Câu hỏi tự luận Lịch sử 8 Cánh diều bài 16: Việt Nam nửa sau thế kỉ XIX
Bộ câu hỏi tự luận Lịch sử 8 Cánh diều. Câu hỏi và bài tập tự luận Lịch sử 8 Cánh diều bài 16: Việt Nam nửa sau thế kỉ XIX. Bộ tài liệu tự luận này có 4 mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Phần tự luận này sẽ giúp học sinh hiểu sâu, sát hơn về môn học Lịch sử 8 Cánh diều.
Xem: => Giáo án lịch sử 8 cánh diều
BÀI 16: VIỆT NAM NỬA SAU THẾ KỈ XIX
(29 câu)
- NHẬN BIẾT (12 câu)
Câu 1: Em hãy cho biết nguyên nhân nào khiến thực dân Pháp xâm lược Việt Nam từ năm 1858 đến năm 1874.
Trả lời:
Nguyên nhân khiến thực dân Pháp xâm lược Việt Nam từ năm 1858 đến năm 1874 là:
- Giữa thế kỉ XIX, nền kinh tế tư bản chủ nghĩa ở các nước phương Tây phát triển mạnh.
- Nhu cầu về thị trường, nguyên liệu và nhân lực khiến các nước này đẩy mạnh việc xâm chiếm các nước phương Đông.
- Lợi dụng các mối quan hệ đã có từ trước, lấy cớ bảo vệ đạo Gia-tô (Công giáo), thực
dân Pháp đưa quân xâm lược Việt Nam.
Câu 2: Nêu những nét chính về quá trình thực dân Pháp xâm lược Việt Nam và cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta từ năm 1858 đến năm 1862.
Trả lời:
Những nét chính về quá trình thực dân Pháp xâm lược Việt Nam và cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta từ năm 1858 đến năm 1862:
- Ngày 1/9/1858, liên quân Pháp – Tây Ban Nha mở cuộc tấn công Đà Nẵng, âm mưu biến nơi đây làm bàn đạp tiến công ra Huế, nhanh chóng buộc nhà Nguyễn đầu hàng.
à Dưới sự chỉ huy của Nguyễn Tri Phương, quân dân Đà Nẵng kháng cự quyết liệt, bước đầu làm thất bại âm mưu “đánh nhanh thắng nhanh” của Pháp.
- Tháng 2/1859, quân Pháp kéo vào Nam, chiếm thành Gia Định, đánh rộng ra.
à Quân triều đình chống cự yếu ớt, tan rã. Nhân dân địa phương tự nổi lên đánh giặc.
- Năm 1860, thực dân Pháp giữ lại 1 000 quân canh giữ phòng tuyến ở Gia Định.
à Nguyễn Tri Phương chỉ huy quân dân, xây dựng Đại đồn Chí Hòa và tổ chức phòng thủ.
- Năm 1861: Đại quân Pháp mở cuộc tấn công Đại đồn Chí Hòa, mở rộng đánh chiếm Gia Định.
à Quân triều đình kháng cự quyết liệt nhưng không cản được giặc. Phong trào kháng chiến của nhân dân vẫn tiếp diễn sôi nổi. Nghĩa quân của Nguyễn Trung Trực đã đốt cháy chiếc tàu Ét-pê-răng (Hi Vọng) của quân Pháp.
- Ngày 24/2/1862: quân Pháp lần lượt chiếm các tỉnh Gia Định, Định Tường, Biên Hòa, Vĩnh Long.
à Triều đình Nguyễn kí với Pháp Hiệp ước Nhâm Tuất.
Câu 3: Nêu khái quát cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Nam Kì từ năm 1862 đến năm 1874.
Trả lời:
Khái quát về cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Nam Kì từ năm 1862 đến năm 1874:
- Triều đình Huế tập trung lực lượng đàn áp các cuộc khởi nghĩa của nông dân ở Bắc Kì và Trung Kì, ngăn cản phong trào kháng chiến của nhân dân ở Nam Kì.
à Năm 1867, thực dân Pháp đánh chiếm ba tỉnh miền Tây Nam Kì, cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân vẫn tiếp diễn ngày càng mạnh mẽ.
- Nguyễn Trung Trực lãnh đạo nghĩa quân từ căn cứ Hòn Chông vượt biển tập kích đồn Kiên Giang.
- Trương Định lãnh đạo nghĩa quân lập căn cứ Gò Công, Tân Phước, anh dũng chiến đấu chống giặc.
- Một số nhà nho dùng văn thơ lên án tội ác của giặc, chế giễu bọn tay sai bán nước, ca ngợi gương chiến đấu hi sinh của nghĩa quân.
- Ở miền Đông, phong trào kháng chiến tiếp tục bùng nổ trở lại. Nguyễn Hữu Huân bị bắt đi đày, sau đó mới được thả về lại đứng lên chống Pháp.
Câu 4: Nêu quá trình thực dân Pháp xâm lược Bắc Kì lần thứ nhất và cuộc chiến đấu của quân dân ta.
Trả lời:
Quá trình thực dân Pháp xâm lược Bắc Kì lần thứ nhất và cuộc chiến đấu của quân dân ta:
- Cuối năm 1873, thực dân Pháp cử Ph. Gác-ni-ê đưa quân ra Bắc, dùng vũ lực chiếm thành Hà Nội.
- Tổng đốc Nguyễn Tri Phương chỉ huy binh sĩ anh dũng chống cự.
- Ph. Gác-ni-ê cho quân mở rộng đánh chiếm nhiều tỉnh thành vùng đồng bằng sông
Hồng. Quân dân ta ở khắp nơi đã nổi lên kháng chiến.
- Ngày 20 - 11, quân Pháp tiến lên Sơn Tây, qua khu vực Cầu Giấy. Chiến thắng tại đây đã cổ vũ tinh thần chiến đấu của quân dân ta, làm quân Pháp hoang mang, dao động.
- Năm 1874, triều đình Huế lại kí với Pháp bản Hiệp ước Giáp Tuất, thừa nhận chủ quyền của Pháp ở cả sáu tỉnh Nam Kì và nhiều điều khoản bất lợi khác.
Câu 5: Nêu những sự kiện chính về quá trình Pháp đánh chiếm Bắc Kì lần thứ hai và cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta ở Bắc Kì.
Trả lời:
Những sự kiện chính về quá trình Pháp đánh chiếm Bắc Kì lần thứ hai và cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta ở Bắc Kì:
- Tháng 4 - 1882, quân Pháp do H. Ri-vi-e cầm đầu đã đổ bộ lên Hà Nội, gửi tối hậu thư cho Tổng đốc Hà Nội là Hoàng Diệu, buộc ông phải giao thành.
- Năm 1882:
+ Ngày 3/4: quân Pháp chiếm thành Hà Nội.
à Quân ta chống trả nhưng thất bại. Triều đình lo sợ, cử người đi cầu cứu nhà Thành.
+ Quân Pháp đánh chiếm Hồng Gai, Quảng Yên, Nam Định,….
à Quân triều đình tan rã. Nhân dân yêu nước vẫn kiên cường chiến đấu.
- Năm 1883:
+ Ngày 19/5: Ri-vi-e chỉ huy đánh ra Cầu Giấy.
à Quân ta tổ chức phục kích, tiêu diệt H. Ri-vi-e và nhiều lính Pháp. Chiến thắng gây được tiếng vang lớn. Triều đình Huế vẫn nuôi ảo tưởng quân Pháp sẽ trả lại thành Hà Nội.
+ Ngày 18/8: quân Pháp tấn công Thuận An.
à Triều đình kí với đại diện của Pháp Hiệp ước Hác-măng do Pháp thảo sẵn. Cuộc chiến đấu chống Pháp của nhân dân ta vẫn tiếp diễn ở các tỉnh Bắc Kì.
Câu 6: Những bản điều trần, đề nghị cải cách của tầng lớp văn thân, sĩ phu Việt Nam gửi lên triều đình Huế ra đời trong hoàn cảnh nào?
Trả lời:
Hoàn cảnh ra đời của những bản điều trần, đề nghị cải cách của tầng lớp văn thân, sĩ phu Việt Nam gửi lên triều đình Huế: chế độ phong kiến đang lâm vào khủng hoảng, lại phải tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
à Tầng lớp văn thân, sĩ phu Việt Nam có điều kiện tham khảo kinh nghiệm của nước ngoài đã mạnh dạn gửi lên triều đình Huế những bản điều trần, đề nghị cải cách.
Câu 7: Trình bày nội dung một số bản điều trần, đề nghị cải cách của tầng lớp văn thân, sĩ phu Việt Nam.
Trả lời:
Nội dung một số bản điều trần, đề nghị cải cách của tầng lớp văn thân, sĩ phu Việt Nam:
- Nguyễn Trường Tộ: đề nghị chấn chỉnh bộ máy quan lại, phát triển công thương, tài chính, chỉnh đốn võ bị, ngoại giao, cải tổ giáo dục.
- Trần Đình Túc, Nguyễn Huy Tế, Đinh Văn Điền: đề nghị mở cửa biển Trà Lý, đẩy mạnh khai hoang, khai mỏ, mở mang thương nghiệp, củng cố quốc phòng.
- Viện Thương Bạc: đề nghị mở ba cửa biển miền Bắc và miền Trung, phát triển ngoại thương.
- Nguyễn Lộ Trạch: đề nghị chấn hưng dân khí, khai thông dân trí, bảo vệ đất nước.
Câu 8: Những bản điều trần, đề nghị cải cách của tầng lớp văn thân, sĩ phu Việt Nam gửi lên triều đình Huế có được thực hiện không? Ý nghĩa của việc làm đó là gì?
Trả lời:
- Những đề nghị cải cách vì nhiều lí do (thiếu cơ sở kinh tế, xã hội lại vấp phải tưtưởng bảo thủ của cả triều đình và nhân dân,...) nên đã không được thực hiện, hoặc chỉ thực hiện một phần rất nhỏ.
- Tư tưởng cải cách nửa sau thế kỉ XIX đã phản ánh sự tiến bộ trong nhận thức mới của người Việt Nam, góp phần chuẩn bị tiền đề về tư tưởng cho sự ra đời phong trào Duy tân đầu thế kỉ XX.
Câu 9: Lập và hoàn thành bảng hệ thống (theo gợi ý dưới đây) về quá trình thực dân Pháp xâm lược Việt Nam và cuộc kháng chiến chống xâm lược của nhân dân ta (1858 – 1884).
Giai đoạn | Quá trình thực dân Pháp xâm lược | Thái độ và đối sách của triều đình Huế | Thái độ và hành động của nhân dân | Kết quả, ý nghĩa |
1858 - 1873 | ||||
1873 - 1884 |
Trả lời:
Giai đoạn | Quá trình thực dân Pháp xâm lược | Thái độ và đối sách của triều đình Huế | Thái độ và hành động của nhân dân | Kết quả, ý nghĩa |
1858 - 1873 | Ngày 1-9-1858, liên quân Pháp - Tây Ban Nha nổ súng tiến công Đà Nẵng, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta. | Quân Đà Nẵng dưới sự chỉ huy của Nguyễn Tri Phương kháng cự quyết liệt. | Nhân dân tích cực tham gia chiến đấu cùng quân triều đình. | Bước đầu làm thất bại âm mưu “đánh nhanh thắng nhanh” của Pháp. |
Tháng 2/1859, quân Pháp kéo vào Nam, chiếm thành Gia Định, rồi đánh rộng ra | Quân triều đình chống cự yếu ớt rồi tan rã. | Nhân dân địa phương đã tự động nổi lên đánh giặc. | ||
Năm 1860, Thực dân Pháp chỉ để lại khoảng 1000 quân làm nhiệm vụ canh giữ phòng tuyến dài khoảng 10km ở Gia Định. | Nguyễn Tri Phương chỉ huy quân dân, xây dựng Đại đồn Chí Hòa và tổ chức phòng thủ. | |||
Năm 1861, Đại quân Pháp tập trung mở cuộc tấn công Đại đồn Chí Hòa và mở rộng đánh chiếm Gia Định. | Quân triều đình kháng cự quyết liệt nhưng không cản được giặc. Đại đồn Chí Hòa thất thủ. | Phong trào kháng chiến của nhân dân vẫn tiếp diễn sôi nổi. Nghĩa quân của Nguyễn Trung Trực đã đốt cháy tàu Ét-pê-răng của Pháp (12/1861) | ||
Ngày 24/2/1862, đại quân Pháp lần lượt chiếm các tỉnh Gia Định, Định Tường, Biên Hòa, Vĩnh Long. | Triều đình Nguyễn kí với Pháp Hiệp ước Nhâm Tuất. | Triều đình chính thức đầu hàng Pháp. - Triều đình Nguyễn từ bỏ trách nhiệm tổ chức và lãnh đạo kháng chiến chống Pháp đồng thời cũng thể hiện ý thức vì lợi ích riêng của triều đình phong kiến nên đã phản bội một phần lợi ích dân tộc. - Làm mất 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ. | ||
1873 - 1884 | - Tháng 11/1873, Gác-ni-ê đem quân tới Hà Nội - Ngày 19/11/1873, Gác-ni-ê gửi tối hậu thư cho Nguyễn Tri Phương (Tổng đốc thành Hà Nội) yêu cầu giải tán quân đội, nộp vũ khí và cho Pháp đóng quân trong nội thành. - Ngày 20/11/1873, Pháp chiếm thành; sau đó mở rộng đánh chiếm Hưng Yên, Phủ Lí, Hải Dương, Ninh Bình, Nam Định. - Pháp hoang mang tìm cách thương lượng với triều Huế kí Hiệp ước 1874 (Hiệp ước Giáp Tuất). | Quân triều đình nhanh chóng tan rã nhưng nhân dân tiếp tục chiến đấu quyết liệt, buộc Pháp phải rút về các tỉnh lị cố thủ. | - 100 binh lính đã chiến đấu và anh dũng hi sinh tại ô Quan Chưởng. - Tổng đốc Nguyễn Tri Phương chỉ huy quân sĩ chiến đấu. - Trận đánh gây tiếng vang lớn là trận Cầu Giấy (21/12/1873), Gác-ni-ê tử trận. | - Hiệp ước Giáp Tuất cho thấy sự yếu đuối, bất lực của Triều đình Huế. - Hiệp ước Giáp Tuất đã biến nước ra thành một nửa thuộc địa của Pháp. - Tạo ra cơ hội để Pháp đè đầu cưỡi cổ nhân dân ta, xâm lược và bành tránh thể hiện sự ngang ngược và hống hách của mình. Mở đường cho sự xâm lược của Pháp đối với nước ra trong những năm sau này. |
3/4/1882: quân Pháp chiếm thành Hà Nội, tỏa đi đánh chiếm Hồng Gai, Quảng Yên, Nam Định và nhiều tỉnh thành khác. | - Triều đình lo sợ, cử người đi cầu cứu nhà Thanh - Quân triều đình hầu như tan rã; | - Quân ta anh dũng chống trả nhưng thất bại. - Những người dân yêu nước vẫn kiên cường chiến đấu. | ||
19/5/1883: một cánh quân Pháp do H. Ri-vi-e chỉ huy đánh ra Cầu Giấy. | Quân ta tổ chức phục kích, tiêu diệt H. Ri-vi-e và nhiều lính Pháp. | Chiến thắng Cầu Giấy lắn thứ hai gây được tiếng vang lớn, cổ vũ tinh thần chiến đấu của quân dân ta. | ||
Chiều 18/8/1883: Pháp mở cuộc tấn công Thuận An. | Triều đình hoảng hốt cử người tới điều đình và đã kí với đại diện của Pháp Hiệp ước Hác-măng do Pháp thảo sẵn. | Cuộc chiến đấu chống Pháp của nhân dân ta vẫn tiếp diễn ở các tỉnh Bắc Kì. | Nước ta mất độc lập, tự chủ. | |
Ngày 6/6/1884: Pháp kí với triều Nguyễn Hiệp ước Pa-tơ-nốt, chính thức áp đặt quyền bảo hộ của Pháp ở Việt Nam. | Triều đình Huế hoàn toàn đầu hàng thực dân Pháp. | Nhân dân vẫn tiếp tục nổi dậy kháng Pháp ở khắp nơi. | Chấm dứt sự tồn tại của triều đại phong kiến nhà Nguyễn với tư cách là một quốc gia độc lập, thay vào đó chế đọ thuộc địa nửa phong kiến, kéo dài đến cách mạng tháng Tám năm 1945. |
Câu 10: Hãy cho biết nguyên nhân bùng nổ của phong trào Cần vương cuối thế kỉ XIX.
Trả lời:
Nguyên nhân bùng nổ của phong trào Cần vương cuối thế kỉ XIX:
- Với Hiệp ước Pa-tơ-nốt, thực dân Pháp về cơ bản đã hoàn thành quá trình xâm lược nước ta. Một bộ phận quan lại trong triều đình Huế, đứng đầu là Tôn Thất Thuyết, được sự ủng hộ của đông đảo nhân dân và quan lại các tỉnh thành, vẫn nêu cao y chí chống Pháp, giành lại độc lập dân tộc.
- Sau cuộc phản công quân Pháp ở kinh thành Huế của phái chủ chiến bất thành, Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi rời khỏi kinh thành ra Tân Sở (Quảng Trị).
à Lấy danh nghĩa vua Hàm Nghi, Tôn Thất Thuyết ban bố Dụ Cần vương, kêu gọi các văn thân, sĩ phu và nhân dân cả nước giúp vua cứu nước.
=> Phong trào Cần vương bùng nổ, kéo dài đến cuối thế kỉ XIX.
Câu 11: Trình bày một số cuộc khởi nghĩa tiêu biểu trong phong trào Cần vương cuối thế kỉ XIX.
Trả lời:
Một số cuộc khởi nghĩa tiêu biểu trong phong trào Cần vương cuối thế kỉ XIX:
- Khởi nghĩa Bãi Sậy (1883 - 1892)
+ Địa bàn chính của cuộc khởi nghĩa là vùng Bãi Sây.
+ Nguyễn Thiện Thuật chỉ huy nghĩa quân xây dựng căn cứ, triệt để áp dụng chiến thuật du kích để đánh địch. Sau những trận chống càn liên tiếp, lực lượng nghĩa quân suy yếu dần, bị bao vây, cô lập.
+ Đến cuối năm 1892, khởi nghĩa thất bại.
- Khởi nghĩa Hương Khê (1885 - 1896): Địa bàn hoạt động của nghĩa quân gồm các huyện miền Tây Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Lãnh đạo cao nhất của cuộc khởi nghĩa là Phan Đình Phùng, cùng các tướng lĩnh tài ba, tiêu biểu là Cao Thắng.
+ Từ năm 1885 đến năm 1888 (giai đoạn xây dựng lực lượng và căn cứ chiến đấu): nghĩa quân được tổ chức quy củ, chế tạo thành công súng trường theo mẫu của Pháp.
+ Từ năm 1888 đến năm 1896 (giai đoạn chiến đấu quyết liệt): với sự chỉ huy thống nhất và tương đối chặt chẽ, đã đẩy lui nhiều cuộc hành quân càn quét của địch.
à Tuy thất bại nhưng đây là cuộc khởi nghĩa tiêu biểu nhất trong phong trào Cần vương.
- Khởi nghĩa Ba Đình (1886 – 1887):
+ Căn cứ chính của cuộc khởi nghĩa thuộc huyện Nga Sơn (tỉnh Thanh Hoá).
+ Lãnh đạo chủ chốt là Phạm Bành và Đinh Công Tráng.
+ Nghĩa quân gồm cả người Kinh, người Mường, người Thái tham gia.
+ Tháng 1 - 1887, Pháp mở cuộc tấn công quy mô vào căn cứ. Bị tốn thất nặng, nghĩa quân phải rút lên Mã Cao (miền Tây Thanh Hoá) chiến đấu thêm một thời gian nữa rồi tan rã.
Câu 12: Trình bày diễn biến chính của khởi nghĩa nông dân Yên Thế.
Trả lời:
Diễn biến chính của khởi nghĩa nông dân Yên Thế:
- Năm 1884: khởi nghĩa nông dân tại Yên Thế (Bắc Giang) bùng nổ dưới sự lãnh đạo của Hoàng Hoa Thám với mục tiêu chủ yếu là giữ đất, giữ làng, bảo vệ cuộc sống tự do.
- Nghĩa quân đã đánh bại nhiều trận càn của quân Pháp vào căn cứ của cuộc khởi nghĩa.
- Sau các lần giảng hoà, thực dân Pháp lại mở cuộc vây ráp quy mô (từ đầu năm 1909),
quyết dập tắt cuộc khởi nghĩa. Nghĩa quân bị thiệt hại nặng.
- Tháng 2 - 1913, Hoàng Hoa Thám bị tay sai Pháp giết hại. Khởi nghĩa suy yếu rồi tan rã.
à Là cuộc khởi nghĩa nông dân chống xâm lược lớn nhất ở Việt Nam thời kì cận đại.
- THÔNG HIỂU (7 câu)
Câu 1: Đoạn tư liệu dưới đây cho em biết điều gì về hậu quả của Hiệp ước Nhâm Tuất đối với nền độc lập dân tộc?
“Hiệp ước Nhâm Tuất thừa nhận việc cai quản của Pháp ở ba tỉnh miền Đông Nam Kì và đảo Côn Lôn; bồi thường cho Pháp 20 triệu phrăng (ước tính bằng 280 vạn lạng bạc),... Pháp sẽ “trả lại” tỉnh Vĩnh Long khi nào triểu đình buộc dân chúng ngừng chống Pháp”.
(Theo Đinh Xuân Lâm (Chủ biên), Đại cương Lịch sử Việt Nam,
Tập II, NXB Giáo dục Việt Nam, 2015, tr. 26)
Trả lời:
Hiệp nước Nhâm Tuất đe dọa nghiêm trọng nền độc lập dân tộc, vi phạm chủ quyền lãnh thổ của đất nước. Hiệp ước này cho thấy sự chính thức đầu hàng Pháp của triều đình Nguyễn, làm mất 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ, khiến nhân dân ta phải chịu nhiều thiệt thòi.
Câu 2: Đoạn tư liệu dưới đây, em đánh giá thế nào về việc triều đình Huế kí Hiệp ước Giáp Tuất với Pháp?
“Với Hiệp ước Giáp Tuất, tuy phải trả lại Hà Nội nhưng Pháp đã đặt được cơ sở chính trị, kinh tế, quân sự khắp các nơi quan trọng ở Bắc Kì. Hiệp ước năm 1874 báo trước thực dân Pháp nhất định quay trở lại chiếm hẳn Hà Nội khi có thời cơ tới”.
(Theo Đinh Xuân Lâm (Chủ biên), Đại cương Lịch sử Việt Nam, Tập II, Sđd, tr. 44)
Trả lời:
Việc triều đình Huế kí Hiệp ước Giáp Tuất với Pháp cho thấy sự hoang mang và dao động vô căn cứ của triều đình, dẫn đến những việc làm ngu ngốc và tội lỗi với nhân dân ta. Với nội dung của hiệp ước này, triều đình Huế đã tiếp tục phản bội lợi ích dân tộc, lợi ích của nhân dân, đồng thời lại tạo đà cho quân Pháp có cơ hội lấn tới trên con đường xâm lược nước ta.
Câu 3: Qua việc kí kết các Hiệp ước Giáp Tuất, Hác-măng và Pa-tơ-nốt, em đánh giá thế nào về thái độ của triều đình nhà Nguyễn trước cuộc tấn công xâm lược của thực dân Pháp?
Trả lời:
Việc kí kết hiệp ước Giáp Tuất, Hác-măng và Pa-tơ-nốt cho thấy sự yếu đuối, bất lực, bạc nhược của Triều đình Huế, không lãnh đạo quần chúng nhân dân đấu tranh chống lại kẻ thù xâm lược mà nhanh chóng đầu hàng Pháp. Các bản Hiệp ước này đã từng bước đặt dấu chấm hết cho triều đại phong kiến Việt Nam với tư cách là một quốc gia độc lập, thay vào đó là chế độ thuộc địa nửa phong kiến, đặt Việt Nam trước ách đô hộ của thực dân Pháp.
Câu 4: Theo em, tại sao gọi là “phong trào Cần vương”? Nêu điểm chung của các cuộc khởi nghĩa trong phong trào Cần vương.
Trả lời:
- Gọi là “phong trào Cần vương” vì:
+ “Cần Vương” là giúp vua, mang nghĩa là phò vua giúp nước.
+ Phong trào Cần Vương thực chất là tập hợp hệ thống các cuộc khởi nghĩa vũ trang khắp cả nước từ năm 1885 đến năm 1896 với sự hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi.
- Đặc điểm chung của các phong trào Cần vương:
+ Phạm vi hoạt động: rộng lớn, diễn ra trên phạm vi cả nước, chủ yếu là Trung, Bắc Kì, về sau chuyển về vùng trung du, miền núi.
+ Lãnh đạo: gồm các văn thân sĩ phu yêu nước.
+ Mục tiêu chung: đánh Pháp, giành lại độc lập dân tộc, bảo vệ chủ quyền đất nước, lập lại chế độ phong kiến.
+ Lực lượng tham gia: các văn thân sĩ phu yêu nước và nông dân, đồng thời có các tộc người thiểu số.
+ Hình thức đấu tranh: khởi nghĩa vũ trang.
+ Kết quả: phong trào kéo dài hơn 10 năm, gây cho địch nhiều thiệt hại nhưng cuối cùng đã thất bại.
=> Đây là phong trào yêu nước trên lập trường phong kiến.
Câu 5: Nêu nhận xét của em về phong trào Cần Vương chống Pháp cuối thế kỉ XIX.
Trả lời:
Nhận xét về phong trào Cần vương chống Pháp cuối thế kỉ XIX:
- Phong trào Cần vương là một trong những phong trào giải phóng dân tộc xuất hiện sớm trong thời kỳ đầu thực dân Pháp xâm lược nước ta. Phong trào bắt đầu từ năm 1885 và kết thúc vào năm 1896.
- Dù thất bại nhưng phong trào đã gây cho Pháp tổn thất nặng nề, làm chậm bước tiến trong âm mưu bình định. Đồng thời, để lại nhiều bài học kinh nghiệm về xây dựng lực lượng, về chiến tranh du kích, về tổ chức đấu tranh cho phong trào giải phóng dân tộc sau này.
Câu 6: Theo em, cuộc khởi nghĩa nào là tiêu biểu nhất trong phong trào Cần vương? Vì sao?
Trả lời:
Khởi nghĩa Hương Khê là cuộc khởi nghĩa tiêu biểu nhất trong phong trào Cần Vương:
- Quy mô, địa bàn hoạt động rộng lớn, gồm 4 tỉnh bắc Trung Kì: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình.
- Trình độ tổ chức quy củ: gồm 15 quân thứ, mỗi quân thứ có từ 100 đến 500 người do các tướng lĩnh tài ba chỉ huy.
- Thời gian tồn tại dài nhất, 11 năm từ năm 1885 đến năm 1896.
- Khởi nghĩa thất bại đánh dấu mốc kết thúc của phong trào đấu tranh chống Pháp dưới ngọn cờ Cần Vương.
Câu 7: Cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế có điểm gì giống và khác nhau so với các cuộc khởi nghĩa trong phong trào Cần vương?
Trả lời:
- Điểm giống nhau giữa cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế với các cuộc khởi nghĩa trong phong trào Cần vương:
+ Đều là phong trào yêu nước có sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.
+ Đều bị thất bại.
- Điểm khác nhau giữa cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế với các các cuộc khởi nghĩa trong phong trào Cần vương:
| Phong trào Cần vương | Khởi nghĩa nông dân Yên Thế |
Người lãnh đạo | Các Văn thân sĩ phu yêu nước dưới ngọn cờ Cần Vương. | Nông dân, đứng đầu là Đề Thám (Hoàng Hoa Thám) |
Mục tiêu | Chống Pháp dành lại độc lập dân tộc | Mong muốn xây dựng cuộc sống bình đẳng và sơ khai về kinh tế xã hội. |
Địa bàn hoạt động | Hoạt động rộng khắp Bắc Kỳ và Trung Kỳ | Hoạt động ở vùng núi Yên Thế của tỉnh Bắc Giang |
Tính chất | Là phong trào đấu tranh yêu nước chống Pháp theo khuynh hướng phong kiến | Là phong trào nông dan mang tính tự phát |
Thời gian hoạt động | Phát triển qua 2 giai đoạn và kết thúc sớm hơn phong trào nông dân Yên Thế. | Phát triển qua 3 giai đoạn và kết thúc trước khi chiến tranh thế giới thứ nhất nổ ra. |
- VẬN DỤNG (5 câu)
Câu 1: Trình bày một vài hiểu biết của em về Nguyễn Tri Phương.
Trả lời:
Một số thông tin về Nguyễn Tri Phương:
Nguyễn Tri Phương quê ở huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế), làm quan ở cả ba triểu vua Nguyễn. Ông được giao làm tổng chỉ huy lực lượng chống Pháp ở Đà Nẵng, Gia Định, sau đó được cử làm Kinh lược sứ Bắc Kì, trực tiếp chỉ huy trận chiến đấu ở cửa phía nam thành Hà Nội khi quân Pháp tấn công.
Câu 2: Trình bày một vài hiểu biết của em về Nguyễn Trường Tộ.
Trả lời:
Một số thông tin về Nguyễn Trường Tộ:
Nguyễn Trường Tộ là một trí thức Công giáo yêu nước, quê ở huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Năm 1860, khi có dịp qua Rô-ma và Pa-ri, ông chú ý khảo sát kinh tế và văn hoá phương Tây.
Nguyễn Trường Tộ là một trong những người có tư tưởng canh tân đất nước tiêu biểu nhát Việt Nam cuối thế kỉ XIX. Với lòng yêu nước và vốn hiểu biết sâu rộng. Ông đã đệ trình vua Tự Đức 14 bản điều trần, trong đó có Tế cấp bát điều (Tám điều cấp bách), nêu lên một hệ thống vấn để kinh tế - xã hội. Một số đề nghị cải cách của Nguyễn Trường Tộ đến nay vẫn còn giá trị.
Câu 3: Trình bày một vài hiểu biết của em về Tôn Thất Thuyết.
Trả lời:
Một số thông tin về Tôn Thất Thuyết:
Tôn Thất Thuyết là Thượng thư Bộ Binh, thành viên Hội đồng Phụ chính. Ông ra sức xây dựng lực lượng, tích trữ lương thảo, khí giới, thẳng tay trừng trị những kẻ thân Pháp và đưa Ưng Lịch lên ngôi vua (vua Hàm Nghi).
Câu 4: Trình bày một vài hiểu biết của em về Phan Đình Phùng.
Trả lời:
Một số thông tin về Phan Đình Phùng:
Phan Đình Phùng là lãnh đạo của cuộc khởi nghĩa Hương Khê chống lại thực dân Pháp trong phong trào Cần Vương. Trong thế kỷ XIX, ông là sĩ phu Nho giáo nổi bật nhất tham gia vào các chiến dịch quân sự chống Pháp. Trong thế kỷ XX, sau khi đã qua đời, Phan Đình Phùng vẫn được những người theo chủ nghĩa dân tộc tôn vinh như một vị anh hùng dân tộc. Phan Đình Phùng nổi tiếng với những ý chí và nguyên tắc sắt đá của bản thân – không chịu đầu hàng ngay cả khi quân Pháp quật mồ mả tổ tiên, bắt giữ và dọa giết gia đình.
Câu 5: Trình bày một vài hiểu biết của em về Hoàng Hoa Thám.
Trả lời:
Một số thông tin về Hoàng Hoa Thám:
Hoàng Hoa Thám còn gọi là Đề Dương, Đề Thám (“Đề đốc” Thám) hay Hùm thiêng Yên Thế, là người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Yên Thế chống thực dân Pháp (1885 – 1913).
Hoàng Hoa Thám tham gia khởi nghĩa của Đại Trận (1870–1875), và được gọi là Đề Dương. Khi Pháp đánh Bắc Kỳ lần thứ nhất (tháng 11 năm1873), Hoàng Hoa Thám gia nhập nghĩa binh của Trần Xuân Soạn, lãnh binh Bắc Ninh. Khi Pháp chiếm Bắc Kỳ lần thứ 2 (tháng 4 năm 1882), ông tham gia khởi nghĩa của Cai Kinh (Hoàng Đình Kinh) ở Hữu Lũng (1882–1888). Cuối năm 1885 ông cùng Bá Phức trở lại Yên Thế đứng dưới cờ của Lương Văn Nắm (tức Đề Nắm) và trở thành một tướng lĩnh có tài.
- VẬN DỤNG CAO (5 câu)
Câu 1: Có ý kiến cho rằng “Triều đình nhà Nguyễn phải chịu toàn bộ trách nhiệm trong việc mất nước”. Em có đồng ý với ý kiến này không? Vì sao?
Trả lời:
- Đồng ý với ý kiến.
- Giải thích: Ngay từ khi bắt đầu xâm lược Việt Nam (1858), khả năng đánh bại Pháp dưới sự lãnh đạo của triều đình không phải là không có, mà do chính sách sai lầm của triều đình đã làm cho các khả năng đề kháng và chiến thắng của quân ta ngày càng hao mòn, khiến địch ngày càng lấn lướt, từng bước thôn tính nước ta. Đến khi thất bại trước cuộc vũ trang xâm lược của thực dân Pháp thì triều Nguyễn lại đổ lỗi cho khách quan và lấy việc ký hiệp ước làm lối thoát duy nhất. Trách nhiệm của triều Nguyễn trong việc làm mất nước ta vào tay thực dân Pháp là điều không thể chối cãi được.
Câu 2: Giới thiệu về một nhân vật lịch sử tiêu biểu trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân Việt Nam (1858 – 1884) theo các gợi ý sau:
- Đóng góp/vai trò của nhân vật trong cuộc kháng chiến.
- Địa danh, công trình hiện nay liên quan đến nhân vật mà em biết.
- Bài học mà em học được từ nhân vật.
Trả lời:
Nhân vật lịch sử tiêu biểu: Trương Định.
- Đóng góp trong cuộc kháng chiến:
+ Năm 1861, Pháp tấn công Gia Định lần thứ nhất, Trương Định đem quân phối hợp với binh của tướng Nguyễn Tri Phương phòng giữ chiến tuyến Chí Hòa. Khi Đại đồn Chí Hòa thất thủ, ông lui về Gò Công, cùng Lưu Tiến Thiện, Lê Quang Quyền chiêu binh ứng nghĩa, trấn giữ vùng Gia Định-Định Tường.
+ Ngày 16 tháng 12 năm 1862, Trương Định đã ra lệnh tấn công các vị trí của quân Pháp ở cả ba tỉnh miền Đông Nam Bộ, đẩy Pháp vào tình thế lúng túng, bị động. Về sau, do có chỉ điểm và bị đánh úp, Trương Định đã rút gươm tự sát để bảo toàn khí tiết.
- Địa danh, công trình hiện nay liên quan đến nhân vật: Tượng đài Trương Định ở trung tâm thị xã Gò Công.
- Bài học từ nhân vật: Lòng yêu nước, ý chí chống giặc ngoại xâm, thà chết chứ không chịu khuất phục quân địch.
Câu 3: Từ phong trào Cần vương và khởi nghĩa Yên Thế, em rút ra được bài học gì cho công cuộc đấu tranh giành độc lập sau đó, cũng như công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay?
Trả lời:
Bài học rút ra sau sự thất bại của phong trào Cần Vương:
- Cần hội tụ và tập hợp được nhân dân thành một khối thống nhất, có phương hướng hoạt động cũng như đường lối chiến lược rõ ràng, phù hợp.
- Lấy được sự tin tưởng từ nhân dân, lấy dân làm gốc.
- Tạo dựng được sự đoàn kết, chung sức của nhân dân, không phân biệt vùng miền, tôn giáo.
- Khơi dậy trong quần chúng ý chí quyết tâm chống giặc ngoại xâm.
Câu 4: Kể tên một số địa danh, đường phố,… mang tên người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Yên Thế mà em biết.
Trả lời:
- Ở Việt Nam rất nhiều thành phố như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế, Nha Trang,…. có đường phố mang tên Hoàng Hoa Thám.
- Tên đường phố Đề Thám cũng được đặt ở rất nhiều nơi như Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Thái Bình, Thành phố Cần Thơ, Thành phố Cà Mau và một số địa danh khác.
- Đặc biệt, trường THPT Hoàng Hoa Thám ở Đà Nẵng là trường có bề dày truyền thống trong việc đào tạo học sinh khá giỏi của 2 quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn.
Câu 5: Kể tên một số con đường, trường học, di tích lịch sử,…gắn với tên tuổi các nhà lãnh đạo phong trào chống Pháp trong những năm 1885 – 1896.
Trả lời:
Một số con đường, trường học, di tích lịch sử,…gắn với tên tuổi các nhà lãnh đạo phong trào chống Pháp trong những năm 1885 – 1896:
- Tên phố: Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Tôn Thất Thuyết (Hà Nội),…
- Tên trường học: THPT Phan Đình Phùng, THPT Hoàng Hoa Thám (Hà Nội),…
- Di tích lịch sử: Di tích Nhà thờ và Lăng mộ Đề đốc Lê Trực, di tích Lăng mộ danh tướng Cần Vương Lê Mô Khởi,…
=> Giáo án Lịch sử 8 cánh diều Bài 16: Việt Nam nửa sau thế kỉ XIX