thuật quân sự Việt Nam. 

- Ngăn chặn ý đỏ của nhà Nguyên trong việc xâm lược đối với Nhật Bản và các nước ở Đông Nam Á, góp phần làm suy yếu đế chế Mông – Nguyên. 

- Để lại những bài học kinh nghiệm quý giá: 

+ Chăm lo sức dân “khoan thư sức dân” để làm kế sâu rễ bền gốc. 

+ Củng cố khối đoàn kết toàn dân tộc. 

+ Phát huy sức mạnh toàn dân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

IV. VẬN DỤNG CAO

Câu 1: Trong ba lần kháng chiến chống quân xâm lược Mông–Nguyên, nhà Trần đã thực hiện hai kế sach tiêu biểu nào? Trình bày kế hoạch thực hiện hai kế sách đó?

Trả lời:

- Nhà Trần đã thực hiện hai kế sach tiêu biểu: 

+ Kế sách “vườn không nhà trống”

+ Kế sách tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu

- Kế hoạch thực hiện hai kế sách:

  • Thực hiện kế sách “vườn không nhà trống” để đẩy giặc vào thế khó khăn:

- Trong cuộc kháng chiến lần thứ nhất năm 1258, khi quân Mông Cổ tiến vào Đại Việt. Vua Trần Thái Tông chỉ huy trận đánh ở Bình Lệ Nguyên. Trước thế giặc mạnh, nhà Trần thi hành kế sách “vườn không nhà trống, dịch chiếm được thành Thăng Long gặp nhiều khó khăn. 

- Trong cuộc kháng chiến lần thứ hai năm 1285, khi hơn 50 vạn quân Nguyên tràn vào xâm lược Đại Việt, nhà Trần tiếp tục thực hiện kế sách “vườn không nhà trống” 

- Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ ba năm 1288, khi quân Nguyên chiếm Thăng Long vẫn trúng kế sách “vườn không nhà trống” của nhà Trần. 

- Ba lần thực thực hiện kế sách “vườn không nhà trống” đã gây cho quân giặc khi chiếm được thành Thăng Long nhưng lại ở trong tình thế thiếu lương thực, bị quân dân nhà Trần cô lập, tinh thần quân giặc nao núng,... Đó là điểm yếu của kẻ xâm lược. 

  • Tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu của kẻ thù. 

- Trong cuộc kháng chiến lần thứ nhất năm 1258, vua Trần Thái Tông trực tiếp chỉ huy trận Bình Lệ Nguyên. Trước thế giặc mạnh, quân ta tạm rút lui để bảo toàn lực lượng. Đến khi giặc lâm vào tình cảnh khó khăn, nhà Trần mở cuộc phản công quyết định vào Đông Bộ Đầu. Quân Mông Cổ thua trận, rút khỏi Thăng Long. 

- Trong cuộc kháng chiến lần thứ hai năm 1285, khi quân Nguyên ở Thăng Long chờ viện binh, quân Trần tổ chức phản công, đánh bại quân giặc Tây Kết, Hàm Tử, Chương Dương rồi tiến vào giải phóng Thăng Long. 

- Trong cuộc kháng chiến lần thứ ba năm 1288, khi quân Nguyên lâm vào hoàn cảnh khó khăn bởi kế sách “vườn không nhà trống” lần thứ ba của nhà Trần. Quân Nguyên quyết định rút quân về nước, nhà Trần tổ chức phản công tại vùng cửa sông Bạch Đằng. Quân Nguyên bị tiêu diệt, Ô Mã Nhi bị bắt sống. 

Câu 2: Hãy cho biết các địa danh gắn với ba lần kháng chiến chống quân xâm lược Mông – Nguyên 

Trả lời:

Địa danh 

Chiến công của quân nhà Trần

1. Thăng Long 

Nơi ba lần nhà Trần thực hiệ kế sách “vườn không nhà trống” làm cho địch rơi vào tình cảnh khó khăn, lúng túng vì thiếu lương thực và luôn ở trong | trạng thái bị động khi đối phó với quân dân nhà Trần, 

2. Đông Bộ Đầu 

Trước tình cảnh khó khăn của quân Mông Cổ, nhà Trần mở cuộc phản công quyết định ở Đông Bộ Đầu (Hà Nội ngày nay). Quân Mông Cổ thua trận phải rút khỏi Thăng Long. 

3. Tây Kết, Hàm Tử,Chương Dương 

Trong cuộc kháng chiến năm 1285, quân Trần tổ chức phản công đánh bại quân Nguyên ở nhiều nơi như Tây Kết (Hà Nội), Hàm Tử (Hưng Yên), Chương Dương (Hà Nội), tiến vào giải phóng Thăng Long. Quân Nguyên phải chạy về nước. 

4. Vân Đồn – Cửa Lục

Trần Khánh Dư chỉ huy quân phục kích đoàn thuyền lương của quân Nguyên giành thắng lợi ở Vân Đồn – Cửa Lục (Quảng Ninh). 

5. Sông Bạch Đằng 

Nơi diễn ra trận đánh cuối cùng, quyết định số phận xâm lược của quân Nguyên khi chúng rút quân về nước. Nhà Trần bố trí trận địa mai phục ở cửa sông Bạch Đằng và cho đóng cọc dưới lòng sông. Khi đoàn thuyền do Ô Mã Nhi chỉ huy tiến gần đến khu vực sông Bạch Đằng, quân Trần bất ngờ tấn công, buộc Ô Mã Nhi phải cho quân rút theo đường dẫn đến bài cọc. Khi nước triều rút nhanh, quân nhà Trần đổ ra đánh quyết liệt, quân Nguyên bị tiêu diệt, Ô Mã Nhi bị bắt sống. 

Câu 3: Chỉ ra sự khác nhau giữa hai cuộc kháng chiến chống Tống thời Lý và chống Mông – Nguyên thời Trần?

Trả lời:

- Sự khác nhau giữa hai cuộc kháng chiến chống Tống thời Lý và chống Mông – Nguyên thời Trần:

+ Cuộc kháng chiến chống Tống thời Lý người chỉ huy không phải là vua mà là Thái úy Lý Thường Kiệt. Còn cuộc kháng chiến chống Mông – Nguyên thời Trần gắn liền với tên tuổi của các vua Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông cùng các tướng lĩnh khác. 

+ Trong cuộc kháng chiến chống Tống, Lý Thường Kiệt sử dụng nghệ thuật “Tiến công trước để tự vệ, đánh ngay vào âm mưu xâm lược của kẻ thù chứ không ngồi yên đợi giặc. Còn trong kháng chiến chống Mông – Nguyên, các vua nhà Trần lúc đầu thực hiện “vườn không nhà trống” gây cho địch nhiều khó khăn rồi mới đánh. + Trong cuộc kháng chiến chống Tống, Lý Thường Kiệt sử dụng cách đánh cả về tinh thần làm cho địch hoang mang rồi đánh phủ dầu, sau đó dung kế sách “giảng hòa” để quân Tống rút về nước, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến. Còn trong cuộc kháng chiến chống Mông – Nguyên, do kẻ thù rất mạnh nên quân dân nhà Trần sử dụng cách đánh lâu dài, làm cho địch ngày càng suy yếu, sau đó đánh đòn quyết định giành thắng lợi cuối cùng. 

Thông tin tải tài liệu:

Phía trên chỉ là 1 phần, tài liệu khi tải về là file word, có nhiều hơn + đầy đủ đáp án. Xem và tải: Câu hỏi tự luận lịch sử 7 kết nối tri thức - Tại đây

Tài liệu khác

Tài liệu của bạn

Tài liệu môn khác

Tài liệu mới cập nhật

Chat hỗ trợ
Chat ngay